Don Jong Un
Lỗ đýt gợi cảm


KHG Dương Nguyệt Ánh
Đã 50 năm qua kể từ ngày miền Nam rơi vào tay ******** (CS). 50 năm là một thời gian đủ dài để cho những người Việt tha hương xây dựng lại mái nhà và một đời sống sung túc mới bên ngoài quê hương. Nhưng 50 năm vẫn chưa đủ dài và có lẽ sẽ không bao giờ đủ dài để chúng ta quên đi cái tang chung và quên được Việt Nam (VN), hay nói rõ hơn là quên được Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).
Những ngày tháng đầu đặt chân đến Hoa Kỳ (HK) tị nạn, tôi vô cùng ngỡ ngàng khi thấy truyền thông, báo chí, sách vở, phim ảnh và học đường HK mô tả chiến tranh VN khác hẳn với những gì chính tôi và gia đình tôi đã sống qua. Vì thiên tả và phản chiến, họ đã thiếu lương thiện hoặc mù quáng đến nỗi bóp méo sự thật và nhục mạ không chỉ quân đội VNCH mà cả binh sĩ HK của họ. Vì thế quần chúng HK nói riêng và thế giới nói chung có một hiểu biết rất sai lệch về chính nghĩa của miền Nam. Bao nhiêu năm sau khi miền Nam sụp đổ, tôi vẫn mang trong lòng một cái hận. Cái hận nước mất nhà tan chưa đủ, tôi còn mang thêm nỗi uất hận và cảm giác đau đớn bất lực khi thấy chiến sĩ của mình tiếp tục bị hàm oan và sỉ nhục. Những người quân nhân HK thì bị vơ đũa cả nắm là những tên sát nhân phụ nữ và trẻ thơ. Những chiến sĩ VNCH vào sinh ra tử trong đó có anh ruột tôi thì bị vu khống là hèn nhát. Cả quân đội VNCH bị bỏ rơi và cuối cùng bị ra lệnh đầu hàng vào 30 tháng 4 mà tại sao bị đổ tội làm cho mất nước.
Hôm nay, tôi vẫn còn mang trong lòng sự tức giận này nhưng tôi không còn cảm thấy bất lực nữa. Trong khi tôi từ một người tị nạn buồn tủi năm xưa trở thành một công dân HK với đầy tự tin hôm nay thì tôi cũng đã học hỏi và nhận ra được nhiều điều. Tôi nhận ra rằng chính chúng ta phải tự giúp mình, chính chúng ta phải lên tiếng phản bác lại bọn truyền thông thiên tả, phải tự giải oan và không trông chờ vào ai khác. Ở những quốc gia tự do dân chủ như HK, ai cũng có thể lên tiếng tranh đấu hay bênh vực cho bất cứ một điều gì. Ngày nay với những sách báo điện tử và những trang mạng xã hội, truyền thông dòng chính không còn giữ độc quyền hướng dẫn dư luận nữa, và tiếng nói của thiểu số như chúng ta sẽ không sợ bị át giọng, miễn là ta có đủ quyết tâm.
Là thế hệ tị nạn đầu tiên chúng ta đã tạm lo xong chuyện cơm áo, đã thành công rực rỡ trên quê hương mới ở nhiều phương diện, và đã dựng lên những cộng đồng Việt trù phú ở khắp nơi. Bây giờ là lúc chúng ta đủ phương tiện và kinh nghiệm để dồn nỗ lực vào việc trả lại sự thật cho lịch sử. Chính chúng ta phải phục hồi danh dự cho chiến sĩ của mình và chính chúng ta phải giáo dục quần chúng về chiến tranh VN và chính nghĩa của quân dân VNCH, nhất là cho thế hệ con cháu của chúng ta. Với tình trạng thiên tả ở các học đường HK, từ sách vở tài liệu giảng huấn cho đến khuynh hướng chính trị của giáo sư, chính con cháu chúng ta cũng sẽ hiểu biết sai lệch nếu cha mẹ không giải thích.
Hậu quả là con cháu chúng ta không những sẽ không biết hãnh diện mà có thể còn mặc cảm về nguồn gốc VNCH của họ, cho rằng cha ông chỉ là những kẻ thua trận cay cú nên mới chống chính quyền VNCS. Từ đó họ không tha thiết đến việc tìm biết thêm về cái gốc của mình, không tham gia vào sinh hoạt của cộng đồng người Việt quốc gia (CDNVQG), và thờ ơ với những vấn đề liên quan đến sự trường tồn của dân tộc VN. Còn nếu họ có lòng và vẫn quan tâm đến VN thì chính vì họ xa lạ với CDNVQG, họ sẽ dễ nhiễm tuyên truyền và dễ ngả về phía CSVN.
Một trong những chiêu bài bọn tay sai CS ở hải ngoại dùng nhiều nhất là kêu gọi hòa hợp hòa giải và hợp tác với chính quyền VN. Đã gọi là hợp tác tức là phải có một mục đích chung. Mục đích của chúng ta là bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền quốc gia của VN, là tạo tự do, cơm no áo ấm cho người dân VN. Mục đích của họ chỉ là củng cố quyền lực cho đảng và giai cấp tư bản đỏ, bằng mọi giá và bất chấp mọi hậu quả cho dân tộc và tổ quốc VN, như đã được chứng minh bằng những hành động dâng đất dâng biển cho Trung Cộng và ăn cắp tài nguyên quốc gia làm của riêng. Mục đích của họ và của ta không những không thể dung hòa mà còn đối kỵ nhau nên người Việt quốc gia hải ngoại không thể hợp tác hay hòa hợp hòa giải gì với nhà cầm quyền VN được.
30 tháng 4 không thể chỉ là một ngày tang buồn với những hồi tưởng và nước mắt. Khi nhớ đến những cái chết bi hùng của chiến sĩ VNCH và những tai ương đã đổ lên đầu quân dân miền Nam, chúng ta cần có những bước tới tích cực hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, để trả lại sự thật cho lịch sử, để giáo dục tuổi trẻ VN và dư luận thế giới về chiến tranh VN và phục hồi danh dự cho quân dân VNCH.
Tôi xin nhân dịp này bầy tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với những ai đã từng tranh đấu và hy sinh cho chính nghĩa tự do của miền Nam VN, những chiến sĩ đã bỏ mình, và những thưong phế binh đang sống tủi cực ở quê nhà. Nhờ chiến sĩ mà hôm nay tôi được sống tự do và bình an, được có cơ hội để theo đuổi những hoài bão riêng và mưu tìm hạnh phúc cho riêng mình. Tôi mãi mãi không quên ơn chiến sĩ.
Dương Nguyệt Ánh
Tháng 4, 2025