
“Với công nghệ, chúng ta có thể tạo ra giá trị to lớn và khác biệt. Vậy với công nghệ, liệu chúng ta có thể đạt được mức thu nhập đầu người của Việt Nam bằng các nước Bắc Âu?”. Đây là chia sẻ của ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu Kinh tế tư nhân, Chủ tịch HĐQT FPT tại Diễn đàn Phát triển xung lực mới cho quốc gia diễn ra chiều nay (7/5).

Ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu Kinh tế tư nhân, Chủ tịch HĐQT FPT
Theo ông Trương Gia Bình, từ năm đầu tiên đổi mới (năm 1986) đến nay, chúng ta đã nhìn thấy sự phát triển vượt bậc của đất nước, cuộc sống của người dân đã tốt hơn rất nhiều.
Đảng và Nhà nước đang đặt ra nhiều chiến lược để phát triển đất nước trong thời đại mới. Thứ nhất là làm thế nào để thể chế không phải là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn” mà phải tạo được lợi thế cạnh tranh với các nước khác. Làm thế nào để tổ chức bộ máy tinh giản nhất, hiệu quả nhất, hiệu lực nhất. Làm thế nào để đứng đầu các đơn vị là những người tài giỏi nhất, sẵn sàng dấn thân vì cái hạnh phúc của nhân dân, vì sự phồn vinh của đất nước.
Để làm được điều này, phải huy động sức mạnh cả cộng đồng, giải phóng khả năng lao động, sức sáng tạo và phải triển khai trên quy mô cả nước, từ trung ương đến địa phương.
Tuy nhiên, hiện thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn chỉ ở mức 4.700 USD/năm, trong khi nhiều nước láng giềng lên tới con số 30.000 - 40.000 USD/năm.
“Vậy làm sao để thu nhập đầu người của Việt Nam phải bằng các nước Bắc Âu? Chúng ta không thể có thu nhập cao nếu chúng ta không tạo ra những giá trị to lớn và khác biệt với công nghệ. Chúng ta quản trị một cách tốt nhất bằng công nghệ, làm chiến lược tốt nhất bằng công nghệ, triển khai các đề án tốt nhất bằng công nghệ và làm ra những sản phẩm tốt nhất bằng công nghệ. Chúng ta phải tạo ra những sản phẩm công nghệ mà trong đó có rất nhiều trí tuệ của người Việt Nam”, ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.
Đảng đã chỉ ra “bộ tứ chiến lược” như Thủ tướng đã nói: Chúng ta phải tạo ra những thế hệ trẻ có kiến thức, kỹ năng về trí tuệ nhân tạo, phát huy sức mạnh toàn dân - như từng làm trong kháng chiến. Từ trung ương đến địa phương, từ chính quyền đến giới trẻ - tất cả cần cùng nhau đổi mới, dấn thân vì sự phát triển của dân tộc. Thế hệ trẻ, với kỹ năng công nghệ và tư duy sáng tạo, sẽ là lực lượng quyết định giúp Việt Nam vượt qua các thách thức và gia nhập cộng đồng quốc tế.
Nhân lực phục vụ Nghị quyết 57
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh thế giới đang lo lắng trí tuệ nhân tạo sẽ “lấy đi” công việc của nhiều người, Việt Nam cần tạo ra lực lượng lao động toàn cầu, không chỉ giỏi về quản trị, chuyên môn xã hội và cả công nghệ thông tin.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV)
Nhiều chuyên gia cho rằng, trước đây, hệ thống giáo dục Việt Nam chủ yếu đào tạo các môn học cơ bản như toán, lý, hóa, văn, sử, địa, tin học… Tuy nhiên hiện nay, Nghị quyết 57 -NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành năm 2024 đã đặt mục tiêu đào tạo nhân lực phải được cụ thể hóa, gắn với nhiệm vụ cụ thể của đất nước.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) cho rằng, Nghị quyết 57 với tầm nhìn chiến lược về việc sử dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số như đột phá quan trọng để thúc đẩy phát triển đất nước trong kỷ nguyên số. Một trong những mục tiêu cốt lõi của Nghị quyết là phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là lực lượng cán bộ, công chức và nhân viên có khả năng tổ chức và thực thi chuyển đổi số ở quy mô quốc gia.
“Trong bối cảnh mới, yếu tố quyết định chính là con người - đội ngũ đủ năng lực để thực thi. Muốn hiện thực hóa Nghị quyết 57, chúng ta cần xây dựng một lực lượng nhân lực mới – những con người có tư duy đột phá, năng lực đáp ứng những yêu cầu hoàn toàn mới của thời đại”, bà Thủy cho hay.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa) cho rằng Nghị quyết 57-NQ/TW là một cuộc cách mạng mở ra cơ hội phát triển nhân lực khoa học – công nghệ từ sớm.
“Các trường cần đưa những bài toán lớn của doanh nghiệp và quốc gia vào để giúp học sinh định hình vai trò tương lai như kỹ sư, nhà khoa học, nhà quản trị khoa học công nghệ. Đây là nền tảng căn bản để nuôi dưỡng lực lượng nhân sự chiến lược cho nền kinh tế tri thức. Mục tiêu đến 2045, Việt Nam sẽ có đội ngũ nhà quản trị và nhà khoa học tầm cỡ thế giới, góp phần xây dựng quốc gia phát triển dựa trên khoa học và công nghệ”, ông Khoa nêu ý kiến.
Nhân dịp này, 5 viện trường gồm Đại học FPT, Viện Kinh tế - Xã hội – Môi trường (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Học viện Kỹ thuật mật mã đã ký kết hợp tác ra mắt Liên minh Nhân lực chiến lược thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW.

Lễ ký kết liên minh nhân lực Chiến lược thực thi Nghị quyết 57/NQ-TW
Liên minh này sẽ góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức, chuyên gia chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, công cuộc chuyển đổi số quốc gia và hội nhập quốc tế; Thúc đẩy các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng hành chính công, lãnh đạo và quản lý nhà nước phù hợp với bối cảnh mới. Từ đó, Liên minh góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác đào tạo, quản trị và hoạch định chính sách.
Bên cạnh đó, Trường Đại học FPT công bố chương trình đào tạo lực lượng dự bị chiến lược gồm 8 khối kiến thức bổ sung, cần thiết cho sinh viên trong bối cảnh mới như: Quản lý nhà nước và hành chính công; Quản trị dữ liệu và an toàn thông tin; Quản lý dự án và quản trị đổi mới; Giáo dục và phát triển nhân lực số…