

Nguồn hình ảnh,AFP
Chụp lại hình ảnh,Một giáo sĩ Công giáo với tay áo thêu trắng ở Kenya đang đặt một bánh thánh vào lưỡi của một tín đồ đang quỳ.
- Tác giả,Lebo Diseko
- Vai trò,Phóng viên tôn giáo toàn cầu, BBC News
- 23 tháng 4 2025
Dân số theo Công giáo ở châu lục này đang gia tăng nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác, chiếm hơn một nửa mức tăng toàn cầu.
Mặc dù đã từng có ít nhất ba vị giáo hoàng đến từ châu Phi, nhưng vị cuối cùng – Giáo hoàng Gelasius I – đã qua đời hơn 1.500 năm trước – và nhiều người cho rằng đã đến lúc châu Phi có thêm một vị giáo hoàng nữa.
Khi các hồng y – những người bỏ phiếu bầu chọn lãnh đạo của Giáo hội Công giáo Roma, còn gọi là các hồng y cử tri – nhóm họp tại Vatican để chọn người kế nhiệm Giáo hoàng Francis, liệu những thực tế này có ảnh hưởng đến quyết định của họ không?
"Tôi nghĩ rằng sẽ thật tuyệt vời nếu có một Giáo hoàng người châu Phi," linh mục Stan Chu Ilo, một linh mục Công giáo người Nigeria và là phó giáo sư tại Đại học DePaul ở Chicago, nói với BBC.
Vị linh mục này lập luận rằng vai trò lãnh đạo của Giáo hội nên phản ánh tốt hơn thành phần của giáo đoàn toàn cầu.
Nhưng giáo sĩ này thừa nhận rằng có nhiều khả năng các hồng y sẽ chọn một người đã có địa vị cao - "một người mà tiếng nói của họ đã có ảnh hưởng".
"Thách thức là không có bất kỳ giáo sĩ châu Phi cấp cao nào nắm giữ bất kỳ vị trí quan trọng nào tại Vatican hiện nay, và điều đó là vấn đề," ông nói.
"Nếu bạn nghĩ về các hồng y châu Phi có khả năng trở thành giáo hoàng, ai là người nổi bật trong Công giáo toàn cầu ngày nay? Câu trả lời là không có ai."
Ông nói, điều này trái ngược với năm 2013 khi Hồng y người Ghana Peter Turkson là một ứng viên sáng giá cho vị trí này, và năm 2005 khi Hồng y người Nigeria Francis Arinze trở thành ứng cử viên tiềm năng trong mật nghị mà kết quả cuối cùng là Hồng y Joseph Ratzinger được bầu làm Giáo hoàng Benedict XVI.
Điều này diễn ra bất chấp việc Giáo hoàng Francis đã tăng tỷ lệ các hồng y đến từ khu vực hạ Sahara châu Phi từ 8% khi ông được bầu vào năm 2013 lên 12% sau một thập kỷ, theo Trung tâm Nghiên cứu Pew có trụ sở tại Hoa Kỳ.
"Nhiều người trong chúng tôi vẫn thấy bất ngờ trước thực tế hiện nay giữa châu Phi và Giáo hội Công giáo – đặc biệt là khi Giáo hoàng Francis vốn được biết đến với sự cởi mở dành cho châu lục này," linh mục Chu Ilo chia sẻ.
Giáo hoàng Francis đã đến thăm 10 quốc gia ở Châu Phi trong thời gian ông tại nhiệm - thời điểm đánh dấu sự gia tăng đáng kể số lượng người Công giáo trên lục địa này.
Hiện Châu Phi chiếm 20% giáo dân trên toàn thế giới, số liệu mới nhất cho thấy họ đã tăng từ 272 triệu người vào năm 2022 lên 281 triệu người vào năm 2023.

Nguồn hình ảnh,AFP
Chụp lại hình ảnh,Giáo hoàng Francis đã được khen ngợi vì vai trò là người gìn giữ hòa bình ở Châu Phi - ảnh được chụp tại Bangui năm 2015
Nhưng một số người Công giáo châu Phi không thích sự nhấn mạnh vào nguồn gốc này - như linh mục Paulinus Ikechukwu Odozor, một giáo sư tại Đại học Notre Dame ở Indiana.
Đối với vị linh mục Công giáo gốc Nigeria này, điều này chỉ mang tính hình thức.
"Giống như mọi người đang nói, 'Được rồi, người châu Phi đang gia tăng về số lượng, vậy tại sao chúng ta không để cho họ có một Giáo hoàng,'" ông nói với tôi.
"Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng chỉ vì bạn đến từ châu Phi, hay vì bạn đến từ châu Âu, thì bạn là ứng cử viên hàng đầu".
"Bất kể bạn từ đâu đến, ngay khi được bầu, vấn đề của mọi người đều trở thành vấn đề của bạn. Bạn có một mối quan tâm, đó là xây dựng thân thể của Chúa Kitô, bất kể mọi người ở đâu, bất kể họ có bao nhiêu người, trong bất kỳ bối cảnh nào."
Điều quan trọng nhất, ông nói với BBC, là Giáo hoàng phải là "nhà thần học hàng đầu của Giáo hội".
"Giáo hoàng phải là người am hiểu truyền thống," và có thể sử dụng điều đó để dẫn dắt tín hữu," ông cho biết.
Theo quan điểm của ông, cần phải làm nhiều hơn nữa để đảm bảo rằng các vấn đề ảnh hưởng đến tín hữu ở châu Phi được những người có quyền lực tại Vatican coi trọng.
Ông thừa nhận rằng đôi khi cảm giác như thể "người châu Phi không quan trọng, hoặc đức tin của họ bị xem là kém cỏi hơn một chút, hoặc giả mạo, và không đáng được coi trọng".
"Khi người Châu Phi cảm thấy các vấn đề của họ không được đưa ra thảo luận như đáng ra phải thế, thì mọi người bắt đầu tự hỏi, ừm, có lẽ chúng ta chỉ có thể được lắng nghe hoặc được nhìn nhận nếu chúng ta có người của mình ở đó."

Nguồn hình ảnh,AFP
Chụp lại hình ảnh,Giáo hoàng Francis phải đối mặt với phản ứng dữ dội ở Châu Phi vì ban phước lành cho các cặp đôi đồng giới
Giáo hoàng Francis đã được khen ngợi vì sự thấu hiểu đối với người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội – điều này khiến ngài được yêu mến đặc biệt ở châu Phi.
Chẳng hạn, ông lên tiếng phản đối những gì ông coi là sự cướp bóc tài nguyên thiên nhiên ở những nơi như Cộng hòa Dân chủ Congo, một quốc gia rộng lớn là nơi sinh sống của cộng đồng Công giáo lớn nhất Châu Phi với gần 55 triệu tín đồ.
Vai trò của ngài như một người hòa giải cũng đã được khen ngợi – ngài đã nỗ lực rất nhiều để hàn gắn các chia rẽ sau cuộc nội chiến tàn bạo ở Cộng hòa Trung Phi.
Ông nổi tiếng với việc cho vị giáo sĩ Hồi giáo - người đã mời ông đến cầu nguyện tại một nhà thờ Hồi giáo ở Bangui vào năm 2015 - đi nhờ xe của mình, và hôn chân các nhà lãnh đạo đối lập của Nam Sudan bốn năm sau đó.
Nhưng Giáo hoàng Francis đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ Giáo hội Châu Phi vì lập trường của ông về các vấn đề LGBT.
Các giám mục châu Phi đã bác bỏ tuyên bố của ngài vào năm 2023 cho phép các linh mục ban phước lành cho các cặp đôi đồng tính.
Tòa thánh Vatican đã làm rõ rằng các phước lành này "không chấp thuận hay biện minh cho hoàn cảnh mà những người này đang gặp phải" và "ở một số quốc gia có những vấn đề văn hóa và thậm chí là pháp lý phức tạp, đòi hỏi thời gian và các chiến lược mục vụ dài hạn, vượt ra ngoài các giải pháp ngắn hạn."

Chụp lại video,Watch: Might the next pope come from Africa?
Đây là một vấn đề dường như cả lục địa đoàn kết với nhau, nơi mà các mối quan hệ đồng tính bị cấm ở nhiều quốc gia.
Ba hồng y châu Phi, được các quan sát viên nhắc đến là những ứng viên tiềm năng, nếu không muốn nói là hàng đầu – Turkson và Robert Sarah từ Guinea, và Fridolin Ambongo Besungu của Cộng hòa Dân chủ Congo – đều thể hiện phản đối rõ ràng đối với bất kỳ thay đổi nào về vấn đề này.
Vị hồng y người Congo đã nói rằng "việc kết đôi những người cùng giới tính được coi là trái ngược với các chuẩn mực văn hóa và về bản chất là xấu xa".
Hồng y Sarah, một người theo chủ nghĩa bảo thủ cực đoan, đã chỉ trích thái độ tự do của phương Tây.
Ông phát biểu tại một Công nghị vào năm 2015: 'Những gì ta thấy ở chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa ******** trong thế kỷ 20, thì nay là các tư tưởng đồng tính và phá thai của phương Tây và chủ nghĩa cuồng tín Hồi giáo.'
Và mặc dù Hồng y Turkson đã chỉ trích động thái của Ghana trong việc áp đặt các hình phạt nghiêm khắc đối với người LGBT, ông vẫn giữ quan điểm rằng các mối quan hệ đồng tính là 'tội lỗi về mặt bản chất'.
Tuy nhiên, linh mục Odozor đồng ý rằng dù số lượng hồng y từ lục địa châu Phi tăng lên, nhưng họ không có quyền lực thực sự trong Giáo hội.
Và cả hai giáo sĩ được BBC phỏng vấn đều chỉ ra một vấn đề có thể cản trở những nỗ lực mà Đức Giáo hoàng Francis đã thực hiện nhằm mục đích làm cho ban lãnh đạo của Giáo hội mang tính đại diện hơn - cũng như khả năng có một giáo hoàng từ châu Phi.
"Vẫn còn vấn đề phân biệt chủng tộc trong Giáo hội mà chúng tôi thậm chí không bao giờ nói đến," linh mục Odozor nói.
Điều đó có thể làm giảm giá trị của một người, bất kể người đó có phong cách giáo hoàng đến đâu hay làm được những gì, thì người ta vẫn chỉ nhìn ông ấy đơn giản là một giáo hoàng châu Phi."
Khi Đức Giáo hoàng Francis bổ nhiệm 108 trong số 135 hồng y đủ điều kiện bỏ phiếu trong mật nghị, rất có khả năng họ sẽ chọn một người cũng nhấn mạnh vào việc tiếp cận người nghèo và những người bị tước quyền.
Đây là cách thức mà linh mục Chu Ilo gọi là quan điểm "ưu tiên người nghèo", tập trung vào việc trở thành "một Giáo hội lắng nghe".
Nhưng, giống như khi Đức Giáo hoàng Francis được bầu, ông cho biết kết quả sẽ không thể đoán trước.
"Tôi sẽ trả lời như một vị linh mục ngoan đạo," ông cười khúc khích nói với tôi khi được hỏi về dự đoán của mình.
"Tôi cầu nguyện Chúa sẽ ban cho chúng ta một vị Giáo hoàng sẽ tiếp tục quan điểm của Francis, và tôi sẽ cầu nguyện một người như vậy sẽ đến từ Châu Phi."