Don Jong Un
Đẹp trai mà lại có tài


Không gian quán cà phê ở Việt Nam được sử dụng với nhiều chức năng đa dạng. Trong ảnh là một quán cà phê tại Hà Nội, với góc bàn họp dành cho 6 người, thuận tiện để nhóm sinh viên cùng nhau đến học bài.
Các quán cà phê ở Việt Nam lúc nào cũng đông đúc, đặc biệt là giới trẻ – từ học hành, làm việc đến giao lưu đều thích tụ tập tại đây. Có ý kiến cho rằng những người suốt ngày “dính” lấy quán cà phê là lười biếng, tiêu xài hoang phí. Nhưng khảo sát cho thấy, họ lại chính là nhóm người tính toán chi tiêu kỹ lưỡng nhất.
Cà phê được người Pháp mang vào Việt Nam từ thế kỷ 19, đến nay đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống thường nhật của người dân. Tại thủ đô Hà Nội, đi vài bước là gặp một quán cà phê. Chỉ cần quán trông sạch sẽ, hợp vệ sinh là đã có lượng khách ổn định – và các quán mới vẫn liên tục mọc lên, như thể thị trường này không bao giờ bão hòa.
Trong các quán cà phê Việt truyền thống, giá một ly rẻ nhất khoảng 30.000 đồng (khoảng 35 Đài tệ), mắc nhất khoảng 70.000 – 80.000 đồng. Nhiều người cho rằng việc các bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên, thường xuyên lui tới quán cà phê là điều “xa xỉ”, bởi thu nhập từ làm thêm theo giờ đôi khi còn không đủ mua một ly cà phê.
Tuy nhiên, theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Mibrand, nhóm khách thường xuyên đến quán cà phê lại là những người có thu nhập khiêm tốn, nằm trong khoảng từ 5 triệu đến 10 triệu đồng/tháng (tương đương khoảng 5.800 – 11.600 Đài tệ), kế tiếp là nhóm có thu nhập từ 10 đến 20 triệu đồng. Cả hai nhóm này có tần suất chi tiêu từ 1 đến 3 lần/tuần, không chênh lệch đáng kể. Về độ tuổi, đa số nằm trong khoảng 18–30 tuổi.
Khảo sát chỉ ra rằng, chính người có thu nhập thấp và tầng lớp trung lưu mới là khách hàng chủ lực của các quán cà phê, bao gồm nhân viên văn phòng cấp cơ sở, người làm nghề tự do và sinh viên. Kết quả này làm dấy lên nhiều cuộc bàn luận trên mạng xã hội tại Việt Nam. Không ít người trong cuộc đã lên tiếng, thậm chí có người còn tự giễu rằng: “Chính vì không có tiền nên mới ra quán cà phê ngồi!”
Quận Cầu Giấy ở Hà Nội là khu vực tập trung nhiều trường đại học và cơ sở giáo dục, cũng là nơi các quán cà phê nhỏ mọc lên san sát. Không gian được thiết kế đa dạng, từ ghế cao bên cửa sổ cho người ngồi một mình đến bàn oval 6 người cho nhóm học nhóm. Trên tường còn bày sách và tạp chí, trông chẳng khác nào một phòng đọc thư viện.
Bạn Huyền, sinh viên đại học, cho biết, cô ở ký túc xá với 7 người bạn cùng phòng, không gian chật chội, bạn bè đến từ các khoa khác nhau nên sinh hoạt lệch giờ. Vào mùa thi, cô gần như 3–5 ngày mỗi tuần "di cư" ra quán cà phê ôn bài, chỉ về ký túc xá khi cần ngủ. “Trước kỳ thi, tụi mình còn hẹn nhau cùng ôn bài ở quán, học chung có động lực hơn nhiều.”
Mỗi lần đi quán, Huyền luôn gọi món tiết kiệm nhất: cà phê sữa đặc Việt Nam, giá chỉ khoảng 25.000 đồng (tầm 30 Đài tệ). Cô cho rằng với số tiền đó, được ngồi trong không gian yên tĩnh, có wifi miễn phí và điều hòa mát lạnh, rất đáng đồng tiền bát gạo với sinh viên.
Ngọc, một nhân viên mới đi làm được 2 năm, lương tháng khoảng 12 triệu đồng. Ở Hà Nội, thuê một căn hộ đơn lẻ tối thiểu cũng mất 4 triệu, nên cô chọn cách ở ghép để tiết kiệm. Công việc của Ngọc có thể làm từ xa một nửa thời gian, những hôm không phải vào văn phòng, cô thường xách laptop ra quán cà phê “làm việc”.
Ngọc nói: căn hộ thuê chung chỉ rộng khoảng 20m², lại có thêm một bạn cùng phòng cũng làm việc online. Nếu cả hai suốt ngày ở trong không gian nhỏ như vậy thì dễ mệt mỏi và khó tập trung. Vì thế, cô sẵn sàng chi 10% lương mỗi tháng để "thuê" chỗ ngồi làm việc tại quán cà phê, coi như một phương án tạm thời trước khi đủ điều kiện thuê nhà riêng.
Trong hơn 10 năm qua, kinh tế Việt Nam phát triển nhanh chóng, nhưng cũng kéo theo sự xuất hiện của một thế hệ “sống kiểu ốc sên” – những người trẻ có thu nhập chưa cao, phải sống chen chúc trong các căn phòng trọ nhỏ. Cùng lúc, mô hình làm việc từ xa hậu đại dịch COVID-19 ngày càng phổ biến, biến quán cà phê thành văn phòng tạm thời cho không ít người.
Một chủ quán cà phê chia sẻ, khách hàng quen thuộc thường là những người thiếu không gian sống hoặc không gian cá nhân đầy đủ. Dĩ nhiên, cũng có người đến quán chỉ để thư giãn, giải trí, nhưng so với việc đi xem phim hay ăn ngoài, uống cà phê vẫn là lựa chọn rẻ hơn rất nhiều. Vì vậy, khi đánh giá hành vi tiêu dùng này, cần tránh định kiến hay đánh đồng với sự “phung phí”.
Cũng bởi nhu cầu của khách hàng rất đa dạng, mà quán cà phê Việt Nam khác biệt rõ rệt so với mô hình yên tĩnh, đề cao riêng tư ở Đài Loan, Nhật Bản hay Hàn Quốc. Ở Việt Nam, quán cà phê là nơi chào đón sự chia sẻ, giao tiếp, nơi bạn có thể trò chuyện thoải mái mà không phải e dè tiếng ồn. Chính điều này tạo nên một bầu không khí thân thiện, thư giãn, rất đặc trưng cho đời sống đô thị Việt Nam