Mạng 5G tại Việt Nam vẫn đang chờ một cú hích nhu cầu thực tế của thị trường

Người dùng cá nhân chưa cảm nhận được sự khác biệt quá lớn của 5G so với 4G cho các tác vụ phổ thông. Khối doanh nghiệp lại chưa thực sự 'khát' các giải pháp 5G chuyên biệt...​

556357d8f2961bc84287.jpg

Kể từ khi mạng 5G chính thức được cấp phép và triển khai thương mại hóa tại Việt Nam, các nhà mạng lớn trong nước đã có những bước triển khai mạnh mẽ và đạt kết quả đáng kể, tốc độ truy cập internet cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên, hiện nay nếu xét trên nhu cầu thực tế của phần lớn người dùng, tốc độ truyền dữ liệu trung bình họ cần không quá cao. Bởi người dùng chủ yếu sử dụng các dịch vụ phổ biến như lướt web, xem YouTube, bản đồ, ngân hàng điện tử hay thương mại điện tử, không yêu cầu băng thông lớn. Trên thực tế, một mạng 4G có chất lượng ổn định đã đủ để đáp ứng tốt các nhu cầu này.

KHI NHU CẦU CHƯA BẮT KỊP CÔNG NGHỆ

Vì vậy, dù 5G mang lại nhiều cải tiến về mặt công nghệ, nhưng xét về trải nghiệm người dùng thông thường, nó vẫn chưa tạo ra sự bứt phá rõ rệt. Tuy vậy, trong bối cảnh các dịch vụ số đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi tốc độ cao và khả năng truyền tải dữ liệu lớn, đặc biệt tại các đô thị, sự ra đời của 5G đã kịp thời đáp ứng những yêu cầu này, mở ra nền tảng cho các ứng dụng mới trong tương lai.

Theo ông Lê Thanh Tâm, Tổng Giám đốc công ty IDG Việt Nam, 5G đang là một động lực tăng trưởng mới cho ngành viễn thông Việt Nam trong bối cảnh thị trường gần như bão hòa. Sự xuất hiện của 5G mang lại kỳ vọng sẽ là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tiếp theo. Quan trọng hơn, 5G không chỉ là nền tảng để phát triển viễn thông mà còn là cầu nối để chuyển dịch sang một trụ cột khác, đó là ý nghĩa của 5G đối với các doanh nghiệp, là Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa, logistics, hay y tế từ xa…

Ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam (REV), nhận định rằng kỳ vọng lớn nhất của công nghệ 5G đối với khối doanh nghiệp nằm ở một số lĩnh vực trọng yếu, đặc biệt là Internet vạn vật (IoT), với khả năng kết nối mật độ cao – lên đến 1 triệu thiết bị trên mỗi km². Đây là điều kiện lý tưởng cho các ứng dụng trong công nghiệp và logistics, nơi đòi hỏi hệ thống kết nối phức tạp và ổn định. Tuy nhiên, ông Hoan cũng bày tỏ sự băn khoăn khi cho rằng thực tế tại Việt Nam hiện nay, nhu cầu của doanh nghiệp đối với kết nối IoT chưa ở mức cao như kỳ vọng.

Mặc dù 5G mở ra nhiều tiềm năng to lớn cho khối doanh nghiệp, nhưng thực tế triển khai tại Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn đầu. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu chưa đủ mạnh.
Nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn chủ yếu sử dụng các công nghệ kết nối cũ nhưng phổ biến như LoRa hoặc một số giải pháp khác. Ngay cả công nghệ NB-IoT (Narrowband IoT) trên nền tảng mạng 4G cũng rất ít được triển khai. Một số đơn vị đã thử nghiệm phát triển các giải pháp IoT, nhưng phần lớn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra, do chưa có thị trường hoặc khách hàng cụ thể. Vì vậy, ông Đoàn Quang Hoan cho rằng các ứng dụng IoT dựa trên nền tảng 5G tại Việt Nam hiện gần như chưa xuất hiện trên thực tế.

Một kỳ vọng quan trọng khác đối với công nghệ 5G là khả năng hỗ trợ các ứng dụng yêu cầu độ trễ cực thấp và vùng phủ sóng rộng, chẳng hạn như trong lĩnh vực logistics, giao thông vận tải, xe tự lái hay y tế từ xa. Tuy nhiên, cũng như IoT, đến thời điểm hiện tại, những ứng dụng này vẫn còn khá ít ở Việt Nam.

“Mặc dù 5G mở ra nhiều tiềm năng to lớn cho khối doanh nghiệp, nhưng thực tế triển khai tại Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn đầu. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu chưa đủ mạnh, trong khi các công nghệ hiện có vẫn đáp ứng được phần lớn yêu cầu sử dụng”, ông Đoàn Quang Hoan nói.

ĐỂ 5G CẤT CÁNH, NHÀ MẠNG VIỆT CẦN "CHÂM NGÒI" NHU CẦU CHO DOANH NGHIỆP

Vì vậy, việc triển khai 5G trên diện rộng tại Việt Nam vẫn gặp một số thách thức, mà lớn nhất chính là việc thiếu hụt nhu cầu thực tế từ thị trường, đặc biệt ở các ứng dụng doanh nghiệp đòi hỏi các đặc tính vượt trội của 5G. Điều này khiến việc đầu tư mở rộng hạ tầng 5G của các nhà mạng cần được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo hiệu quả kinh tế. Nếu 5G chỉ được sử dụng cho các tác vụ di động cơ bản như tải dữ liệu, thì điều đó chưa thực sự khai thác đúng thiết kế và tiềm năng của công nghệ này.

“Tôi cho rằng các nhà mạng di động cần chủ động tạo ra nhu cầu cho 5G, đặc biệt trong lĩnh vực B2B”, ông Đoàn Quang Hoan nói. Theo ông, một đặc điểm thú vị của ngành viễn thông là công nghệ thường tạo ra nhu cầu, chứ không phải nhu cầu luôn thúc đẩy công nghệ. Vì vậy, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, những người làm chủ công nghệ và mạng lưới, cần nghĩ ra các mô hình ứng dụng, dịch vụ và phương pháp sử dụng 5G để giới thiệu và quảng bá đến các doanh nghiệp.

“Chẳng hạn, họ có thể đề xuất cách áp dụng 5G vào quản lý cảng biển, sân bay, hay nhà máy sản xuất theo cách tối ưu và hiệu quả nhất. Các doanh nghiệp bên ngoài thường không tự nghĩ ra cách sử dụng 5G, mà cần các nhà mạng đưa ra giải pháp cụ thể”, ông Hoan nói.

“Tôi tin rằng các nhà mạng tại Việt Nam cũng đang suy nghĩ rất nhiều về vấn đề này, tìm cách đưa 5G vào các ứng dụng thực tế để không chỉ nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn đóng góp vào các mục tiêu bền vững như thành phố thông minh, nông nghiệp xanh, hay giảm tác động môi trường. Tuy nhiên, để đạt được điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà mạng, doanh nghiệp, và các cơ quan quản lý”, ông Đoàn Quang Hoan nhấn mạnh.

Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã đặt mục tiêu phủ sóng 5G toàn quốc vào năm 2030, đồng thời phát triển hạ tầng viễn thông, Internet đáp ứng yêu cầu dự phòng, kết nối, an toàn, bền vững, hệ thống truyền dẫn dữ liệu qua vệ tinh, mạng cáp quang băng thông rộng tốc độ cao phủ sóng toàn quốc.

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng đặt mục tiêu phát triển ngành công nghiệp IoT, xây dựng một số cụm công nghiệp IoT di động, song song đó là việc phát triển hạ tầng công nghệ số tiên tiến, hiện đại, dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng ngang tầm các nước tiên tiến.
 

Có thể bạn quan tâm

Top