
- Theo dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ mạng xã hội không được yêu cầu hình ảnh, video chứa nội dung đầy đủ hoặc một phần căn cước công dân làm yếu tố xác thực tài khoản.
Đây là một trong những quy định đáng chú ý được đề cập trong dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Phó Thủ tướng Lê Thành Long thay mặt Chính phủ trình Quốc hội dự thảo luật này trong phiên họp chiều 5/5.Điều 34 của dự thảo Luật quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân đối với các nền tảng mạng xã hội, dịch vụ truyền thông trực tuyến.
Dự thảo Luật nêu rõ tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ mạng xã hội, dịch vụ truyền thông trực tuyến có trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân của công dân Việt Nam khi hoạt động tại thị trường Việt Nam hoặc xuất hiện trên kho ứng dụng di động cung cấp cho thị trường Việt Nam.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long thay mặt Chính phủ trình Quốc hội tờ trình dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân (Ảnh: Hồng Phong).
Phía cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải thông báo rõ ràng nội dung dữ liệu cá nhân thu thập khi chủ thể dữ liệu cài đặt và sử dụng mạng xã hội, dịch vụ truyền thông trực tuyến; không thu thập trái phép dữ liệu cá nhân và ngoài phạm vi theo thỏa thuận với khách hàng.
Đặc biệt, mạng xã hội không được yêu cầu hình ảnh, video chứa nội dung đầy đủ hoặc một phần căn cước, căn cước công dân, chứng minh nhân dân làm yếu tố xác thực tài khoản.
Mạng xã hội cũng cần thông báo cụ thể, rõ ràng, bằng văn bản về việc chia sẻ dữ liệu cá nhân cũng như áp dụng biện pháp bảo mật khi thực hiện hoạt động quảng cáo, tiếp thị dựa trên dữ liệu cá nhân của khách hàng.
Theo Phó Thủ tướng Lê Thành Long, việc xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân của nước ta, tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân, đẩy mạnh sử dụng dữ liệu cá nhân đúng pháp luật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội…
Dự thảo Luật gồm 7 nội dung chính, trong đó có xây dựng các nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân; quy định về điều kiện bảo vệ dữ liệu cá nhân đối với các tổ chức kinh doanh dịch vụ xử lý dữ liệu cá nhân; yêu cầu đánh giá tác động xử lý dữ liệu cá nhân và chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài như một bản cảm kết trước pháp luật về hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân.
Dự thảo luật cũng hoàn thiện quy định về biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân; quy định quản lý nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan…
Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới cho biết Ủy ban nhất trí với sự cần thiết ban hành luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới (Ảnh: Hồng Phong).
Theo ông Tới, việc xây dựng dự án luật nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý, đáp ứng yêu cầu bảo vệ dữ liệu cá nhân; ngăn chặn các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân…
Về xử lý vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân, cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc quy định "Áp dụng mức xử phạt hành chính từ 1% đến 5% doanh thu năm liền trước của tổ chức, doanh nghiệp có vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân".
Theo ông Tới, một số ý kiến cho rằng mức xử phạt hành chính như vậy là không khả thi và quá nặng đối với tổ chức, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng quy định này không thống nhất với quan điểm xử phạt vi phạm hành chính hiện nay là "việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng".
Theo cơ quan thẩm tra, một số ý kiến đề xuất phân loại các loại hành vi vi phạm để có quy định mức xử phạt phù hợp.
Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân gồm 7 chương, 68 điều. Chính phủ đề xuất trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua dự án Luật tại kỳ họp thứ 9.