

Nguồn hình ảnh,Innes Tang
Chụp lại hình ảnh,Innes Tang cho biết ông đã tự bỏ chi phí lập một đường dây nóng để tiếp nhận các báo cáo về các hành vi được cho là vi phạm an ninh quốc gia
- Tác giả,Bridget Wing & Georgina Lam, BBC Eye Investigations
- Vai trò,
- 9 tháng 5 2025
"Chúng tôi có mặt khắp mọi ngóc ngách của xã hội, theo dõi, để xem có điều gì đáng ngờ có thể vi phạm luật an ninh quốc gia không," cựu nhân viên ngân hàng Innes Tang nói với BBC World Service.
"Nếu chúng tôi phát hiện được những điều này, chúng tôi sẽ đi trình báo cảnh sát".
Khi Vương quốc Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc cách đây 28 năm, các hiệp ước mang tính ràng buộc quốc tế đã đảm bảo các quyền và tự do của thành phố này trong vòng 50 năm. Tuy nhiên, luật an ninh quốc gia (NSL) do Bắc Kinh áp đặt một năm sau các cuộc biểu tình lớn ủng hộ dân chủ ở Hong Kong năm 2019 được cho là đã làm suy yếu quyền tự do ngôn luận và báo chí, đồng thời mở ra một nền văn hóa mới - văn hóa chỉ điểm.
Luật này hình sự hóa các hoạt động được coi là kêu gọi "ly khai" (ly khai khỏi Trung Quốc), "lật đổ" (làm suy yếu quyền lực hoặc thẩm quyền của chính phủ) và thông đồng với các thế lực nước ngoài.
Một đạo luật an ninh bổ sung có tên là Điều 23, được thông qua vào năm ngoái, đã thắt chặt hơn nữa các hạn chế.
Với các luật mới và các vụ bắt giữ, có rất ít thông tin về những "người yêu nước" ủng hộ Trung Quốc ở Hong Kong - những người hiện đang điều hành và kiểm soát thành phố, cũng như những công dân bình thường công khai ủng hộ họ. Nhưng BBC đã dành nhiều tuần để phỏng vấn Innes Tang, 60 tuổi, một người tự nhận mình là người yêu nước.
Ông và các tình nguyện viên đã chụp ảnh màn hình từ mạng xã hội về bất kỳ hoạt động hoặc bình luận nào mà họ tin rằng có thể vi phạm NSL.
Ông cũng thiết lập một đường dây nóng để nhận thông tin từ công chúng và khuyến khích những người theo dõi mình trên mạng chia sẻ thông tin về những người xung quanh.

Chụp lại hình ảnh,Innes Tang đã tố cáo hàng chục người Hong Kong khác với cảnh sát
Ông Tang cho biết gần 100 cá nhân và tổ chức đã bị ông và những người theo dõi tài khoản mạng xã hội của ông báo cáo với chính quyền.
"Báo cáo có hiệu quả hay không? Nếu không thì chúng tôi đã không làm vậy", ông Tang cho biết. "Nhiều vụ việc đã được cảnh sát xem xét... một số vụ dẫn đến án tù".
Ông Tang cho biết ông không tự mình điều tra những người bị cáo buộc vi phạm pháp luật mà chỉ đơn giản là báo cáo các vụ việc mà ông cho là cần được xem xét kỹ lưỡng - mô tả đó là "sự hợp tác đúng đắn giữa cộng đồng và cảnh sát".
Ông Tang không phải là người duy nhất được gọi là yêu nước tham gia vào loại hình giám sát này.
Chính quyền Hong Kong đã thiết lập đường dây nóng an ninh quốc gia của riêng họ, nhận được 890.000 thông tin tố giác từ tháng 11/2020 đến tháng Hai năm nay - cơ quan an ninh của thành phố nói với BBC.
Những người bị báo cáo với chính quyền có thể phải thường xuyên đối mặt với áp lực.
Kể từ khi NSL được ban hành vào năm 2020, cho đến tháng Hai năm nay, hơn 300 người đã bị bắt vì các tội danh an ninh quốc gia. Và ước tính có khoảng 300.000 người Hong Kong đã rời khỏi thành phố này trong những năm gần đây.
Pong Yat-ming, chủ một hiệu sách độc lập nơi tổ chức các buổi tọa đàm công khai, cho biết ông thường xuyên bị các cơ quan chính phủ đến thanh tra với lý do "có khiếu nại nặc danh".
Ông cho biết ông đã bị thanh tra 10 lần trong thời gian 15 ngày.
Kenneth Chan, nhà khoa học chính trị và giảng viên đại học, người đã tham gia vào phong trào ủng hộ dân chủ của thành phố từ những năm 1990, nói đùa rằng "dạo này tôi như người có chất phóng xạ".

Chụp lại hình ảnh,Kenneth Chan cho biết một số bạn bè và đồng nghiệp hiện đang tránh xa ông
Ông cho biết một số bạn bè, sinh viên và đồng nghiệp hiện giữ khoảng cách vì quan điểm thẳng thắn của ông. "Nhưng tôi không đi đổ lỗi cho các nạn nhân. Vấn đề là ở hệ thống", ông nói.
Đáp lại, chính quyền Hong Kong cho biết họ "rất coi trọng việc duy trì quyền tự do học thuật và quyền tự chủ của tổ chức".
Tuy nhiên, chính quyền cũng nói rằng các tổ chức học thuật "có trách nhiệm đảm bảo hoạt động của họ tuân thủ luật pháp và đáp ứng lợi ích của cộng đồng nói chung".
Innes Tang cho biết ông có động lực để thực hiện việc tố cáo - đó là vì tình yêu đối với Hong Kong, và rằng quan điểm của ông về Trung Quốc đã được nuôi dưỡng khi ông còn trẻ, khi thành phố vẫn là thuộc địa của Anh.
"Các chính sách thực dân không thực sự tuyệt vời. Những cơ hội tốt nhất luôn được trao cho người Anh và chúng tôi [người dân địa phương] thực sự không có cơ hội tiếp cận chúng," ông nói.
Giống như nhiều người cùng thế hệ, ông ấp ủ mong muốn được thống nhất với Trung Quốc và thoát khỏi sự cai trị của thực dân. Nhưng ông nói rằng nhiều người Hong Kong khác vào thời điểm đó quan tâm đến sinh kế của họ hơn là quyền của họ.
"Dân chủ hay tự do. Đây đều là những ý tưởng rất trừu tượng mà chúng tôi không thực sự hiểu," ông nói.
Một công dân bình thường không nên tham gia quá nhiều vào chính trị, ông nói, giải thích rằng ông chỉ hoạt động chính trị để khôi phục lại cái mà ông gọi là "sự cân bằng" cho xã hội Hong Kong sau sự hỗn loạn của năm 2019.
Ông nói rằng mình đang lên tiếng thay cho cái mà ông gọi là "đa số thầm lặng" của người dân Hong Kong – những người không ủng hộ việc ly khai khỏi Trung Quốc, cũng như sự hỗn loạn do các cuộc biểu tình gây ra.
Nhưng những người Hong Kong khác coi các cuộc biểu tình và tuần hành là một truyền thống lâu đời, và là một trong những cách hiếm hoi để người dân lên tiếng tại một thành phố hiện không có một ban lãnh đạo được bầu cử hoàn toàn dân chủ.
"Chúng tôi không còn là thành phố của các cuộc biểu tình nữa," Kenneth Chan, chuyên gia về chính trị Đông Âu, cho biết. "Vậy chúng tôi là gì? Tôi vẫn chưa có câu trả lời".
Và ông cho biết, lòng yêu nước vốn dĩ không phải là một điều tiêu cực.
Ông lập luận rằng đó là "một giá trị, thậm chí có thể là một đức tính", mặc dù điều đó cần cho phép công dân giữ "sự độc lập trong tư duy phản biện" – điều mà hiện nay không xảy ra ở Hong Kong.
Cải cách bầu cử được thông qua vào năm 2021 – quy định rằng chỉ những "người yêu nước" đã "tuyên thệ trung thành với Đảng ******** Trung Quốc" mới có thể giữ các vị trí quan trọng trong chính quyền hoặc Hội đồng Lập pháp (LegCo) – tức quốc hội của Hong Kong.
Kết quả là, theo nhà bình luận về Trung Quốc sống tại Hong Kong Lew Mon-hung – cựu thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC), hội đồng lập pháp này hoạt động rất khó khăn.
"Công chúng cho rằng nhiều 'người yêu nước' chỉ là 'nhà cách mạng chém gió' hoặc những kẻ cơ hội chính trị – họ không thực sự đại diện cho người dân," ông nói.
"Đó là lý do vì sao nhiều chính sách vô lý vẫn được thông qua với đa số áp đảo. Không có ai kiểm soát hay phản biện, không ai giám sát."
Ngay cả nhà yêu nước Innes Tang cũng cho rằng hệ thống hiện tại cần bị thách thức.
"Tôi không muốn thấy chính sách nào cũng được thông qua với 90% số phiếu," ông nói với BBC.
Ông cho biết có nguy cơ Luật An ninh Quốc gia sẽ bị lạm dụng, khi mọi người nói rằng: "Nếu anh không đồng ý với tôi, tôi sẽ buộc tội anh vi phạm luật an ninh quốc gia".
Chính quyền Hong Kong cho biết: "Hội đồng Lập pháp (LegCo) sau khi được cải tổ đã loại bỏ được những phần tử cực đoan có ý định cản trở, thậm chí làm tê liệt hoạt động của chính quyền, mà không hề có thiện chí đối thoại xây dựng để đại diện cho lợi ích của toàn thể người dân Hong Kong."
Hiện tại, ông Tang cho biết ông đã ngừng việc tố cáo. Ông tin rằng sự cân bằng và ổn định đã trở lại Hong Kong.
Các cuộc biểu tình quy mô lớn gần như không còn.
Trong giới học thuật, nỗi sợ bị giám sát - và cuộc sống có thể thay đổi như thế nào đối với những người phạm luật - có nghĩa là tự kiểm duyệt và kiểm duyệt đã trở thành "chuyện thường ngày", Kenneth Chan nói.
Các đảng ủng hộ dân chủ hiện không còn đại diện trong Hội đồng Lập pháp, và nhiều đảng đã tự giải tán – bao gồm cả Đảng Dân chủ Hong Kong, từng là đảng lớn mạnh nhất.

Nguồn hình ảnh,Innes Tang
Chụp lại hình ảnh,Trong một video quảng cáo, ông Tang và nhóm của ông đã trưng ra các biểu ngữ - mỗi biểu ngữ đại diện cho một cá nhân hoặc tổ chức mà họ đã báo cáo với cảnh sát
Ông Innes Tang hiện đang hướng tầm nhìn ra nước ngoài.
"Hiện giờ ở Hong Kong không có vấn đề gì cụ thể, nên tôi tự hỏi – chẳng phải tôi nên xem mình có thể tiếp tục phục vụ cộng đồng và đất nước như thế nào sao?" ông nói.
"Với một người dân bình thường, không phải chính trị gia như tôi, đây là một cơ hội vô giá."
Hiện ông làm đại diện cho một trong số các tổ chức phi lợi nhuận thân Bắc Kinh, thường xuyên đến Geneva để phát biểu tại các hội nghị của Liên Hợp Quốc, nhằm đưa ra quan điểm của Trung Quốc về Hong Kong, nhân quyền và các vấn đề khác.
Ông Tang cũng đang trong quá trình thành lập một công ty truyền thông tại Thụy Sĩ và đăng ký để chính thức hoạt động trong lĩnh vực báo chí.
Còn với Kenneth Chan tại Hong Kong, tương lai của ông vẫn còn bỏ ngỏ.
"Một phần ba bạn bè và sinh viên của tôi đã lưu vong, một phần ba đang bị giam giữ, và tôi thì… chưa biết ra sao," ông nói.
"Hôm nay tôi có thể tự do nói chuyện với bạn... nhưng không ai có thể hứa rằng tôi sẽ còn được làm điều đó trong phần đời còn lại."
Trong thư phản hồi bằng văn bản gửi BBC, người phát ngôn chính quyền Hong Kong cho biết an ninh quốc gia là ưu tiên hàng đầu và là quyền hiển nhiên của bất kỳ quốc gia nào. Luật này "chỉ nhắm vào một số rất nhỏ cá nhân và tổ chức gây nguy cơ cho an ninh quốc gia, đồng thời bảo vệ sinh mạng và tài sản của công chúng."