Người Việt Nam đã khóc vì tình cảm của Thụy Điển dành cho chiến thắng 30/4/1975

Bộ phim tài liệu quý giá Victory Vietnam ('Chiến thắng của Việt Nam') đã đến tay công chúng Việt Nam vào những ngày tháng 4 năm 2025. Người Việt Nam đã khóc vì xúc động khi được chứng kiến giá trị lịch sử của bộ phim cũng như tình cảm mà người Thụy Điển dành cho Việt Nam.​


Món quà quý giá từ Thụy Điển tặng Việt Nam

Bộ phim được phát sóng vài lần trên VTV trong dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay và đăng tải trên các mạng xã hội, trong đó có cả kênh YouTube của Báo điện tử Tiếng nói Việt Nam. Victory Vietnam đã thực sự lấy đi nước mắt của khán giả tại rạp chiếu phim, khán giả màn ảnh nhỏ cũng như công chúng trên mạng xã hội.

Người dân Thụy Điển hân hoan giương cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh… trước văn phòng đại diện của Mặt trận ở Stockholm ngày 30/4/1975 để chào mừng Đại thắng mùa Xuân của Việt Nam (ảnh trích xuất từ phim Victory Vietnam).

Người dân Thụy Điển hân hoan giương cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh… trước văn phòng đại diện của Mặt trận ở Stockholm ngày 30/4/1975 để chào mừng Đại thắng mùa Xuân của Việt Nam (ảnh trích xuất từ phim Victory Vietnam).

Bộ phim tài liệu màu quý giá này đã phản ánh chân thật tình cảm của người dân Thụy Điển dành cho Việt Nam vào đúng ngày 30/4/1975 khi họ chứng kiến non sông Việt Nam thu về một mối.

Bộ phim là một nguồn tư liệu quý nữa chứng minh tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta - đã lay động cả trái tim của những người dân ở một đất nước tư bản Bắc Âu xa xôi như Thụy Điển ngay giữa lúc Chiến tranh Lạnh vẫn còn “rất nóng”.

Đạo diễn Bo Ohlen (thuộc Đài truyền hình Thụy Điển) cùng các đồng nghiệp đã dùng máy quay phim ghi lại những khoảnh khắc lịch sử tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển) vào ngày 30/4/1975, khi người dân nước này đổ ra đường phố, hân hoan chào mừng chiến thắng của dân tộc Việt Nam. Nhóm làm phim đã tạo ra một bản phim duy nhất gửi ngay sang Việt Nam nhưng rất tiếc bản đó bị thất lạc do tình hình thời đó. May thay vào cuối năm 2024, ông Bo Ohlen tìm được dữ liệu phim lưu trong Thư viện Hoàng gia Thụy Điển. Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam sau đó đã trao tặng bộ phim cho Viện Phim Việt Nam, coi đây như món quà của tình hữu nghị hai nước. Sau nửa thế kỷ bị thất lạc, phim công chiếu lần đầu vào ngày 25/4/2025.

Tình cảm sâu đậm, chân thành của người Thụy Điển vào thời khắc lịch sử

Theo bộ phim tài liệu (dung lượng khoảng 30 phút), cuộc ăn mừng đầy cảm động của người dân Thụy Điển diễn ra trong vài ngày, đầu tiên là ngày 30/4, rồi ngày 1/5 và ngày 3/5.

Trong phim, người dân Thụy Điển, với đầy đủ nam nữ thanh niên, trung niên, thậm chí cả thiếu nhi, tụ tập đông đảo phía trước tòa nhà văn phòng đại diện của chính quyền Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở Stockholm vào đúng ngày 30/4/1975.

Một không khí thật náo nhiệt, với những tiếng vỗ tay, huýt sáo, hò reo.

Người Thụy Điển cầm và phất cờ hai màu cả cỡ lớn lẫn cỡ bé của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam với gương mặt tươi rói, ánh mắt rạng ngời. Họ phấn khởi như thể chiến thắng của Việt Nam cũng là chiến thắng của chính dân tộc họ.

Đặc biệt, những người Thụy Điển đã thuộc lời và hát say sưa bằng tiếng Thụy Điển ca khúc “Giải phóng miền Nam” (bài hát chính thức của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, đồng thời là quốc ca của Cộng hòa miền Nam Việt Nam).

Một cảm giác xúc động và tự hào khó tả khi những giai điệu hào hùng đầy khí thế của ca khúc “Giải phóng miền Nam” vang lên giữa Stockholm, từ chính miệng những người dân Thụy Điển:

“…

Vai sát vai chung một bóng cờ.

Vùng lên, nhân dân miền Nam anh hùng!

Vùng lên, xông pha vượt qua bão bùng!

Thề cứu lấy nước nhà, thề hy sinh đến cùng.

Cầm gươm, ôm súng, xông tới!

Vận nước đã đến rồi, bình minh chiếu khắp nơi.

Nguyện xây non nước sáng tươi muôn đời”.

Người dân Thụy Điển hát vang bài “Giải phóng miền Nam” trước tòa nhà văn phòng đại diện của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ở Stockholm. Ảnh: Victory Vietnam.

Người dân Thụy Điển hát vang bài “Giải phóng miền Nam” trước tòa nhà văn phòng đại diện của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ở Stockholm. Ảnh: Victory Vietnam.

Xen giữa phần hát và phần phát biểu là những lời hô to từ đám đông nhiệt huyết đó: “Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam muôn năm!”, “Không ngừng ủng hộ nhân dân Việt Nam!”.

Một nam giới đại diện cho phong trào Thụy Điển ủng hộ Việt Nam phát biểu qua micro:

“Tại các thành phố, làng quê, trên những cánh đồng và mọi miền đất nước, các cuộc đấu tranh đã diễn ra trên khắp Việt Nam. Họ đã chiến đấu ròng rã nhiều năm trời. Kiên trì, bền bỉ và không bỏ cuộc. Nhân dân Việt Nam không chịu làm nô lệ trước mũi súng của Mỹ. Không chịu quy phục trước những nanh nọc của đế quốc.

Ngày hôm nay, những nỗ lực đấu tranh đó đã dẫn tới chiến thắng. Một chiến thắng huy hoàng! Lá cờ Mặt trận Giải phóng dân tộc miền Nam đã tung bay tại Dinh Tổng thống ở Sài Gòn.

…Hôm nay, chúng ta cùng tôn vinh những chiến sĩ đã chiến đấu trên mặt trận. Quân đội Mỹ đã tháo lui. Hôm nay lịch sử đã được lập nên. Chúng ta sẽ mãi nhớ ngày 30/4/1975. Hôm nay là một ngày mùa xuân tươi đẹp, ngày Việt Nam giành chiến thắng, ngày cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ thất bại trên toàn Đông Dương.

Hỡi những người bạn Việt Nam, chúng tôi chung vui cùng các bạn. Hôm nay, mọi người trên thế giới cùng chung vui với các bạn. Ta hãy cùng hô vang 4 lần: Việt Nam quang vinh muôn năm!.

Ngày này cũng đã đến. Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam muôn năm!”.

Khi đó, ông Trần Hiếu Kha, quyền Tổng đại diện chính phủ Cách mạng lâm thời tại Thụy Điển phát biểu cảm ơn tất cả bạn bè tham dự mít tinh mừng chiến thắng.

Phía bạn có một người dẫn chương trình kiêm phiên dịch, là một phụ nữ Thụy Điển đeo khăn rằn Nam Bộ.

Sang ngày 1/5/1975, hàng nghìn người dân Thụy Điển ở Stockhom tuần hành kỷ niệm ngày Quốc tế lao động, đồng thời chào mừng chiến thắng vĩ đại của nhân dân Việt Nam. Trong các đoàn diễu hành có cả xe đẩy chở em bé bên cạnh những bà mẹ trẻ bế em bé trong tay.

Sau màn diễu hành, các đoàn tụ tập lại. Đại sứ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Việt đứng trên bục, giữa những người bạn Thụy Điển. Các nhạc công Thụy Điển trực tiếp chơi nhạc bài “Giải phóng miền Nam” và đám đông phía dưới lại hào sảng hát vang ca khúc này.

Một người phía Thụy Điển phát biểu: “15.000 người có mặt tại mít tinh chung này, cùng ăn mừng chiến thắng của Việt Nam. Hoan hô Việt Nam. Chúng tôi xin chúc mừng chiến thắng vĩ đại của nhân dân Việt Nam, với niềm vui từ tận đáy lòng.

Sau một thời gian dài đấu tranh khổ cực, nhân dân Việt Nam đã chiến thắng đế quốc Mỹ, nhờ tình đoàn kết và tinh thần bền bỉ. Nhân dân Thụy Điển học được rất nhiều từ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn lãnh đạo và nhân dân Việt Nam vì những bài học ý nghĩa từ cuộc đấu tranh này. Chúng tôi hứa sẽ tiếp tục mối quan hệ ngoại giao và hỗ trợ nguồn lực cho Việt Nam.

Việt Nam luôn trong trái tim và tâm trí của chúng tôi.

Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam muôn năm!”.

Phía dưới cũng hô to đáp lại nhiều lần trong tràng pháo tay lớn: Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh!

Đại biểu hai bên cùng hòa ca, nắm tay giơ cao chúc mừng chiến thắng.

Trong đêm 3/5 liên hoan mừng chiến thắng, có thể thấy rõ bức chân dung Hồ Chủ tịch phía trên sân khấu ở Stockholm.

Tại đây, nữ văn sĩ Sara Lidman phát biểu về việc nhân dân Việt Nam dùng nước để rửa trôi chất độc Mỹ ở cánh đồng Việt Nam trong chiến tranh, bảo vệ mùa màng một cách kiên trì và bền bỉ. Tiếp đó, bà ví truyền thông của chính phủ Mỹ khi đó giống như chất độc kia, đã chủ động tung tin sai lệch về cuộc kháng chiến của Việt Nam nhằm ngăn chặn sự ủng hộ của quốc tế nói chung, Thụy Điển nói riêng cho sự nghiệp của nhân dân Việt Nam. Và bà khẳng định, nhiệm vụ của người Thụy Điển là ngăn chặn những tuyên truyền sai trái đó.

Nhà văn Lidman nói tiếp: “Những cuộc biểu tình của chúng ta chỉ như những xô nước giữa đại dương đen, chỉ đủ làm sạch phần nhỏ. Nhưng dòng sông chân lý luôn bắt nguồn từ Việt Nam. Cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam cuối cùng đã giành thắng lợi và khiến mọi người bừng tỉnh”.

Mắt nhòe lệ, lòng nghẹn ngào

Ngay tại rạp chiếu phim Ngọc Khánh (Hà Nội), khán giả đã bị cuốn hút vào bộ phim, vỗ tay hưởng ứng người dân Thụy Điển năm xưa. Một cụ già xem phim đã rưng rưng rơi lệ trước ống kính của một phóng viên ngay sau buổi chiếu phim đó.

Còn trên kênh YouTube của Báo điện tử Tiếng nói Việt Nam (VOV.VN), bộ phim Victory Vietnam sau khi được đăng tải chỉ vài ngày đã nhận được khoảng 1.000 phản hồi của khán giả với nội dung thể hiện sự khâm phục và xúc động trước những người bạn Thụy Điển. Nhiều độc giả tâm sự họ đã khóc, nước mắt trào dâng vì sự đồng cảm và ủng hộ của người dân Thụy Điển dành cho cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam cách đây đúng 50 năm.

Năm 1966 (khi Mỹ đã đưa quân viễn chinh vào trực tiếp tham chiến tại Việt Nam), đã diễn ra những cuộc biểu tình của người dân Thụy Điển ủng hộ Việt Nam. Năm 1968, Thụy Điển cho phép Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lập văn phòng đại diện tại thủ đô Stockholm.

Tháng 1/1969, Vương quốc Thụy Điển thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam). Thụy Điển là quốc gia phương Tây đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1970, hai bên lập đại sứ quán tại thủ đô của nhau. Cả chính phủ và người dân Thụy Điển đều ủng hộ Việt Nam và phản đối cuộc chiến của Mỹ.

Tiến sĩ Bùi Phương Lan (thứ 2 từ trái sang), Đại sứ Nguyễn Việt (thứ 3 từ trái sang) bên những người bạn Thụy Điển năm 1976 (ảnh do gia đình Đại sứ Nguyễn Việt cung cấp).

Tiến sĩ Bùi Phương Lan (thứ 2 từ trái sang), Đại sứ Nguyễn Việt (thứ 3 từ trái sang) bên những người bạn Thụy Điển năm 1976 (ảnh do gia đình Đại sứ Nguyễn Việt cung cấp).

Thụy Điển - một quốc gia nổi bật và có tầm ảnh hưởng hàng đầu trong khối Bắc Âu, cũng nỗ lực rất nhiều trong quá trình tái thiết Việt Nam sau chiến tranh cũng như hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc Đổi mới. Thụy Điển giúp ta xây Bệnh viện Nhi Trung ương, Nhà máy Giấy Bãi Bằng - những công trình hiện vẫn đang phát huy tác dụng to lớn. Tổ chức hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) đã tích cực trợ giúp Việt Nam trên các lĩnh vực, bao gồm cả báo chí truyền thông. Thụy Điển thậm chí vẫn hỗ trợ (về mặt dân sự) cho Việt Nam trong cả giai đoạn cực kỳ khó khăn của cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam (1978-1989), khi chúng ta bị bao vây, cấm vận từ nhiều phía.

Tiến sĩ Bùi Phương Lan, con gái của Đại sứ Nguyễn Việt (tên khai sinh là Bùi Hiếu Văn) chia sẻ với phóng viên VOV.VN rằng bà vô cùng bất ngờ khi được xem thước phim cũ của 50 năm về trước. Bà xúc động mạnh trước tình cảm của người dân Thụy Điển cũng như trước hình ảnh người cha thân yêu của mình trong bộ phim Victory Vietnam. Bà cho biết: “Khi bỗng nhiên được ‘gặp lại’ cha mình, tôi xúc động đến nghẹt thở. Ông mất đã hai thập kỷ. Những hình ảnh tôi thấy ông diễn thuyết trước đám đông, ngâm thơ, … thể hiện rất thực về ông. Ký ức về cha bỗng ùa về trong tôi”. Bà cũng nhận ra nhiều nhân vật trong bộ phim mà bà từng thấy trong chuyến thăm Thụy Điển một năm sau ngày miền Nam Việt Nam được hoàn toàn giải phóng.

Nhà cách mạng lão thành Nguyễn Việt khi ấy là Đại sứ đặc mệnh toàn quốc của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Thụy Điển và các nước Bắc Âu (bao gồm cả Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch và Iceland).

Tiến sĩ Bùi Phương Lan kể, trước khi sang Thụy Điển, ông Nguyễn Việt từng làm Phó Trưởng Ban tham mưu của Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris, dự nhiều cuộc họp riêng không chính thức giữa Cố vấn Lê Đức Thọ và ông Henry Kissinger. Trong thời gian công tác ở Bắc Âu, Đại sứ Nguyễn Việt đã thiết lập được mối quan hệ gần gũi với Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme (người rất có cảm tình với Việt Nam) cũng như nhiều chính khách Thụy Điển khác.

Bà Lan chia sẻ, ngành ngoại giao cách mạng Việt Nam trước năm 1975 đã tích cực hoạt động ở khu vực Bắc Âu để tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ trong khu vực và trên thế giới cho cuộc đấu tranh của dân tộc ta.
 

Có thể bạn quan tâm

Top