Nhà xuất khẩu Trung Quốc: 'Áp lực không đến từ Mỹ, mà từ Việt Nam'

Công nhân làm việc một công ty chuyên sản xuất thú bông tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Công nhân làm việc một công ty chuyên sản xuất thú bông tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc
  • Tác giả,Chen Yan
  • Vai trò,BBC News Tiếng Trung
  • 23 tháng 5 2025
"Tôi khá vui khi thấy Trump giơ tấm bảng thuế quan", ông Bành, một doanh nhân ở khu vực đồng bằng sông Dương Tử của Trung Quốc – bất ngờ chia sẻ.
Ông đang nhắc đến sự kiện diễn ra tại Vườn Hồng của Nhà Trắng vào ngày 2/4, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra một tấm bảng và không ngừng nói về chính sách áp thuế đối ứng với hơn 100 quốc gia trên toàn cầu.
Tấm bảng này dẫu mỏng, nhưng lại có tác động như một "quả bom tấn" đối với hệ thống thương mại toàn cầu.
Tác động dễ thấy là cú sốc lớn trên thị trường tài chính, nhưng điều khó thấy hơn là các đơn hàng bị huỷ và nhiều nhà máy bị đóng cửa.
Trong tháng tiếp theo, chính quyền Trump đã nhiều lần đảo ngược chính sách - tạm thời đình chỉ áp thuế đối với nhiều quốc gia, nhưng lại nhanh chóng leo thang đối với Trung Quốc rồi đột nhiên hạ nhiệt sau các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc, Mỹ tại Thụy Sĩ.

Theo đó, tâm trạng của các thương nhân, bao gồm cả ông Bành, cũng biến động theo các tiêu tề tin tức quốc tế này.
BBC News Tiếng Trung đã thực hiện một cuộc phỏng vấn chuyên sâu với ông Bành, và "những chia sẻ đáng kinh ngạc" của ông đã tiết lộ thêm nhiều chi tiết về thương mại Mỹ-Trung.
Sâu xa hơn, một số chuyên gia tin rằng những chia sẻ này có thể cung cấp manh mối về hướng đàm phán giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Cạnh tranh: 'Không phải từ Mỹ, mà từ Việt Nam'​

Paul Bành là một thương nhân. Sau lưng ông là các nhà máy quy mô lớn nhỏ trải dải khắp Đồng bằng sông Dương Tử, đối tác của họ là các nhà nhập khẩu Mỹ.
Doanh nhân này chủ yếu làm thương mại điện tử xuyên biên giới, thông qua các nền tảng thương mại điện tử để tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng Mỹ.
Công việc kinh doanh của ông (đồ nội thất và vật dụng cho thú cưng) rất đơn giản - đặt hàng từ các nhà máy Trung Quốc - đưa lên các sàn thương mại điện tử ở Mỹ - và bán trực tiếp đến tay người tiêu dùng Mỹ.
Vậy tại sao ông Bành lại "khá vui" khi thấy ông Trump giơ tấm bảng mà dòng đầu tiên trên đó hiển thị Mỹ áp thuế 34% đối với hàng hóa Trung Quốc. Lý do là vì cũng trên tấm bảng đó, ở dòng thứ ba, ghi Việt Nam bị áp thuế 46%.
"Phản ứng đầu tiên của tôi là Trung Quốc lại có lợi thế, nên tôi rất bình tĩnh. Vì khi đó là một cuộc tấn công không phân biệt, nên thực ra đó là điều tốt cho Trung Quốc."
"Đừng quên, thuế quan không phải là chuyện mới xảy ra", ông Bành nói, khi nhắc đến những thay đổi lớn trong thương mại với nước ngoài của Trung Quốc trong vài năm qua.
Sau cuộc thương chiến Mỹ-Trung trong nhiệm kì đầu của ông Trump, nhiều công ty đã bắt đầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc, nhưng khi đó hệ thống chuỗi cung ứng ở Đông Nam Á vẫn chưa hoàn thiện.
Tổng thống Mỹ Donald Trump giơ tấm bảng thuế quan tại Nhà Trắng ngày 2/4/2025

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Tổng thống Mỹ Donald Trump giơ tấm bảng thuế quan tại Nhà Trắng ngày 2/4/2025
Theo thời gian, Việt Nam đã hình thành một hệ thống chuỗi cung ứng tương đối hoàn chỉnh và đến năm ngoái, ngành nội thất về cơ bản đã hoàn thành các chuyển dịch quy mô lớn sang Việt Nam.
Tuy nhiên, việc chuyển dịch này không thể đánh đồng giữa "cá lớn" và "cá bé". Những doanh nghiệp công-thương tích hợp quy mô lớn ở Trung Quốc có khả năng chống chịu rủi ro tốt hơn nhờ bố trí chuỗi cung ứng cả trong và ngoài nước; còn các doanh nghiệp nhỏ do thiếu năng lực chuyển dịch, nên phải đối mặt với rủi ro thuế quan lớn hơn nhiều.
Ông Bành thuộc nhóm ở giữa. Dù có kênh sản xuất tại Việt Nam, nhưng ông chủ yếu bán hàng từ Trung Quốc. Do đó, điều ông quan tâm không phải là Mỹ đánh thuế bao nhiêu, mà là những đối thủ đã sớm đặt chân sang Việt Nam (trong đó có không ít người là đồng hương ở Giang Tô, Chiết Giang) đang phải chịu mức thuế cao hơn hay thấp hơn.
"Có một sự hiểu lầm phổ biến rằng chi phí lao động của Việt Nam thấp hơn", ông Bành nêu ý kiến.
"Theo những người trong ngành, công nhân Việt Nam kiếm được 3.000 nhân dân tệ/ tháng (10,8 triệu đồng/tháng). Nhưng theo nhận định của giới thương nhân Trung Quốc, tay nghề và sự cần cù chịu khó của công nhân Trung Quốc cao hơn.
"Hiệu suất thực tế chỉ bằng 70%, vì vậy nếu lấy 3.000 tệ chia cho 0,7 thì tương đương khoảng 4.300 tệ (khoảng 15,5 triệu đồng) - không chênh lệch nhiều với mức lương của lao động phổ thông ở đồng bằng sông Dương Tử. Hơn nữa, giao tiếp xuyên văn hóa không dễ dàng, dẫn đến tổn thất trong sản xuất cao hơn. Chi phí sản xuất ở Việt Nam thực ra đã cao hơn Trung Quốc", ông Bành nói thêm.
Hơn nữa, làn sóng các nhà máy Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam trong vài năm qua đã khiến giá thuê mặt bằng ở Việt Nam tăng vọt từ 15 nhân dân tệ/m2/tháng (54.000 đồng/m2/tháng) vào năm 2022 lên 35 nhân dân tệ/m2 (126.000 đồng/m2/tháng), và chi phí nhân công cũng tăng theo.
Do đó, nếu ông Trump thực sự áp thuế lên Việt Nam cao hơn Trung Quốc, thì lợi thế về chi phí của Trung Quốc lại càng rõ ràng, và đây chính là lý do ông Bành thấy "khá vui".
Các số liệu cũng dường như ám chỉ đến quan hệ giữa Trung Quốc, Việt Nam và Mỹ. Trong quý 1/2025, Hà Nội đã nhập khẩu khoảng 30 tỷ USD hàng hóa từ Bắc Kinh, trong khi xuất khẩu sang Washington 31,4 tỷ USD.
Theo BBC News Tiếng Trung, khoảng một phần tư lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc hiện cần được trung chuyển qua các nước trung gian trong đó có Việt Nam và Campuchia.
Ông Bành chụp ảnh khu vực nhà máy đóng cửa sau khi Mỹ áp dụng mức thuế cao 145% với Trung Quốc

Nguồn hình ảnh,Paul Bành
Chụp lại hình ảnh,Ông Bành chụp ảnh khu vực nhà máy đóng cửa sau khi Mỹ áp dụng mức thuế cao 145% với Trung Quốc

 

Trắc trở: Đóng cửa đột ngột và ngưng xuất hàng​

Tuy nhiên, tâm trạng vui vẻ của ông Bành chỉ kéo dài trong một tuần - đến chiều ngày 9/4/2025, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ tạm hoãn mức thuế cao đối với Việt Nam và các quốc gia khác, thay vào đó là chỉ áp dụng mức "thuế cơ sở" là 10% trong 90 ngày tiếp theo.
Thế nhưng, mức thuế đối với Trung Quốc không những không được hủy bỏ mà còn bị nâng lên cao ngất ngưởng là 145%.
"Chúng tôi hoàn toàn mất hứng xuất hàng", ông Bành nói, lấy ví dụ về một chiếc ghế văn phòng do công ty ông sản xuất - chi phí mua sắm đầu vào trong nội địa Trung Quốc là khoảng 30 USD và giá bán lẻ cuối cùng thường dao động trong khoảng từ 45 - 50 USD.
Khi mức thuế đối với Trung Quốc lên đến đỉnh điểm, chi phí tăng vọt thêm khoảng 35 - 40 USD, buộc giá bán lẻ phải đội lên trên 80 USD.
Trong khi đó, các đối thủ tại Việt Nam nhờ mức thuế chỉ 10% có thể giữ giá bán ổn định ở mức 55–60 USD. Khi so sánh, xuất hàng từ Trung Quốc đã không còn lợi thế về chi phí nữa.
Đối với các thương nhân, họ vẫn có thể chịu được, theo lời ông Bành thì "cùng lắm là chúng tôi ngừng kinh doanh trong vài tháng". Nhưng đối với những nhà máy có máy móc vận hành ầm ầm, đó là "khoảnh khắc tuyệt vọng".
Ông Bành kể lại một ví dụ "tàn khốc" hơn: sau khi thuế áp với hàng Trung Quốc tăng lên 145%, ông đã gửi mẫu sản phẩm từ nhà máy Trung Quốc mà ông hợp tác ban đầu sang nhà máy ở Việt Nam để gia công.
"Cả nhà máy Trung Quốc buộc phải ngưng hoạt động đột ngột – nếu lỗ ít còn có thể chia sẻ được, nhưng nếu mức thuế cao như vậy thì không còn lối thoát. Toàn bộ công nhân đều phải nghỉ việc, nhà máy chỉ duy trì ở mức hoạt động tối thiểu. Tình trạng này có thể kéo dài vài tháng, nếu không cải thiện, sẽ buộc phải đóng cửa nhà máy.
"Vì vậy, vào thời điểm đó, ngành nội thất ước tính tỉ lệ thất nghiệp có thể cao hơn vào tháng 7 và tháng 8/2025", doanh nhân này cho hay.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, ngành thương mại điện tử xuyên biên giới mà ông Bành là một đại diện tuy quan trọng, nhưng không phải là toàn bộ thương mại Mỹ-Trung.
Công nhân một công ty dệt may ở thành phố Tô Thiên, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Công nhân một công ty dệt may ở thành phố Tô Thiên, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc
Bàng Quốc Cường, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của công ty cung cấp dịch vụ xuất khẩu GenPark, nói với BBC Tiếng Trung rằng các công ty thương mại điện tử xuyên biên giới như của ông Bành về cơ bản chiếm một phần ba kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ. So với thương mại truyền thống, tốc độ tăng trưởng của họ rất nhanh, với kim ngạch xuất khẩu tăng gần 20% vào năm 2023.
Ông Bàng cho biết trong hơn một tháng qua, có khoảng 100.000 công ty như vậy, chủ yếu tập trung ở Đồng bằng sông Dương Tử và Đồng bằng sông Châu Giang, chuyên về các mặt hàng "nhẹ" như điện tử tiêu dùng, hàng tiêu dùng nhanh, đồ gia dụng và mỹ phẩm, phù hợp với mô hình "nhỏ, quay vòng nhanh" của thương mại điện tử và bổ sung hiệu quả cho những thiếu sót về mặt cấu trúc của các mặt hàng xuất khẩu công nghiệp nặng truyền thống như ô tô và máy móc.
Trong thời gian nhà máy ngừng hoạt động một tháng, vấn đề mà các chủ doanh nghiệp quan tâm nhất là "có nên sang Việt Nam hay không". Ông Bành, người thường xuyên đi lại giữa Trung Quốc và Việt Nam, cho rằng đã quá muộn vì một mặt, chi phí của Việt Nam đã tăng rất nhiều và Việt Nam rõ ràng phụ thuộc vào thuế quan của Mỹ.
"Hơn nữa, phải mất một hoặc hai năm để triển khai đầu tư nhưng chính sách thì thay đổi ba lần một tháng. Đến khi bạn đến Việt Nam, tiền thì bạn đã đầu tư tiền rồi nhưng các đơn hàng thì lại quay trở lại Trung Quốc", doanh nhân này cho hay.
Đúng như dự đoán, vào ngày 12/5, sau các cuộc đàm phán tại Thụy Sĩ, đại diện Trung Quốc và Mỹ đã đưa ra tuyên bố chung, giảm thuế quan 145% xuống còn 30%, và mức thuế bổ sung sẽ tạm hoãn trong vòng 90 ngày.
Mặc dù con số này vẫn cao hơn so với Việt Nam, ông Bành cho biết các thương nhân đã tính toán rằng "nếu mức chênh lệch thuế giữa Việt Nam và Trung Quốc khi xuất sang Mỹ vượt quá khoảng 40%, thì không thể làm ăn được nữa". Còn bây giờ chỉ khoảng 20%, ông nói rằng "mọi người đều phải xuất hàng rồi".
Khoảng cách này không chỉ do chi phí mặt bằng, nhân công tăng ở Việt Nam, cùng chi phí giao tiếp xuyên quốc gia, mà còn từ khác biệt trong tâm lý của các chủ nhà máy của hai nước: phía Việt Nam báo giá không quá thấp; còn các chủ nhà máy Trung Quốc hiện tại chỉ cần không lỗ là làm, thậm chí chịu lỗ nhẹ cũng chấp nhận – chỉ để duy trì cho nhà máy hoạt động.
Điều này càng làm gia tăng khoảng cách giữa hai bên.
"Vào ngày 9/4, thuế quan đối với Trung Quốc tăng vọt và nhiều hàng hóa không thể xuất khẩu, khiến lượng hàng tồn kho chất đầy trong kho. Bây giờ thuế quan đột ngột giảm, mọi người đều đẩy mạnh xuất hàng vì các kho ở nước ngoài sắp cạn rồi. Bằng chứng rõ ràng nhất là giá cước vận tải biển đang tăng nhanh chóng, dự kiến đầu tháng 6 sẽ lên đến 4.000 USD."

Play video, "Thương chiến Mỹ-Trung: 'Cây tre' Việt Nam cuối cùng có phải ngả về một phía?", Thời lượng 12,47

12:47
p0l5ddyj.jpg.webp

Chụp lại video,Thương chiến Mỹ-Trung: 'Cây tre' Việt Nam cuối cùng có phải ngả về một phía?

Tương lai: Chuyện gì sẽ xảy ra trong 90 ngày nữa?​

Sự xáo trộn do thuế quan gây ra không những ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Trung Quốc mà còn tới người tiêu dùng ở Mỹ.
Ông Bành tin rằng, lần này giá cả thực ra chưa kịp tăng ở Mỹ, bởi nếu không có lợi nhuận, Trung Quốc sẽ không xuất hàng mà Việt Nam sẽ thay thế; còn nếu Mỹ kiên quyết chặn luôn cả đường từ Việt Nam, Campuchia và thậm chí nhiều nơi khác, thì người tiêu dùng Mỹ sẽ phải đối mặt với tình trạng tăng giá bắt buộc.
Lý do là chuỗi cung ứng đằng sau rất đơn giản – các nhà máy ở Trung Quốc/Việt Nam, các thương nhân, các gian hàng trực tuyến trên Amazon – khi doanh nghiệp không thể né tránh chi phí thuế quan bằng cách đi đường vòng, họ sẽ trực tiếp điều chỉnh, tăng giá bán ngay trên trang web.
Đối với 100.000 công ty thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc, sau 90 ngày, nếu mức thuế quan khôi phục, họ có thể buộc phải lấy hàng từ các nhà máy ở Đông Nam Á, nếu không thì vẫn phải quay lại lấy từ Trung Quốc.
Đau đớn hơn nữa là những nhà sản xuất của Trung Quốc, những người không dám mạo hiểm đầu tư ra khỏi nước ngoài.
Ngoài thuế quan, Trung Quốc còn đối mặt với tình trạng dư thừa trong chuỗi cung ứng. "Ngay cả khi không tính đến yếu tố thuế, do cạnh tranh quá khốc liệt, lợi nhuận đã rất ít", ông Bành cho biết.
"Mặt khác, lạm phát tại Mỹ cũng làm giảm sức mua đối với các mặt hàng không thiết yếu, khiến nhu cầu trở nên yếu hơn", doanh nhân Trung Quốc cho hay.
Mức thuế quan của Tổng thống Trump đã làm tình trạng cung vượt cầu thêm trầm trọng.
Doanh nhân Bành bi quan vì ngay cả khi thuế quan được hạ xuống sau 90 ngày, nhằm kích thích thị trường tiêu dùng Mỹ, thì năng lực sản xuất dồi dào của chuỗi cung ứng Trung Quốc vẫn sẽ khiến ngành nội thất rơi vào vòng luẩn quẩn "dĩ giá hoán lượng", tức chấp nhận giảm giá để tăng sản lượng.
"Để duy trì tốc độ quay vòng cao, các doanh nghiệp chỉ có thể tiếp tục nén lợi nhuận. Cuối cùng, toàn ngành vẫn trong tình trạng cung vượt cầu - chỉ khác nhau ở mức độ thừa mứa mà thôi".
Từ góc nhìn của một người kì cựu trong ngành, ông Bành cho rằng thuế quan không phải là yếu tố cốt lõi khiến thị trường tăng giảm. Năm 2018, khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung khiến mức thuế tăng 25%, nhưng cùng lúc đó, chính phủ Mỹ phát tiền hỗ trợ người tiêu dùng sau đại dịch, khiến thương mại điện tử xuyên biên giới bùng nổ.
Hiện tượng này cho thấy một logic then chốt: khả năng phục hồi của nhu cầu tại thị trường Mỹ chủ yếu phụ thuộc vào sức mua của người tiêu dùng – khi thu nhập khả dụng của người dân tăng lên, nguồn gốc hàng hóa cũng chỉ là khác nhau giữa hình thức "vận chuyển trực tiếp từ Trung Quốc" hoặc "trung chuyển qua Việt Nam"; còn nếu sức mua giảm sút, thì dù có sản xuất nội địa hay thuế suất bằng 0 cũng khó đảo ngược được xu hướng giảm.
"Nói cách khác, độ dày của ví tiền của người tiêu dùng Mỹ mới là yếu tố nền tảng thúc đẩy thương mại".
"Bất kể các chuỗi cung ứng di chuyển như thế nào, lợi thế về hiệu quả chi phí của hàng hóa "made in China" vẫn luôn được thể hiện qua quy mô năng lực sản xuất và hệ sinh thái công nghiệp đi kèm", ông Bành đánh giá.
"Thuế quan không thể thay đổi được điều đó", ông nhấn mạnh.
Trong khi đó ông Bàng Quốc Cường lại cho rằng các doanh nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới vừa và nhỏ có khả năng chống chịu tốt hơn và linh hoạt hơn các doanh nghiệp thương mại truyền thống.
Trong hơn một tháng bị ảnh hưởng vừa qua, họ đã bắt đầu điều chỉnh – chẳng hạn như đa dạng kênh bán hàng, từ chỉ bán trên Walmart, Amazon, giờ mở rộng sang TikTok và các trang thương mại điện tử độc lập; hoặc bắt đầu nghiên cứu khả năng xây dựng công xưởng sản xuất tại Thái Lan, Mexico.
Một số doanh nghiệp đi đầu thậm chí đã ứng dụng công nghệ AI, thành công trong việc cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả trong quản lý tồn kho, tối ưu hóa kho vận (logistics) và chiến lược tiếp thị (marketing).
"Vì vậy vẫn còn rất nhiều con đường để đi, vẫn còn hy vọng để tiếp tục tồn tại", ông Bàng lạc quan.
 

Có thể bạn quan tâm

Top