Duckknightx
Thanh niên Ngõ chợ

Chuyện vùng miền: Bình thường mà không bình thường
Khác biệt vùng miền là chuyện thường như cơm bữa, nước nào chả có. Bắc nói nhanh, Nam nói chậm; Bắc thích phở, Nam mê hủ tíu. Nhưng khi khác biệt đó biến thành kỳ thị, thành cái cớ để phân biệt đối xử, thì đúng là đại họa. Nó là mầm mống của chia rẽ, thậm chí bạo lực. Hiểu và hành xử đúng với những khác biệt này không chỉ là chuyện nên làm, mà là BẮT BUỘC nếu muốn sống chung trong một cộng đồng.Tui là dân Bắc, nhưng tui không viết bài này để bênh Bắc hay chửi Nam. Tui chỉ muốn chia sẻ vài điều tui ngẫm ra, đặc biệt là về những vấn đề nhạy cảm của miền Nam mà dân Bắc như tui (và có thể nhiều người khác) không phải ai cũng hiểu. Tui không quy chụp, không lên án, cũng không vỗ ngực bảo tui đúng. Chỉ đơn giản là kể lại những gì tui thấy, tui học được, nhất là khi đã ngấp nghé tuổi 40 mới vỡ ra vài chuyện. Và tui biết, kỳ thị không chỉ từ Bắc mà Nam cũng có phần. Nên bài này chỉ là góc nhìn, không tham vọng giải quyết hết mọi drama Bắc - Nam.
Miền Nam nhìn lịch sử khác miền Bắc thế nào?
1. “Kháng chiến chống Mỹ” hay bảo vệ Việt Nam Cộng Hòa?
Với dân Bắc, giai đoạn 1954-1975 là cuộc “kháng chiến chống Mỹ cứu nước”. Đất nước bị chia cắt là không thể chấp nhận, Mỹ và chính quyền Sài Gòn là “kẻ thù”, còn dân miền Nam là “nạn nhân” cần được “giải phóng”. Đó là cách nhìn duy nhất mà dân Bắc được dạy, được thấm từ nhỏ.Nhưng qua lăng kính miền Nam, mọi chuyện khác hoàn toàn. Với họ, miền Nam là một quốc gia độc lập, có tên là Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) từ 1955. Cái tên này được công nhận bởi công pháp quốc tế. Họ tự hào về cờ vàng ba sọc đỏ, trong khi ở miền Bắc, lá cờ này bị coi là “phản động”. Họ không có khái niệm “giải phóng miền Bắc” hay “thống nhất đất nước”. Với họ, 1954-1975 là cuộc chiến bảo vệ miền Nam trước sự xâm lăng và khủng bố từ miền Bắc.
Nghe nhạc vàng thời đó, dễ thấy họ gọi quân miền Bắc là “giặc”. Nhiều người miền Nam mất mạng ngay trên đất mình, đặc biệt trong sự kiện Mậu Thân 1968. Họ coi chính quyền Sài Gòn là hợp pháp, kính trọng Ngô Đình Diệm (Đệ Nhất Cộng Hòa) và chấp nhận chính quyền Nguyễn Văn Thiệu (Đệ Nhị Cộng Hòa), dù không phải ai cũng 100% hài lòng. Mỹ với họ là đồng minh, là biểu tượng của sự tiến bộ. Đi du học Mỹ là niềm tự hào. Lính Mỹ ở miền Nam được xem là người bảo vệ, dù có thể họ không thích quân ngoại quốc trên đất mình.
Quan trọng hơn, miền Nam thời đó có nền kinh tế, giáo dục, kỹ nghệ, nông nghiệp phát triển vượt bậc so với miền Bắc. Họ có tự do chính trị - thứ mà miền Bắc thiếu hoàn toàn, dù Hồ Chí Minh từng hô hào đấu tranh. Với họ, 30/4/1975 không phải “giải phóng” mà là ngày mất nước, mở đầu cho một chuỗi bi kịch kinh hoàng.
2. Truy bức chính trị sau 1975
Sau 30/4, điều mà miền Bắc gọi là “giải phóng” lại là cơn ác mộng với miền Nam. Những ai từng làm việc cho VNCH - từ lính, công chức, đến giáo viên - đều bị đưa vào trại cải tạo. Nghe thì “cải tạo” cho kêu, nhưng thực chất là trại tập trung kiểu Đức Quốc Xã hay Pháp ngày xưa. Có tới 21 trại cải tạo, giam khoảng 300.000 người, ảnh hưởng đến hàng triệu người khác. Không phiên tòa, không xét xử, chỉ có lao động khổ sai. Nhiều người chết, sức khỏe suy kiệt, tinh thần tan nát. Có người bị giam hơn 10 năm, không được gặp gia đình.Những người sống sót trở về thì gia đình đã ly tán, tài sản bị tịch thu, con cái không được học hành. Họ bị chính quyền mới phân biệt đối xử, làm giấy tờ cũng bị làm khó. Dân Bắc hay đùa về “đi cải tạo” như một câu cửa miệng, nhưng với dân Nam, đó là nỗi đau không bao giờ nguôi. Nó là một vết thương tập thể, mà chỉ nhắc đến thôi cũng đủ khiến nhiều người rùng mình.
3. Bần cùng hóa kinh tế
Sau 1975, chính quyền mới áp dụng kinh tế kế hoạch hóa tập thể lên miền Nam. Kết quả? Một thảm họa kinh tế, đẩy cả nước vào khủng hoảng thập niên 80. Đảng ******** sau này phải thừa nhận sai lầm, bỏ kinh tế Margin, chuyển sang “kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Nhưng điều ít ai nói là cái “kinh tế thị trường” này từng tồn tại ở miền Nam trước 1975. Mở công ty, phát hành cổ phiếu, giao thương quốc tế - với miền Nam là chuyện thường.Trước 1975, miền Nam có đô thị phồn vinh, nông thôn tuy chưa giàu nhưng không đói khổ như miền Bắc. Cơ hội làm giàu luôn rộng mở. Nhưng sau 1975, tài sản bị tịch thu, doanh nghiệp đóng cửa, buôn bán bị cấm. Đường nhựa ở thành phố bị cày lên trồng khoai, dân bị đưa đi vùng kinh tế mới. Kết hợp với truy bức chính trị, việc bần cùng hóa kinh tế này đẩy người miền Nam vào đường cùng.
4. Vượt biên - Liều mạng tìm đường sống
Dân Bắc hay đùa về “vượt biên”, nhưng ít ai hiểu quy mô và bi kịch của phong trào này. Sau 1975, bị truy bức chính trị, bần cùng hóa kinh tế, và phân biệt đối xử, hàng triệu người miền Nam chọn vượt biên. Ước tính hơn 1 triệu người liều mạng trên những con thuyền mong manh, hy vọng được tàu nước ngoài cứu hoặc tới được Philippines, Malaysia, Thái Lan, Hồng Kông. Họ trở thành thuyền nhân Việt Nam - một thảm họa nhân đạo lịch sử. Hàng trăm ngàn người chết trên biển. Những người sống sót định cư ở Mỹ, Canada, Úc, châu Âu, hoặc một số ít ở Ấn Độ, Nhật Bản.Họ ra đi với tâm thế: nếu sống sót, sẽ gửi tiền về nuôi gia đình, và tìm cách bảo lãnh người thân. Thực tế, cộng đồng người Việt hải ngoại ngày nay đã làm được điều đó, gửi về hàng chục tỷ USD mỗi năm (năm 2020 là 17,2 tỷ USD). Nhưng ở miền Bắc, “tị nạn” lại bị chế giễu, không ai hiểu đó là lối thoát duy nhất của hàng triệu người miền Nam.
5. Vết thương chưa bao giờ được thừa nhận
Tất cả những bi kịch này - truy bức, bần cùng hóa, vượt biên - chưa bao giờ được chính quyền thừa nhận, huống chi là xin lỗi. Người miền Nam không được công nhận là nạn nhân của truy bức chính trị, của cướp đoạt tài sản, của phân biệt đối xử. Nghĩa trang quân nhân VNCH bị bỏ hoang, thương phế binh VNCH bị chính quyền bỏ mặc, sống lay lắt nhờ cộng đồng. Trong khi đó, mỗi năm 30/4, người miền Nam lại phải nghe những lời ca ngợi “chiến thắng” từ chính quyền.Những vết thương này khiến người miền Nam cực kỳ nhạy cảm với các từ ngữ chính trị và cách hành xử của người miền Bắc. Một câu đùa vô ý, một từ ngữ không đúng, có thể vô tình chạm vào nỗi đau sâu sắc của họ.