Sáng nay tôi có ý định ghi vài dòng, xem như ghi chép cá nhân, về Nabokov vì tôi vừa đọc lại hơn một nửa tiểu luận trong quyển Nabokov and the Real World của Robert Alter, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, Nabokov luôn có thể chờ. Vậy nên đã lỡ tay gõ phím, tôi muốn chuyển qua một tiểu luận trong quyển Nghĩ về văn học hải ngoại của nhà văn Nguyễn Mộng Giác, đó là 'Đồng hồ dừng lại từ 30.4.1975', viết vào năm 2000.
Cũng giống như vụ đọc ngẫu nhiên trước với quyển sách của Nguyễn Hiến Lê, tôi đọc tiểu luận này cũng do tình cờ trong lúc chờ mạng Internet kết nối lại, do bên nhà mạng có thông báo bảo trì. Nguyễn Mộng Giác không phải nhà văn quen thuộc với tôi, truyện dài duy nhất của ông ấy tôi đọc là Tiếng chim vườn cũ, kèm một số bài viết lẻ trên mạng.
Nguyễn Mộng Giác bắt đầu bài viết bằng việc trích một đoạn từ quyển tiểu thuyết 'Những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa' của nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh. Đoạn hội thoại được trích là của hai nhân vật: trung tướng Ngô Quang Trưởng tư lệnh quân đoàn 1 và viên Tổng lãnh sự Mỹ tại Đà Nẵng. Ông Giác cho rằng việc tác giả lúc nào cũng để trung tướng Ngô Quang Trưởng gọi người Mỹ là "Ngài" (viết hoa) "rất chối tai". Ông nói thêm:
"Những người lớn lên ở Miền Nam đều biết rõ trong ngôn ngữ giao tế hằng ngày, từ vĩ tuyến 17 trở vào, không ai dung tiếng "Ngài" đầy khúm núm để thưa gửi trước những chức quyền cao hơn mình. Không phải người Miền Nam không sợ cấp trên, hoặc ở Miền Nam trước 1975 không hề có những bọn xu nịnh. Nhưng tiếng "Ngài" là một tiếng Việt đã lỗi thời, từ lâu không ai còn dùng nữa."
Ông Giác cho rằng ngôn ngữ của ông Hạnh đã đóng băng, và đáng lý ra sau hơn một phần tư thế kỷ, với tư cách là người cầm bút "có thẩm quyền" ở Việt Nam, ông Hạnh phải ý thức hơn.
"Vì quê hương đang ở trong tầm tay của ông. Ðám đông thấp cổ bé miệng mong mỏi được những nhà báo, nhà văn "có thẩm quyền" như ông hiểu rõ hoàn cảnh của họ, ước vọng của họ hôm nay, tháng Tư năm 2000. Nhưng ông suy nghĩ, viết lách như một người sống hai mươi lăm năm về trước. Ông không thông cảm nổi với những người đã từng chống ông trong chiến tranh, đấy là quyền của ông. Nhưng hình như ông cũng không thông cảm được với lớp trẻ tuổi trên dưới ba mươi hiện nay, là một nửa đám đông đang ở dưới quyền sinh sát của bạn bè ông."
Bài viết của ông Giác liên quan cảm xúc nhiều hơn lý lẽ vì ông thừa nhận người bỏ quê hương mà đi, đồng hồ của họ cũng đã dừng lại, tất cả hoài niệm quê hương họ mang theo giống "tranh tĩnh vật", việc thay đổi dù chỉ một chi tiết nhỏ trong đấy cũng là "xâm phạm lên cái gì thiêng liêng nhất của người lưu vong."
Tổng quan chất giọng của Nguyễn Mộng Giác không hẳn mang tính bút chiến, mà khá trầm. Ý kiến của ông Giác thế nào, tôi chưa có gì để nhận xét, nhưng bài viết này có vài điểm tôi thích và gợi cho tôi vài suy nghĩ.
Thứ nhất là đoạn trích sau:
"Không phải ngẫu nhiên mà hai người Việt xa lạ gặp nhau lần đầu, câu hỏi làm quen trước tiên là hỏi năm rời quê hương. Ðó là một cách định vị để dễ dàng tìm lời thích hợp mà trao đổi về sau. Không cùng chia nhau một thứ quê hương, khó ăn khó nói lắm!"
Thứ hai là tiểu luận này (và có thể là cả các bài khác trong cùng tập sách tôi chưa đọc tới) phảng phất không khí của một thế giới bị đẩy lùi quá xa. Trước giờ tôi vẫn thấy văn học hải ngoại tồn tại như thể nó là đối trọng của văn học trong nước, nhưng trước làn sóng toàn cầu hóa của thế kỷ 21, có vẻ khái niệm "văn học hải ngoại" người Việt ta hay dùng giờ như đã nằm hẳn trong lịch sử (dù ở nước ngoài nhiều người vẫn đang viết).
Thứ ba là nếu cân tiểu thuyết Nguyễn Mộng Giác và tiểu thuyết Trần Mai Hạnh để xem hai cách nhìn Việt Nam thì ta có gì? Tôi sẽ không nói hai người này giống nhau nhưng cả hai đều chia sẻ chung chút gì đó tinh thần nhẫn nhịn trước xô đẩy của thời cuộc.
Những suy nghĩ trên tôi có thể dành thời gian để nhìn nhận xa hơn, nhưng tôi biết tôi khó trở lại những chủ đề này, bản thân là người ăn buffet vô ý tứ, dĩa tôi giờ quá đầy. Liệu có ai là viết về văn học hải ngoại từng nhìn những vấn đề trên không, tôi rất muốn đọc thử.
***