
- Nếu không điều chỉnh mức tiêu thụ nhiên liệu để đáp ứng định mức mới vào năm 2030, nhiều mẫu xe máy "hot" trên thị trường sẽ phải dừng bán.
Hướng tới việc thực hiện cam kết Net Zero vào năm 2050, Chính phủ đã yêu cầu áp dụng giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo lộ trình. Trước mắt, nhiều quy định mới sẽ được áp dụng vào năm 2030.Trong đó, "Biện pháp E17" - giải thiết về giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới, nằm trong Quyết định số 1191/QĐ-BGTVT được Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng) ban hành ngày 30/9/2024 có nhiều nội dung gây chú ý.
Biện pháp này đặt mục tiêu tiêu thụ nhiên liệu đến năm 2030 cho các loại phương tiện bán ra thị trường, từ xe máy cho đến ô tô. Trong đó, nhiều mẫu xe máy đang được kinh doanh sẽ đứng trước nguy cơ bị dừng bán, nếu không đạt định mức 2,3 lít/100km vào năm 2030.
Ví dụ như Honda SH 125i và 160i đang có mức tiêu thụ nhiên liệu trong khoảng 2,37-2,52 lít/100km, cần phải cải thiện định mức tiêu hao nếu không muốn bị dừng bán vào năm 2030. Đây là một trong những dòng xe tay ga được khách Việt ưa chuộng.
Hay như Vespa Sprint, mẫu xe tay ga đến từ thương hiệu Italy tuy có giá cao (từ 103,8 triệu đồng) nhưng vẫn được những khách hàng trẻ ưa chuộng vì tính thời trang cao, cũng đứng trước nguy cơ bị dừng bán vào năm 2030. Hiện tại, phiên bản dùng động cơ 125cc có mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình là 2,63 lít/100km, biến thể 150cc tiêu hao 2,71 lít/100km.

Honda SH 125i đang được niêm yết từ 73,9 triệu đồng (Ảnh: Hà Ngô).
Bù lại, một số mẫu xe tay ga cỡ nhỏ khá "hot" trên thị trường vẫn nằm ở "vùng an toàn". Ví dụ như Honda Vision có mức tiêu hao 1,85 lít/100km, Airblade 125/160 tiêu thụ 2,14-2,19 lít/100km hay Yamaha Freego 125cc tiêu tốn 2,03 lít cho 100km.
Từ nay đến năm 2030, các nhà sản xuất, nhập khẩu xe máy vẫn còn thời gian để chuẩn bị, nghiên cứu cũng như điều chỉnh các dòng sản phẩm nhằm đáp ứng tiêu chuẩn mới. Theo giới chuyên gia, thay đổi này là cần thiết để hướng tới việc "chuyển đổi xanh", đồng thời đem lại lợi ích cho người tiêu dùng khi nhiều dòng xe máy phổ thông hứa hẹn sẽ có mức tiêu thụ nhiên liệu tốt hơn.
Tuy nhiên, với những người dùng đang quan tâm đến mô tô phân khối lớn như anh Bùi Đình Duy (Hà Nội), vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải. "Mình thấy chưa có quy định giới hạn tiêu thụ nhiên liệu với mô tô, phân khối lớn. Nếu chủng loại xe này cũng xếp chung vào xe máy thì khó đáp ứng định mức 2,3 lít/100km ở năm 2030", anh Duy chia sẻ.

Nếu gộp chung các dòng xe phân khối lớn vào mục xe máy và áp dụng định mức trên, các loại xe này sẽ phải dừng bán toàn bộ vào năm 2030 (Ảnh: Nguyễn Lâm).
Hiện tại, Honda và Yamaha đang là hai thương hiệu lớn phân phối nhiều mẫu xe phân khối lớn trên thị trường. Ví dụ, Honda đang mở bán 15 dòng mô tô, trong đó mẫu naked bike CB650R nằm ở phân hạng tầm trung, có mức tiêu thụ nhiên liệu là 4,95 lít/100km.