Các thị tran gần biên giới Canada đang gặp khó khăn.
Tháng trước, Nicholas Gilbert nhận được một chuyến giao ngũ cốc cho 1.400 con bò sữa tại trang trại của anh ở Potsdam, New York, cách biên giới Ontario khoảng 32 km. Lô hàng đi kèm với một khoản thuế bất ngờ trị giá 2.200 đô la. “Chúng tôi chỉ có lợi nhuận rất nhỏ,” anh nói. “Tôi đã ký hợp đồng cố định giá cho lô ngũ cốc này được giao đến tận chuồng. Nó đáng ra phải có giá nhất định theo tấn. Thế mà họ cộng thẳng khoản thuế đó vào chỉ vì hàng đến từ nhà máy chế biến thức ăn gia súc ở Canada.”
Gilbert không thể tăng giá sữa mà anh bán, vì giá đó do hợp tác xã địa phương quy định. Anh cũng không thể cho bò ăn ít hơn. Anh càng không thể mua từ nhà cung cấp khác — khu vực gần đó không có, và đặt hàng từ xa hơn thì lại đắt hơn. Khi nhận lô hàng, anh nhìn chằm chằm vào khoản thuế đó một lúc lâu. Chẳng phải bên phía Canada phải chịu trách nhiệm với khoản thuế này sao? “Tôi thậm chí còn không chắc việc này hợp pháp! Chúng tôi đã có hợp đồng giá giao hàng! Nếu giá xăng tăng hay xe tải hỏng thì đâu phải lỗi của tôi! Hợp đồng là để tránh chuyện đó mà!”
Nhưng khoản thuế đó là hợp pháp, và trách nhiệm thuộc về Gilbert. Anh chỉ là một trong hàng chục nghìn chủ doanh nghiệp Mỹ đang vướng vào vòng xoáy chiến tranh thương mại leo thang, và sống trong khu vực mà nền kinh tế Mỹ có thể đã bắt đầu rơi vào suy thoái vì điều đó. Các doanh nghiệp gần biên giới Canada đặc biệt dễ bị tổn thương bởi chi phí tăng và doanh thu giảm do thuế quan, khiến họ phải trì hoãn dự án, ngừng tuyển dụng, tăng giá, sa thải nhân viên, hoặc tự hỏi làm sao để tiếp tục cho bò ăn.
Tổng thống Donald Trump đã khơi mào cuộc chiến thương mại được hứa hẹn từ lâu bằng cách áp thuế lên thép, nhôm và hàng hóa từ Trung Quốc, Canada và Mexico ngay sau khi nhậm chức — khẳng định sai rằng các công ty nước ngoài sẽ trả thuế này và tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ bùng nổ. Hôm thứ Tư, ông đã phát động một chiến dịch toàn cầu gây sốc khi công bố thuế quan đối với mọi đối tác thương mại của Mỹ.
Các biện pháp này được cho là nhằm đối phó với thuế quan và rào cản thương mại từ các nước khác, Trump nói. Nhưng những con số mà Nhà Trắng công bố chẳng liên quan gì đến chính sách thương mại thực tế, nếu chúng thực sự tồn tại. Họ đặt mức thuế tối thiểu là 10% đối với hàng nhập khẩu từ toàn thế giới và áp mức cao hơn với hàng hóa từ hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ và khối thương mại. Chính quyền dường như đã tính toán các mức thuế cao hơn này bằng cách chia giá trị thâm hụt thương mại song phương của một nước với Mỹ cho tổng giá trị hàng xuất khẩu của nước đó sang Mỹ.
Thuế quan này phi lý, tùy tiện và kỳ quặc. Chính quyền Trump chỉ tính đến thương mại hàng hóa mà bỏ qua dịch vụ. Họ đánh thuế cả những nước đã có hiệp định thương mại tự do lâu đời với Washington như Úc, Hàn Quốc, Israel, Panama, Singapore, Costa Rica, El Salvador, Guatemala, Honduras, Nicaragua và Cộng hòa Dominica. Họ đánh thuế cả những quốc gia đang có thặng dư thương mại với Mỹ. Họ thậm chí còn áp thuế lên các hòn đảo xa xôi không người ở và cả vùng lãnh thổ do lính Mỹ và Anh kiểm soát.
Tuy chính sách vô lý, nhưng ảnh hưởng của nó là rất thật. Hàng tiêu dùng Mỹ sẽ đắt đỏ hơn, với một gia đình trung bình phải trả thêm khoảng 3.800 đô mỗi năm cho thực phẩm, xe hơi, quần áo, đồ nội thất và mọi thứ khác nếu mức thuế vẫn giữ nguyên. Hàng ngàn doanh nghiệp Mỹ, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, sẽ phải đóng cửa. Nước Mỹ có nguy cơ rơi vào một cuộc suy thoái tự gây ra — chỉ vì một số người có quyền lực tin sai về thương mại.
Muốn biết kinh tế Mỹ sắp đi về đâu, hãy nhìn về biên giới.
Từ Bellingham, Washington đến Calais, Maine, nước Mỹ có hàng chục cộng đồng không chỉ liên kết với nền kinh tế Canada, mà còn hòa quyện với nó. Các trạm xăng ở đây sống nhờ người Canada đi làm qua biên giới. Các khu trượt tuyết và công viên nước sống nhờ khách du lịch Canada. Các công ty sản xuất phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào từ Canada. Trang trại thì phụ thuộc vào thức ăn chăn nuôi của Canada. Khách sạn thì phục vụ cho các hội nghị doanh nghiệp từ Canada.
Trái với lời của Trump, thuế quan được trả bởi nhà nhập khẩu trong nước, không phải nhà xuất khẩu nước ngoài. Hầu hết công ty đều chuyển chi phí này cho người tiêu dùng. Một số khác, như trang trại Adon, thì không thể. “Chúng tôi phải chịu hoàn toàn chi phí đó,” Gilbert nói, giải thích rằng anh cũng sẽ phải chịu thuế cho phân bón và thiết bị nông nghiệp. “Chúng tôi không giống các doanh nghiệp khác. Chúng tôi vận hành rất chậm. Tôi không thể xoay chuyển gì cả.”
Các công ty sản xuất và xây dựng gần biên giới cũng gặp tình trạng tương tự khi chi phí thép, nhôm, gỗ và linh kiện máy móc tăng cao. Những công ty này không thể chuyển hoạt động đi nơi khác hay tìm nhà cung cấp mới nhanh chóng. “Chúng tôi khảo sát 40 công ty sản xuất trong khu vực,” Garry Douglas từ Phòng Thương mại North Country ở New York nói. “Một công ty chuyên nhập nguyên liệu thô từ Canada và sẽ phải chịu thêm chi phí 16 triệu đô cho hoạt động ở Mỹ. Một công ty khác là nhà máy giấy nhập bột giấy từ Canada. Họ chỉ có duy nhất một nguồn cung phù hợp.”
Trong khi chi phí tăng, doanh thu của các doanh nghiệp cũng đang giảm. Dan Kelle