
Thị giá VIC tăng gần 70% sau khoảng 1 tháng rưỡi, lên mức cao nhất 20 tháng. Cổ đông đu đỉnh sóng IPO VinFast năm 2023 cũng gần “về bờ”.
“Cổ phiếu VIC rất thấp so với giá trị thật. Nếu là cổ đông trung thành thì sẽ không mất gì cả, anh chỉ mất khi anh bán, chưa bán thì chưa mất gì cả, theo thời gian, thị giá VIC sẽ trở lại” là chia sẻ của ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT Vingroup (mã VIC) tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023. Từ đó đến nay, cổ phiếu VIC đã đưa cổ đông trải qua nhiều thăng trầm.
Cổ phiếu này tăng mạnh trong giai đoạn tháng 7-8/2023 cùng với sự kiện VinFast IPO Nasdaq nhưng sau đó giảm về vùng thị giá 4x. Đến đầu tháng 3 vừa qua, VIC mới thực sự trở lại đường đua khi liên tục tăng nóng với nhiều phiên kịch trần. Sau khoảng 1 tháng rưỡi, thị giá VIC tăng gần 70% lên cao nhất 20 tháng. Cổ đông ôm VIC từ vùng đỉnh năm 2023 cũng gần “về bờ”.

VinFast vươn lên mạnh mẽ trở thành hãng ô tô bán chạy nhất Việt Nam, Vinhomes dồn dập đón tin vui từ các siêu dự án tỷ USD, Vinpearl sắp niêm yết HoSE,… là những luồng thông tin hỗ trợ tích cực cho đà tăng của cổ phiếu nhóm Vingroup thời gian qua. Bên cạnh đó, những động thái mới của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong mảng năng lượng cũng thu hút sự chú ý của giới đầu tư.
Cổ phiếu VIC tăng mạnh đẩy vốn hóa của Vingroup vượt mức 266.000 tỷ đồng (10,4 tỷ USD). Con số này đưa tập đoàn của ông Phạm Nhật Vượng vượt qua BIDV để trở thành cái tên giá trị lớn thứ 2 toàn sàn chứng khoán Việt Nam. Giá trị vốn hóa thị trường của Vingroup hiện chỉ còn kém duy nhất Vietcombank.

Cổ phiếu VIC “bốc đầu” đẩy giá trị tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng vọt. Bên cạnh 691,27 triệu cổ phiếu VIC nắm giữ trực tiếp, Chủ tịch Vingroup còn gián tiếp sở hữu thông qua 2 pháp nhân liên quan là CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam và CTCP Quản lý và Đầu tư Bất động sản VMI.
Ước tính, giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng trên sàn chứng khoán Việt Nam lên đến 145.000 tỷ đồng (5,5 tỷ USD). Con số này giúp Chủ tịch Vingroup vững vàng ở vị trí người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, bỏ xa những cái tên phía sau như ông Trần Đình Long, Đỗ Anh Tuấn, Nguyễn Thị Phương Thảo,…

Còn theo cập nhật mới nhất từ Forbes, khối tài sản của ông Phạm Nhật Vượng tại ngày 14/4 ước tính lên đến 8,4 tỷ USD. Con số này đã tăng chóng mặt từ đầu năm, đưa tỷ phú giàu nhất Việt Nam leo lên vị trí thứ 344 trong danh sách những người giàu nhất thế giới, nhảy gần 400 bậc so với thời điểm bước vào năm 2025.


Trở lại với Vingroup, ngày 24/4 tới đây, tập đoàn sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025 tại Hà Nội. Theo tài liệu mới công bố, Vingroup đặt mục tiêu doanh thu thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 300.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 10.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 56% và 90% so với thực hiện năm 2024.
Trong năm 2024 trước đó, Vingroup ghi nhận tổng doanh thu thuần hợp nhất đạt 192.159 tỷ đồng, tăng 19% so với năm trước và là mức cao nhất lịch sử. Động lực chính đến từ tốc độ bàn giao mạnh mẽ các bất động sản tại các đại dự án, song song với sự tăng trưởng vượt bậc từ mảng xe điện. Lợi nhuận sau thuế đạt 5251 tỷ đồng, tăng 155% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch năm đề ra.

Trong một diễn biến liên quan, ông Phạm Nhật Vượng cùng hai con trai mới đây đã góp vốn thành lập CTCP Năng lượng VinEnergo. Đây là động thái chiến lược đánh dấu bước đi mới của Vingroup trong việc mở rộng sang lĩnh vực năng lượng – một mảnh ghép được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong hệ sinh thái của tập đoàn.
Cụ thể, VinEnergo được thành lập ngày 12/3/2025, với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất điện và thiết bị điện. Trong đó, ông Phạm Nhật Vượng góp hơn 35 triệu cổ phiếu VIC, tương đương khoảng 1.420 tỷ đồng, sở hữu 71% cổ phần, 2 người con là Phạm Nhật Quân Anh và Phạm Nhật Minh Hoàng mỗi người góp 5% cổ phần.