Ông vua cà phê Việt - Đặng Lê Nguyên Vũ

Đặng Lê Nguyên Vũ: Từ vô danh tới anh hùng
Đặng Lê Nguyên Vũ là một thương hiệu đặc biệt. Tạp chí National Geographic Traveller gọi là "Vua cà phê". Tạp chí Forbes đặt cho danh vị "zero to hero". 18 năm qua, cái tên này là hình ảnh đại diện cho những hoài bão, tham vọng, khát khao vươn ra thế giới của doanh nhân Việt...
Bắt đầu từ nghĩ khác
Cách nghĩ khác đầu tiên làm thay đổi cuộc đời Đặng Lê Nguyên Vũ có lẽ là quyết định rời bỏ đại học y, chuyển sang thu mua cà phê về rang xay. Nghe kể lại, mẹ ông khóc ròng vì quyết định này. Nhưng Đặng Lê Nguyên Vũ đã quyết bỏ 6 năm học ngành y thay vì biến cuộc đời mình trở nên vô dụng.
Trên chiếc xe đạp cà tàng, đến từng đại lý thu mua cà phê để bắt đầu sự nghiệp, những ý tưởng lớn dần theo những vòng quay bánh xe. Nung nấu trong đầu chàng trai Tây Nguyên này là câu hỏi: Tại sao Việt Nam, mà chủ yếu là Buôn Ma Thuột, nơi có hạt cà phê vào loại ngon nhất thế giới, xuất khẩu cà phê cũng vào hàng đầu thế giới, nhưng giá trị thu về vẫn thấp, nông dân vẫn nghèo?
DLNVtuvodanhtoianhhung1.jpg

Doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ.
Cách nghĩ khác tiếp theo làm thay đổi sự nghiệp của anh chàng kinh doanh cà phê rang xay đó là chỉ có chế biến mới tạo nên giá trị. Tư duy này hiện giờ là phổ biến, nhưng cách đây 18 năm, khi Hãng cà phê Trung Nguyên ra đời, xuất khẩu cà phê thô vẫn là mục tiêu chính. Thậm chí, ý tưởng chế biến cà phê của Vũ bị kêu là khùng, chứ chưa nói đến tham vọng chế biến cà phê ngon để xuất khẩu.
Ngay cả việc Đặng Lê Nguyên Vũ đã đặt tên cho doanh nghiệp của mình cũng rất khác, nghe khá ngông, đó là "Hãng cà phê Trung Nguyên". Trong tiếng Việt và trong ý niệm của giới kinh doanh nói chung, hãng là một cơ sở to tát, chứ không thể là một căn nhà nhỏ ọp ẹp và chiếc máy rang xay cà phê cũ kỹ công suất thấp như của ông chủ Hãng cà phê Trung Nguyên khi đó.
Trái ngược với những lời bàn tán, không lâu sau, thương hiệu cà phê Trung Nguyên vượt ra khỏi ranh giới Đắk Lắk. Năm 1998, cuộc đổ bộ rầm rộ, với sức công phá mạnh đã giúp cà phê Trung Nguyên phủ khắp các ngõ ngách của Sài Gòn, tới từng dân nghiền cà phê. Đặng Lê Nguyên Vũ đã tạo ra cách thức để khách hàng tự mình trở thành người sành điệu về cà phê, tự tạo hình ảnh cá nhân qua sự lựa chọn khác nhau trong từng hương vị của cà phê.
Thậm chí, người ta đã gọi tất cả các loại cà phê ngon, có gu là cà phê Trung Nguyên như một chỉ dẫn cho thị trường cà phê Việt Nam, như cách mà người Việt vẫn gọi xe máy là Honda...
Tháng 2/2012, Đặng Lê Nguyên Vũ lần đầu tiên được vinh danh là "Vua cà phê" một cách chính thức trên tờ tạp chí uy tín National Geographic Traveller và vào tháng 8/2012, Tạp chí Forbes nhắc lại danh hiệu này với lời ca ngợi "zero to hero" (nhân vật từ vô danh thành anh hùng).
Đến làm khác
Nhưng thương hiệu Đặng Lê Nguyên Vũ được tạo nên không chỉ bởi nghĩ khác mà chính là dám làm khác, dám thay đổi thói quen, thông lệ. Quan trọng hơn, nhìn lại một chặng đường, có thể gọi đúng tên chìa khóa của sự thành công trong sự nghiệp của doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ là tầm nhìn.
Thương hiệu Đặng Lê Nguyên Vũ được tạo nên không chỉ bởi nghĩ khác mà chính là dám làm khác, dám thay đổi thói quen, thông lệ.
Khi phân tích bài toàn kinh tế của xuất khẩu cà phê, rằng nhà xuất khẩu cà phê thô chỉ được hưởng một phần nhỏ, trong khi lượng tiền khổng lồ rót vào túi những hãng chế biến cà phê, doanh nhân Nguyên Vũ bắt tay ngay vào nghiên cứu và chế biến cà phê. Nghĩa là thay đổi cách làm cũ, con đường cũ.
Đối diện với Vua cà phê, lúc nào cũng thấy sức sáng tạo, hay nói đúng là nhu cầu sáng tạo luôn chảy trong người của ông. Lúc nào cũng thấy ông nghĩ về việc làm sao để đưa cà phê Việt Nam lên vị trí xứng đáng trên thị trường thế giới, bí quyết xây dựng thương hiệu cà phê của các nước khác, các hãng cà phê hàng đầu khác trên thế giới là thế nào; làm cách nào để chế biến cà phê ngon nhất...
Chính Đặng Lê Nguyên Vũ tìm ra điểm hạn chế của cà phê Việt Nam, nghiên cứu và đệ trình Chính phủ các kế hoạch dài hạn, các dự án phát triển ngành cà phê Việt Nam, trong đó phần quan trọng là giúp đỡ nông dân trồng cà phê từ khâu canh tác đến thu hoạch và tiêu thụ, hướng đến mục tiêu đưa ngành cà phê Việt Nam đạt 20 tỷ USD/năm...
Rồi ông cũng lên quy trình trồng cà phê theo triết lý khoa học - văn hóa - tâm linh. Nghĩa là, trồng cà phê theo lối tự nhiên, không độc hại, gây tổn thương môi trường; thu hoạch, chế biến theo tiêu chuẩn tiên tiến, cùng với việc tổ chức các lễ hội cà phê, lễ hội cồng chiêng, tôn vinh những sáng tạo trong lĩnh vực cà phê và xây dựng những biểu tượng, niềm tin trong một thế giới đang khủng hoảng.
Không lúc nào thấy Vũ mệt mỏi khi nói và hành động vì cà phê Việt Nam, vì giấc mơ đưa Đắk Lắk trở thành Thiên đường cà phê, "Thánh địa cà phê toàn cầu"...
Nói như Đặng Lê Nguyên Vũ, ước mơ - khao khát - hành động chưa bao giờ là những điều không tưởng. Với ông, ước mơ phải thật lớn, khao khát phải cháy bỏng và thực hiện chúng với niềm tin mãnh liệt bằng tất cả sức mình và theo đường lối cấp tiến khoa học.
Bản sắc cà phê Trung Nguyên và bản sắc "Vũ"
Trong những giấc mơ thành đạt của Đặng Lê Nguyên Vũ luôn có dấu ấn đậm nét của lòng tự tôn dân tộc và tình yêu thương vô bờ bến với những người dân cùng đồng hành với mình. Sự gắn kết này khiến thành công của Vũ trong sự nghiệp cà phê của mình gắn liền với sự hiện diện ngày một rõ ràng của diện mạo cà phê Việt Nam, bản sắc cà phê Việt Nam và tầm ảnh hưởng của cà phê trong tâm thức, đời sống của người dân Việt cũng như thế giới.
DLNVtuvodanhtoianhhung2.jpg
Không hề quá khi nói rằng, sự xuất hiện của Đặng Lê Nguyên Vũ đã đánh thức cà phê Việt Nam, làm cho tầm vóc cà phê lớn lên, có sức sống, có hồn. Trước Vũ và đến tận giờ này, không có ai trăn trở đi tìm và xây dựng học thuyết về cà phê, khơi dậy văn hóa cà phê...
Tháng 11/2012, Đặng Lê Nguyên Vũ là người châu Á duy nhất được mời tham dự Hội thảo "Thiết lập chương trình nghị sự quốc tế" tổ chức tại Lucerne (Thụy Sĩ) và gây kinh ngạc khi khẳng định "học thuyết cà phê" sẽ thay thế các học thuyết đã gãy đổ. Tham luận của ông đã được đăng trên cuốn Báo cáo chỉ số hòa bình toàn cầu 2012 và Báo cáo trách nhiệm xã hội doanh nghiệp toàn cầu 2012.
Sự kiện này hỗ trợ cho chiến lược mà Đặng Lê Nguyên Vũ đã dành bao tâm huyết, đó là chinh phục thị trường thế giới, để Việt Nam nói chung và Trung Nguyên nói riêng sẽ là thương hiệu cà phê hàng đầu thế giới! Nếu bạn muốn là người dẫn đầu, hãy cạnh tranh với những người dẫn đầu vì chỉ cần chiến thắng họ, bạn chắc chắn là người dẫn đầu - đó chính là con đường mà Vũ vạch ra và theo đuổi để đạt mục tiêu của mình.
Trên con đường ấy, Trung Nguyên đang tiến vào thị trường Mỹ với những bước đi vững chắc, lấy châu Á là thị trường nội địa của mình và tâm điểm bệ phóng là Singapore.
Sứ mạng với thế hệ trẻ
Đặng Lê Nguyên Vũ chẳng hề giấu giếm bí quyết thành công của mình. Trái lại, ông còn đặt rất nhiều kỳ vọng ở thế hệ trẻ kế tiếp và tin rằng, mỗi người đều có thể trở thành con người tài giỏi. "Mọi công dân đều có quyền nghĩ lớn", ông Vũ thẳng thắn.
Ông chia sẻ: "Tôi tự thấy mình có sứ mệnh với thanh niên Việt Nam, mong muốn họ tin rằng, những gì tôi có thể làm được, họ cũng làm được".
Thậm chí, ông còn muốn mình là nguồn cảm hứng để khơi dậy sức mạnh ở họ. Vì bản thân ông, từ xuất phát điểm thấp, một hành trình dài đầy thử thách, nhưng ông đã làm được và tiếp tục làm hơn thế nữa. Các bạn trẻ hiện giờ, với nhiều điểm thuận lợi hơn, hoàn toàn có điều kiện để gây dựng một sự nghiệp thành công hơn nếu thật sự dám dấn thân.
Đặng Lê Nguyên Vũ khẳng định, rất nhiều thanh niên Việt Nam có thể có mộng làm giàu, dám nghĩ, dám làm, nhưng điều đó chưa đủ, mà phải biết cách thực hiện nữa: "Nếu không ước mơ, làm sao có hiện thực? Nếu không hành động, đừng mong có thành quả", ông chia sẻ.
1_DLNVtuvodanhtoianhhung3.jpg

Công thức thành công của ông Vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ là: (1) Phải có ước mơ lớn, (2) Lựa chọn đúng lĩnh vực và (3) Giải quyết vấn đề một cách thông minh. Chính nhờ yếu tố thứ 3 mà những ước mơ lớn của Đặng Lê Nguyên Vũ không hề viển vông mà đang dần trở thành hiện thực khiến nhiều người khâm phục. Nghĩ được, làm được, còn gì tuyệt vời hơn thế nữa!
Đặng Lê Nguyên Vũ đã bắt đầu việc "truyền lửa" đến các bạn trẻ bằng việc tặng sách "Nghĩ giàu làm giàu""Quốc gia khởi nghiệp" cho thanh niên cả nước. Trong năm 2014, ông tiếp tục tặng các cuốn sách tiếp theo gồm "Khuyên học" và "Đắc nhân tâm". Ông tin rằng, có những cuốn sách sẽ làm thay đổi cuộc đời, nhưng không nhiều.
Nhưng doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ cũng nhắn gửi, không có công thức chung cho tất cả và từng bạn trẻ cần tìm đọc có chọn lọc để tìm ra công thức cho chính bản thân mình.
* Nguồn: Báo Đầu Tư
 
https://www.tienphong.vn/kinh-te/luon-sung-sot-voi-dang-le-nguyen-vu-904203.tpo
Luôn sửng sốt với Đặng Lê Nguyên Vũ!
TP - Cậu bé còm cõi cõng gạch giúp mẹ trong những lò nung mịt mù gió bụi M’Đrắk ngày nào, nay trở lại thảo nguyên trong tư thế một ông “vua cà phê” danh tiếng, với những đóng góp không thể phủ nhận cho cộng đồng xã hội và mục tiêu chinh phục “tín đồ cà phê” toàn cầu.
Cà phê Trung Nguyên được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc.
Cà phê Trung Nguyên được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc.
Cty Cà phê Trung Nguyên nhận trách nhiệm
Ông chủ Trung Nguyên dùng võ 'Second Bird' đấu Starbucks
Ông chủ Trung Nguyên bật mí về 'trận chiến' trên đất Mỹ
Không ngủ yên trong đời chật
Ngày cậu sinh viên gầy nhom vung búa đóng biển hiệu “Hãng cà phê Trung Nguyên” lên góc bếp rang xay cà phê bé tẹo chỉ vài mét vuông, dựng bằng số tiền bán chiếc xe máy cùng vốn góp chung của nhóm bạn học cùng khóa, tới nay chưa tròn 20 năm.
Vô số nỗ lực và ý tưởng táo bạo gần 2 thập kỷ qua đã biến chàng trai nghèo đầy khát vọng thành doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ thành đạt sở hữu cả chuỗi nhà máy chế biến cà phê hiện đại, có hàng chục nhãn hàng cà phê được bán trên quầy hàng 60 quốc gia. Vũ còn là người sáng tạo ra một hệ thống triết lý về cà phê, không ngừng cổ vũ tinh thần dân tộc “vươn ra biển lớn”, với tham vọng thu hút hàng tỷ “tín đồ cà phê” toàn cầu. Khát vọng đưa kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt lên vài chục tỷ đô la mỗi năm, khiến không ít tập đoàn đa quốc gia phải dè chừng, cảnh giác. Tới tháng 8/2015 này, lực lượng cán bộ nhân viên có hợp đồng hưởng lương từ Trung Nguyên khoảng 4.000 người. Số lao động gián tiếp trong mạng lưới phân phối nhãn hàng lên tới 1 vạn rưỡi.
Có lần mẹ Vũ kể cho tôi nghe chuyện Vũ ngày thơ ấu, rồi trầm ngâm: Từ bé, nó đã không giống bạn bè cùng trang lứa! Nó toàn nghĩ tới những điều lớn lao mà lũ trẻ xung quanh không hiểu nổi. Đói cơm rách áo, nó vẫn nuôi mộng nước mình hùng mạnh hàng đầu thế giới. Đến bây giờ nó đã làm được bao nhiêu việc nhưng những điều nó muốn truyền bá thì nhiều người vẫn chưa hiểu, chưa tin.
Dõi theo Đặng Lê Nguyên Vũ từ chặng đầu khởi nghiệp, tôi hiểu niềm tự hào lẫn nỗi xót xa của người mẹ thấy con mình luôn vượt lên lẻ loi cô độc trước đám đông. Ở Vũ, nỗi khát khao về một đất nước hưng thịnh chưa bao giờ nguôi nghỉ.
Luôn sửng sốt với Đặng Lê Nguyên Vũ! - ảnh 1
TS Douglas D.Osheroff, Nobel Vật Lý với Đặng Lê Nguyên Vũ.
“Thống trị nội địa, chinh phục thế giới”
Đó là mục tiêu hành động, mà Chủ tịch Hội đồng quản trị Đặng Lê Nguyên Vũ đặt ra cho tập đoàn Trung Nguyên.
Sau 2 năm âm thầm tập rang xay, thử nếm, bỏ mối, thăm dò thị hiếu các tầng lớp tiêu dùng với nhiều công thức pha chế khác nhau, tháng 8/1998 cà phê Trung Nguyên tràn xuống thành phố Hồ Chí Minh, tạo dấu ấn mở quán đầu tiên bằng 10 ngày phục vụ miễn phí. Dân ghiền cà phê Sài Gòn sửng sốt kéo tới đông nghịt thưởng thức cà phê hảo hạng. Tiếp đó, các chiêu PR rầm rộ liên tục hấp dẫn công chúng nhanh chóng biến nhãn hàng này thân thuộc khắp hang cùng, ngõ hẻm. Chỉ trong vài năm, số bảng hiệu cà phê Trung Nguyên nhân lên tới hàng nghìn quán từ Nam ra Bắc, rồi sang cả Singapore, Nhật, Anh, Pháp, Mỹ...
Không phải tôi chỉ biết đến thành công, mà cũng đã nhiều phen nếm mùi thất bại - Đặng Lê Nguyên Vũ chia sẻ với tôi - Có cú mất trắng tới mấy trăm tỷ đồng như vụ đầu tư vào chuỗi cửa hàng bán lẻ G7 Mart. Tuy nhiên, làm gì có thành công nào không pha mùi thất bại? Bài học từ các xứ sở thần kỳ xây lâu đài trên sa mạc như Dubai, Israel, Singapore cho thấy: Nếu không ước mơ, làm sao chúng ta có thể biến giấc mơ thành hiện thực? Nếu không hành động, chúng ta mong gì kết quả?
Tại thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột, Trung Nguyên xây dựng một Làng cà phê độc đáo gồm các tòa nhà rường cổ miền Trung, nhà sàn “dài như tiếng chiêng ngân”, nhà hàng thâm u rộng lớn trong lòng hang động xây kết bằng đá núi lửa, bố trí hài hòa trang nhã giữa các luống cà phê Arabica quanh năm đơm hoa kết trái. Trong dạ tiệc chiêu đãi quan khách về dự Festival cà phê Buôn Ma Thuột đúng mùa hoa cà phê nở rộ, tỏa hương thơm ngát, ông José Sette - cựu Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Thế giới ngây ngất thổ lộ: “Tôi đã làm việc trong ngành cà phê hơn 34 năm, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được tận hưởng không gian cà phê tuyệt vời, đúng nghĩa sáng tạo nhất”.
Công chúng sửng sốt hơn nữa khi Đặng Lê Nguyên Vũ thuyết phục được gia tộc Jenn Burg (Đức) đồng ý chuyển nhượng trọn vẹn cho Trung Nguyên cả bộ sưu tập tư nhân đồ sộ nhất thế giới gồm, hơn một vạn hiện vật cổ kim về lịch sử cà phê, địa lý cà phê, những tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, văn hóa cà phê toàn cầu. Khi trưng bày một phần hiện vật quý này lên ngôi nhà sàn dài đẹp trong Làng cà phê Trung Nguyên, Vũ cho tôi biết vụ chuyển nhượng này vô giá, không thể tính bằng tiền. Gia tộc Jenn Burg tin, bộ sưu tập sẽ được trưng bày trang trọng trong Bảo tàng cà phê thế giới. Giữa thánh địa cà phê Buôn Ma Thuột hiện đã hoàn tất khâu quy hoạch tổng thể, chỉ còn chờ chính quyền giao đất để tập đoàn Trung Nguyên triển khai xây dựng. Và Vũ sẽ không phụ lòng họ.

Luôn sửng sốt với Đặng Lê Nguyên Vũ! - ảnh 2
Ông chủ Trung Nguyên trên thảo nguyên M’Đrắk.
Rụng sạch tóc cho phép tính giản đơn
Họp mặt tại trụ sở Trung Nguyên, nội thành Buôn Ma Thuột dăm bảy năm trước, Vũ phát hiện tôi không chạm tới ly cà phê được mời. Sao thế chị? Anh hỏi. À, mình rất thích cà phê, nhưng uống loại cà phê đậm đặc này lập tức tim đập, chân run, cả đêm mất ngủ... Vũ quả quyết: Chị sẽ có loại cà phê phù hợp! Chẳng bao lâu sau Trung Nguyên cho ra các dòng sản phẩm cà phê chiết giảm hàm lượng cafein, phù hợp cho hàng triệu khách nữ như tôi nhâm nhi thoải mái.
Vũ nói được, làm được, theo kiểu tưởng chừng rất dễ dàng như thế. Khi Trung Nguyên khánh thành nhà máy cà phê hòa tan lớn nhất châu Á tại Bắc Giang đầu xuân 2012, nhiều người ngạc nhiên hỏi Vũ tính thế nào, khi đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây nhà máy cách biên giới Việt- Trung chỉ một khúc sông, mà xa vùng nguyên liệu cả nghìn cây số? Anh cười: Tôi muốn chinh phục thị trường Trung Quốc, thay thế vùng văn hóa trà của họ bằng văn hóa cà phê. Chỉ cần mỗi người Trung Quốc một năm mua 1 đôla Mỹ cà phê G7, thì doanh số Trung Nguyên đã tăng hơn một tỉ USD!
Tôi dõi theo cách nghĩ táo bạo lạ thường này. Và quả nhiên nhà máy Bắc Giang 3 năm qua hoạt động hết công suất thiết kế, hiện đang đầu tư mở rộng thêm.
Khi Vũ nói sẽ tặng 100 triệu cuốn sách khởi nghiệp bổ ích trong nhiều năm cho thanh thiếu niên, ai cũng nghĩ mình nghe nhầm. Thực tế thì đến nay, hơn 1,2 triệu cuốn sách đã được phát ra.
Vậy đâu là đích đến của Trung Nguyên? Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch Tập đoàn tuyên bố mục tiêu đến năm 2022 sẽ trở thành nhà sản xuất cà phê... lớn nhất thế giới. Dù đã nhiều lần chứng kiến anh nói được, làm được, đến mức này tôi vẫn không khỏi hoài nghi: Liệu Vũ có quá ảo tưởng?
Trả lời phỏng vấn nhà báo Duke Harris trên tạp chí Forbes trong bài “Chairman Vu, Vietnam’s Coffee King” (Chủ tịch Vũ- Vua Cà phê Việt Nam), Vũ từng tính trên thế giới, cứ 20 USD lợi nhuận thu được từ cà phê thì người trồng cà phê chỉ thực hưởng 1 USD, 19 USD còn lại chảy vào túi Nestlé và Starbucks. Vì vậy, theo anh, chẳng có lý do gì để tiếp tục đi theo cái trật tự đó! Lẽ công bằng, Việt Nam- quốc gia đang xuất khẩu sản lượng cà phê top đầu thế giới, phải thu về hằng năm vài chục tỷ USD lợi nhuận từ cà phê chế biến sâu xuất khẩu, nâng cao mức sống xứng đáng cho hàng triệu người trồng cà phê.
Để những phép tính có vẻ giản đơn chuyển hướng theo cái trật tự anh muốn, Vũ đã trải qua những cơn stress trầm trọng, nhiều đêm dài mất ngủ - như anh tiết lộ, đến rụng sạch cả tóc!
Gần đây, Đặng Lê Nguyên Vũ thực hiện nhiều cuộc “ẩn thân” dài ngày về thảo nguyên M’Đrắk yên tĩnh, trong trang trại rộng 600 ha mà Trung Nguyên đang dày công tôn tạo thành một cõi “thiền cà phê” tuyệt diệu, dự kiến mở cửa đón khách trong vài năm tới. Tại đây, anh nhịn ăn thanh lọc cơ thể, cưỡi ngựa thư giãn giữa bao la đất trời, nghiền ngẫm hoàn thiện hệ thống triết lý cà phê Đại Việt và đưa ra các quyết sách kéo dần những mục tiêu gây sửng sốt vào tầm tay...
HOÀNG THIÊN NGA
 
'Ở Việt Nam chỉ cần 100 người như Đặng Lê Nguyên Vũ là được'
Thứ năm, 26/9/2013 15:11 (GMT+7)
"Nếu tinh ý, bạn sẽ cảm nhận Đặng Lê Nguyên Vũ rất giỏi che giấu cảm xúc" - ông Phan Quốc Việt (Tâm Việt group) nhận xét.
Ông chủ Trung Nguyên giỏi che dấu cảm xúc
Đã từng tiếp xúc với “vua cà phê Việt” ở nhiều góc độ rất đời, ông Phan Quốc Việt, Chủ tịch Tâm Việt group, người bạn thân thiết với Đặng Lê Nguyên Vũ suốt 25 năm, cho biết: Nếu tinh ý, bạn sẽ cảm nhận không phải ông là người khô khan mà thực ra ông rất giỏi che giấu cảm xúc.
“Từ một bác sỹ vươn lên làm cà phê, Đặng Lê Nguyên Vũ khổ lắm chứ, đau lắm chứ, thất vọng quá nhiều, nếm trải tất cả tủi cực, chua chát, trả bằng mồ hôi, xương máu mới có được như ngày hôm nay” - ông Việt khẳng khái nói.
Mặc dù giỏi che giấu cảm xúc, nhưng qua những lần tiếp xúc với Chủ tịch cà phê Trung Nguyên, tôi cảm nhận được ông là một người cô độc. Ông thường rít một hơi thuốc sâu, vẻ mặt đầy trầm tư suy nghĩ. Ông nói về thời cuộc, về giới trẻ đương đại, về thế vận của đất nước và thi thoảng, xen giữa cuộc trò chuyện, tôi lại nghe thấy ông thở dài.
q5.jpg
Lẽ giản đơn là nhiều người không “cảm” được cái “cá biệt” của vị CEO của Trung Nguyên, chính vì vậy mà ông luôn cảm thấy mình cô độc.
Có lần, hơn 8h tối, ông gọi tôi ra quán uống cà phê, cầm điếu xì gà quen thuộc trên tay, vẫn cái nhìn xa xăm ấy, đôi mắt “sáng quắc hơn mức bình thường ấy”, ông trải lòng về ước mong một Việt Nam hùng cường. Lần đó, tôi chỉ lắng nghe vì sợ cắt ngang dòng cảm xúc đang sục sôi lên trong người ông. Có cảm giác, nếu không nói ra thì những suy nghĩ của ông sẽ chất chứa rồi nổ tung lên mất!
Vũ cũng đã có lần tâm sự với báo giới: “Tôi chỉ thấy buồn khi mình khá đơn độc trên chặng đường dài hết lòng vì một Việt Nam hùng mạnh, hết lòng vì thanh niên. Vẫn có nhiều ý kiến cho rằng những mục tiêu lớn lao mà chúng tôi đang theo đuổi là vĩ cuồng, những gì chúng tôi đang làm là quá xa vời, không gần gũi...”. Lẽ giản đơn là nhiều người không “cảm” được cái “cá biệt” của vị CEO của Trung Nguyên, chính vì vậy mà ông luôn cảm thấy mình cô độc.
“Theo nguyên tắc, những người ở tầm cao bao giờ cũng cô đơn. Đặng Lê Nguyên Vũ cũng không phải là ngoại lệ… Vũ sẽ không bao giờ hết cô đơn nếu như Vũ không hạ sự sáng tạo hay hạ khát vọng lớn lao của mình xuống” – nhạc sỹ Nguyễn Cường – người đã từng viết bản giao hưởng 3 chương dành tặng Trung Nguyên và Đặng Lê Nguyên Vũ nhận xét.
Có lẽ vì cô đơn mà Đặng Lê Nguyên Vũ luôn khát khao được chia sẻ. “Tôi đã nhiều lần phải nói lời xin lỗi Vũ vì anh gọi điện vào thời gian quá sớm. Có những lần từ 3 - 4h sáng, rất ít khi Vũ gọi sau 5h sáng” - ông Phan Quốc Việt, Chủ tịch Tâm Việt group kể.
"Chỉ cần Việt Nam có 100 người như Đặng Lê Nguyên Vũ"
Chơi với Đặng Lê Nguyên Vũ từ lâu và luôn coi Vũ là người bạn tốt, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Thái Hà Books luôn nhìn Vũ như “vua cà phê”, người có công đưa cà phê Việt Nam lên tầm mới, người mang cà phê Việt Nam ra với thế giới, người mơ ước xuất khẩu được 20 tỷ đô la/năm cà phê ra nước ngoài.
Ông kể: “Nhiều học trò bảo tôi “Anh Đặng Lê Nguyên Vũ, bạn thầy, là người bán cà phê giỏi”. Tôi gật đầu và không nói gì thêm, bởi bạn này chưa biết nhiều về Vũ”. Trong tâm niệm của Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng, mặc dù Vũ chưa nhận mình là Phật tử nhưng những gì anh nói, hình như đạo Phật và những lời Phật dạy đã ngấm sâu vào máu mủ của anh.
q6.jpg
Theo ông Phan Quốc Việt, Chủ tịch Tâm Việt group, Đặng Lê Nguyên Vũ rất giỏi che giấu cảm xúc.
Còn trong mắt của ông Phan Quốc Việt (Tâm Việt Group): “Vũ ngoài đời là một người rất bình dị, không quen nói những lời hoa mỹ. Mới nghe Đặng Lê Nguyên Vũ nói có lẽ nhiều người “phát ngán”, nhưng nghe kỹ thì thấy hay, càng nghe càng thấy có nhiều thứ có lý”.
“Nói chuyện với Vũ, tôi thấy rất sướng bởi vì Vũ bắt tôi phải nghĩ, bắt tôi phải tư duy dù tôi lớn hơn Vũ nhiều tuổi” - ông Việt nói.
Điều ông Việt quý nhất ở Đặng Lê Nguyên Vũ đó là khát khao muốn làm được gì đó cho người Việt. “Tôi thích Đặng Lê Nguyên Vũ ở hệ thống chiến binh - khát khao - sáng tạo và làm giàu”.
Theo ông Việt, “Ở Việt Nam chỉ cần 100 người hết lòng vì đất nước như Đặng Lê Nguyên Vũ là được. Tôi thích Đặng Lê Nguyên Vũ ở chỗ anh luôn hành động chứ không chỉ nói suông”. Rất nhiều lời khen dành cho Vũ, nhưng ở một góc nhìn khác, có người lại đặt dấu hỏi cho sự thành công hơn nữa của CEO Trung Nguyên. Họ nhìn thấy một điều gì đó giống như việc nói chưa đi đôi với việc làm, một tầm tư duy thiếu thực tế.
Rất khó để người ta tin ở “tính sáng tạo” của Trung Nguyên nếu như họ vẫn viết ra những lời lẽ đại ngôn đao to búa lớn và phần lớn có vẻ khá thiếu thực tế như “Cà phê là báu vật của trời đất, là di sản của nhân loại và giải pháp của tương lai”.
Sẽ rất khó để người ta tin ở “tính sáng tạo” của Trung Nguyên nếu như câu khẩu hiệu của họ “chỉ có thể là Trung Nguyên” nghe như vừa len lén ôm xuống từ câu khẩu hiệu nổi tiếng “chỉ có thể là Heineken”.
Chưa hết, đứng thuần túy trên góc độ truyền thông, có chuyên gia đánh giá: Cùng một lúc Trung Nguyên xây dựng hai thông điệp “lòng yêu nước” và “tính sáng tạo” là điều hoàn toàn nên tránh. Bởi lẽ, kêu gọi lòng yêu nước, ủng hộ hàng nội một cách rầm rộ có thể tăng cường nhận biết về thương hiệu Trung Nguyên, nhưng sẽ làm công chúng lẫn lộn và cuối cùng là nhầm lẫn những giá trị cốt lõi của thương hiệu này, và chính điều đó sẽ dẫn đến việc Trung Nguyên đánh mất bản sắc của thương hiệu mình.
Rất nhiều dự định của Vũ vẫn còn dang dở và tôi không biết trong tương lai cái nào hoàn thành, cái nào đổ vỡ, nhưng tôi cảm động cái cách Vũ đang làm với cà phê Việt Nam. Sắp tới giờ bay, ông vẫn nán lại, thêm chút thời gian ngồi với phóng viên để giúp họ có thể hiểu rõ hơn về cà phê, về thứ hương vị huyền bí mà ông đã thề: “Tôi nguyện sống với cà phê, chết với cà phê và lên thiên đường cũng với cà phê”.
Trí thức trẻ
 
Bốn giờ đàm đạo với “vua cà phê” Đặng Lê Nguyên Vũ
23-04-2013 - 12:36 PM |
Bốn giờ đàm đạo với “vua cà phê” Đặng Lê Nguyên Vũ

Hiện nay có những bạn cái gì cũng tin trong khi có những bạn khác cái gì cũng không tin...

Nhiều bạn trẻ tưởng mình biết về đạo Phật mà thực ra không phải vậy, nhiều người tự nhận mình là phật tử mà hiểu sai gần hết những lời dạy của đức Phật.

Tôi bay từ Hà Nội vào Tp.HCM tham gia tổ chức Tết Sách lần thứ 6, năm 2013. Sáng sớm Vũ và tôi nói chuyện với nhau qua điện thoại. Vũ mời tôi qua 82 Bùi Thị Xuân, Quận 1 uống cà phê. Thế là tôi phi xe đến, quên cả ăn sáng.

Tôi chơi với Đặng Lê Nguyên Vũ từ lâu và chúng tôi luôn là những người bạn tốt của nhau, luôn lắng nghe, sẻ chia và đồng cảm. Dù ít gặp nhưng chúng tôi luôn hướng về nhau với những tình cảm chân thành và thẳng thắn nhất.

Từ trước đến nay tôi luôn nhìn Vũ như “vua cà phê”, người có công đưa cà phê Việt Nam lên tầm mới, người mang cà phê Việt Nam ra với thế giới, người mơ ước xuất khẩu được 20 tỷ đô la/năm cà phê ra nước ngoài. Nhiều học trò bảo tôi “Anh Đặng Lê Nguyên Vũ bạn thầy là người bán cà phê giỏi”. Tôi gật đầu và không nói gì thêm, bởi bạn này chưa biết nhiều về Vũ.

Sáng nay, chúng tôi nói nhiều về tâm và tinh thần Việt, về giáo lý nhà Phật với những gì chúng tôi đang hiểu. Vũ chưa nhận mình là phật tử nhưng những gì anh nói, hình như đạo Phật và những lời Phật dạy đã ngấm sâu vào máu mủ của anh. Tôi mỉm cười từ đầu đến cuối buổi gặp khi nhìn cái đầu “trọc lốc” của anh – ít nhất phần này là giống người tu sĩ….

Tôi ngồi say sưa nghe Đặng Lê Nguyên Vũ nói về 2 chữ từ bi và trí tuệ. Không kinh sách mà rất đời thường. Vũ nói rằng, nếu áp dụng vào đời sống thì từ bi chính là yêu thương, là hài hòa. Mình cần biết hài hòa với nhau, với vũ trụ. Mình cần sống thuận theo quy luật của tự nhiên: thuận duyên, tùy pháp. Rằng trí tuệ trong kinh doanh và quản trị chính là sáng tạo và trách nhiệm. Vũ nói và khẳng định nhiều lần về việc sáng tạo thích nghi – thứ rất cần đối với các nhà lãnh đạo thế kỷ XXI này.

Đặng Lê Nguyên Vũ nói về chữ đạo, rằng đạo là đường. Muốn kiến tạo phải có đường. Tôi thích thú khi nghe Vũ phân tích về chuyện không làm mà làm, rằng mỗi chúng ta cần biết rất rõ mình đi đâu, về đâu. Nếu chúng ta thấy rõ con đường, biết rõ hướng đi thì chuyện đến đích là dĩ nhiên. Sợ nhất là lạc đường!

Tôi lặng người khi nghe Đặng Lê Nguyên Vũ nhận xét rằng rất nhiều người đã hiểu sai đạo Phật, biến đạo Phật thành mê tín, dị đoan. Rằng hiện nay có những bạn cái gì cũng tin trong khi có những bạn khác cái gì cũng không tin. Nhiều bạn trẻ tưởng mình biết về đạo Phật mà thực ra không phải vậy, nhiều người tự nhận mình là phật tử mà hiểu sai gần hết những lời dạy của đức Phật.

Tôi bất ngờ bởi không thể tin một doanh nhân thành đạt, ngày đêm bận bịu túi bụi đến mức hình như… quên cả thở… mà biết sâu về Phật pháp đến thế. Thật lạ!

Tôi nghe Vũ phân tích về những loại giáo dục như: Nhà trường, xã hội, gia đình, tâm linh. Anh cũng nói rằng có thêm loại giáo dục nữa là tự uống cà phê để thức tỉnh, để luôn tỉnh, để không ngủ và không mê và si mê. Đúng là giáo dục về tâm linh chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều người, nhất là các bạn trẻ chưa hiểu mình là ai, chưa biết dựa vào đâu, chưa biết đến sứ mệnh của chính mình. Và trong xã hội hiện nay, thà ít người mà sáng, mà tỉnh thức, mà rõ đường để dẫn đường còn hơn là quá đông và hiểu sai, dẫn đường sai.

Chúng tôi trao đổi về việc khai sáng nhân văn, về việc tìm lại chính mình, về cách quay về nguồn cội, về hài hòa thân thế, về vững bền nhân sinh, về sáng tạo tường minh, về tâm thức thời đại. Mỗi vấn đề đưa ra bàn là có bao nhiêu ý, bao nhiêu tứ và biết bao câu chuyện với các ví dụ thực tế của mỗi chúng tôi mang ra kể kèm.

Sáng nay, tôi định đến thăm Vũ quãng 1 tiếng nhưng khi nhìn đồng hồ đã hơn 12h. Tôi giật mình vì mình còn một cuộc hẹn khác với một bữa ăn trưa! Bốn tiếng đồng hồ ngồi bàn về đạo và đời thật thú vị, khó mà viết ra được. Câu chuyện về Tết Sách và văn hóa đọc cũng như cà phê luôn song hành. Tôi thì nhớ đến khó quên 1 trong 4 loại sách mà Vũ phân nhóm là sách nhân bản, tâm hồn, đạo làm người. Mà đúng thật, nếu không có loại sách này thì cuộc đời sẽ đi về đâu.

Tôi gõ những dòng này và nhớ về một câu trong bài hịch đã được đọc trong lễ khai mạc Tết Sách tai Văn Miếu Quốc Tử Giám sáng 20/04 vừa qua “Người không đọc sách, người mê. Dân không đọc sách, dân si mất rồi”.

Quả thật rằng kinh sách quá quan trọng với mỗi người dân chúng ta chứ không chỉ là phật tử.

Theo Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng
tanhoa
Giáo hội Phật giáo Việt Nam
 
"Vua cà phê" Đặng Lê Nguyên Vũ và tầm ảnh hưởng lớn đến làn sóng khởi nghiệp: "Tôi thấy mình có sứ mệnh với thanh niên Việt Nam"
30-03-2018 - 17:11 PM
Vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ và tầm ảnh hưởng lớn đến làn sóng khởi nghiệp: Tôi thấy mình có sứ mệnh với thanh niên Việt Nam

Cách đây 4,5 năm, hơn 1 triệu cuốn sách về khởi nghiệp, làm giàu đã được ông chủ hãng Cà phê Trung Nguyên tặng miễn phí cho người dân Việt Nam. Đó là cách ông trao cho người trẻ phương tiện để tìm thấy con đường, tìm thấy động lực từ bên trong chính mình để khởi đầu hành trình gây dựng sự nghiệp, đưa Việt Nam phát triển hơn, vươn xa hơn ra thế giới...
Trong những ngày qua, vụ tranh chấp của vợ chồng doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ đã khiến báo chí tốn không ít giấy mực. Người ta có thể bàn luận nhiều chiều về cuộc hôn nhân đẹp như tiểu thuyết nhưng đang trên bờ vực đổ vỡ của 2 vợ chồng ông Vũ và bà Thảo, nhưng không ai có thể phủ nhận những thành công tuyệt vời của ông Vũ cũng như sự ảnh hưởng của ông đến giới trẻ, nhất là những người giàu khát vọng, đam mê khởi nghiệp ở Việt Nam.
Đặng Lê Nguyên Vũ là một thương hiệu đặc biệt. Ông từng được tạp chí National Geographic Traveller gọi là "vua cà phê", tạp chí Forbes đặt cho danh hiệu "Zero to hero". 20 năm qua, đây là cái tên đại diện cho những hoài bão, khát vọng vươn ra thế giới của doanh nhân Việt.
Từ chiếc xe đạp cọc cạch đến từng đại lý thu mua cà phê để bắt đầu sự nghiệp, ông Vũ đã biến giấc mơ cà phê Việt Nam thành sự thực. Thành công nhưng Đặng Lê Nguyên Vũ chẳng hề giấu giếm bí quyết của mình. Ngược lại, ông đặt rất nhiều kỳ vọng ở thế hệ trẻ kế tiếp và tin rằng, mỗi người đều có thể trở thành một con người tài giỏi.
"Tôi tự thấy mình có sứ mệnh với thanh niên Việt Nam, mong muốn họ tin rằng, những gì tôi có thể làm được, họ cũng làm được. Mọi công dân đều có quyền nghĩ lớn", ông Vũ thẳng thắn chia sẻ.
Thậm chí, ông Vũ muốn mình trở thành nguồn cảm hứng để khơi dậy sức mạnh của tuổi trẻ Việt Nam. Bản thân ông xuất phát từ tay trắng, trải qua hành trình dài đầy thử thách, ông đã làm được thành công khiến mọi người đều ngưỡng mộ. Vì thế, ông tin rằng, những người trẻ với nhiều điều kiện thuận lợi hơn, nếu dám mơ ước, dám hành động thì hoàn toàn có thể gây dựng sự nghiệp thành công. Đặc biệt trong thời đại 4.0, việc biến ý tưởng khởi nghiệp trở thành hiện thực của người trẻ thuận lợi hơn bao giờ hết.
Trong các diễn đàn kinh tế, các buổi nói chuyện với sinh viên, truyền cảm hứng, động lực cho sinh viên, trao gửi tâm thế cho thế hệ trẻ trên bước đường khởi nghiệp, kiến quốc, ông chủ hãng cà phê Trung Nguyên đều nhấn mạnh khát khao muốn Việt Nam phát triển bền vững và vươn tầm ra thế giới.
Để làm được điều đó, không gì khác hơn là phải xây dựng một quốc gia với tinh thần khởi nghiệp mà ở đó những người trẻ sẽ là lực lượng kế thừa, quyết định mọi thứ.
Vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ và tầm ảnh hưởng lớn đến làn sóng khởi nghiệp: Tôi thấy mình có sứ mệnh với thanh niên Việt Nam - Ảnh 1.
"Nỗi niềm đau đáu trong tôi là vì sao, bằng cách nào mà một dân tộc chỉ với khoảng 14 triệu dân (8 triệu dân trong nước và 6 triệu kiều bào Do Thái ngoài lãnh thổ) lại sản sinh ra vô số chủ nhân của giải Nobel, khoa học gia lỗi lạc và những nhà chính trị - kỹ nghệ đại tài để kiểm soát các lĩnh vực then chốt của thế giới? Làm thế nào mà một dân tộc hai nghìn năm vong quốc lại có thể phát triển thành một cường quốc kinh tế và quân sự trên thế giới?", ông Vũ chia sẻ trong lời tựa của cuốn sách.
Tâm huyết với mong muốn Việt Nam có thể vươn mình lớn mạnh như quốc gia Israel, Đặng Lê Nguyên Vũ đã bắt đầu việc truyền lửa cho các bạn trẻ với việc đưa những cuốn sách về khởi nghiệp, làm giàu đến với thanh niên. Từ năm 2012, ông chủ Hãng cà phê Trung Nguyên đã thực hiện chương trình tặng sách Nghĩ giàu làm giàu, Quốc gia khởi nghiệp, Khuyến học, Đắc nhân tâm cho thanh niên cả nước. Ông tin rằng, đó là những cuốn sách đó có thể góp một phần nào thay đổi cuộc đời nhiều người.
Thật ra, chương trình tặng sách của cà phê Trung Nguyên cũng như chương trình truyền thông của nhiều doanh nghiệp khác. Nhưng trái với việc hỗ trợ bằng hiện vật, tiền hay chính sản phẩm của doanh nghiệp, Đặng Lê Nguyên Vũ lại tặng sách. Ông đã tặng những cuốn sách thúc đẩy hành động, giúp cộng đồng thay đổi tư duy cải thiện cuộc sống.
Đó là cách ông Vũ hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, không chỉ bằng công cụ, phương tiện mà còn bằng tinh thần, giúp họ tìm ra động lực từ bên trong mỗi người. Bởi theo ông, Việt Nam "tuyệt không thiếu bất cứ một điều kiện nào để trở thành cường quốc. Nhưng phải chăng nhân tố chúng ta thiếu chính là sức mạnh tinh thần, nhất là tinh thần quật cường và đoàn kết trong thời bình".
Vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ và tầm ảnh hưởng lớn đến làn sóng khởi nghiệp: Tôi thấy mình có sứ mệnh với thanh niên Việt Nam - Ảnh 2.
5 cuốn sách người sáng lập Tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ khuyên đọc.
Thông qua các cuốn sách, nhiều người sẽ có thể lý giải câu chuyện thần kỳ của những công dân bình thường, những quốc gia bé nhỏ nhưng lại chứa đựng một tinh thần chiến binh quả cảm, biết vượt qua nghịch cảnh, thách thức, biết trau dồi kiến thức, tự lực tự cường với một tinh thần không gì là không thể! Chỉ khi chúng ta có tinh thần tự học, tự đọc, nỗ lực hết mình để trau dồi dân trí và dân khí, hành động đến cùng mà không ngại thách thức, thì chúng ta mới mong đạt được thành công và hạnh phúc đích thực.
Cuốn sách Đặng Lê Nguyên Vũ đưa về Việt Nam rất đúng thời điểm, khi mà nhà nhà người người bắt đầu khởi nghiệp. Cuốn sách đã góp phần tạo ra làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ trong giới trẻ Việt Nam. Nó có thể khởi động được tâm thế và tinh thần kiến quốc khởi nghiệp của người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ tương lai của đất nước. Cho đến hôm nay, Quốc gia khởi nghiệp vẫn là một trong những cuốn sách mà giới trẻ nhất định phải đọc và học hỏi khi bắt đầu con xây dựng sự nghiệp của bản thân.
 
Ông chủ Trung Nguyên chê Starbucks thiếu bản sắc
11/01/2013 08:27 GMT+7
Sở dĩ Trung Nguyên cho rằng Starbucks đã mất đi nhiều bản sắc là bởi lẽ hãng này đã gỡ chữ coffee trên logo của mình và bán tới 87.000 loại thức uống trong cửa hàng.
“Người khổng lồ không bản sắc”

“Chúng ta nên nhìn nhận lại, đừng thổi bùng mọi chuyện lên quá mức. Đừng nói Starbucks là đối thủ, kẻ thù hay cạnh tranh gì đó với Trung Nguyên. Cứ giả dụ 10 năm nữa, Starbucks xây dựng được 100 cửa hàng, thậm chí, nhiều nhất là 200 cửa hàng tại Việt Nam, với 200 cửa hàng đó, doanh thu của Starbucks được bao nhiêu, bán cho bao nhiêu đối tượng khách hàng trong đất nước 80 triệu dân này, mà nói Trung Nguyên (TN) phải sợ hãi?!.” - ông Đặng Lê Nguyên Vũ, người sáng lập tập đoàn cà phê hàng đầu tại Việt Nam đưa ra ý kiến khi nói về sự có mặt của Starbucks tại Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Vũ cho biết: Trung Nguyên không ngại với sự có mặt của Starbucks bởi lẽ, Starbucks chỉ là “người khổng lồ không bản sắc”. Và nếu đem so sánh TN với Starbucks tại Việt Nam sẽ là một sự so sánh khập khiễng.
Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch Tập đoàn cà phê Trung Nguyên cho biết: Ông không ngại khi Starbucks vào Việt Nam.
“Thử hỏi, họ hơn các hệ thống khác những gì? Nếu nhìn từ cội nguồn xuất phát, họ chỉ hơn các hệ thống khác về triết lý, hát những bài hát hay trong guồng máy thực thi, tạo ra một đế chế trên toàn cầu… Nếu muốn thắng Starbucks, phải tạo ra ra được triết lý, tư tưởng, câu chuyện hay hơn. Cái này tôi tin chắc rằng Trung Nguyên sẽ làm được và làm tốt hơn” – ông Vũ tin tưởng.
Sở dĩ Trung Nguyên cho rằng Starbucks đã mất đi nhiều bản sắc là bởi lẽ hãng này đã gỡ chữ coffee trên logo của mình và bán tới 87.000 loại thức uống trong cửa hàng.
“Nước Mỹ có cần uống cà phê không hay cần uống một thứ nước gì đó? Ai sợ người khổng lồ không còn bản sắc, không còn tư tưởng chủ đạo? Thế giới đang chờ một thế lực khác thay thế? Liệu TN có dám nghĩ là mình sẽ trở thành người thay thế không? - Tại sao không?” – doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ quả quyết.
Người được coi là “vua cà phê Việt” này nhấn mạnh: Không phải bây giờ khi Starbucks vào Việt Nam, TN mới tính tới chuyện “đấu” với Starbucks mà điều này đã được suy nghĩ từ rất lâu rồi.
Trong chiến lược chinh phục thế giới, TN đã chọn thị trường Mỹ làm biểu tượng, khi ấy, TN sẽ phải “chạm trán” với hàng loạt các tên tuổi hàng đầu của Mỹ trong đó có Starbucks. TN đã tính rõ ràng tới chuyện phải thắng Starbucks thế nào tại Mỹ chứ không phải chỉ riêng ở Việt Nam.
“Làm thế nào để làm ra những sản phẩm thắng Starbucks , mô hình chiến thắng của TN? Câu chuyện người Mỹ muốn nghe từ TN là gì? – Trả lời được 3 câu hỏi này cũng phải mất rất nhiều thời gian và hiện nay, TN hiện vẫn đang có một nhóm nằm ở Mỹ để trả lời cho những câu hỏi này” – ông Vũ tiết lộ.
Starbucks đang đánh tráo khái niệm “cà phê”
Nếu ai biết tới Starbucks một cách rõ ràng nhất thì Starbucks là một thương hiệu phục vụ cà phê theo phong cách Ý. Với việc chọn phân khúc khách hàng là giới nhân viên văn phòng và những người không có nhiều thời gian.
Với một ly espresso nóng để thưởng thức nhanh, hoặc đem đến nơi làm việc hoặc ở nhà. Đó là thứ để đảm bảo việc Starbucks sẽ phục vụ được 220 khách hàng/giờ.
Có lẽ bởi sự tiện dụng và đa dạng này mà Starbucks với 17.800 cửa hàng đã được đón nhận ở nhiều nước trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ lại nhắn nhủ với người tiêu dùng Việt rằng: “Đừng nên nghe các câu chuyện”, “đừng có quá sợ Starbucks khi thấy đi đâu, khắp các quốc gia, lúc nào cũng đều gặp Starbucks”.
“Nhận xét Starbucks "không bán cà phê, mà đang bán nước có mùi cà phê pha với đường” không phải từ tôi mà là nhận xét từ các cộng sự, các chuyên gia nghiên cứu lâu năm trong ngành cà phê. Thậm chí chuyên gia người Ý cũng nói rằng: Starbucks đã đánh tráo khái niệm “cà phê” – ông Vũ khơi lại chuyện cũ.
Đó là lý do mà ông Vũ giải thích cho việc “Tại sao Starbucks không thể thành công ở châu Âu, tại sao nước Úc không “mở cửa” đón nhận Starbucks, trong khi, thương hiệu này thắng lợi vang dội ở thị trường châu Á (được đón chào rạng rỡ ở Nhật Bản, Trung Quốc,…)? - Bởi một lẽ, Starbucks không bán cà phê”.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, tư tưởng sính ngoại của người Việt Nam là điều duy nhất Trung Nguyên e ngại khi Starbucks thâm nhập thị trường trong nước.
Theo ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Starbucks đang mất dần bản sắc của mình khi bỏ đi chữ coffee trong logo cũ và bán tràn lan đủ các loại đồ uống trong cửa hàng của mình.
“Tâm lý này là có thật và đang tồn tại, Starbucks sẽ được hưởng lợi. Vì vậy, dù Starbucks chưa chính thức vào Việt Nam đã khiến dư luận ồn ào đủ thứ chuyện” – Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ đánh giá.
Nhưng, theo ông chủ của chuỗi cà phê hàng đầu Việt Nam, sự hời hợt này rồi cũng sẽ qua đi, người tiêu dùng Việt sẽ sớm nhận ra: Đâu mới là giá trị đích thực!
“Tôi cho rằng, Starbucks vào Việt Nam chỉ đóng góp thêm cho sự đa dạng và là tác nhân kích thích thêm cho các doanh nghiệp nội địa tiến lên.
Dù sao thì đây cũng là đất của mình, quê hương của mình, đồng bào của mình, nói một lần không được sẽ nói nhiều lần, nếu nói nhiều lần không được thì nói ngàn lần chắc cũng phải tỉnh ra… Ai thích giống Tây, giống Mỹ thì tìm tới Starbucks còn ai muốn uống cốc cà phê tuyệt hảo, muốn khơi nguồn sáng tạo, muốn yêu nước thì tìm tới TN” – ông Vũ kết luận.
(Theo GDVN)
 
Đặng Lê Nguyên Vũ: "Tại sao có người thành công - kẻ thất bại?"
30-03-2018 - 08:44 AM |
Đặng Lê Nguyên Vũ: Tại sao có người thành công - kẻ thất bại?

Năm 2014, thời điểm ông chủ Trung Nguyên bắt đầu chuỗi ngày nhịn ăn, đối thoại với danh nhân đã mất, ông hay nói về cuốn sách "Khát vọng Việt" đang soạn thảo. 4 năm sau, sách vẫn chưa ra mắt, còn Đặng Lê Nguyên Vũ mất tích với truyền thông
Đặng Lê Nguyên Vũ từng viết lời đề tựa trong cuốn sách về Do Thái rất nổi tiếng được dịch tại Việt Nam - cuốn Quốc Gia Khởi Nghiệp, xuất bản năm 2013. Lời đề tựa cuốn sách này cũng là một trong những lần cuối ông Đặng Lê Nguyên Vũ - người từng được miêu tả là mạnh miệng, sẵn sàng trả lời phỏng vấn, thích đàm đạo với nhiều người - còn xuất hiện công khai.
Khi đó, ông nói, nỗi trăn trở lớn nhất đời là "Vì sao có nhiều điều người Do Thái làm được, mà người Việt không làm được?".
"Có một số câu hỏi mà chúng ta cần phải xác định là nỗi- trăn-trở-đời-người. Ấy là: Tại sao có người thành công - kẻ thất bại? Tại sao có nước giàu - nước nghèo? Tại sao Việt Nam vẫn mãi nghèo? Làm thế nào để trở thành quốc gia vĩ đại, hùng cường, có tầm ảnh hưởng? Người khác làm được sao ta không làm được? Nước khác làm được sao nước ta không làm được?
Trước những câu hỏi thời đại, ta cần phải thao thức nhiều ngày đêm, phải tìm hiểu qua nhiều sách vở, tham vấn nhiều nhân vật ảnh hưởng, phải nghiên cứu nhiều quốc gia và mục sở thị nhiều cảnh đời... Có nhiều quốc gia, dân tộc cần phải được điển cứu để rút ra nguyên lý thành công phổ quát cho Việt nam. Và Israel là dân tộc không-thể-bỏ-qua trên hành trình này...
Tôi có thể may mắn hơn một số người khi có khá nhiều cơ hội đi thực hiện Israel. Nỗi niềm đau đáu trong tôi là bằng cách nào một một dân tộc chỉ với 4 triệu dân lại có thể sản sinh ra vô số chủ nhân Nobel, khoa học gia lỗi lạc và những nhà chính trị - kỹ nghệ đa tài để kiểm soát các lĩnh vực then chốt của thế giới? Làm thế nào mà một dân tộc hai nghìn năm vong quốc lại có thể chi phối hành tinh?...
Israel có tài nguyên thiên nhiên bằng không, hai phần ba diện tích là hoang mạc, còn lại là đồi núi, sỏi đá cằn cỗi; nước ngọt thiếu trầm trọng. Nghịch cảnh như vậy, điều kiện thiếu đất - thiếu nước - thiếu người như vậy mà họ vẫn luôn tự chủ.
Điều đáng suy ngẫm là diện tích nước ta lớn hơn Israel khoảng 12 lần, dân số đông hơn gần 11 lần và tài nguyên nhiều gấp bọ Israel nhưng GDP đầu người lại kém họ 23 lần (theo số liệu Liên hợp quốc 2011)... Đây là nỗi niềm lớn của chúng ta.
Ta cần phải hỏi, họ làm được sao ta không làm được? Họ nào phải thần thánh gì? Họ cũng là da thịt, cũng sinh-lão-bệnh-tử như ta. Họ cũng là người như ta thôi. Vậy tại sao họ làm được mà ta không thể làm được?
Ta tuyệt không thiếu bất cứ một điều kiện nào để trở thành cường quốc. Nhưng phải chăng nhân tố chúng ta thiếu chính là sức mạnh tinh thần, nhất là tinh thần quật cường và đoàn kết trong thời bình.
Trở thành doanh nhân khởi nghiệp là chuẩn mực trong xã hội Israel ngày nay. Rõ ràng, văn hóa đóng vai trò sinh tử trong phát triển quốc gia, bên cạnh tầm nhìn của giới tinh hoa, ý thức hệ, thể chế vĩ mô và chiến lược thực thi, được kích xúc bởi văn hóa khởi nghiệp...".
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: “49 ngày nhịn ăn đã cướp đi Đặng Lê Nguyên Vũ tuyệt vời của tôi”
Theo L.T (ghi)
Nhịp Sống Kinh Tế
 
Nhà sáng lập First News nói về ông Đặng Lê Nguyên Vũ: "Như một định mệnh, ai khác biệt và đi nhanh ắt phải đi một mình trong cô đơn"
29/03/2019 08:46 AM | KINH DOANH
"Hơn 1 năm sau lần thiền nhịn ăn 49 ngày, Đặng Lê Nguyên Vũ về Sài Gòn gọi rủ tôi cùng đi ăn rồi nghe một người bạn đàn Piano. Lúc đó Vũ gầy hơn, trầm tĩnh, ít nói và suy tư nhiều hơn, nhưng mỗi lời Vũ nói ra, người đối diện cảm nhận được ở Vũ có rất nhiều năng lượng. Một thứ năng lượng vững vàng không thể khuất phục, không thể dịch chuyển", nhà sáng lập First News Nguyễn Văn Phước kể lại.
Nhà sáng lập First News nói về ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Như một định mệnh, ai khác biệt và đi nhanh ắt phải đi một mình trong cô đơn

Ông Nguyễn Văn Phước (ở giữa), bên ông Đặng Lê Nguyên Vũ (phải), và nam diễn viên Chi Bảo (trái). Ảnh: FBNV.
Sau phiên xử ly hôn "kẻ khóc người cười" ngày 27/3 giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ – Chủ tịch tập đoàn Trung Nguyên và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, phán quyết của HĐXX còn gây nhiều tranh cãi. Để hiểu thêm về một Đặng Lê Nguyên Vũ – một doanh nhân luôn ấp ôm hoài bão về dân tộc và về cà phê Việt Nam, chúng tôi xin đăng tải bài viết của ông Nguyễn Văn Phước – nhà sáng lập First News, và cũng là một người bạn lâu năm của ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
"Ai khác biệt và đi nhanh ắt phải đi một mình trong cô đơn"
Tôi là bạn của nhiều năm. Tôi từng lên núi rừng M’Drak, cùng đốt lửa trại thức thâu đêm trò chuyện với Vũ và tham gia đồng hành cùng Trung Nguyên nhiều chương trình xã hội; và Vũ cũng tham dự nhiều sự kiện văn hoá của First News. Anh em gặp nhau thường trăn trở, chia sẻ rất nhiều về tình hình đất nước, vận mệnh dân tộc và hướng đi nào phù hợp cho các bạn trẻ Việt Nam. Vũ cùng tôi đặt tựa sách cho những cuốn tâm đắc. Vũ rất sáng ý, đột phá, mạnh mẽ và quyết liệt.
Nhà sáng lập First News nói về ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Như một định mệnh, ai khác biệt và đi nhanh ắt phải đi một mình trong cô đơn - Ảnh 2.
Tôi quen biết nhiều người có tầm ảnh hưởng tới cộng đồng, xã hội. Nhưng tôi phải ngạc nhiên thừa nhận rằng, có ít doanh nhân nào hoài bão như Vũ: luôn trăn trở đau đáu về tình hình xã hội, vận mệnh tương lai quốc gia và suy nghĩ về tinh thần quốc đạo của người Việt, dân tộc Việt. Vũ coi những điều đó như là sứ mệnh của bản thân, hơn cả kinh doanh, gắn liền với cuộc đời Vũ.
Vũ khát khao về một nước Việt hùng mạnh - không thể thua kém các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á được - và không chỉ về cà phê...
Tôi cảm nhận những gì Vũ nói và chia sẻ thực sự là từ hoài bão, khát vọng cháy bỏng của Vũ chứ không phải đại ngôn hay vĩ cuồng như nhiều người phán xét. Tôi nhận thấy Vũ là một người có khả năng đặc biệt và tầm nhìn, suy nghĩ khác biệt với phần lớn những người xung quanh.
Và - như một định mệnh - điều đó dường như đúng với một câu nói nổi tiếng: "Ai khác biệt và đi nhanh ắt phải đi một mình trong cô đơn".
Vũ tâm đắc bài thơ của Lý Thường Kiệt: "Nam Quốc sơn hà Nam đế cư, Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.." và khát khao về một nước Việt hùng mạnh - không thể thua kém các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á được - và không chỉ về cà phê...
Anh em chơi thân với nhau vì cùng quan điểm ở một số vấn đề cuộc sống, trong công việc nhưng cả hai đều không bao giờ đề cập đến chuyện gia đình riêng tư. Lần nào gặp dường như cũng không đủ thời gian chia sẻ.
Vũ trở về sau 49 ngày thiền nhịn ăn trên M’drắk
Nhà sáng lập First News nói về ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Như một định mệnh, ai khác biệt và đi nhanh ắt phải đi một mình trong cô đơn - Ảnh 5.
Vũ rất thích khám phá về tâm linh và thế giới vô hình, lúc trước khi lên núi thiền 5 năm về trước, tôi tặng Vũ cuốn Hành Trình về Phương Đông của Giáo sư John Vũ - Nguyên Phong, Vũ đặc biệt quí trọng GS John Vũ và rất thích cuốn này, đã đọc đi đọc lại nhiều lần và đã chia sẻ với tôi ý tưởng muốn in tặng cuốn sách này cho thanh niên, sinh viên và người dân Việt Nam. Đã thiết kế xong xuôi hết mà sau đó Vũ lên núi. Tôi và nhiều bạn trẻ vẫn đợi Vũ - nhưng Vũ đi lên núi lâu quá - quá lâu - đến giờ mãi vẫn chưa thấy về - dù gần đây thỉnh thoảng có mặt ở một vài nơi.
Nhà sáng lập First News nói về ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Như một định mệnh, ai khác biệt và đi nhanh ắt phải đi một mình trong cô đơn - Ảnh 6.
Lần thiền nhịn ăn 49 ngày năm 2013, Vũ có mời tôi lên M’drắk – Đắk Lắk, nhưng vì công việc lúc đó đang tổ chức nhiều sự kiện lớn, nên tôi không tham gia được. Hơn một năm sau lần thiền đấy, Vũ về Sài Gòn gọi rủ tôi cùng đi ăn rồi nghe một người bạn đàn Piano. Lúc đó Vũ gầy hơn, trầm tĩnh, ít nói và suy tư nhiều hơn, nhưng mỗi lời Vũ nói ra, người đối diện cảm nhận được ở Vũ có rất nhiều năng lượng. Một thứ năng lượng vững vàng không thể khuất phục, không thể dịch chuyển. Thỉnh thoảng Vũ vẫn pha trò với giọng cười hào sảng như xưa.
Một lần khác sau lần gặp đó, Vũ mời tôi về ngôi nhà sân vườn sát sông Sài Gòn uống trà chiều. Buổi trò chuyện hôm ấy cũng khá lâu. Những câu chuyện vẫn xoay quanh những chủ đề mà Vũ đau đáu từ đó đến giờ, trầm tĩnh hơn, xa xôi hơn, và tôi cũng rất quan tâm.
Vũ thỉnh thoảng vẫn nhắn tin trò chuyện với tôi lúc quá nửa đêm. Vũ rất quan tâm đến bạn bè. Tối 29 Tết năm kia, dù bận rộn, từ M’drắk Vũ nhờ trợ lý về SG mang tặng tôi một món quà nhỏ rồi đi ngay.
Năm 2015, Trung Nguyên thực hiện dự án tặng 1,8 triệu cuốn sách cho 1,8 triệu chiến sĩ Quân đội Nhân dân VN và tôi phải trực tiếp tham gia làm việc cùng với NXB Quân đội để hỗ trợ Trung Nguyên thực hiện dự án này. Dự án tặng sách cho các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam đã kéo dài hơn 2 năm nay. Và đây là một hành trình vô cùng vất vả mà First News cùng Trung Nguyên thực hiện nhưng vẫn chưa đến đích.
Tôi không thể nhớ được bao nhiêu lần bản thảo cần sửa chữa, điều chỉnh theo yêu cầu từ NXB Quân đội. Từ lời giới thiệu cuốn sách, lời đề tặng… Hơn hai năm trời ròng rã cho một dự án rất cao đẹp, tưởng chừng có thể thực hiện trong vài tháng. Thời gian là tiền bạc. Nhưng Vũ rất kiên trì để có thể thực hiện. Yêu cầu sửa một câu cũng xem xét để sửa, để bản thảo được NXB Quân Đội duyệt in. Rất hiếm doanh nhân nào ở Việt Nam có thể làm được như Vũ.
Tôi biết đích thân Vũ là người điều hành dự án này, chỉ đạo và trực tiếp kiểm duyệt để nội dung phù hợp với yêu cầu từ NXB Quân đội mà không làm mất đi giá trị nội dung của những cuốn sách ấy. Mỗi lần thay đổi câu từ là mỗi lần tôi đọc lại bản thảo và biết chỗ nào là Vũ sửa. Không thể nói là Vũ có vấn đề gì đó không bình thường khi Vũ vẫn làm việc, kiểm duyệt từng bản thảo nội dung các cuốn sách để tặng cho thanh niên Việt.
Vũ và tôi còn bàn dự định sau đó liên hệ in tặng sách Đắc Nhân Tâm cho Lực lượng Công An Nhân Dân nữa. Chắc chắn ko một ai nghĩ đến điều đó.
Một Trung Nguyên đổi khác
Nhà sáng lập First News nói về ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Như một định mệnh, ai khác biệt và đi nhanh ắt phải đi một mình trong cô đơn - Ảnh 8.
Từ năm 2016 tới nay, mọi người đều nhìn thấy hệ thống quán Trung Nguyên Legend thay đổi hoàn toàn; mô hình khởi nghiệp Trung Nguyên Family dành cho các bạn trẻ; và mới đây là E-cofee và hành trình Khởi nghiệp Kiến quốc dành cho thanh niên Việt vẫn diễn ra ở khắp các trường Đại học…
Những dự án, vận hành kinh doanh tạo ra hàng nghìn việc làm cho người lao động Việt, tạo ra cả giá trị vật chất, tinh thần cho cả cộng đồng xã hội, và theo đuổi dự án tặng sách vô cùng ý nghĩa… Phải nói bên cạnh Vũ là cả một đội ngũ anh em rất chuyên nghiệp, tâm huyết, trung thành và hết sức tận tâm với Vũ và Trung Nguyên từng ngày một.
Thảo có lý do để chia sẻ không gian nội tâm của riêng Thảo, Vũ có lý do giữ yên lặng cho không gian nội tâm riêng của Vũ; Trung Nguyên có không gian công việc và kinh doanh riêng bằng uy tín thương hiệu của Trung Nguyên
Mọi người thắc mắc tại sao Vũ lại có thể im hơi lặng tiếng suốt nhiều năm qua, ít tiếp xúc với bên ngoài, trái ngược với trước đó. Tôi thì lại thấy đó là điều rất bình thường. Bất cứ ai trong chúng ta đến một lúc nào ngộ ra một điều gì đấy, cảnh giới nào đấy đều cần những khoảng không gian tĩnh lặng dành riêng cho mình, chỉ để tập trung nội tâm vào những điều mình muốn thực hiện. Cả bản thân tôi có nhiều giai đoạn cũng vậy. Và sóng gió, thăng trầm, đau ốm, buồn vui cuộc đời ai mà chẳng có lúc có.
Sau bài phỏng vấn "49 ngày nhịn ăn đã cướp đi Đặng Lê Nguyên Vũ tuyệt vời của tôi" hồi tháng 3/2018 của Thảo, dư luận xôn xao, truyền thông dậy sóng phán xét. Nhưng tất cả chúng ta đều quên mất một điều quan trọng, Thảo có lý do để chia sẻ không gian nội tâm của riêng Thảo, Vũ có lý do giữ yên lặng cho không gian nội tâm riêng của Vũ; Trung Nguyên có không gian công việc và kinh doanh riêng bằng uy tín thương hiệu của Trung Nguyên.
Không gian nào thì nên chia sẻ trong không gian đó. Chúng ta không thể cào bằng các không gian đó thành một mặt phẳng của một tờ báo - để có thể tạo nên những va chạm, xung đột, nghi ngờ, suy luận ko đáng có, không lường trước được, và cho mình chỉ dựa vào câu từ mà đánh giá, phát xét.
Tôi hiểu vậy nhưng vẫn cảm thấy buồn. Vì câu chuyện thực tế cuộc sống do chính mỗi người chúng ta góp phần tạo nên đang ảnh hưởng đến không gian uy tín của nhiều bên khác liên quan. Cụ thể ở đây là thương hiệu Trung Nguyên – thương hiệu Quốc gia; hệ sinh thái Cà phê do Thảo – Vũ tâm huyết xây dựng suốt hơn 20 năm qua đang bị tổn thương, dù nó không liên quan trực tiếp tới câu chuyện cá nhân gia đình giữa Thảo và Vũ mà mọi người đang quan tâm.
Tôi nhận thấy hầu hết chúng ta chỉ quan tâm tới những sự kiện mang tính thời điểm - dù đã xảy ra trong quá khứ - mà không quan tâm tới những quá trình tiến hoá, phát triển và tính logic, kế thừa ở hiện tại. Theo tôi, nguyên nhân cốt lõi, sâu xa cho câu chuyện giữa hai người bất kỳ mà ít ai đề cập rất có thể là do nội tâm, suy tư, trăn trở, tầm nhìn, sứ mệnh, quan điểm, khát vọng và mục đích sống của hai bên đã từng bước dần rời xa nhau trong suốt hành trình đồng hành cùng nhau, mà cả hai bên đều hiểu và ý thức được trước đó.
Cả hai người đều yêu và đam mê cà phê. Nhưng nếu chỉ có một điểm chung về cà phê Việt Nam; hệ sinh thái cà phê thì có thể hơi chật hẹp - với những gì tôi hiểu, cảm nhận về hoài bão của Vũ, mọi người biết về Vũ. Khi những khoảng không gian giữa chúng ta càng ít chạm được vào nhau, hay còn định kiến, bản thủ, cố chấp thì chúng ta càng cách xa nhau. Đó là quy luật tất yếu của cuộc sống. Tất nhiên - nếu dung hoà, cân bằng được là một điều quá tốt, vì còn gia đình và những đứa con nữa.
Viết tới đây tôi tự nhiên nhớ đến bức tượng đồng vị anh hùng gốc Achentina Che Guavara mà Vũ nhờ đúc tặng tôi, người đã từ bỏ mọi thứ lợi danh đời thường vì lý tưởng, sứ mệnh của mình. Vũ rất thích Che.
Nhà sáng lập First News nói về ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Như một định mệnh, ai khác biệt và đi nhanh ắt phải đi một mình trong cô đơn - Ảnh 10.
Bức tượng Che đang đặt ở Thư phòng của First News - Trí Việt.
Vũ trụ, vạn vật đều đang biến đổi, phát triển từng giờ. Con người cũng vậy. Chúng ta không thể đóng khung một người nào đấy trong cái khung ảnh chúng ta đã biết họ cách đây 20 năm. Nếu chúng ta không chấp nhận, không thích nghi, không hiểu hết được sự thay đổi, phát triển nội tâm của một ai đó thì có nghĩa chúng ta đã bị dừng lại, hoặc chúng ta cũng đã phát triển theo một hướng khác, không cùng hướng với người chúng ta đã biết, dù từng có thời rất thân thương.
Riêng tôi, vượt ra khỏi những suy luận và cả thực tế, thật sự rất mong muốn một kết thúc có hậu - từng đẹp như câu chuyện cổ tích của Thảo - Vũ - cho cả hai - nhất là cho những đứa con - và cho Trung Nguyên.
Thời gian ít gặp Vũ cũng là quá trình thực hiện dự án tặng sách cho Quân đội nhân dân Việt Nam; cùng hàng loạt dự án lớn nhỏ mà Trung Nguyên đang thực hiện, nhưng với tôi và những ai hiểu chuyện và quan tâm đến Vũ thực sự - chắc chắn Vũ vẫn đang trăn trở hoài bão những điều không chỉ dành cho riêng mình và điều hành Tập đoàn Trung Nguyên tâm huyết như từ khi khởi nghiệp.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Đừng dồn tiền sắm sửa tivi điện thoại, đầu tư vào sách mới là đầu tư khôn ngoan
Nguyễn Văn Phước
 
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Đừng dồn tiền sắm sửa tivi điện thoại, đầu tư vào sách mới là đầu tư khôn ngoan
28/03/2019 02:57 PM | KINH DOANH
Theo chủ tịch Trung Nguyên, nếu thu nhập trung bình của người Việt Nam vào khoảng 2.600 USD/năm thì nên dùng 600 USD đầu tư vào sách, chứ không nên rót vào mua điện thoại hay sắm sửa.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Đừng dồn tiền sắm sửa tivi điện thoại, đầu tư vào sách mới là đầu tư khôn ngoan

Đi giày 75.000 đồng nhưng ông Đặng Lê Nguyên Vũ lại lên kế hoạch chi tới 5 tỷ USD để tặng sách. Bên lề phiên tòa xử lý hôn ngày 27/3 vừa qua, chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên một lần nữa nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc đọc sách.
Ông nói: "Muốn hiểu một ngôi nhà thì mình xem cái gì là chủ đạo trong ngôi nhà đó, đại đa số thấy là cái TV lớn. Nhưng thực ra phải nhìn vào tủ sách. Khi mình quan sát tủ sách mình có thể biết con người đó như thế nào, sơ bộ đánh giá con người qua những gì họ đang đọc và hiểu tương đối về họ".
"Mỗi ngôi nhà nên có một nơi như vậy, nơi đó chính là ánh sáng", ông Vũ nhấn mạnh.
Cũng theo chủ tịch Trung Nguyên, "đầu tư khôn ngoan nhất là đầu tư vào sách". Ông lấy ví dụ nếu một năm, thu nhập trung bình của người Việt Nam vào khoảng 2.600 USD thì nên bỏ 600 USD đầu tư một cái thư viện còn 2.000 USD để làm việc khác.
"Hiện nay đa phần đều đầu tư không thông minh: 2.600 USD để mua điện thoại di động, rồi sắm sửa gì đó hết. Cái đó không phải. Khi chúng ta giàu về tri thức thì mới biết làm giàu vật chất, làm giàu thể chất".
Trong quan niệm của ông, muốn làm giàu nhưng không biết nuôi dưỡng thể chất đúng khoa học, thậm chí những người làm về tài chính, bảo vẽ hệ sinh thái tiền bạc không vẽ được, thì sẽ thiếu cái nền giáo dục để làm giàu.
"Mỗi con người một ngày có 24h. Vậy thì tâm trí mình nên dành ra chỗ nào để tạo giá trị cao, còn nếu mình dành sức lực ở phân khúc thấp thì vĩnh viễn dân tộc mình nằm ở đó, số phận mình nằm ở đó", ông khẳng định.
Trước đây, vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ cũng từng chỉ ra 5 quyển sách có sức ảnh hưởng lớn đến cuộc đời mỗi con người và khuyên giới trẻ nên đọc để tự khai phá tiềm năng, tìm ra con đường lập thân đúng đắn. Bên lề phiên tòa vừa qua, ông nhắc lại "5 quyển đó chỉ là khởi đầu nhưng đọc xong, biết ứng dụng thì đã đổi đời được rồi".
Dưới đây là 5 quyển sách kể trên. Trong đó Trung Nguyên cùng First News in 3 trên 5 cuốn tặng sinh viên, thanh niên Việt Nam, gồm Đắc Nhân Tâm, Không Bao Giờ Là Thất Bại - Tất Cả là Thử Thách, Nghĩ Giàu & Làm Giàu - 21th Century Edition.
1. Đắc nhân tâm - Dale Carnegie
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Đừng dồn tiền sắm sửa tivi điện thoại, đầu tư vào sách mới là đầu tư khôn ngoan - Ảnh 1.
Đây là quyển sách duy nhất về thể loại "self - help" liên tục đứng đầu danh mục bán chạy nhất do báo The Times New York bình chọn suốt 10 năm liền. Quyển sách là những câu chuyện có thật từ trong lịch sử nhằm giáo huấn chúng ta cách cư xử khôn ngoan và khéo léo với tất cả mọi người.
2. Quốc gia khởi nghiệp - Dan Senor & Saul Singer
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Đừng dồn tiền sắm sửa tivi điện thoại, đầu tư vào sách mới là đầu tư khôn ngoan - Ảnh 2.
Quốc gia khởi nghiệp là câu chuyện viết về sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế Israel từ lúc lập quốc cho đến khi trở thành quốc gia có nền công nghệ hàng đầu thế giới. Quyển sách này có thể trả lời cho những thắc mắc làm thế nào một đất nước nhỏ bé lại có thể tồn tại giữa sự thù địch của các quốc gia lân cận, đối phó với những cuộc chiến giữ vững bờ cõi mà vẫn tạo ra sự sáng tạo vượt bậc trong các lĩnh vực công nghệ, quân sự và dân sự.
3. Khuyến học - Fukuzawa Yukichi
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Đừng dồn tiền sắm sửa tivi điện thoại, đầu tư vào sách mới là đầu tư khôn ngoan - Ảnh 3.
Đây là cuốn sách gối đầu giường của mọi người dân Nhật trong thời kỳ Duy Tân. Trong cuốn này, Fukuzawa Yukichi nhấn mạnh Nhật Bản phải xây dựng nền học vấn dựa trên "thực tế, gắn liền với cuộc sống hằng ngày, phải dựa trên tinh thần khoa học, tinh thần độc lập, tính thực dụng. Việc tiếp thu văn minh phương Tây phải có chọn lọc. Quan điểm xuyên suốt cuốn sách là "làm thế nào để bảo vệ nền độc lập Nhật Bản" trong bối cảnh các cường quốc phương Tây đang muốn biến toàn bộ châu Á thành thuộc địa.
4. Không bao giờ là thất bại tất cả là thử thách - Chung Ju Yung
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Đừng dồn tiền sắm sửa tivi điện thoại, đầu tư vào sách mới là đầu tư khôn ngoan - Ảnh 4.
"Một người không tin là có vận xấu, người đó sẽ không có vận xấu. Mọi thứ đều quân bình, vận may rủi đều đến với con người như nhau.Quan trọng nhất là phải nỗ lực, nỗ lực không ngừng và biết chớp thời cơ."
5. Think And Grow Rich - Nghĩ Giàu Và Làm Giàu - Napoleon Hill
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Đừng dồn tiền sắm sửa tivi điện thoại, đầu tư vào sách mới là đầu tư khôn ngoan - Ảnh 5.
Think and Grow Rich - Nghĩ giàu và Làm, với hơn 100 triệu bản được phát hành với hàng trăm ngôn ngữ trên toàn thế giới và được công nhận là cuốn sách tạo ra nhiều triệu phú hơn, một cuốn sách truyền cảm hứng thành công nhiều hơn bất cứ cuốn sách kinh doanh nào trong lịch sử.
Tác phẩm này đã giúp tác giả Napoleon Hill được tôn vinh bằng danh hiệu “người tạo ra những nhà triệu phú”. Đây cũng là cuốn sách hiếm hoi được đứng trong top của rất nhiều bình chọn theo nhiều tiêu chí khác nhau - bình chọn của độc giả, của giới chuyên môn, của báo chí.
Lý do để Think and Grow Rich - Nghĩ giàu và Làm giàu có được vinh quang này thật hiển nhiên và dễ hiểu: Bằng việc đọc và áp dụng những phương pháp đơn giản, cô đọng này vào đời sống của mỗi cá nhân mà đã có hàng ngàn người trên thế giới trở thành triệu phú và thành công bền vững. Điều thú vị nhất là các bí quyết này có thể được hiểu và áp dụng bởi bất kỳ một người bình thường nào, hoạt động trong bất cứ lĩnh vực nào. Qua hơn 70 năm tồn tại, những đúc kết về thành công của Napoleon Hill đến nay vẫn không hề bị lỗi thời, ngược lại, thời gian chính là minh chứng sống động cho tính đúng đắn của những bí quyết mà ông chia sẻ.
Để thực hiện cuốn sách này, Napoleon Hill dành hầu như toàn bộ thời gian và công sức trong suốt gần ba mươi năm để phỏng vấn hơn 500 người nổi tiếng và thành công nhất trong nhiều lĩnh vực khác nhau, cùng hàng ngàn doanh nhân khác - cả những kẻ thất bại và những người thành công. Kết quả của những nghiên cứu không mệt mỏi đó là Think and Grow Rich - Nghĩ giàu và Làm giàu - công thức, hay “cẩm nang” để trở thành vượt trội và được xã hội nể trọng. Được viết ra từ vô số những câu chuyện có thật, tác phẩm có một sức thuyết phục và lay động rất lớn.
 
https://infonet.vn/cuu-ceo-trung-nguyen-dang-le-nguyen-vu-bi-hoang-tuong-quyen-luc-post271115.info
Cựu CEO Trung Nguyên: Đặng Lê Nguyên Vũ bị hoang tưởng quyền lực!
10/08/2018 10:44 GMT+7
Cựu CEO Trung Nguyên Đỗ Hòa viết: 'Theo tôi thì anh Vũ bị bệnh hoang tưởng về quyền lực (một dạng tâm thần phân liệt), và diễn biến bệnh càng ngày càng nặng. Anh ấy cần được giúp đỡ!...'
Mới đây, những dòng chia sẻ về Trung Nguyên và Đặng Lê Nguyên Vũ trên facebook cá nhân mang tên Đỗ Hòa đã lập tức nhận được sự chú ý đặc biệt của dư luận. Bởi ông Hòa được biết đến là cựu CEO Trung Nguyên và nhiều tập đoàn, công ty lớn khác.
Trao đổi với PV, ông Hòa xác nhận những chia sẻ đang được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội là của mình. Đó là những điều ông cảm nhận được trong thời gian ngắn làm việc tại Trung Nguyên và ông thực sự lo cho sức khỏe của ông chủ tập đoàn này.
Dưới đây là toàn bộ bài chia sẻ của ông Đỗ Hòa về suy nghĩ sau thời gian làm việc tại Trung Nguyên:
TÔI TỪ BỎ NHIỀU THỨ, CHỌN TRUNG NGUYÊN
Vụ Trung Nguyên người ngoài cuộc sẽ khó mà hình dung được toàn bộ câu chuyện.
Tôi xin chia sẻ hiểu biết và quan điểm của mình như sau:
Tôi quan tâm vụ này bởi vì một số lí do:
Khi quyết định chuyển từ giai đoạn làm việc cho các tập đoàn nước ngoài sang làm việc cho các doanh nghiệp Việt Nam, Trung Nguyên là chọn lựa đầu tiên của tôi. Dù lúc ấy tôi cũng nhận được một số chào mời từ một số công ty khác với những sự hứa hẹn tốt hơn Trung Nguyên.
Tôi nhận lời về Trung Nguyên mà không mặc cả gì về thu nhập hay quyền lợi, tôi chỉ thương lượng về quyền hạn của mình mà tôi nghĩ là cần thiết để tôi có thể phát huy, đóng góp nhiều nhất cho Trung Nguyên.
Ông Đỗ Hòa
So với mức thu nhập cao nhất mà tôi đã từng nhận ở công ty cũ, thì mức của Trung Nguyên chào mời tôi chỉ chưa bằng 1/2.
Ngoài ra các quyền lợi khác như tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe, nghỉ phép, phương tiện đi lại, tiếp khách... thì cũng không tốt bằng nơi cũ tôi làm...
Khi từ bỏ những thứ trên, để chuyển hướng sự nghiệp thì tôi đã xác định rằng yếu tố chính để tôi chọn nơi đến, thì phải là nơi mà tôi tin tôi có thể phát huy, đóng góp nhiều nhất cho doanh nghiệp, còn thu nhập hay quyền lợi là chuyện thứ yếu.
CEO ĐƯỢC GIAO LÀM TRƯỞNG BAN TRUYỀN ĐẠO
Nhưng rất tiếc là mọi thứ đã không xảy ra như tôi nghĩ. Vào Trung Nguyên ngoài việc bị hạn chế quyền hạn, tôi còn được giao những việc không dính dáng gì đến quản lý kinh doanh.
Tôi nhận ra rằng nơi đây không chỉ là một doanh nghiệp thuần túy, mà nó là sự tổng hợp của 3 hoạt động: tôn giáo, chính trị và kinh doanh, mà không được phân định rõ ràng.
Ông Đỗ Hòa được yêu cầu phải làm thủ tục lạy trước bàn thờ đạo đặt ở một số điểm kinh doanh.
Rồi chủ doanh nghiệp ở đây quyết định giao cho tôi làm Trưởng ban biên soạn giáo lý đạo cà phê, kiêm trưởng ban truyền đạo. Và tôi được yêu cầu phải làm thủ tục lạy trước bàn thờ đạo đặt ở một số điểm kinh doanh. Lúc ấy khi Trung Nguyên đi tham dự hội chợ thì bên cạnh gian hàng trưng bày sản phẩm, còn có thêm gian bàn thờ. Tôi quan sát thấy khách nước ngoài tò mò dòm ngó cái gian bàn thờ nhưng không dám bước vào mà chỉ đứng ngoài nhìn vào.
Nhìn cách trưng bày cái bàn thờ, tôi cũng dễ dàng đoán ra ý định của anh Vũ là đến thời điểm thích hợp thì anh ta sẽ thay hình hạt cà phê bằng hình mình, để mọi người sẽ lạy mình.
Tôi nghĩ người bên ngoài hẳn cũng ngạc nhiên khi anh Vũ ra sách về danh nhân văn hóa Việt, trong đó có Đặng Lê Nguyên Vũ. Rồi sau đó lại nghe về "thánh địa cà phê toàn cầu"...
Nhưng với tôi và những người đã từng tham gia Trung Nguyên thì câu chuyện tâm linh của anh Vũ là một chuỗi sự kiện, đi từ nhỏ đến lớn, từ trong ra ngoài... (sách lược Tôn Tử, mà anh Vũ vẫn lấy làm chiến lược dẫn dắt Trung Nguyên), và tham vọng ấy ngày càng được đẩy lên cao dần. Nó đi từ thương hiệu cà phê số 1 của Việt Nam, đến cà phê đạo của người Việt, đến tự phong vua cà phê, rồi đến doanh nhân văn hóa Việt Nam, và sau đó thì mở ra cả thế giới với thánh địa cà phê toàn cầu, và gần đây là câu chuyện thiền và sự kiện "thông linh", được bề trên tối cao giao trọng trách chăn dắt nhân loại, trở thành một tôn giáo duy nhất là trung tâm của tất cả các tôn giáo khác với sứ mệnh "cứu nhân loại".
Ông Đỗ Hòa - Giám đốc Công ty Tư vấn Tinh Hoa Quản Trị, người được mệnh danh là “CEO chuyên nghiệp”, từng là nguyên Giám đốc Chiến lược và Marketing khu vực Châu Á Thái Bình Dương của tập đoàn Shell,sau đó làm CEO Trung Nguyên, Kềm Nghĩa...
Ông cũng được đánh giá là một nhà quản trị giàu kinh nghiệm, bộc trực, thẳng thắn và sắc sảo.
Rõ ràng đây không còn là một doanh nghiệp hoạt động đúng nghĩa như một doanh nghiệp kinh doanh, mà nó là một tôn giáo. Việc kinh doanh chỉ nhằm để kiếm tiền phục vụ cho sự phát triển tôn giáo, nhằm hướng đến mục tiêu cuối cùng là tạo ra quyền lực cá nhân. Ai cũng có thể nhìn rõ điều này ở thông điệp Vision của Trung Nguyên, mục tiêu bao nhiêu tỉ đô la doanh thu thì cũng không bao giờ cao bằng "cứu loài người". Vậy xin đừng nhìn Trung Nguyên như là một doanh nghiệp, cũng đừng dùng các tiêu chuẩn, thước đo của doanh nghiệp thường thấy để đánh giá về Trung Nguyên. Và do vậy cũng không nên xem xét anh Vũ dưới góc độ một doanh nhân.
Vậy nếu không là doanh nghiệp mà là một tôn giáo, thì cái ý đồ cà phê đạo này có gì hay để mà có thể trở thành hiện thực? Lý luận của cà phê đạo có gì hay hơn đạo Phật, Thiên Chúa, Hồi giáo, Hindu... để có thể thu hút được follower? Còn bản thân người "được thượng đế tối cao trao quyền" này có tài năng gì đặc biệt, có tư duy gì nổi bật để mà có thể dẫn dắt cả nhân loại?
Tôi theo dõi diến biến của Trung Nguyên từ hơn 10 năm qua và thú thật là tôi chưa thấy câu trả lời cho những câu trên.
Một hai năm thì còn nói phải chờ vì cần có thời gian, chứ hơn 10 năm rồi mà trong khi mục tiêu nhỏ (cà phê đạo Việt Nam) còn chưa làm được, vị trí số vua cà phê Việt Nam thì đang lung lay ( đi từ số 1 của toàn thị trường giảm dần xuống còn số 1 của một vài phân khúc), sự đoàn kết trong nội bộ thì cũng đã suy yếu đi nhiều, mà trong khi đó mục tiêu thì đẩy lên cao hơn, cao đến tột đỉnh là thống lĩnh toàn nhân loại. Thì rõ ràng là có sự vênh rất lớn giữa những gì muốn đạt được với năng lực thực tế, giữa nói được và làm được là cả một khoảng cách quá xa.
ANH VŨ VÀ TRUNG NGUYÊN CẦN ĐƯỢC GIÚP ĐỠ
Với tôi thì kết quả phản ảnh năng lực của người đứng đầu. Không thể có lí do gì khác để biện minh ngoài sự hạn chế về năng lực. Bản thân tôi đã từng xem qua một số tài liệu mà anh Vũ viết ra, đã từng trực tiếp nói chuyện, tranh luận với anh Vũ, và tôi thấy khi đi vào những vấn đề cụ thể thì anh Vũ không có gì đặc biệt.
Hơn nữa, dù rất muốn có quyền lực mang tính thống trị như là giáo chủ một tôn giáo, nhưng bản thân ảnh lại dường như cũng không biết nên dùng lý luận nào để thu hút và dẫn dắt tín đồ. Chính vì vậy nên ảnh mới yêu cầu người khác viết giúp (tôi đã từng được giao việc này) mà không đưa một định hướng hay gợi ý gì.
Vậy một người chỉ toàn nói những điều to lớn, những điều siêu phàm nằm ngoài khả năng của mình, một người mà không ai dám chắc có thể hiểu được (kể cả người nhà), thì là người như thế nào? (tại buổi xuất hiện gần đây nhất, khi phát biểu, anh Vũ cũng nói rằng những người gần ảnh không hiểu được ảnh).
Theo tôi thì anh Vũ bị bệnh hoang tưởng về quyền lực (một dạng tâm thần phân liệt), và diễn biến bệnh càng ngày càng nặng. Anh ấy cần được giúp đỡ! Công ty Trung Nguyên cần được giúp đỡ để có thể thoát ra khỏi crisis (khủng hoảng) này!
Nguồn: baogiaothong.vn
 
Đặng Lê Nguyên Vũ bất ngờ gặp gỡ báo chí
Lần đầu tiên sau nhiều năm, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch tập đoàn Trung Nguyên, đã gặp mặt một số nhà báo. Ông nói suốt hơn 3 tiếng đồng hồ trong không gian cafe và khói cigar.
Cuộc gặp bắt đầu lúc 15 giờ chiều 13/8 tại quán cafe và cũng là trụ sở của Trung Nguyên ở TP.HCM.
ly hon Dang Le Nguyen Vu anh 1
Ông Vũ tiếp xúc với 6 nhà báo, trong đó có Zing.vn vào chiều 13/8. Ảnh: Tô Thanh Tân.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ đi giày trắng, quần trắng, áo trắng vest ngoài màu đen bước nhanh vào ghế ngồi khi các khách mời đã an tọa. Ông Vũ xưng "qua", gọi người đối diện là các "anh chị em".
“Qua xin phép 2 điều: một là cho qua được hút thuốc, vì đây là thói quen của qua; hai là cho qua được ngồi ở tư thế thoải mái nhất, tư thế ngồi thiền”, nói rồi ông Vũ cho hai chân xếp bằng trên ghế.
Ông ngồi tư thế đó suốt hơn ba tiếng đồng hồ từ 15h đến gần tầm 18h30.
Mở đầu buổi cafe với nhà báo, ông Vũ chia sẻ: “Qua rất buồn vì chuyện đang xảy ra, các anh chị em muốn viết gì cũng được, nhưng xin đừng đề cập đến các con của qua. Các cháu không nên bị lôi kéo vào chuyện này”.
Ông nhắc lại 3-4 lần về việc không muốn 4 người con ông bị ảnh hưởng xấu bởi truyền thông xung quanh vụ ly hôn giữa ông và vợ, bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Với người mới gặp Đặng Lê Nguyên Vũ lần đầu có thể cảm nhận ông Vũ có chút gì đó hơi siêu thực. Ông nói rất nhiều đến Trời, đến mặc khải, thông linh. Là người chủ tập đoàn cafe nhưng ông nói với một niềm đam mê vô tận về vũ trụ, về lịch sử văn minh, về quốc gia suy tàn hay thịnh vượng.
Tuy nhiên, khi tôi hỏi: "Ông có đam mê chính trị, có muốn trở thành một chính trị gia?" Ông trả lời chắc chắn: "Qua không muốn!".
"Vậy ông là nhà tư vấn hoặc một học giả nghiên cứu chính trị?" "Không. Qua chỉ thấy mình cần phải nói ra điều gì thì qua nói".
Qua cái bắt tay, tôi thấy bàn tay ông ấm, siết chặt. Với cách tư duy, cách nói đó, có thể khẳng định sức khỏe ông Nguyên Vũ vẫn tốt, ít nhất là quan sát từ bên ngoài.
Nội dung của cuộc trao đổi với ông Đặng Lê Nguyên Vũ sẽ được chúng tôi chuyển tải trong bài tiếp theo: "Hơn 3 giờ với Đặng Lê Nguyên Vũ".
Dưới đây là một số hình ảnh của Đặng Lê Nguyên Vũ do nhiếp ảnh gia Tô Thanh Tân chụp tại buổi tiếp xúc báo chí chiều 13/8.
ly hon Dang Le Nguyen Vu anh 2
Ông Vũ ngồi xếp bằng, liên tục hút cigar trong suốt hơn 3 tiếng.
ly hon Dang Le Nguyen Vu anh 3
Chủ tịch Trung Nguyên tỏ ra rất hào hứng khi nói về marketing, về nghệ thuật trị quốc.
ly hon Dang Le Nguyen Vu anh 4
Nhiều lúc ông Nguyên Vũ còn hài hước pha trò và cười sảng khoái.
 
251740
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ đốt xì gà và nói liên tục hơn 3 tiếng đồng hồ, từ chủ đề siêu xe đến siêu nhiên; từ đối xử với người lao động đến nguyên lý trị quốc và xây dựng thế giới.
Đúng 15h, ông Đặng Lê Nguyên Vũ bước vào bàn cafe lớn cùng các nhà báo với giày trắng, quần trắng, áo trắng, vest đen. Ông ngồi xếp bằng với tư thế ngồi thiền trên chiếc ghế chính giữa; bên phải và đối diện ông là 6 nhà báo, bên trái ông là 3 luật sư, những người đang tư vấn, hỗ trợ ông trong phiên toà ly hôn.

Đây là lần đầu tiên ông gặp gỡ báo giới sau thời gian 5 năm vắng bóng trên truyền thông.

Dang Le Nguyen Vu anh 2
3 luật sư ngồi bên trái ghi chép, cung cấp thêm thông tin, 6 nhà báo ngồi bên phải và đối diện ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
Khát vọng đạo cà phê ở Việt Nam
Xưng "qua" và gọi người đối diện là "anh chị em", ông chủ Trung Nguyên bắt đầu bằng phần chia sẻ chủ động trước khi vào phần hỏi đáp.

Trong cuộc gặp kéo dài hơn 3 giờ, ông nói nhiều chủ đề, có những phần ông từ chối trả lời hoặc không trả lời thẳng vào câu hỏi. Có rất nhiều nội dung chúng tôi không tiện nêu ra bởi đó là nội dung đề cập đến người thứ ba hoặc những vấn đề siêu nhiên rất khó kiểm chứng.

Ở góc độ doanh nhân, ông vẫn thể hiện rất rõ khát vọng của một Đặng Lê Nguyên Vũ thuở nào. Mắt ông sáng, giọng sang sảng: “Việt Nam là nước số một về xuất khẩu cà phê robusta. Hãy nhớ điều đó. Chúng ta là nước số 1 về xuất khẩu cà phê. Muốn đưa cà phê đi xa thì phải có nền tảng triết lý của nó. Nhìn trà đạo của Nhật đi, không có lý gì mà Việt Nam không tạo ra đạo cà phê”.

Trung Nguyên phải tái định vị và sắp đặt trên một triết lý, hệ quy chiếu khác, hệ quy chiếu sáng tạo, hệ quy chiếu năng lượng.
Đặng Lê Nguyên Vũ
“Cà phê nó kinh khủng lắm, không như những gì người anh em nhìn thấy đâu. Cà phê có hệ sinh thái vật chất; hệ sinh thái cà phê tinh thần và hệ sinh thái cà phê xã hội. Trung Nguyên phải xây dựng trên nền tảng đó. Trung Nguyên muốn đi xa phải khác cái gì, phải có gì đó đặc biệt”.

“Trung Nguyên 20 năm phát triển đâu còn tính mới nữa. Nó phải tái định vị và sắp đặt trên một triết lý, hệ quy chiếu khác, hệ quy chiếu sáng tạo, hệ quy chiếu năng lượng" - ông nói say sưa.

“Một doanh nghiệp muốn đi xa được phải có trách nhiệm xã hội. Trung Nguyên muốn đi xa phải có được hai nền tảng, một là thiện lành, hai là chí khí. Chứ chỉ tư duy kiểu con buôn thì không bao giờ đi xa được”, ông nói.

"Nếu chỉ vì mình, qua sẽ không ngồi đây"
Khi được hỏi về những luồng dư luận lùm xùm thời gian qua liên quan đến việc ly hôn giữa ông và vợ là bà Lê Hoàng Diệp Thảo, giọng ông Đặng Lê Nguyên Vũ trầm xuống.

Ông nói: “Nếu chỉ mình qua thì qua chịu hết, qua thoát rồi, tất cả những thử thách không là cái gì với qua hết. Nếu chỉ vì qua thì qua sẽ không ngồi đây. Nhưng nay người ta có cả một chiến dịch tấn công Trung Nguyên từ mọi hướng, tấn công cả những người anh em ở đây, thậm chí cả gia đình của họ, nên qua phải lên tiếng".

Ông nhắc đi nhắc lại: "Chuyện này không có hay ho gì hết. Qua mong anh chị em có viết gì cũng đừng kéo mấy đứa con của qua vào cuộc. Qua không muốn tụi nhỏ bị ảnh hưởng bởi ồn ào của vụ ly hôn này”.

Qua ngồi đó, nhìn anh em bị tâm thần ở các khu nhà, lòng tê tái. Không bao giờ nghĩ có ngày qua phải ở trong tình cảnh như vậy.
Đặng Lê Nguyên Vũ
Ông bảo: "Cô nói qua bị bệnh, qua nói thôi được rồi để qua đi khám để chứng minh cô thấy qua không bệnh. Qua đi chợ Rẫy, rồi qua Việt Pháp, nhưng như thế chưa xong, qua phải ra bệnh viện tâm thần Biên Hoà, họ có một hội đồng hỏi qua như hỏi cung. Rồi chưa xong, đem kết quả họ cũng không chịu, qua ra một hội đồng giám định sức khỏe tâm thần của trung ương, họ ngồi họ quần qua cả một ngày. Thậm chí hỏi qua bây giờ có nhớ tên mấy người là Chủ tịch nước qua các thời kỳ không?"

"Thực sự chưa bao giờ qua tưởng tượng tới cảnh như vậy. Thôi thì qua hiểu đó là công việc của người ta. Qua ngồi đó, nhìn anh em bị tâm thần ở các khu nhà, lòng tê tái. Không bao giờ nghĩ có ngày qua phải ở trong tình cảnh như vậy. Kết quả đưa về, qua đâu có bệnh gì, qua mà đâu có bệnh gì”.

Về cuộc ly hôn sắp tới, ông cũng khẳng định ông không sân si về tài sản: "Qua nói với toà thôi phiên phiến thôi, qua chấp nhận hết. Qua sẽ chu cấp cho các con chu đáo".

Dang Le Nguyen Vu anh 3
Ông Vũ cho rằng dạy người ta làm giàu mà không giàu thì nói ai nghe.
"Dạy làm giàu mà mình không giàu thì nói ai nghe"
Sau khoảng 40 phút, chủ tịch Trung Nguyên bắt đầu phần hỏi đáp, dưới đây là một số phần lược thuật:

- Thưa ông, xin bắt đầu bằng hành trình tặng sách vừa tổng kết, nhiều người cho rằng Trung Nguyên quá lãng phí, tặng sách tại sao cần phải mua siêu xe triệu đô?

- Doanh thu doanh nghiệp vào khoảng 5.000-6.000 tỷ đồng, nếu bỏ ra 10% để làm marketing thì khoảng 500-600 tỷ đồng, nếu phân bổ ra làm truyền thông, quảng cáo xây dựng thương hiệu thì mỗi thứ cũng vài trăm tỷ. Qua bảo thôi mua xe đi, mình đi dạy người ta làm giàu mà mình không giàu thì nói ai nghe. Phải thể hiện ra ngoài.

Mình đi dạy người ta làm giàu mà mình không giàu thì nói ai nghe.
Đặng Lê Nguyên Vũ
Mà xe cộ nó là tài sản còn đó với doanh nghiệp. Siêu xe thu hút báo chí, truyền thông và công chúng đến với hành trình tặng sách.

- Hành trình tặng sách của Trung Nguyên với siêu xe triệu đô, tổng trị giá mà Trung Nguyên công bố lên tới 5 tỷ USD. Ông lấy nguồn tài chính ở đâu để thực hiện chương trình này?

- Trung Nguyên sẽ phất lên ngọn cờ, còn tôi tin Chính phủ và xã hội sẽ cùng vào cuộc. Có những cá nhân sở hữu tới vài chục tỷ đôla, tôi mong họ đóng góp vào đây.

Đầu tư vào sách là đầu tư thông thái nhất. Qua có kế hoạch lấy về cho Việt Nam một nghìn tỷ đôla. Qua tính cho từng quốc gia một, hơn 210 quốc gia, tính trên từng quy mô dân số. Mọi thứ qua đều chuẩn bị hết, qua chuẩn bị cho những nhà lãnh đạo. Đó là khoa học tuyệt đối.

- Tôi thấy ông ở đây tràn đầy năng lượng và thần thái rất tốt, khác hẳn hình ảnh ông lắc lư khi ngồi ở toà. Tại sao hai hình ảnh ông Vũ khác nhau đến vậy?

- Qua vẫn là qua thôi, hôm đó qua quá mệt mỏi, người ta lại quay clip đúng lúc qua mệt nhất để đưa lên. Chứ qua hoàn toàn bình thường.

"Qua ở trên núi nhưng biết hết"
-Ông nói rất nhiều về triết lý an bang trị quốc, ông có đam mê chính trị, muốn trở thành chính trị gia không?

- Không, qua không có muốn.

- Ông có làm nhà nghiên cứu, làm tư vấn giúp các chính trị gia cách trị quốc bình thiên hạ?

- Không, qua không làm tư vấn, qua chỉ là chuyển lời. Qua sẽ chuyển những ý đó cho những người anh em để họ làm. Đó trách nhiệm của qua.

- Ông nói rằng 5 năm trước không có ý niệm gì về trời, đạo nhưng đến nay ông lại nói rất nhiều triết lý của đạo trời, của thần, phật… điều gì đưa ông đến với những ý niệm này?

- Đó như cái duyên. Cái gì đến thì nó đến thôi. Qua không biết vì sao từ nhỏ qua luôn ám ảnh bởi cái chết. Đầu làng qua ở có bãi tha ma, qua luôn bị ám ảnh. Không hiểu vì sao. Qua cứ đi kiếm đi tìm mà không biết mình đi tìm cái gì.

Dù qua ở trên núi hàng năm trời nhưng cái gì qua cũng biết hết.
Đặng Lê Nguyên Vũ
Qua đâu có thiếu gì ở thế gian đâu, nhưng qua vẫn luôn bị ám ảnh. Đến khi qua 43 tuổi, tự dưng qua được dẫn tới đó. Khi đó qua mới ngộ, qua biết mọi thứ. Dù qua ở trên núi hàng năm trời nhưng cái gì qua cũng biết hết. Chuyện nước Mỹ, nước Nga qua cũng biết hết.

- Trong thời gian đó ông có điều hành Trung Nguyên không?

- Với Trung Nguyên này từng ngõ ngách qua đều biết, qua đã chuẩn bị cho những người anh em của qua (đội ngũ nhân viên -PV)... Mọi người cứ thế thực thi và tập đoàn vẫn tồn tại và phát triển.

Qua ở trên núi nhưng qua biết hết. Trong việc này cũng giúp qua nhận ra ai là người anh em. Có những người từng có chức vụ cao, cũng nhắn tin động viên qua, chỉ hai dòng, nhưng họ triển khai hệ thống để giúp qua. Trong lòng qua rất biết ơn.

- Việc ông gặp và cưới bà Diệp Thảo là duyên trời định hay là quyết định sai lầm của ông?

- Đó là việc phải như thế rồi.

"Em gái, em rể cô vẫn ngồi đây, phải có lý do của nó"
-Điều ông mong muốn lớn nhất lúc này là gì, thưa ông?

- Qua mong muốn dân tộc chúng ta sẽ thịnh vượng, và cả nhân loại sẽ được thịnh vượng.

- 20 năm trước mục tiêu của ông đưa Trung Nguyên trở thành đế chế cà phê toàn cầu. Bây giờ ông còn khát vọng đó không?

- Mục tiêu của Trung Nguyên, của dân tộc hay của nhân loại thực chất là một. Đó là liên hoa sinh. Khát vọng của qua là giúp mỗi con người, kể cả những người khó khăn, nghèo khổ nhất được hạnh phúc.

Dang Le Nguyen Vu anh 4
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho biết em ruột và em rể bà Thảo vẫn làm tại công ty của ông.
- Với những người anh em trong công ty của ông, ông làm thế nào để họ có được niềm tin vào ông và vào con đường của Trung Nguyên?

- Với những người anh em này, qua thương họ. Với qua không có gì khiến qua sợ hãi hết. Thậm chí có giết qua, qua cũng không ngại. Những người anh em này (ông chỉ vào nhân viên xung quanh) vẫn ngồi đây, kể cả em ruột của cô (em bà Lê Hoàng Diệp Thảo - vợ ông) và em rể của cổ vẫn ở đây. Đó phải có lý do của nó.

Những người anh em Trung Nguyên để thực hiện được triết lý, con đường của Trung Nguyên thì phải khổ luyện, phải đọc, hiểu, ngẫm suy những điều qua viết. Kiếm được người tri kỷ khó lắm. Thế nên qua cũng không muốn nói với ai.

Qua là qua chứ đâu có là ai. Chỉ có điều qua đã ngộ ra được nhiều điều, nhiều lĩnh vực.
Đặng Lê Nguyên Vũ
- Bà Diệp Thảo có nói rằng: Hãy trả lại anh Vũ của ngày xưa, có thể nhiều người thấy ông Vũ rất khác, ông nghĩ sao?

- Qua là qua chứ qua đâu có là ai. Chỉ có điều qua đã ngộ ra được nhiều điều, nhiều lĩnh vực. Nếu gặp thiền sư qua sẽ nói theo ngôn ngữ của thiền sư; gặp nhà bác học qua sẽ nói ngôn ngữ của nhà bác học. Nói với người nghệ sĩ về âm thanh, âm nhạc qua sẽ nói với ngôn ngữ âm thanh âm nhạc.

- Với những gì ông nói thì gần như ông cho rằng ông biết mọi thứ, vậy trong 5 năm nữa theo ông Trung Nguyên sẽ như thế nào?

- Thôi không nên, đó là thiên cơ.

- Vậy sắp tới con đường phát triển của Trung Nguyên sẽ theo chiến lược như thế nào?

- Qua đã vạch ra chiến lược của Trung Nguyên, đã có chiến lược, có tầm nhìn.

Phải giữ những người thiện lương, có năng lực và đào tạo họ. Qua sẽ tuyển chọn những chuyên gia ở tầm mức toàn cầu. Trung Nguyên có thị trường ở Trung Quốc, Nga và toàn cầu… phải lấy những người giỏi nhất thì mới thực thi được.
 
4 giờ cà phê với ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Cuộc trò chuyện đầy những bất ngờ
Bùi Hải - Hạ Minh Thiết kế: 7PM Ảnh: Tô Thanh Tân | 14/08/2018 00:22
Từ 15h đến 19h chiều 13/8/2018, Vua cà phê Việt liên tục mang đến cho 6 nhà báo của 4 tờ báo, nhiều ngạc nhiên lớn
Cuộc trò chuyện bên tách "cà phê năng lượng - cà phê đổi đời" diễn ra ngay tại lầu 1 trụ sở Trung Nguyên ở phố Bùi Thị Xuân, TP.HCM, giữa ông Vũ và "những người anh em báo chí thiện lành", được sắp xếp bất ngờ chỉ hơn 1 ngày trước.
Vẫn quần trắng, sơ mi trắng, áo khoác đen và dáng đi nhẹ nhàng như lần tái xuất trước, nhưng thần sắc, cặp mắt của ông chủ Trung Nguyên mạnh mẽ, dứt khoát, tươi tắn hơn, trái ngược hoàn toàn với những hình ảnh nhắm mắt, lắc đầu trong vài clip được tung lên mạng trước đó.
4 giờ cà phê với ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Cuộc trò chuyện đầy những bất ngờ - Ảnh 1.
Trước khi "xin phép được ngồi trên ghế theo kiểu thiền" ông Vũ tiến tới bắt tay và đọc tên rành rọt những nhà báo mà ông đã quen từ hơn 5 năm trước. Ông cũng không quên nhắc đến văn phong, bút lực và tính cách của họ.
Với chiếc tẩu xì gà đỏ lửa trên tay, suốt 4 tiếng đồng hồ, ông Vũ trò chuyện say sưa và mẫn tiệp, khúc chiết, không thấy dấu hiệu nào của sự mệt mỏi.
Trong suốt cuộc nói chuyện ấy, tôi quan sát và lắng nghe ông Vũ ở hai khía cạnh: Đặng Lê Nguyên Vũ doanh nhân và Đặng Lê Nguyên Vũ được trao sứ mệnh tâm linh.
Ở góc độ doanh nhân, Đặng Lê Nguyên Vũ sau 5 năm thiền định và Đặng Lê Nguyên Vũ trước kia, vẫn nhất quán hoàn toàn, dĩ nhiên bây giờ ở cấp độ cao hơn trong khẩu khí và sức thuyết phục.
Ở góc độ tâm linh, dù tôi không hiểu lắm những điều ông Vũ nói về nhân loại, vũ trụ, các nhà bác học, các quy luật lặp lại sau 500 năm, 250 năm, 100 năm, nhưng phải công nhận ông nói về điều đó một cách say sưa, lôi cuốn, hấp dẫn và gần như không có ngôn ngữ thừa.
4 giờ cà phê với ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Cuộc trò chuyện đầy những bất ngờ - Ảnh 2.
Nét tươi cười của cuộc chào hỏi ban đầu chợt trầm xuống khi ông Vũ nói về vụ ly hôn ồn ào với bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Ông vẫn dùng từ "Qua" để chỉ bản thân khi trò chuyện.
Ông bảo, suốt 5 năm, ông đã bị thử thách, phải chịu trăm ngàn nỗi khổ tận cùng mà người bình thường không thể biết được.
Một trong những nỗi khổ trần tục ấy là việc phải tự mình đối diện với các hội đồng chuyên môn giám định tâm thần sau khi vợ ông yêu cầu toà giám định năng lực hành vi dân sự của chồng.
Ngồi trong những căn phòng ấy, nhìn ra ngoài thấy những người tâm thần khác ngẩn ngơ, ông chia sẻ "rất đau đớn" khi một người như mình "buộc phải chứng minh bản thân bình thường". Và các hội đồng đều kết luận ông bình thường.
4 giờ cà phê với ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Cuộc trò chuyện đầy những bất ngờ - Ảnh 3.
"Nhiều năm trước, khi trả lời phỏng vấn, qua không bao giờ nhắc đến chuyện gia đình. Bây giờ bị tấn công rất nhiều, vây bủa lệch lạc, kinh khủng trên truyền thông, nhưng qua vẫn im lặng vì coi đó là một trong những thử thách tất yếu mình phải vượt qua.
Nhưng họ không dừng lại, họ tấn công cả những "người anh em thiện lành khác" của Trung Nguyên, khiến có người phải hoảng loạn. Nếu chỉ vì qua, qua không cần cuộc gặp gỡ này. Qua đã vượt lên trên mọi thị phi. Nhưng vì mấy người anh em (thuộc cấp ở Trung Nguyên), nên qua gặp chia sẻ chút cho những người anh em đó được giảm áp lực" - ông Vũ nói.
4 giờ cà phê với ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Cuộc trò chuyện đầy những bất ngờ - Ảnh 4.
Theo ông Vũ, trục trặc giữa ông và bà Thảo xảy ra khi ông nhận thấy Trung Nguyên không thể vận hành như cũ, phải cơ cấu lại để làm mới mình.
Dưới cách nhìn của mình, ông Vũ cho rằng Trung Nguyên phải rũ bỏ câu chuyện kiếm tiền đơn thuần để làm những điều lớn lao hơn cho cà phê, cho đất nước. Công ty này phải dành lợi nhuận tái đầu tư để làm mới và phát triển, chứ không phải nhăm nhăm kiếm tiền theo kiểu con buôn.
Ông thấy không ổn khi bà Thảo vẫn vận hành theo kiểu cũ. Ông cũng không đồng tình với ứng xử kiểu chủ - tớ của vợ mình trước thuộc cấp, ép nhiều người trẻ có năng lực phải rời bỏ công ty.
"Xuất thân của qua là người làm thuê, nên qua hiểu tâm lý của các anh chị em đi làm. Hãy cư xử với họ như con người chứ không phải như nô lệ hay người làm mướn, làm công của mình" - ông Vũ nói.
Từ đó, ông Vũ khuyên vợ lui về chăm sóc, nuôi dạy con cái cho chu đáo, đó cũng là cách để Trung Nguyên tháo điểm nghẽn nhân sự và quan điểm cũ, chuẩn bị cho chiến lược phát triển mới.
Ông đã tìm nhiều cách để thuyết phục bà Thảo nhưng không thành công.
4 giờ cà phê với ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Cuộc trò chuyện đầy những bất ngờ - Ảnh 5.
Theo ông Vũ, kể cả lúc bị tấn công dữ dội nhất ông vẫn im lặng. Ông cũng kiên quyết nghiêm cấm thuộc cấp phản pháo chuyện gia đình, không cho luật sư làm đến cùng những phi vụ của bà Thảo, kể cả chuyện giả chữ ký của ông để bán toàn bộ cổ phần của công ty ở Singapore với giá 1 đô la.
"Ở Singapore luật nghiêm lắm, làm giả chữ ký là đi tù nhưng mà qua nói luật sư đừng làm vậy. Mấy anh em nhiều khi giận quá, muốn cho ở tù luôn là xong nhưng mà qua không để như vậy, không nên. qua còn những đứa con, để qua chịu hết" - ông Vũ nói.
"Có đạo lý nào mà lại muốn chồng vào viện tâm thần không?" - ông Vũ đặt câu hỏi - "Nhưng nói thật, khi nhắc tới người vợ ấy, qua chỉ thấy đau lòng thôi, chứ không oán hận ghét bỏ gì. Qua đã vượt qua tất cả những cái đó. Cứ thiện lành thì không phải sợ gì cả. Không ai uy hiếp đe dọa được mình".
4 giờ cà phê với ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Cuộc trò chuyện đầy những bất ngờ - Ảnh 6.
4 giờ cà phê với ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Cuộc trò chuyện đầy những bất ngờ - Ảnh 7.
Câu hỏi về những vấn đề gây xôn xao dư luận gần đây như ý định tặng 5 tỷ đô la tiền sách, về việc chi hàng trăm tỷ đồng sắm nhiều siêu xe, chuyện cà phê Đạo, lần lượt được ông chủ Trung Nguyên lý giải với phong thái nhẹ nhàng, mạch lạc cùng ngôn ngữ cơ thể uyển chuyển của một người am hiểu việc diễn thuyết.
Theo ông Vũ, thông điệp của việc tặng sách cần hiểu đúng: Trung Nguyên là người khởi xướng, phất cờ, rồi sau đó cả xã hội và Chính phủ cùng vào cuộc, góp sức, góp tiền của. 5 tỷ đô la sách là đủ để xây cho mỗi gia đình Việt một thư viện nhỏ, mỗi ngôi trường, đơn vị bộ đội một thư viện... gồm những cuốn sách lập chí vĩ đại, đổi đời.
4 giờ cà phê với ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Cuộc trò chuyện đầy những bất ngờ - Ảnh 8.
Câu hỏi tại sao phải sắm nhiều siêu xe để đi tặng sách được ông Vũ lý giải dưới góc độ marketing chuyên nghiệp: Thay vì phải mất rất nhiều tỷ đồng cho quảng cáo thì việc sắm siêu xe đã trở thành một phương thức quảng bá độc đáo đến nhiều triệu người. Trong khi đó, xe vẫn là tài sản của Trung Nguyên chứ không mất đi.
"Người anh em thấy đấy, những cuốn sách quý đã được biết đến rộng rãi nhờ siêu xe. Vả lại muốn dạy người ta làm giàu thì phải thể hiện sự giàu có. Chọn siêu xe là vì thế" - ông Vũ tiết lộ.
Nói đến đây, một nữ phóng viên kinh tế đã khá thân với ông từ 5 năm trước, thốt lên: "Khi anh Vũ nói về marketing, em thấy nguyên vẹn hình ảnh anh Vũ 5 năm trước".
Về ý nghĩa của việc tặng sách, ông Vũ đặt câu hỏi rằng: "Những người anh em hãy nghĩ xem, nếu không đọc rất nhiều, sao có thể hiểu bản thể, ngọn nguồn để sáng tạo, kiến thiết đất nước?".
Theo ông Vũ, bằng việc được giác ngộ, thấu hiểu, ông đã chọn ra khoảng 100 cuốn sách quý - trong đó có những công thức chi tiết và tối quan trọng giúp giới trẻ lập chí, khởi nghiệp, kiến quốc.
Những bàn tán về việc biến cà phê thành tôn giáo được ông Vũ trả lời bằng một câu hỏi: "Tại sao Nhật có trà đạo còn Việt Nam không thể có cà phê đạo? Cái gì họ cũng đưa thành đạo tại sao ta lại không? Muốn biến cà phê thành Đạo thì phải xây dựng lòng tin ở con người. Dù xã hội bây giờ có lắm thứ mạt, nhưng muốn thay đổi vẫn phải đặt lòng tin ở con người.
Do vậy chúng ta phải nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về câu chuyện của cà phê. Kiến thức cóp nhặt, con buôn thì không bao giờ đi được xa. Qua và các người anh em đã xây dựng một bộ diễn sử về cà phê mà chưa bao giờ có trên thế giới. Đầy đủ tất".
4 giờ cà phê với ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Cuộc trò chuyện đầy những bất ngờ - Ảnh 9.
Theo ông Vũ, bộ diễn sử duy nhất này đặt nền tảng cho luận thuyết cà phê, là đường lối để tạo ra hệ sinh thái 3 yếu tố nền tảng của đạo cà phê. "Hệ sinh thái vật chất tức là chuỗi giá trị cà phê toàn cầu, Chuỗi cà phê tinh thần, chuỗi cà phê xã hội. Các hệ sinh thái được vẽ ra như vậy. Trung Nguyên sau này sẽ phải thiết kế và nắm hệ đó ở đâu?".
Trong nhận thức của vị này, Trung Nguyên đã đi qua chặng đường 20 năm rồi, nên không còn tươi mới nữa, phải tái định vị, sắp đặt lại toàn bộ triết lý và việc của ông là phải cho nó một hệ quy chiếu khác: Hệ quy chiếu năng lượng, hệ quy chiếu sáng tạo.
4 giờ cà phê với ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Cuộc trò chuyện đầy những bất ngờ - Ảnh 10.
Vua cà phê Việt say sưa và hứng khởi rất nhiều khi nói về tâm linh.
"Không có gì huyền bí cả, qua sẽ chứng minh đó là khoa học hết, chỉ có điều người không có căn duyên thì khó có thể hiểu. Qua đã viết hết, rất cặn kẽ thành những bộ sách, gửi tới những người quan trọng" - ông Vũ nói.
Theo ông Vũ, 5 năm trước đây ông không tin bất cứ điều gì thuộc về tâm linh, nhưng nhờ cơ duyên, ông đã được chọn lựa để thấu hiểu. Ông nhìn thấy mọi thứ rõ ràng như âm thanh từ chiếc đĩa than, như một cuốn phim quay chậm.
Trả lời câu hỏi: Trong thời gian thiền và hiện nay ông có điều hành Trung Nguyên hay không, Vua cà phê Việt mỉm cười: "Không có một chuyện gì lọt qua mắt qua hết".
4 giờ cà phê với ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Cuộc trò chuyện đầy những bất ngờ - Ảnh 11.
Để chứng minh sự nắm bắt sâu rộng của mình, ông Vũ đề cập đến thời sự giáo dục, thời sự quốc tế, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, chuyện nhiều cán bộ cao cấp Việt Nam dính vòng lao lý, với thông tin và nhận xét rõ ràng. Nhiều câu chuyện trước khi ông thiền định, cũng được nhắc lại rành rọt.
Thậm chí, ông Vũ còn khuyến nghị một tờ báo nên sửa giao diện cho dễ đọc hơn và khen một tờ báo cập nhật đa chiều, đặc biệt là mục quốc tế rất hay. Cả hai nhận xét này đều được người của hai tờ báo tâm đắc.
Lý giải về những nhận thức siêu hình của mình, ông Vũ đưa ra một ví dụ thú vị.
Trước đây đến thăm một trang trại đà điểu, ông không hiểu vì sao người nuôi chỉ cho con đà điểu ăn mỗi ngày 0,5kg thức ăn, mà nó lại có thể tăng trọng tới 1kg/ ngày. Điều ấy vẫn là điểm mù với khoa học thông thường - không giải thích nổi. Bây giờ thì ông biết nó tăng cân nhờ dùng những nguồn năng lượng tổng hợp khác.
"Người anh em có tin không, trước đây khi qua thiền, qua không ăn, thậm chí có nhiều ngày không uống, nhưng không sao cả. Bây giờ qua không ngủ, không ăn vẫn không sao cả. Dù qua vẫn còn bị thử thách nhưng hiện giờ không có bệnh tật nào xâm nhập nổi".
Chỉ vào điếu xì gà đỏ lửa liên tục, ông Vũ bảo: "Qua làm bạn với cái này. Mỗi ngày qua hút 20 điếu xì gà. Thử hỏi người thường có chịu được vậy không. Thế đấy, năng lượng là thế đấy".
Buổi trò chuyện 4 tiếng không nghỉ ấy được khép lại với câu nói của Vua cà phêViệt: "Các người anh em viết gì thì viết, hãy nghĩ đến 4 đứa nhỏ của qua và hãy viết bằng cảm nhận chân thật, sự thiện lành của mình. Qua sẽ gặp lại mọi người".
Trước khi chia tay cùng cái bắt tay mạnh mẽ, ông chủ cà phê Trung Nguyên không quên nhẹ nhàng nhắc một nhà báo không nên bắt chéo chân quá cao khi nói chuyện với mọi người (trước đó ông khuyên một nhà báo hạ tone giọng xuống thì sẽ hay hơn).
Như vậy, những chi tiết nhỏ nhặt nhất cũng đã được ghi nhớ.
Theo Nhịp sống kinh tế
 


MỘT ĐẶNG LÊ NGUYÊN VŨ TÔI BIẾT
Tôi là bạn của Vũ nhiều năm. Tôi từng lên núi rừng M’Drak, cùng đốt lửa trại thức thâu đêm trò chuyện với Vũ và tham gia đồng hành cùng Trung Nguyên nhiều chương trình xã hội; và Vũ cũng tham dự nhiều sự kiện văn hoá của First News. Anh em gặp nhau thường trăn trở, chia sẻ rất nhiều về tình hình đất nước, vận mệnh dân tộc và hướng đi nào phù hợp cho các bạn trẻ Việt Nam. Vũ cùng tôi đặt tựa sách cho những cuốn tâm đắc. Vũ rất sáng ý, đột phá, mạnh mẽ và quyết liệt.
Tôi quen biết nhiều người có tầm ảnh hưởng tới cộng đồng, xã hội. Nhưng tôi phải ngạc nhiên thừa nhận rằng, có ít doanh nhân nào hoài bão như Vũ: luôn trăn trở đau đáu về tình hình xã hội, vận mệnh tương lai quốc gia và suy nghĩ về tinh thần quốc đạo của người Việt, dân tộc Việt. Vũ coi những điều đó như là sứ mệnh của bản thân, hơn cả kinh doanh, gắn liền với cuộc đời Vũ.
Tôi cảm nhận những gì Vũ nói và chia sẻ thực sự là từ hoài bão, khát vọng cháy bỏng của Vũ chứ không phải đại ngôn hay vĩ cuồng như nhiều người phán xét. Tôi nhận thấy Vũ là một người có khả năng đặc biệt và tầm nhìn, suy nghĩ khác biệt với phần lớn những người xung quanh.
Và - như một định mệnh - điều đó dường như đúng với một câu nói nổi tiếng: “Ai khác biệt và đi nhanh ắt phải đi một mình trong cô đơn”.
Vũ tâm đắc bài thơ của Lý Thường Kiệt: “Nam Quốc sơn hà Nam đế cư, Tiệt nhiên định phận tại thiên thư..” và khát khao về một nước Việt hùng mạnh - không thể thua kém các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á được - và không chỉ về coffee...
Anh em chơi thân với nhau vì cùng quan điểm ở một số vấn đề cuộc sống, trong công việc nhưng cả hai đều không bao giờ đề cập đến chuyện gia đình riêng tư. Lần nào gặp dường như cũng không đủ thời gian chia sẻ.
Lần thiền nhịn ăn 49 ngày năm 2013, Vũ có mời tôi lên M’drắk – Đắk Lắk, nhưng vì công việc ở First News lúc đó đang tổ chức nhiều sự kiện lớn, nên tôi không tham gia được. Hơn một năm sau lần thiền đấy, Vũ về Sài Gòn gọi rủ tôi cùng đi ăn rồi nghe một người bạn đàn Piano. Lúc đó Vũ gầy hơn, trầm tĩnh, ít nói và suy tư nhiều hơn, nhưng mỗi lời Vũ nói ra, người đối diện cảm nhận được ở Vũ có rất nhiều năng lượng. Một thứ năng lượng vững vàng không thể khuất phục, không thể dịch chuyển. Thỉnh thoảng Vũ vẫn pha trò với giọng cười hào sảng như xưa.
Một lần khác sau lần gặp đó, Vũ mời tôi về ngôi nhà sân vườn sát sông Sài Gòn uống trà chiều. Buổi trò chuyện hôm ấy cũng khá lâu. Những câu chuyện vẫn xoay quanh những chủ đề mà Vũ đau đáu từ đó đến giờ, trầm tĩnh hơn, xa xôi hơn, và tôi cũng rất quan tâm.
Vũ thỉnh thoảng vẫn nhắn tin trò chyện với tôi lúc quá nửa đêm. Vũ rất quan tâm đến bạn bè. Tối 29 Tết năm kia, dù bận rộn, từ M’drắk Vũ nhờ trợ lý về SG mang tặng tôi một món quà nhỏ rồi đi ngay.
Lúc trước khi lên núi thiền 5 năm về trước hay gặp nhau, được tôi tặng và rất thích cuốn này, đã đọc nhiều lần và đã chia sẻ với tôi ý tưởng muốn cùng Trí Việt in tặng cuốn sách này cho thanh niên, sinh viên Việt Nam. Tôi và nhiều bạn trẻ vẫn đợi Vũ - nhưng Vũ đi lên núi lâu quá - quá lâu - đến giờ mãi vẫn chưa thấy về - dù gần đây thỉnh thoảng có mặt ở một vài nơi (!).
Năm 2015, Trung Nguyên thực hiện dự án tặng 1.8 triệu cuốn sách cho 1.8 triệu chiến sĩ Quân đội Nhân dân VN và tôi phải trực tiếp tham gia làm việc cùng với NXB Quân đội để hỗ trợ Trung Nguyên thực hiện dự án này. Dự án tặng sách cho các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam đã kéo dài hơn 2 năm nay. Và đây là một hành trình vô cùng vất vả mà First News cùng Trung Nguyên thực hiện nhưng vẫn chưa đến đích.
Tôi không thể nhớ được bao nhiêu lần bản thảo cần sửa chữa, điều chỉnh theo yêu cầu từ NXB Quân đội. Từ lời giới thiệu cuốn sách, lời đề tặng… Hơn hai năm trời ròng rã cho một dự án rất cao đẹp, tưởng chừng có thể thực hiện trong vài tháng. Thời gian là tiền bạc. Nhưng Vũ rất kiên trì để có thể thực hiện. Yêu cầu sửa một câu cũng xem xét để sửa, để bản thảo được NXB Quân Đội duyệt in. Rất hiếm doanh nhân nào ở VN có thể làm được như Vũ.
Tôi biết đích thân Vũ là người điều hành dự án này, chỉ đạo và trực tiếp kiểm duyệt để nội dung phù hợp với yêu cầu từ NXB Quân đội mà không làm mất đi giá trị nội dung của những cuốn sách ấy. Mỗi lần thay đổi câu từ là mỗi lần tôi đọc lại bản thảo và biết chỗ nào là Vũ sửa. Không thể nói là Vũ có vấn đề gì đó không bình thường khi Vũ vẫn làm việc, kiểm duyệt từng bản thảo nội dung các cuốn sách để tặng cho thanh niên Việt.
Vũ và tôi còn bàn dự định sau đó liên hệ in tặng sách Đắc Nhân Tâm cho Lực lượng Công An Nhân Dân nữa. Chắc chắn ko một ai nghĩ đến điều đó.
Từ năm 2016 tới nay, mọi người đều nhìn thấy hệ thống quán Trung Nguyên Legend thay đổi hoàn toàn; mô hình khởi nghiệp Trung Nguyên Family dành cho các bạn trẻ; và mới đây là E-cofee và hành trình Khởi nghiệp Kiến quốc dành cho thanh niên Việt vẫn diễn ra ở khắp các trường Đại học…
Những dự án, vận hành kinh doanh tạo ra hàng nghìn việc làm cho người lao động Việt, tạo ra cả giá trị vật chất, tinh thần cho cả cộng đồng xã hội, và theo đuổi dự án tặng sách vô cùng ý nghĩa… Phải nói bên cạnh Vũ là cả một đội ngũ anh em rất chuyên nghiệp, tâm huyết, trung thành và hết sức tận tâm với Vũ và Trung Nguyên từng ngày một.
Mọi người thắc mắc tại sao Vũ lại có thể im hơi lặng tiếng suốt nhiều năm qua, ít tiếp xúc với bên ngoài, trái ngược với trước đó. Tôi thì lại thấy đó là điều rất bình thường. Bất cứ ai trong chúng ta đến một lúc nào ngộ ra một điều gì đấy, cảnh giới nào đấy đều cần những khoảng không gian tĩnh lặng dành riêng cho mình, chỉ để tập trung nội tâm vào những điều mình muốn thực hiện. Cả bản thân tôi có nhiều giai đoạn cũng vậy. Và sóng gió, thăng trầm, đau ốm, buồn vui cuộc đời ai mà chẳng có lúc có.
Trở lại bài phỏng vấn của Thảo gần đây. Dư luận xôn xao, truyền thông dậy sóng phán xét. Nhưng tất cả chúng ta đều quên mất một điều quan trọng, Thảo có lý do để chia sẻ không gian nội tâm của riêng Thảo, Vũ có lý do giữ yên lặng cho không gian nội tâm riêng của Vũ; Trung Nguyên có không gian công việc và kinh doanh riêng bằng uy tín thương hiệu của Trung Nguyên.
Không gian nào thì nên chia sẻ trong không gian đó. Chúng ta không thể cào bằng các không gian đó thành một mặt phẳng của một tờ báo - để có thể tạo nên những va chạm, xung đột, nghi ngờ, suy luận ko đáng có, không lường trước được, và cho mình chỉ dựa vào câu từ mà đánh giá, phát xét. Tất nhiên đây có thể hiểu cách chia sẻ cuối cùng của người mẹ của bốn đứa con.
Tôi hiểu vậy nhưng vẫn cảm thấy buồn. Vì câu chuyện thực tế cuộc sống do chính mỗi người chúng ta góp phần tạo nên đang ảnh hưởng đến không gian uy tín của nhiều bên khác liên quan. Cụ thể ở đây là thương hiệu Trung Nguyên – thương hiệu Quốc gia; hệ sinh thái Cà phê do Thảo – Vũ tâm huyết xây dựng suốt hơn 20 năm qua đang bị tổn thương, dù nó không liên quan trực tiếp tới câu chuyện cá nhân gia đình giữa Thảo và Vũ mà mọi người đang quan tâm.
Và sau cùng - ai cũng thấy rõ là chẳng có ai có lợi và cảm thấy thực sự hài lòng từ loạt bài phỏng vấn đó cả - kể cả nhân vật, người thực hiện, các bên liên quan - dù ban đầu lượng view rất cao và bạn đọc chia phe tranh cãi nhau kịch liệt. Còn nói muốn xích lại gần nhau và hoà giải thì chắc chắn cách đưa hết lên mặt báo là ko đúng và càng làm xa nhau rồi. Thật quá tiếc !
Tôi nhận thấy hầu hết chúng ta chỉ quan tâm tới những sự kiện mang tính thời điểm - dù đã xảy ra trong quá khứ - mà không quan tâm tới những quá trình tiến hoá, phát triển và tính logic, kế thừa ở hiện tại. Theo tôi, nguyên nhân cốt lõi, sâu xa cho câu chuyện giữa hai người bất kỳ mà ít ai đề cập rất có thể là do nội tâm, suy tư, trăn trở, tầm nhìn, sứ mệnh, quan điểm, khát vọng và mục đích sống của hai bên đã từng bước dần rời xa nhau trong suốt hành trình đồng hành cùng nhau, mà cả hai bên đều hiểu và ý thức được trước đó.
Cả hai người đều yêu và đam mê cà phê. Nhưng nếu chỉ có một điểm chung về cà phê Việt Nam; hệ sinh thái cà phê thì có thể hơi chật hẹp - với những gì tôi hiểu, cảm nhận về hoài bão của Vũ, mọi người biết về Vũ. Khi những khoảng không gian giữa chúng ta càng ít chạm được vào nhau, hay còn định kiến, bản thủ, cố chấp thì chúng ta càng cách xa nhau. Đó là quy luật tất yếu của cuộc sống. Tất nhiên - nếu dung hoà, cân bằng được là một điều quá tốt, vì còn gia đình và những đứa con nữa.
Viết tới đây tôi tự nhiên nhớ đến bức tượng đồng vị anh hùng gốc Achentina Che Guavara mà Vũ nhờ đúc tặng tôi, người đã từ bỏ mọi thứ lợi danh đời thường vì lý tưởng, sứ mệnh của mình. Vũ rất thích Che.
Vũ trụ, vạn vật đều đang biến đổi, phát triển từng giờ. Con người cũng vậy. Chúng ta không thể đóng khung một người nào đấy trong cái khung ảnh chúng ta đã biết họ cách đây 20 năm. Nếu chúng ta không chấp nhận, không thích nghi, không hiểu hết được sự thay đổi, phát triển nội tâm của một ai đó thì có nghĩa chúng ta đã bị dừng lại, hoặc chúng ta cũng đã phát triển theo một hướng khác, không cùng hướng với người chúng ta đã biết, dù từng có thời rất thân thương.
Riêng tôi, vượt ra khỏi những suy luận và cả thực tế, thật sự rất mong muốn một kết thúc có hậu - từng đẹp như câu chuyện cổ tích của Thảo - Vũ - cho cả hai - nhất là cho những đứa con - và cho Trung Nguyên.
Thời gian ít gặp Vũ cũng là quá trình thực hiện dự án tặng sách cho Quân đội nhân dân Việt Nam; cùng hàng loạt dự án lớn nhỏ mà Trung Nguyên đang thực hiện, nhưng với tôi và những ai hiểu chuyện và quan tâm đến Vũ thực sự - chắc chắn Vũ vẫn đang trăn trở hoài bão những điều không chỉ dành cho riêng mình và điều hành Tập đoàn Trung Nguyên tâm huyết như từ khi khởi nghiệp.
Và tôi - cũng như rất nhiều người ở Việt Nam - thực sự rất mong ngày Vũ trở lại. Việt Nam hiện đang rất cần những người có tầm nhìn, có hoài bão và khát vọng lớn như Vũ.
Và trên cuộc đời này, đâu đó, vẫn luôn còn có những nghĩa tình bằng hữu, quí mến nhau hơn cả với đối tác, anh em - cho dù có bất kỳ điều gì có thể xảy ra - Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng bạn nhé !
Hình ảnh có thể có: 3 người, mọi người đang cười, mọi người đang ngồi
 
Ông Vũ không chấp nhận bà Thảo rút đơn ly hôn
"Bỏ qua về với nhau được không? Không phải một sớm một chiều. Không phải ngồi ở đây. Hỏi người thân xung quanh cô. Cô phải sám hối”, ông Vũ nói và không đồng ý việc rút đơn ly hôn.

View attachment Ông Vũ không chấp nhận bà Thảo rút đơn ly hôn - Pháp đình - ZINGNEWS.VN.mp4
Ông chủ cà phê Trung Nguyên: 'Cuộc hôn nhân này cần phải kết thúc' Ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng việc bà Thảo xin rút đơn và hòa giải không phải là tình cảm thật sự. Ông vẫn bảo lưu ly hôn, chấm dứt mối quan hệ vợ chồng.

Trong phiên tòa sáng nay, ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo có phần tranh cãi, đối đáp gay gắt khi trả lời câu hỏi của luật sư.

"Chị về xin lỗi mẹ, xin lỗi chồng"
Trả lời luật sư của ông Vũ, bà Thảo cho biết hôn nhân của cả hai bắt nguồn từ tình yêu. Bà quen ông Vũ từ năm 1994, khi đó bà biết ông Vũ là sinh viên nghèo. Bà kể có những ngày ông Vũ bức xúc đến nỗi hét lên vì sao mình lại nghèo như vậy. "Nghe anh tâm sự, tôi thương nên tìm cách giúp đỡ anh và gia đình", bà Thảo nói.

"Khi nào bà thấy quan hệ tình yêu ấy bị ảnh hưởng, dẫn đến khởi kiện xin ly hôn?", luật sư hỏi và bà Thảo cho rằng từ "49 ngày nhịn ăn vào năm 2013". Từ thời điểm đó, bà thấy chồng mình không còn quan tâm đến gia đình, không cho bà thờ phụng cha và ông nội. "Mẹ anh Vũ thờ tổ tiên anh cũng không cho phép", bà nói trước tòa.

Chính sự biến đổi lớn, nhiều điều xảy ra nên bà quyết định bằng mọi cách có thể giúp đưa ông Vũ đi chữa bệnh.

Lúc này, ông Vũ đứng dậy bên hàng ghế bên kia, tỏ ý phản đối: "Cô đừng có nói như vậy". Tuy nhiên, bà Thảo vẫn tiếp tục trình bày. Hai bên đều nói ý của mình. Khi ông Vũ có ý chỉ trích, bà Thảo nghẹn ngào, đề nghị HĐXX không cho ông Vũ xúc phạm mình.

ly hon vo chong Trung Nguyen anh 1
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại phiên tòa sáng nay. Ảnh: Lê Quân.
"Nói gì cũng phải chính xác. Mình có quên có nhớ gì nhưng phải nói sự thật. Cô có thể gạt chứng cứ nhưng với lương tri, lương tâm, không bao giờ được phép", ông chủ Trung Nguyên nói với vợ.

Khi 2 bên tiếp tục tranh cãi qua lại, chủ tọa nhắc nhở cả hai. Sau khi xét hỏi cả nguyên đơn và bị đơn về việc thành lập Trung Nguyên và quá trình hoạt động, chủ tọa lúc này giọng nhỏ nhẹ, khuyên nhủ hai bên.

"Tôi động viên ông bà xem lại một lần. Thôi thì bà rút đơn lại, giao công ty cho ông Vũ quản lý, không tham gia nữa để chồng phục vụ chí hướng. Ông Vũ không có tài thì không thể nào đưa doanh nghiệp nhỏ thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam. Chị Thảo về chăm 4 đứa con, rút khỏi HĐQT cho ông Vũ điều hành toàn bộ. Tài sản vẫn là tài sản chung của vợ chồng mà. Rút đơn rồi giao toàn bộ công ty lại cho ông Vũ có được không?", chủ tọa nói với bà Thảo.

Lúc này, bả Thào luôn mong muốn gia đình trở về như trước. "Việc duy trì hạnh phúc gia đình thì vai trò của người chồng rất lớn. Từ thời điểm biến đổi thì vợ và con...", bà Thảo đang trình bày thì chủ tọa ngắt lời.

"Chị không nói lại nữa. Hàng chục năm nay doanh thu vẫn có lợi nhuận, tổng doanh thu càng ngày càng lớn. Bây giờ chị rút đơn về trông coi quản lý tài sản. Lợi tức chị giữ, bàn giao công việc cho ông Vũ, cuộc sống như bà hoàng", đại diện HĐXX tiếp tục khuyên.

"Nếu người chồng có sức khỏe...", bà Thảo nói.

"Đến lúc này tôi thấy ông Vũ là người thông minh. Ông đủ sức khỏe gánh vác điều đó. Con chị trưởng thành rồi. Ông Vũ sẽ bổ nhiệm con, sau đó nó sẽ quản lý luôn. Chị vừa giữ gia đình, sau này có tài sản. Cháu lớn gần 20 tuổi, học nước ngoài đủ gánh vác. Chị sống như bà hoàng", chủ tọa tiếp tục ngỏ ý hòa giải.

"Nếu có điều đó xảy ra thì tốt quá. Nếu tình trạng sức khỏe anh Vũ tốt...", bà Thảo trả lời.

"Tôi và mọi người ở đây đều thấy sức khỏe ông Vũ tốt. Trung Nguyên là doanh nghiệp, hàng năm có kiểm toán, hạch toán sổ sách, không thể mất đi đồng nào. Không thể có tham ô từ túi người này sang túi người khác, có thì công an sẽ vào cuộc. 5-10 năm sau nếu chị thấy làm ăn lỗ thì con chị gánh vác. Chị có mất gì đâu. Dành 5-10 phút cho chị suy nghĩ. Chị không mất gì, chị được chồng, ông Vũ được vợ. Chị về xin lỗi mẹ, xin lỗi chồng", chủ tọa vẫn khuyên nhủ bà Thảo.

Bà Thảo cho rằng mình không sai để phải xin lỗi, chủ tọa tiếp tục nhấn mạnh bà Thảo sẽ không mất gì khi rút đơn, dành thời gian cho hai bên hòa giải.

Bà Thảo xin rút đơn
Sau khi nghỉ giải lao, chủ tọa hỏi bà Thảo về suy nghĩ việc hòa giải.

“Con người sinh ra có quyền sống làm việc. Tôi và con tôi đều mong muốn được tôn trọng quyền sống, quyền được là con người, làm những điều mình muốn, làm những điều cho Trung Nguyên... Tôi cũng có công lớn, làm những điều mong muốn, khát khao, hướng anh đi từng bước, từng bước. Bản thân tôi cũng là người có danh tiếng trên thế giới. Nếu đề nghị tôi ở nhà,... thì làm sao khẳng định anh Vũ không ngoại tình hay đưa những người phụ nữ khác về nhà? Thẩm phán có thể đảm bảo an toàn, an nguy cho mẹ con tôi hay không?”, bà Thảo giãi bày trước HĐXX.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: 'Tôi mong gia đình đoàn tụ giống ngày xưa' Chủ tọa phiên tòa khuyên bà Thảo rút đơn ly hôn, về trông con cái, giao tài sản cho ông Vũ quản lý. Bà Thảo đã quay sang hỏi ông Vũ tại tòa: "Anh Vũ có đồng ý không?".
"Tôi đọc hồ sơ thì ông Vũ không có biểu hiện gì là không chung thủy với vợ, ổng rất quan tâm đến vợ con. Toàn bộ tài sản ở ngân hàng không có tên Vũ và toàn tên chị, chứng tỏ rất tin chị. Ông Vũ sống với chị chung thủy, đàng hoàng, không có dấu hiệu gì ông ngoại tình", chủ tọa nói.

"Tòa xác định ông Vũ thông minh, sáng suốt. Chị về quản lý tài sản nhà mình, chị có mất gì đâu. Công ty nếu có gì thì anh chị đều biết. Giờ vợ chồng chuyển giao tài sản cho người khác làm gì khi có 4 đứa con như thế. Con lớn của chị thì cho nó tham gia với tư cách trợ lý cho bố. Chị sẽ sống như bà hoàng, để ông Vũ bơi. Quá được. Hợp với phong tục tập quán”, chủ tọa nói.

Sau khi suy nghĩ, bà Thảo đứng dậy bày tỏ mong muốn rút đơn tại tòa.

“Bản chất hôn nhân là người ta sống với nhau, cùng quan tâm, lo lắng. Đã là hôn nhân thì phải đúng bản chất”, bà Thảo nói trước tòa và xác nhận rút đơn, rút toàn bộ vai trò ở công ty. Tuy nhiên, bà Thảo không thừa nhận mình sai.

Ông Vũ không đồng ý việc rút đơn ly hôn
Chủ tọa nói đã là hôn nhân thì phải đúng bản chất. Nếu bà Thảo xác nhận mình có lỗi thì mới hòa giải được.

Bà Thảo đề nghị HĐXX hỏi ông Vũ. Ông Vũ nói việc rút đơn của bà Thảo là mong ước ngay từ đầu của ông, nhưng đến giai đoạn này, có những điều bà Thảo làm ông không chấp nhận được.

“Có ai đưa chồng mình đến mấy bệnh viện kiểm tra, để đưa người chồng của mình vào cho được bệnh viện tâm thần. Không ai làm điều đó. Lương tâm không ai làm điều đó”, ông Vũ trình bày.

“Cô phải nói bằng cái tâm của cô. Cô phải sám hối. Sống với nhau đúng bản chất”, ông Vũ nói.

ly hon vo chong Trung Nguyen anh 2
Ông Vũ không chấp thuận việc bà Thảo xin rút đơn ly hôn. Ảnh: Lê Quân.
VKS đề nghị HĐXX hỏi lại một lần nữa yêu cầu của bà Thảo, vợ ông Vũ chấp nhận rút đơn tại tòa nhưng vẫn yêu cầu chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân.

"Bỏ qua về với nhau được không? Không phải một sớm một chiều. Không phải ngồi ở đây. Hỏi người thân xung quanh cô, tâm tính của cô. Cô phải sám hối”, ông Vũ nói và cho biết ông không đồng ý việc rút đơn ly hôn.

“Nếu bà Thảo rút đơn mà ông không đồng ý thì ông trở thành nguyên đơn”, chủ tọa nói. Ông Vũ xác nhận và đề nghị ly hôn.

ly hon vo chong Trung Nguyen anh 3
 
Khối tài sản chung vợ chồng ông chủ Trung Nguyên trị giá bao nhiêu?
Bình Nguyên
Thứ tư, 20/2/2019 20:07 (GMT+7)
Vụ ly hôn kéo dài 4 năm của vợ chồng ông chủ Tập đoàn Trung Nguyên dần đi đến hồi kết và khối tài sản chung tranh chấp cũng dần được hé lộ.
Sáng 20/2, TAND TP.HCM xét xử vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên, và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên. Tại phiên xét xử này lần đầu tiên khối tài sản chung để phân chia khi ly hôn được hé lộ chi tiết khi tòa án trưng cầu giám định.
Với khối tài sản đang tranh chấp luật sư của ông Vũ đưa ra đề xuất thân chủ của mình nhận 70% còn 30% được chia cho bà Thảo. Đồng thời trong khối tài sản này luật sư của ông Vũ cũng đưa ra 13 bất động sản chung có giá trị 725 tỷ đồng. Trong đó ông Vũ đang nắm giữ 6 bất động sản trị giá khoảng 350 tỷ đồng và bà Thảo đang nắm giữ 7 bất động sản trị giá khoảng 375 tỷ đồng.
khoi tai san trong tranh chap trung nguyen anh 1
Luật sư của ông Vũ đề nghị phân chia 70% cho thân chủ và 30% cho bà Diệp Thảo. Ảnh: Trương Khởi
Về các tài sản khác được xác minh tại ngân hàng (tháng 10/2018) vào khoảng 2.102 tỷ đồng, gồm tiền mặt, ngoại tệ, vàng. Khối tài sản này phía nguyên đơn cũng đề nghị được chia theo tỉ lệ 70% cho ông Vũ, 30% cho nguyên đơn.
Tuy nhiên theo ông Đặng Lê Nguyên Vũ nói tại tòa, số tiền được xác định tại ngân hàng chỉ là bề nổi. Rõ ràng khối tài sản được chú ý nhất vẫn là tỷ lệ sở hữu bên trong “đế chế” Trung Nguyên. Vậy bên trong tập đoàn Trung Nguyên có gì?
Tập đoàn Trung Nguyên hoạt động trên nhiều lĩnh vực như kinh doanh cà phê, bán lẻ, nhượng quyền thương hiệu, du lịch và bất động sản. Trong đó công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên (Trung Nguyên Group) có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng chi phối hầu hết doanh nghiệp còn lại.
Cụ thể, các công ty chính trong hệ thống cà phê bao gồm Công ty cổ phần cà phê Trung Nguyên Đắk Lắk do ông Đặng Lê Nguyên Vũ là đại diện pháp luật (cơ cấu cổ đông gồm Trung Nguyên Group 70%, ông Vũ 15%, bà Diệp Thảo 15%). Tiếp đó là Công ty cổ phần hòa tan Trung Nguyên cũng do ông Đặng Lê Nguyên Vũ làm đại diện pháp luật (Cơ cấu cổ đông gồm Trung Nguyên Group chiếm 60%, bà Diệp Thảo 30% và 2 cổ đông khác 10%)
Hệ thống doanh nghiệp ngoài cà phê bao gồm Công ty cổ phần Trung Nguyên Franchise (ông Vũ có 15% cổ phần, Trung Nguyên Group 85%); Công ty Đầu tư Du lịch Đặng Lê (Trung Nguyên Group chiếm 70%, ông Vũ 15%, bà Diệp Thảo 15%); Công ty cổ phần Đầu tư Trung Nguyên (ông Vũ chiếm 60%, bà Diệp Thảo 30%, 2 cổ đông khác 10%) và Công ty thương mại và dịch vụ G7 toàn cầu.
khoi tai san trong tranh chap trung nguyen anh 2
Ngoài ra Tập đoàn Trung Nguyên còn có hệ thống nhà máy và dự án bất động sản có giá trị đầu tư khoảng 2.800 tỷ đồng. Bao gồm 4 nhà máy tại TP.HCM, Bình Dương, Buôn Ma Thuột và Bắc Giang. Các dự án bất động sản là Thành phố cà phê Buôn Ma Thuột, Dự án khu du lịch cụm thác Dray Sap thượng, Nhà khách Trung Nguyên, Khu du lịch sinh thái M’Drăk.
Tất cả cổ phần, dự án bất động sản, nhà máy của doanh nghiệp dựa trên kết quả thẩm định của công ty thẩm định tài sản do tòa trưng cầu có trị giá 5.654 tỷ đồng.
Như vậy theo số liệu phía ông Vũ đưa ra thì tổng cộng số tài sản chung bao gồm cổ phần, tiền mặt và bất động sản có tổng trị giá gần 8.400 tỷ đồng.
Cuối tháng 1, phía bà Thảo đã có đề xuất tổng khối tài sản chung của 2 vợ chồng hiện nay sẽ chia thành 2 nhóm: Trung Nguyên và G7.
Quyền lựa chọn đầu tiên thuộc về ông Vũ, nghĩa là nếu ông Vũ chọn nhóm tài sản Trung Nguyên thì bà Thảo sẽ nhận nhóm tài sản G7 hoặc ngược lại. Hơn nữa, sau khi đã chọn rồi, ông Vũ vẫn có thêm 1 tháng để suy nghĩ và thay đổi quyết định, theo đó, bà Thảo sẽ tiếp tục tôn trọng và chấp nhận lựa chọn cuối cùng của ông Vũ.
 
Toàn cảnh vụ ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng "vua cà phê" Trung Nguyên: Từ cuộc hôn nhân hạnh phúc gần 20 năm đến tranh chấp gay gắt phân chia tài sản
TRANG PHẠM, THEO HELINO 21:19 21/02/2019
Sau hơn 3 năm nộp đơn và trải qua nhiều phiên hòa giải không thành, ngày 20 - 21/2 ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã cùng nhau ra toà để giải quyết vụ ly hôn ồn ào. Tuy nhiên, sau 2 ngày xét xử, cặp vợ chồng này vẫn chưa đi đến thống nhất về việc phân chia tài sản.
Toàn cảnh vụ ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên: Từ cuộc hôn nhân hạnh phúc gần 20 năm đến tranh chấp gay gắt phân chia tài sản - Ảnh 2.
Toàn cảnh vụ ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên: Từ cuộc hôn nhân hạnh phúc gần 20 năm đến tranh chấp gay gắt phân chia tài sản - Ảnh 3.
Toàn cảnh vụ ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên: Từ cuộc hôn nhân hạnh phúc gần 20 năm đến tranh chấp gay gắt phân chia tài sản - Ảnh 4.
Toàn cảnh vụ ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên: Từ cuộc hôn nhân hạnh phúc gần 20 năm đến tranh chấp gay gắt phân chia tài sản - Ảnh 5.
Toàn cảnh vụ ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên: Từ cuộc hôn nhân hạnh phúc gần 20 năm đến tranh chấp gay gắt phân chia tài sản - Ảnh 6.
Toàn cảnh vụ ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên: Từ cuộc hôn nhân hạnh phúc gần 20 năm đến tranh chấp gay gắt phân chia tài sản - Ảnh 7.

Toàn cảnh vụ ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên: Từ cuộc hôn nhân hạnh phúc gần 20 năm đến tranh chấp gay gắt phân chia tài sản - Ảnh 8.
Toàn cảnh vụ ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên: Từ cuộc hôn nhân hạnh phúc gần 20 năm đến tranh chấp gay gắt phân chia tài sản - Ảnh 9.
Toàn cảnh vụ ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên: Từ cuộc hôn nhân hạnh phúc gần 20 năm đến tranh chấp gay gắt phân chia tài sản - Ảnh 10.
Toàn cảnh vụ ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên: Từ cuộc hôn nhân hạnh phúc gần 20 năm đến tranh chấp gay gắt phân chia tài sản - Ảnh 11.
Toàn cảnh vụ ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên: Từ cuộc hôn nhân hạnh phúc gần 20 năm đến tranh chấp gay gắt phân chia tài sản - Ảnh 12.
Toàn cảnh vụ ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên: Từ cuộc hôn nhân hạnh phúc gần 20 năm đến tranh chấp gay gắt phân chia tài sản - Ảnh 13.
Toàn cảnh vụ ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên: Từ cuộc hôn nhân hạnh phúc gần 20 năm đến tranh chấp gay gắt phân chia tài sản - Ảnh 14.
Toàn cảnh vụ ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên: Từ cuộc hôn nhân hạnh phúc gần 20 năm đến tranh chấp gay gắt phân chia tài sản - Ảnh 15.
 
Đặng Lê Nguyên Vũ và 4 phút diễn thuyết xuất thần về triết đạo cafe ngay tại tòa
VŨ THỊ VẺ, THEO NGUOIDUATIN.VN 24/02/2019 08:24:00(GMT+7)
Đặng Lê Nguyên Vũ và 4 phút diễn thuyết xuất thần về triết đạo cafe ngay tại tòa

(Techz.vn) Tại phiên tòa xử vụ ly hôn ngàn tỷ, ông chủ cafe Trung Nguyên đã có những phút diễn thuyết rất đáng chú ý về triết đạo cafe, triết lý kinh doanh.
Bài viết liên quan
Rất xuất sắc, có tâm, tầm và chiều sâu… là những gì mà độc giả đã bình luận sau khi nghe đoạn hùng biện kể trên của ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
Nhiều người bày tỏ, hy vọng phiên tòa xét xử vụ ly hôn sớm khép lại để một doanh nhân giỏi như ông Vũ tiếp tục tập trung toàn lực phát triển vào sự nghiệp kinh doanh, từ đó có đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng, xã hội. ng Đặng Lê Nguyên Vũ tiết lộ “triết đạo Trung Nguyên cà phê” với tầm nhìn đi trước 20 năm
image-1550971688-1.jpg

Trong phiên xử hồi ngày 20/2, luật sư đại diện cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã tung ra tài liệu thể hiện Trung Nguyên chịu nhiều tổn thất trong thời gian ông Vũ tu trên núi, trong đó có việc chi nhiều tiền để mua nhiều xe hơi.
“Tôi đã tin rằng anh Vũ bị bệnh… anh có thể là diễn kịch”
Trong quá trình kéo dài hàng năm trời xảy ra lùm xùm, bà Thảo đã nhiều lần nhắc đến việc sức khỏe của chồng sau 5 năm lên núi ở ẩn, lo lắng rằng những người xấu sẽ chiếm đoạt Trung Nguyên.
“Sau 49 ngày thiền định, anh Vũ không còn là anh Vũ nữa. Tôi thấy anh không nhớ bất cứ việc gì trong suốt mấy chục năm chung sống và những năm gần đây. Tôi hỏi bất cứ điều gì anh ấy cũng không nhớ. Tôi rất lo lắng cho tình trạng sức khỏe của anh Vũ. Tôi mong mỏi cứu chữa cho anh, các con tôi cần có lại người cha như ngày xưa”, bà Thảo chia sẻ trong một lần gặp gỡ trước đây.
Cũng tại phiên giải quyết ly hôn, mẹ con ông Đặng Lê Nguyên Vũ cũng khẳng định việc bà Thảo 3 lần yêu cầu chồng đi giám định tâm thần. Họ cho rằng kết quả, ông Vũ hoàn toàn bình thường.
“Cho đến bấy giờ tôi vẫn nghĩ anh Vũ bị bệ.nh, tôi vẫn lo cho sức khỏe của anh. Hơn 1 năm trời, tôi đã tin rằng anh Vũ bị bệ.nh, tôi tìm đủ mọi cách để giúp cho chồng tôi chữa bệ.nh được. Nhưng tại phiên tòa 2 ngày qua, tôi thấy anh có thể là diễn kịch thì tôi thực sự phải xem xét lại. Tuy nhiên, vợ chồng thì phải có niềm tin vào nhau”, bà Thảo đã trình bày trong phiên xử sáng ngày 21/2.
“Hơn 5 năm anh ấy ở trên núi không còn quan tâm đến thứ gì. Tôi trở thành nạn nhân của rất nhiều vụ kiện kể cả ở thị trường nước ngoài”, vợ của ông Vũ cũng chất vấn ông về việc điều hành và phát triển Trung Nguyên thế nào trong thời gian ở trên núi.
Trả lời cho chất vấn này của luật sư, ông Vũ đã dành nhiều thời gian để diễn giải về sách lược kinh doanh của ông dành cho Tập đoàn Trung Nguyên. Công ty muốn đi xa phải có ý tưởng và mô hình mới. Việc ông lên núi là để tìm “phương pháp kinh doanh thiện lành”.
“Với tôi, kinh doanh không phải là chuyện mua bán tầm thường. Đó là sự thu phục nhân tâm. Khi có được lòng người, đúng với lòng trời, thì kinh tài mới thiện lành, bền vững… “, ông chủ Tập đoàn Trung Nguyên cho rằng một doanh nghiệp phải luôn luôn vận động, biến đổi để cho phù hợp với thị trường cũng như chiến lược kinh doanh từng giai đoạn.
Sách lược kinh doanh “triết đạo Trung Nguyên cà phê”
Người đàn ông 48 tuổi đứng nói một cách cuốn hút: “Hai mươi năm nay Trung Nguyên không còn tính mới. Giai đoạn này phải xác định là giai đoạn đầu tư chứ không phải giai đoạn khai thác thương hiệu, nếu mình có kiến thức về kinh tế thì sẽ hiểu ngay điều này.
Giai đoạn đầu tư là khi đưa về hệ quy chiếu khác biệt đặc biệt duy nhất. Nghĩa là phải đi đến nhà máy thay đổi công nghệ luôn, đào luyện luôn cái con người bên ngoài và bên trong, xử lý lại cái nguyên liệu luôn”.
Vấn đề thứ 2 mà ông Vũ trình bày nhằm lý giải cho thắc mắc của phía bà Thảo về việc mình bỏ tiền ra để mua siêu xe. “Thứ hai, cái này là thông minh cách dùng tiền, phải có cái trí mới hiểu được. Thông thường trong giai đoạn đó (giai đoạn đầu tư – PV) thì 10% doanh thu dự kiến sẽ được sử dụng làm marketing.
Theo: Kênh sao
 
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ nói về sự phi thường của bản thân: Mắt nhìn được sóng điện thoại, thấy đốm lửa xa 50 kilomet, hiểu mọi khoa học trên thế gian, kể cả trường sinh bất tử
04/03/2019 05:02 PM | KINH DOANH
Trong những ngày xét xử tại tòa, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã có nhiều chia sẻ với các phóng viên về những gì mà ông có được sau 49 ngày thiền định.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ nói về sự phi thường của bản thân: Mắt nhìn được sóng điện thoại, thấy đốm lửa xa 50 kilomet, hiểu mọi khoa học trên thế gian, kể cả trường sinh bất tử

Thấu hiểu mọi kiến thức, khoa học, kể cả trường sinh bất tử
"Chưa bao giờ trong lịch sử kiến tạo ra loài người, trời đích thân thử thách ai, dạy ai, trao quyền cho ai, nhưng trời đã trao cho Qua mọi kiến thức, để giúp những người anh em, giúp cho nhân loại.
Qua có mọi câu trả lời cho thế gian này, tất cả mọi bất lực của mọi thiết kế, tôn giáo, chính trị từ xưa tới nay.
Từ khi kiến tạo loài người tới nay, trời chưa bao giờ đích thân huấn luyện ai, dạy ai, thử thách ai đến cùng cực như vậy. Ở thế gian, một giây là nhỏ nhất, nhưng ở thế giới vi tế trên kia, một giây được chia làm 84.000 sát na. Từng sát na Qua phải chịu đựng trong đau đớn, bạo ngược như vậy, để rồi mới cho Qua ánh sáng, cho Qua cái mà tạo hóa vẫn giấu mọi người, kể cả trường sinh bất tử, mọi thứ mà vua chúa kiếm tìm.
Tất cả mọi kiến thức, khoa học ở thế gian này Qua đều biết hết, các nhà bác học Qua đều có thể nói chuyện được hết, cái đó chỉ có trời dạy, không có kiến thức ở thế gian.
Ví dụ, nói về đẳng thức E=mc2 của Einstein, thì bản chất của khoa học tự nhiên là vật lý lượng tử.
Gặp nhà chính trị, Qua sẽ nói theo ngôn ngữ chính trị vì Qua được dạy mọi thứ. Gặp nhà toán học, Qua sẽ nói toán học, các con số. Gặp nhà vật lý, Qua sẽ nói chuyện vật lý."
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ nói về sự phi thường của bản thân: Mắt nhìn được sóng điện thoại, thấy đốm lửa xa 50 kilomet, hiểu mọi khoa học trên thế gian, kể cả trường sinh bất tử - Ảnh 1.
Nhìn được sóng điện thoại, nhìn thấy những điểm mù của thế gian
"Ở thế giới của các người anh em là thế giới 3 chiều, ngũ quan của người anh em rất hạn chế. Tai người anh em hiện nay chỉ nghe được trong phạm vi +/-5 decibel, ngoài phạm vi này sẽ không nghe được nữa, vậy còn hạ âm, huyền âm thì sao? Cũng như sóng điện thoại của người anh em, nó có tồn tại, nhưng mắt thường người anh em không thấy, còn Qua thấy.
Đó là tính "thấy". Cũng giống như mắt người anh em nhìn ngang có thể được 200-220 độ, nhìn dọc có thể được 120-140 độ và trong đêm có thể nhìn thấy đốm lửa xa tới 50 kilomet.
Hiểu tới bản nguyên, bản thể của vũ trụ thì lúc đó khác biệt lắm. Đây là cái loài người gần như mù, các bác học thế gian gần như mù trong khi lại là khoa học tuyệt đối, còn cái mà thế gian hiện đang biết là khoa học tương đối. Hồi xưa, Qua học bác sĩ, học giải phẫu tưởng chỉ có 1 thể xác với lục phủ ngũ tạng, cơ, xương, khớp... Nhưng thực ra cơ thể của người anh em còn một thể khí nữa, nhưng cấu tạo ra sao thì thế gian mù, tiếp nạp ra sao thì thế gian mù, ngoài ra còn linh hồn của người anh em nữa."
View attachment ng Đặng Lê Nguyên Vũ nói về sự phi thường của bản thân- Mắt nhìn được sóng điện thoại, thấy đố...mp4
Đặng Lê Nguyên Vũ nói về sự phi thường của bản thân. Nguồn: Quốc Chiến Soha
 
Thứ sáu, 22/2/2019, 10:24 (GMT+7)
'Tiền nhiều để làm gì'
Mối liên hệ giữa hạnh phúc và tiền bạc lại làm dậy sóng cộng đồng.

Ngày 9/1, tỷ phú Jeff Bezos - ông chủ của hãng Amazon và vợ MacKenzie Bezos tuyên bố ly hôn sau 25 năm gắn bó. Dư luận thế giới ngay lập tức đổ dồn sự chú ý và thắc mắc khối tài sản 137 tỷ USD sẽ được phân chia như thế nào.

Mấy ngày qua, ở Việt Nam, cũng có một vụ ly hôn đình đám của cặp vợ chồng doanh nhân nổi tiếng. Vụ việc rất thu hút sự chú ý của dư luận. Nhiều người bàn tán, tranh cãi với nhau về việc phân chia khối tài sản nghìn tỷ. Là người ngoài cuộc, tôi không tham gia vào cuộc tranh cãi và không về theo phe bên nào.

Vì thế, chi tiết khiến tôi tâm đắc nhất là câu hỏi của người chồng: Tiền nhiều để làm gì? Câu hỏi này được nói tại tòa, được truyền thông tường thuật và ngay lập tức được nhiều người quan tâm.

Chậm lại hơn so với dòng dư luận đang tranh cãi nhau về việc phân chia tài sản ly hôn, tôi thấy câu hỏi này đã khơi gợi một loạt vấn đề: Tiền bạc và tình yêu có song hành với nhau? Phải chăng trong nghèo khó người ta mới yêu nhau chân thật, khi khấm khá có tiền rồi thì tình yêu nhường chỗ cho lợi quyền, đồng tiền lên ngôi? Hay có nhiều tiền sẽ giúp ta sống hạnh phúc hơn?

Aristotle - triết gia Hy Lạp sống thời cổ đại đã chia bốn cấp độ hạnh phúc của con người từ thấp đến cao như sau: niềm vui vật chất, được ăn ngon mặc đẹp, ở nhà cao cửa rộng. Tiếp theo là niềm tự hào thành đạt, sự công nhận của cộng đồng và xã hội, kế đó là niềm vui có được từ việc chia sẻ với người khác. Cuối cùng là niềm hạnh phúc trọn vẹn với lý tưởng cao cả hay tình yêu vô điều kiện.

Vì thế tôi nghĩ, khi bạn có vài trăm triệu, vài tỷ hay chục tỷ, bạn sẽ quan tâm, chăm chút hay đong đếm số tiền mà mình có được. Tuy nhiên, khi đã sở hữu một số tiền rất lớn, cỡ như trăm tỷ đôla của vợ chồng ông chủ Amazon, hay hàng nghìn tỷ đồng của vợ chồng vua cà phê Việt Nam - thì sẽ khác, bởi khi món tiền quá lớn, nó chỉ là con số nằm trong tài khoản ngân hàng, hoặc là số cổ phiếu mà thôi.

Và trong khi nhiều người bận tâm vợ chồng ly hôn nên chia tài sản thế nào là ổn thỏa, thì nhiều tỷ phú phương Tây - trong đó có Bill Gates đã hiến 99,95% tài sản tỷ đôla của mình cho từ thiện và ông sống rất hạnh phúc.

Phan Vĩnh Long
 
'Tiền nhiều để làm gì?' - Câu nói của người đàn ông sở hữu hơn 8 nghìn tỉ phủ sóng MXH
21-02-2019 - 20:14 PM | Sống
'Tiền nhiều để làm gì?' - Câu nói của người đàn ông sở hữu hơn 8 nghìn tỉ phủ sóng MXH

Cuộc ly hôn của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo không chỉ làm nóng phiên tòa xét xử mà còn gây xôn xao trên các diễn đàn mạng. Những ngày qua, phát ngôn của hai nhân vật này đang được dân tình chia sẻ rất nhiều.
 Tiền nhiều để làm gì? - Câu nói của người đàn ông sở hữu hơn 8 nghìn tỉ phủ sóng MXH - Ảnh 1.
 Tiền nhiều để làm gì? - Câu nói của người đàn ông sở hữu hơn 8 nghìn tỉ phủ sóng MXH - Ảnh 2.
 Tiền nhiều để làm gì? - Câu nói của người đàn ông sở hữu hơn 8 nghìn tỉ phủ sóng MXH - Ảnh 3.
 Tiền nhiều để làm gì? - Câu nói của người đàn ông sở hữu hơn 8 nghìn tỉ phủ sóng MXH - Ảnh 4.
 Tiền nhiều để làm gì? - Câu nói của người đàn ông sở hữu hơn 8 nghìn tỉ phủ sóng MXH - Ảnh 5.
 Tiền nhiều để làm gì? - Câu nói của người đàn ông sở hữu hơn 8 nghìn tỉ phủ sóng MXH - Ảnh 6.

 Tiền nhiều để làm gì? - Câu nói của người đàn ông sở hữu hơn 8 nghìn tỉ phủ sóng MXH - Ảnh 7.
 Tiền nhiều để làm gì? - Câu nói của người đàn ông sở hữu hơn 8 nghìn tỉ phủ sóng MXH - Ảnh 8.
Đàn ông thích trông rộng, đàn bà trọng tiểu tiết: Khác biệt quan điểm muôn đời về TIỀN gây nên những tranh cãi không hồi kết cho những kẻ "đầu gối tay ấp"?
Theo Đỗ Linh
Thế giới trẻhttp://embed2.linkhay.com/actions/l...-8-nghin-ti-phu-song-mxh-2019022120040199.chn
 
http://embed2.linkhay.com/actions/l...-8-nghin-ti-phu-song-mxh-2019022120040199.chn
'Tiền nhiều để làm gì?' và quan điểm của sao Việt
Quang Ngọc 08:23 | 22/02/2019
"Tiền nhiều để làm gì?" là câu hỏi đang được dư luận quan tâm những ngày qua. Không ít quan điểm được đưa ra xoay quanh câu hỏi này, trong đó có các sao Việt.
Những ngày qua, thông tin xoay quanh vụ li hôn "nghìn tỉ" của vợ chồng ông chủ tập đoàn cà phê Trung Nguyên đã thu hút sự chú ý từ dư luận.
Trong phiên tòa hôm 20/2, ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên) đã bức xúc trước yêu cầu phân chia khối tài sản "khủng" của bà Lê Hoàng Diệp Thảo (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên).
tien nhieu de lam gi va quan diem cua sao viet
Vụ li hôn của vợ chồng ông chủ Tập đoàn cà phê Trung Nguyên đang thu hút sự quan tâm của dư luận
Theo đó, ông Vũ đanh thép hỏi bà Thảo: "Tiền để làm gì? Tiền nhiều để làm gì mà để ngày hôm nay ngồi như thế này?". Câu hỏi nhanh chóng trở thành đề tài bàn luận của công chúng, trong đó không ít sao Việt.
Với diễn viên Ái Châu - bà xã Huỳnh Đông, cô cho biết bản thân không có nhiều tiền và mỗi ngày chỉ có trái tim dành cho sự yêu thương ấm áp.
"Mỗi sáng hôn nhau ở cửa tạm biệt, chúc nhau một ngày mới an lành, hay cùng nắm tay anh, con tung tăng đi học dưới ngày trong xanh. Tối lại nằm cuộn tròn kể nhau nghe những câu chuyện vui, 3 người mình cùng ôm nhau cười thật lớn. Cuộc đời thì dài, mà lòng người đôi khi lại ngắn. Ở một phút giây nào bên cạnh nhau, hãy cố hết lòng làm nhau hạnh phúc. Nhất định về sau sẽ không phải hối tiếc, không phải chua chát bất cứ gì. Cứ nắm chặt tay nhau thôi, bạn chồng nhỉ", Ái Châu viết trên trang cá nhân.
tien nhieu de lam gi va quan diem cua sao viet
Diễn viên Huỳnh Đông và bà xã Ái Châu
Là một doanh nhân thành đạt, Hoa hậu Thu Hoài cũng có suy nghĩ riêng về câu hỏi "Tiền nhiều để làm gì?".
Chị nói: "Có tiền, người ta sẽ nghĩ ngay tới việc không phải lo lắng chuyện cơm áo gạo tiền. Nhân sinh như thế đã là hạnh phúc và sung sướng lắm rồi. Có tiền, tức là có thể hưởng thụ cuộc sống đủ đầy, không cần lo toan mưu mẹo tranh giành đấu đá cùng người khác, có thể yên tâm thấy con cái được sống tốt, mẹ cha được phụng dưỡng đàng hoàng, gia đình sang giàu, được người ta nể vì, trọng vọng. Có tiền, mà lại có nhiều, đời còn gì phải buồn rầu nữa phải không mấy bạn?
Tiếc là vừa nghe cái câu hỏi chua chát "Tiền nhiều để làm gì" từ một người vốn rất nhiều tiền. Giật mình nghĩ lại thì hình như, ảnh có quá nhiều tiền trong tay nhưng lại chẳng có nổi thứ tốt đẹp nào đồng tiền mang lại cả...
Thì ra đồng tiền cũng không phải vạn năng. Kiếm được đồng tiền không dễ, nhưng để sai nó kiếm lại hạnh phúc cho mình lại càng khó khăn hơn. Ngửa mặt lên trời than "tiền nhiều để mà làm gì" không phải câu chuyện của riêng mình ảnh, mà có khi còn của nhiều người khác nữa".

tien nhieu de lam gi va quan diem cua sao viet
Hoa hậu Thu Hoài và các con
Cũng theo Hoa hậu Thu Hoài, tiền không mua được tương lai của con, không mua được nghĩa tình của vợ, không mua được sự thanh thản của mẹ cha, không mua nổi ấm êm cho gia đình, do đó người ta thắc mắc "tiền nhiều dùng để làm gì" cũng là có lí.
"Thôi thì kiếm tiền ít đi một chút, dành thời gian, tâm sức để kiếm tìm niềm vui, tình nghĩa và hạnh phúc đi. Mấy thứ đó thực sự tiền mua không nổi", Hoa hậu chia sẻ.
Với MC Minh Trang, cô cho biết khi có ít tiền thì 2 vợ chồng sống với nhau vì tình yêu, vì con cái, vì sự nể trọng và suy nghĩ cho gia đình 2 bên. Nhưng khi có nhiều tiền thì còn sống với nhau vì nhiều thứ khác.
"Ai cũng bảo “Tiền nhiều để làm gì?” với chả “Tôi chẳng cần tiền chỉ cần giữ được gia đình và không làm tổn thương con cái” nhưng khi nói đến tiền thì ai cũng đòi phần hơn. Hoá ra vẫn còn có người có suy nghĩ rằng một người mẹ tốt là nuôi con mỗi năm phải tăng cân đều. Vậy hãy chuyển qua nuôi heo ăn cám công nghiệp, đảm bảo cân nặng tăng đều theo tháng.
Không còn yêu nhưng vẫn sinh thêm con nhân danh việc níu kéo và gìn giữ gia đình. Nếu giữ được thì được cho là người phụ nữ tào khang, bao dung độ lượng, vun vén. Nếu không giữ được thì mang tiếng cố đấm ăn xôi để hòng níu giữ cơ ngơi và tài sản.
Khi có ít tiền, rồi có vừa tiền và kha khá tiền, thì 2 vợ chồng sống với nhau vì tình yêu, vì con cái, vì sự nể trọng và suy nghĩ cho gia đình 2 bên. Nhưng khi có nhiều tiền đến cực kỳ nhiều tiền, thì còn sống với nhau vì nhiều thứ khác (đố biết thứ gì?)"
, nữ MC VTV viết trên trang cá nhân.
Ngoài ra, MC Minh Trang cũng nói thêm rằng: "Nếu mình là ông Vũ hoặc bà Thảo, hoặc luật sư hay quân sư của cả 2, mình sẽ khuyên 2 người thôi nhiều tiền rồi, tranh chấp mà làm chi, người ngoài nhìn vào lại nói mình sân si, chi bằng hãy học tập bao nhiêu tỉ phú thế giới, không tranh chấp tài sản tiền bạc mà dành số đó cho các quỹ từ thiện, hoặc lập riêng 1 quỹ từ thiện của tập đoàn. Vậy là xong nhỉ? Mỗi tội mình chả là ai trong 2 người đó.
Mình thấy vụ này đứng ngoài quan sát cho vui vậy thôi, chớ tự vận vào thân hay suy nghĩ nhiều căng thẳng mà làm gì, họ chẳng cần chúng ta nghĩ hộ đâu ấy. Mà cũng chưa vội rút kinh nghiệm gì cho bản thân cả, vì số người trong chúng ta mà có cuộc ly hôn ngàn tỷ chắc cũng không nhiều đâu".

tien nhieu de lam gi va quan diem cua sao viet
MC Thành Trung
MC Thành Trung lại có suy nghĩ khá đơn giản trước câu hỏi "Tiền nhiều để làm gì?". Anh nói: "Thật ra mỗi người một ý kiến và một câu trả lời, chả ai đúng cũng chả ai sai vì hoàn cảnh cùng ước muốn của mỗi người mỗi khác. Với tôi, nhiều tiền để tự lo được cho mình và khi cần có thể giúp được người mình yêu thương. Vậy thôi, chả to tát gì... nhưng mà cũng khó đấy vì đa phần lo cho mình bao giờ mới đủ".
tien nhieu de lam gi va quan diem cua sao viet
Diễn viên Quốc Bảo
Về phần mình, diễn viên Quốc Bảo bộc bạch rằng để trả lời câu hỏi "Tiền nhiều để làm gì?", mọi người cần hiểu được chân lí của nó.
"Tiền nhiều để làm gì? Nếu hiểu được thì nó thuộc về chân lí mà chân lí thì ít người hiểu và làm được, mà hiểu được thì cũng chưa chắc đã làm được. Đời...!", nam diễn viên nêu suy nghĩ.
Theo Đời sống & Pháp lý
 
Top