Quy tắc bí mật tuyệt đối của mật nghị bầu Giáo hoàng

- Mật nghị hồng y bầu Giáo hoàng mới có thể coi là cuộc bầu cử bảo mật nhất thế giới khi mọi nhân vật có mặt tại đây đều phải tuyên thệ vĩnh viễn giữ bí mật về mọi chi tiết của quá trình bỏ phiếu.​

Quy tắc bí mật tuyệt đối của mật nghị bầu Giáo hoàng - 1

Một giáo sĩ tuyên thệ giữ bí mật vào ngày 5/5 để chuẩn bị cho mật nghị tại Vatican nhằm bầu ra Giáo hoàng mới (Ảnh: CNS).

Ngày 7/5, khi 133 hồng y Công giáo sẽ tề tựu tại Nhà nguyện Sistine (Vatican) để chọn người kế vị Giáo Hoàng Francis, mỗi người sẽ phải tuyên thệ giữ bí mật các chi tiết liên quan suốt đời.

Điều tương tự cũng được yêu cầu với mọi người trong mật nghị: từ hai bác sĩ sẵn sàng cho trường hợp khẩn cấp, đến các nhân viên phòng ăn cho các hồng y. Tất cả đều thề sẽ tuân thủ quy tắc "bí mật tuyệt đối và vĩnh viễn".

Để chắc chắn, nhà nguyện và hai nhà khách sẽ được kiểm tra kỹ lưỡng để tìm micro và máy nghe trộm.

"Có những thiết bị gây nhiễu điện tử để đảm bảo rằng tín hiệu điện thoại và wifi không thể xâm nhập hay phát ra ngoài. Vatican xem xét ý tưởng cô lập cực kỳ nghiêm túc", John Allen, biên tập viên của trang tin Crux, cho biết.

Lệnh phong tỏa không chỉ giới hạn ở giữ bí mật quá trình bỏ phiếu tránh việc bị đánh cắp thông tin và làm gián đoạn quá trình bỏ phiếu, mà còn nhằm đảm bảo các hồng y hoàn toàn tách biệt khỏi thế giới bên ngoài, không bị ảnh hưởng khi chuẩn bị bỏ phiếu.

Khi bước vào mật nghị, mọi người đều có nghĩa vụ giao nộp tất cả các thiết bị điện tử bao gồm điện thoại, máy tính bảng và đồng hồ thông minh. Vatican có cảnh sát riêng để thực thi các quy tắc.

Đức ông Paolo de Nicolo, Trưởng phòng Quản gia của Giáo hoàng suốt 3 thập niên, cho biết: "Không có tivi, báo chí hay đài phát thanh tại nhà khách cho mật nghị. Bạn thậm chí không thể mở cửa sổ để nhìn ra bên ngoài".

Tất cả những người làm việc cho mật nghị tại Vatican đã được kiểm tra kỹ lưỡng. Họ bị cấm giao tiếp bên ngoài, sẽ chỉ có bộ đàm cho một số trường hợp cụ thể như có vấn đề y tế hay cần rung chuông thông báo Đức Giáo hoàng đã được chọn.

Nếu bất cứ ai vi phạm, người đó sẽ bị trục xuất khỏi giáo hội.

Tìm kiếm thông tin về hồng y cũng là một vấn đề khác trong thời gian chuẩn bị cho mật nghị.

Các hồng y bị nghiêm cấm bình luận về cuộc bỏ phiếu ngay từ bây giờ. Tuy nhiên, kể từ khi Giáo hoàng Francis qua đời, các bộ phận báo chí Italy và nhiều du khách đã bắt đầu tìm kiếm thông tin về người kế nhiệm.

Các phóng viên liên tục hỏi các bồi bàn về mọi thứ họ có thể nghe được.

Hiện có gần 250 hồng y được triệu tập về Vatican từ khắp nơi trên thế giới, kể cả những người từ 80 tuổi trở lên không đủ điều kiện để bỏ phiếu. Khi họ đi vào Vatican để tham gia thảo luận về cuộc bầu cử, mỗi người đều nhận được nhiều câu hỏi dồn dập về tiến trình bầu cử.

Giáo hoàng đứng đầu một tổ chức với thẩm quyền đạo đức đáng kể và ảnh hưởng toàn cầu trên nhiều lĩnh vực. Vì vậy, tầm quan trọng của người được chọn sẽ vượt ngoài khuôn khổ Vatican.

Bà Ines San Martin, phóng viên thuộc Hội Truyền giáo Giáo hoàng ở Mỹ, cho biết cuộc bầu cử có hoạt động vận động hành lang nhưng không được thể hiện quá nổi bật. Bà lập luận việc này một phần là vì Giáo Hoàng Francis đã bổ nhiệm nhiều hồng y mới, bao gồm cả từ những nơi mới.
TheoABC News
 

Có thể bạn quan tâm

Top