Số người chết do động đất Myanmar và Thái Lan tiếp tục tăng. Mỹ dự báo số người thiệt mạng có thể vượt quá 100.000 người.

Ngày 29.3, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) dự báo có thể có từ 10.000 đến 100.000 người thiệt mạng sau trận động đất 7,7 độ richter xảy ra gần Mandalay, Myanmar hôm 28.3 và được cảm nhận ở các quốc gia lân cận như Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc.
Tính đến ngày 30.3, số người chết được xác nhận ở Myanmar đã lên tới ít nhất 1.644 người với hơn 3.400 người bị thương, theo AFP.
Khó khăn trong việc di chuyển khắp Myanmar - vốn đang trong nội chiến - đã làm dấy lên lo ngại rằng số người tử vong có thể tăng đáng kể.
Trận động đất xảy ra vào giữa trưa giờ địa phương ngày 28.3 gần Mandalay, sau đó là một số dư chấn - bao gồm một dư chấn mạnh 6,4 độ richter - làm đổ các tòa nhà, cầu và hư hại đường sá.
Liên đoàn Chữ thập đỏ quốc tế tại Myanmar nói với BBC, hơn 18 triệu người đang sống trong khu vực bị ảnh hưởng và nhiều người sẽ không có nơi trú ẩn an toàn, không có nước sạch hoặc dịch vụ chăm sóc sức khỏe đáng tin cậy.

Myanmar đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên khắp 6 khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau trận động đất, trong khi tại quốc gia láng giềng Thái Lan, chính quyền thành phố Bangkok cho biết ít nhất 10 người thiệt mạng, 26 người bị thương và 47 người mất tích.
Trong bản cập nhật lúc 6h51 sáng 29.3 theo giờ GMT (13h51 giờ Việt Nam), USGS cho biết có 24% khả năng có từ 1.000 đến 10.000 người tử vong và 35% khả năng có từ 10.000 đến 100.000 người chết do động đất.
Cũng có 32% khả năng số người thiệt mạng vượt quá 100.000 người, theo USGS, lưu ý rằng dân số ở các khu vực bị ảnh hưởng chủ yếu sống trong các công trình dễ bị động đất, mặc dù có những công trình kiên cố.
Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết phần lớn các tòa nhà dễ bị tổn thương được làm bằng các vật liệu như kim loại, gỗ và xây bằng gạch không gia cố.
USGS nhấn mạnh: "Có khả năng xảy ra thương vong lớn, thiệt hại nặng nề và thảm họa có thể lan rộng".
Brian Baptie, một nhà địa chấn học thuộc Cục Khảo sát Địa chất Anh, nói: "Khi xảy ra động đất lớn ở một khu vực có hơn 1 triệu người, nhiều người trong số họ sống trong những tòa nhà dễ bị tổn thương, hậu quả thường có thể là thảm khốc".
Tại thủ đô Naypyidaw của Myanmar, các đội cứu hộ đang sửa chữa những con đường bị hư hỏng, trong khi điện, điện thoại và dịch vụ Internet vẫn bị gián đoạn.

Cuộc nội chiến diễn ra từ năm 2021 khiến Myanmar không có cơ sở hạ tầng để ứng phó với những thảm họa thiên nhiên như vậy. Việc thiếu máy móc đã buộc những người sống sót phải đào bới đất bằng tay không để cố gắng giải cứu những người vẫn bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.
"Có quá nhiều đống đổ nát và không có đội cứu hộ nào đến cứu chúng tôi" - Htet Min Oo, 25 tuổi, một người sống sót sau trận động đất nói với Reuters tại Mandalay, cho biết một số thành viên trong gia đình anh vẫn bị mắc kẹt dưới một tòa nhà bị sập.
Trong khi đó, tại Amarapura, một thị trấn ở thành phố Mandalay, một nhân viên cứu hộ cho biết anh đang cố gắng tiếp cận 140 nhà sư vẫn còn mắc kẹt dưới đống đổ nát.
Một số quốc gia đã triển khai các đội cứu hộ đến Myanmar sau khi chính quyền quân sự của nước này đưa ra lời kêu gọi giúp đỡ.
Đội cứu hộ Trung Quốc là nhóm cứu hộ quốc tế đầu tiên đến được thành phố lớn nhất Myanmar là Yangon vào sáng 29.3, theo đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV.