

Nguồn hình ảnh,EPA
Chụp lại hình ảnh,Công dân Úc Matthew Radalj đã bị giam trong 5 năm tại một trung tâm giam giữ ở Bắc Kinh, tương tự như hình ảnh chụp năm 2012 ở trên
- Tác giả,Stephen McDonell
- Vai trò,Phóng viên chuyên về Trung Quốc
- Tường thuật từ Bắc Kinh
- 4 giờ trước
Đó chỉ là một số trong những gì tù nhân trong các nhà tù Trung Quốc phải chịu đựng, theo lời kể của công dân Úc Matthew Radalj, người đã trải qua 5 năm tại nhà tù Số 2 Bắc Kinh - một cơ sở giam giữ dành cho tù nhân quốc tế.
Radalj, hiện đang sống bên ngoài Trung Quốc, đã quyết định công khai trải nghiệm của mình và mô tả việc bản thân phải chịu đựng cũng như chứng kiến những hình phạt thể xác nghiêm trọng, lao động cưỡng bức, bỏ đói và tra tấn tinh thần.
BBC đã xác minh được lời khai của Radalj thông qua một số cựu tù nhân từng bị giam giữ cùng thời điểm với ông.
Nhiều người yêu cầu giấu tên vì lo sợ sự trả thù đối với những người thân vẫn còn sống ở Trung Quốc. Những người khác nói rằng họ chỉ muốn cố gắng quên đi trải nghiệm đó và sống tiếp.
Chính phủ Trung Quốc chưa phản hồi yêu cầu bình luận của BBC.
Màn chào đón ác nghiệt
"Khi mới đến đó, tôi ở trong tình trạng thực sự tồi tệ. Họ đánh tôi liên tục trong hai ngày tại đồn cảnh sát đầu tiên. Tôi đã không ngủ, không ăn, không uống nước trong 48 tiếng đồng hồ và sau đó bị ép ký một chồng hồ sơ dày cộm," Radalj kể về những ngày đầu bị giam cầm ở Trung Quốc, bắt đầu từ vụ bắt giữ vào ngày 2/1/2020.Người từng sống ở Bắc Kinh này khẳng định mình bị kết án oan sau một cuộc ẩu đả với những chủ cửa hàng tại một chợ điện tử, xuất phát từ tranh chấp về giá sửa màn hình điện thoại đã thỏa thuận.
Ông này kể rằng sau cùng mình đã ký vào một bản nhận tội cướp của giả mạo, sau khi được cho biết rằng việc cố gắng chứng minh sự vô tội của mình là vô ích trong một hệ thống có tỷ lệ kết án hình sự gần như 100% cũng như hy vọng điều này sẽ rút ngắn thời gian ngồi tù.
Hồ sơ tòa án cho thấy điều này ít nhất cũng có tác dụng phần nào, giúp ông nhận bản án bốn năm.
Khi vào tù, ông này cho biết ban đầu mình phải trải qua nhiều tháng trong một trung tâm giam giữ riêng biệt, nơi ông phải chịu một "giai đoạn chuyển tiếp" tàn bạo hơn.

Nguồn hình ảnh,Matthew Radalj
Chụp lại hình ảnh,Radalj đã sống ở Bắc Kinh nhiều năm trước khi bị bắt vào tháng 1/2020
Trong khoảng thời gian này, tù nhân phải tuân theo những quy tắc vô cùng khắc nghiệt trong điều kiện mà ông mô tả là kinh khủng.
"Chúng tôi bị cấm tắm rửa hoặc vệ sinh cá nhân, điều đó đôi khi kéo dài hàng tháng trời. Ngay cả nhà vệ sinh cũng chỉ được sử dụng vào những khung giờ cố định và rất bẩn thỉu - chất thải từ các nhà vệ sinh ở tầng trên liên tục nhỏ giọt xuống người chúng tôi."
Cuối cùng, ông được chuyển đến khu tù "bình thường", nơi các tù nhân phải ngủ chung trong những phòng giam chật chội và đèn không bao giờ tắt.
Chúng tôi cũng ăn uống ngay trong phòng đó, ông kể thêm.
Theo Radalj, tù nhân người châu Phi và Pakistan chiếm số lượng lớn nhất trong cơ sở giam giữ này, nhưng cũng có những người đàn ông bị giam đến từ Afghanistan, Anh, Mỹ, Mỹ Latinh, Triều Tiên và Đài Loan. Hầu hết họ đều bị kết án vì tội vận chuyển ma túy.
Hệ thống điểm 'hạnh kiểm tốt'
Radalj cho biết các tù nhân thường xuyên phải chịu đựng những hình thức mà ông mô tả là tra tấn tâm lý.Một trong số đó là "hệ thống điểm hạnh kiểm tốt", về lý thuyết, là một cách để giảm án.
Tù nhân có thể đạt tối đa 100 điểm hạnh kiểm tốt mỗi tháng bằng cách thực hiện những việc như học tài liệu của Đảng ********, làm việc trong nhà máy của nhà tù hoặc tố cáo các tù nhân khác. Khi tích lũy đủ 4.200 điểm, về cơ bản có thể được sử dụng để giảm thời gian thụ án.
Điều đó có nghĩa là một tù nhân sẽ phải đạt điểm tối đa mỗi tháng trong suốt ba năm rưỡi thì mới đủ điều kiện để xem xét giảm án.
Radalj nói rằng trên thực tế, hệ thống này được sử dụng như một phương tiện tra tấn và thao túng tâm lý.
Ông cáo buộc các quản giáo cố tình đợi đến khi một tù nhân gần đạt được mục tiêu này thì lại phạt họ vì bất kỳ một trong vô số lỗi có thể xảy ra - điều sẽ xóa sạch điểm tích lũy được vào thời điểm quan trọng.
Những lỗi này bao gồm cả việc tích trữ hoặc chia sẻ thức ăn với các tù nhân khác, đi "không đúng cách" trong hành lang bằng cách đi chệch khỏi vạch kẻ trên sàn, treo tất trên giường không đúng cách, hoặc thậm chí đứng quá gần cửa sổ và nhiều lỗi khác nữa.

Nguồn hình ảnh,AFP/Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Cổng vào nhà tù Số 2 Bắc Kinh - chụp vào năm 2012 - nơi Radlj bị giam giữ
Những tù nhân khác từng nói với BBC về hệ thống tích điểm này mô tả nó như một trò chơi trí tuệ được thiết kế để bẻ gãy tinh thần.
Cựu tù nhân người Anh Peter Humphrey, người đã trải qua hai năm bị giam ở Thượng Hải, cho biết cơ sở giam giữ của ông cũng có một hệ thống tính toán và giảm án tương tự nhưng bị thao túng để kiểm soát tù nhân và ngăn chặn việc giảm án.
"Có camera ở khắp mọi nơi, thậm chí ba chiếc trong một phòng giam," ông kể.
"Nếu anh bước qua vạch kẻ trên sàn và bị quản giáo hoặc camera phát hiện, anh sẽ bị phạt. Tương tự là những lỗi như anh không dọn giường đúng tiêu chuẩn quân đội hoặc đặt bàn chải đánh răng không đúng vị trí trong phòng giam."
"Ngoài ra còn có áp lực nhóm lên các tù nhân, cả nhóm trong phòng giam sẽ bị phạt nếu một tù nhân làm bất kỳ điều nào trong số này."
Một cựu tù nhân khác nói với BBC rằng trong 5 năm ở tù, ông chưa từng thấy điểm số được sử dụng để giảm án bất kỳ lần nào.
Radalj cho hay có một số tù nhân - bao gồm cả ông - đã không thèm bận tâm đến hệ thống tích điểm này.
Vì vậy, nhà chức trách đã dùng đến các biện pháp khác để gây áp lực tâm lý.
Những biện pháp này bao gồm cả cắt bớt thời gian gọi điện thoại cho gia đình hàng tháng hoặc giảm bớt những lợi ích khác mà tù nhân được hưởng.