Starlink đã thắng trong cuộc đua vũ trụ mới hay chưa

Don Jong Un

Thôi vậy thì bỏ
Vatican-City

Hệ thống vệ tinh của Elon Musk thống trị cuộc chiến giành tương lai của kết nối mạng toàn cầu. Amazon và các đối thủ Trung Quốc đang nỗ lực đuổi theo.​

Sau nhiều năm nỗ lực và vài lần trì hoãn thất vọng, giấc mơ của Amazon cung cấp internet tốc độ cao đến những nơi xa xôi nhất trên Trái đất đã được “phóng lên” vào tháng trước.

Vào một buổi tối tháng 4, tên lửa Atlas V của United Launch Alliance đã rời bệ phóng tại Cape Canaveral, bang Florida, mang theo những vệ tinh vận hành đầu tiên thuộc Dự án Kuiper, mạng băng thông rộng mới của Amazon.

Chỉ trong vài phút, tên lửa đã đạt tốc độ hơn 6.400 km/giờ, đưa 27 vệ tinh Kuiper lên độ cao 450 km trên mặt đất. Từ đó, chúng sẽ bay lên quỹ đạo cuối cùng ở độ cao 630 km.

Việc triển khai thành công Kuiper không chỉ là sự ra đời của một nhà cung cấp dịch vụ internet mới. Nó cũng là phát súng mở màn cho cuộc chiến giành tương lai của kết nối mạng toàn cầu – giữa nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos và Elon Musk, người điều hành công ty SpaceX sở hữu hệ thống Starlink.

Nhưng hai ông lớn công nghệ này cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các cường quốc toàn cầu như Trung Quốc và EU, trong cuộc đua giành quyền kiểm soát cơ sở hạ tầng trên không gian sẽ ảnh hưởng đến sức mạnh kinh tế, quân sự và kỹ thuật số. Cuộc cạnh tranh này có thể xác định sự phân chia trong tương lai giữa một số quốc gia theo hệ thống phương Tây và một số khác theo mạng lưới của Trung Quốc bị kiểm soát chặt chẽ.
Một tên lửa Atlas V của United Launch Alliance phóng từ Florida vào tháng trước với các vệ tinh thuộc Dự án Kuiper. Các doanh nghiệp, chính phủ và quân đội đang chạy đua để khai thác tiềm năng của không gian. Ảnh: Reuters/FT.

Một tên lửa Atlas V của United Launch Alliance phóng từ Florida vào tháng trước với các vệ tinh thuộc Dự án Kuiper. Các doanh nghiệp, chính phủ và quân đội đang chạy đua để khai thác tiềm năng của không gian. Ảnh: Reuters/FT.
“Chúng ta đang ở trong cuộc chạy đua không gian toàn cầu sẽ có những hậu quả rất đáng kể về mặt cơ hội kinh tế, khả năng kết nối… và an ninh quốc gia”, theo Brendan Carr, chủ tịch Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC).

Cuộc cạnh tranh đang diễn ra ở quỹ đạo Trái đất thấp (LEO), một trong những khu vực không gian cạnh tranh gay gắt nhất, trên mặt đất tối đa 2.000 km.

10 năm trước, đây là khu vực dành riêng cho các vệ tinh quan sát Trái đất, khoa học và quân sự, các nhà cung cấp điện thoại vệ tinh, với khoảng 1.300 thiết bị vũ trụ hoạt động trên quỹ đạo. Bây giờ, nhờ các tên lửa Falcon có thể tái sử dụng của SpaceX, có hơn 11.000 vệ tinh hoạt động, hỗ trợ mọi thứ từ theo dõi thời tiết đến kết nối băng thông rộng.

Các chuyên gia dự đoán rằng số vệ tinh trong LEO sẽ tăng lên tới 100.000 trong thập kỷ tới, khi các công ty, chính phủ và quân đội chạy đua khai thác tiềm năng của không gian vũ trụ mới.

Nhưng nhu cầu kết nối mãnh liệt của thế giới mới chính là lý do thúc đẩy sự bùng nổ của thị trường LEO.

Do gần Trái đất hơn, các hệ thống LEO có độ trễ (thời gian tín hiệu truyền từ Trái đất đến vệ tinh và ngược lại) thấp hơn so với vệ tinh địa tĩnh. Loại vệ tinh này thường được dùng để phát sóng, có quỹ đạo cao hơn nhiều ở độ cao khoảng 36.000 km.

Dự án Kuiper chỉ là một trong số nhiều đối thủ đang cạnh tranh để giành thị phần trong lĩnh vực kinh doanh đang bùng nổ này. 8 công ty hàng đầu được cấp phép hơn 50.000 vệ tinh. Riêng Starlink đã được cho phép vận hành 12.000 vệ tinh, theo công ty tư vấn không gian Analysys Mason.

Những công ty khác bao gồm OneWeb của Eutelsat, mạng LEO lớn thứ hai thế giới, đang tìm cách phục vụ thị trường chính phủ và doanh nghiệp với cụm 648 vệ tinh.

Telesat của Canada đang phát triển Lightspeed, sẽ có khoảng 200 thiết bị, cũng tập trung vào thị trường chính phủ và doanh nghiệp có biên lợi nhuận cao hơn. Những người chơi khác đang đề xuất các cụm vệ tinh chuyên kết nối điện thoại di động ở những khu vực mà các tháp sóng di động không thể tiếp cận được.

Ít nhất hai hệ thống đang được Trung Quốc phát triển – Guowang và SpaceSail – đề xuất phóng tổng cộng khoảng 26.000 vệ tinh.

Nhưng tất cả các hệ thống này sẽ phải cạnh tranh với Starlink của ông Musk, thế lực thống trị cho đến nay.

Kể từ năm 2019, ông Musk đã phóng hơn 8.417 vệ tinh – chiếm 39% tổng số vệ tinh được phóng trong lịch sử loài người. Starlink có khoảng 7.300 vệ tinh đang hoạt động, chiếm gần 2/3 tổng số phương tiện vũ trụ đang hoạt động, theo Jonathan McDowell, nhà vật lý thiên văn và sử gia về bay vũ trụ.

Thành công của Starlink bắt nguồn từ những năng lực chỉ SpaceX có: phóng Falcon 9 thường xuyên với chi phí thấp, một cơ sở sản xuất được hơn 8 vệ tinh mỗi ngày, theo công ty tư vấn Quilty Space; văn hóa đổi mới sáng tạo thần tốc; và nguồn tài chính dồi dào từ ông chủ tỷ phú.

Dự án cũng ưu tiên khả năng sử dụng và giá cả, nhắm vào thị trường tiêu dùng số lượng lớn với các ăng-ten nhỏ nhưng cực kỳ phức tạp, có giá vài trăm USD.

Những ăng-ten phẳng, to bằng máy tính xách tay này có thể tự động căn chỉnh với các vệ tinh bay nhanh trên bầu trời. Ban đầu, chúng được ước tính có giá thành khoảng 2.000 USD và SpaceX phải bán dưới giá thành để thu hút người dùng. Nhưng tốc độ sao chép và mở rộng siêu nhanh, với khoảng 2 lần phóng mỗi tuần, đã tạo ra quy mô đủ để giảm chi phí.

“Starlink linh hoạt hơn vì họ có thể thêm những thứ mới vào cụm ban đầu mà chỉ cần điều chỉnh tương đối nhỏ”, theo Patricia Cooper, người sáng lập Constellation Advisory và cựu phó chủ tịch phụ trách các vấn đề pháp lý tại SpaceX. “Họ có cả dây chuyền sản xuất và máy phóng. Đó là siêu năng lực của họ”.

Sự thống trị của Starlink

Tốc độ và khả năng đổi mới của Starlink tạo ra một hệ thống mà ngay cả các đối thủ cạnh tranh cũng khó tìm ra lỗi.

“Đây là một mạng lưới tốt và sẽ ngày càng tốt hơn theo thời gian”, Tổng giám đốc của Telesat, Dan Goldberg, nhận xét.

Hiện nay, Starlink đang cung cấp kết nối băng thông rộng độ trễ thấp cho hơn 5 triệu khách hàng ở 125 quốc gia và dự kiến sẽ tạo ra 12 tỷ USD doanh thu và 2 tỷ USD dòng tiền tự do trong năm nay, theo Quilty. Cuối cùng, công ty đặt mục tiêu đưa hơn 40.000 vệ tinh lên quỹ đạo.
Nguồn: Quilty Space. 2024 và 2025 là ước tính. Biểu đồ: FT.

Nguồn: Quilty Space. 2024 và 2025 là ước tính. Biểu đồ: FT.
Với khoảng cách như vậy, thách thức đối với các đối thủ cạnh tranh là rất lớn. Đầu tiên, các cụm LEO rất đắt. Theo ước tính của Quilty, Amazon sẽ cần chi từ 16 tỷ đến 20 tỷ USD để xây dựng Kuiper.

Vệ tinh cũng cần phải thay thế sau mỗi 5-7 năm, làm tăng thêm chi phí. Eutelsat phải đối mặt với hóa đơn 2 tỷ euro để nâng cấp OneWeb, nguồn tiền có thể phải dựa vào cổ đông nhà nước Pháp. Phải nhờ đến khoản vay 2,14 tỷ dollar Canada từ chính phủ Canada, Telesat mới có thể trả cho khoản đầu tư Lightspeed.

Tài chính không phải là vấn đề đối với các hệ thống Trung Quốc. Ví dụ, SpaceSail được chính quyền thành phố Thượng Hải và Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc hỗ trợ mạnh mẽ, đã huy động được gần 1 tỷ USD vào năm 2023. Guowang thuộc sở hữu của China Satellite Networks thuộc chính phủ – có sứ mệnh phát triển một Starlink của Trung Quốc. Theo nhóm nghiên cứu Ifri, nó được thành lập với số vốn 10 tỷ nhân dân tệ.

Cả hai cụm vệ tinh đều chưa hoạt động. Nhưng SpaceSail đã phóng 90 vệ tinh và có vẻ đang tiến hành nhanh hơn Guowang. Dù một số vệ tinh đầu tiên của SpaceSail có vẻ thất bại, nhưng công ty này có ý định đưa hàng trăm vệ tinh vào quỹ đạo đến cuối năm nay.

Đối với Trung Quốc, hạn chế lớn nhất có vẻ là việc đưa vệ tinh vào quỹ đạo. “Họ có dây chuyền sản xuất vệ tinh đang hoạt động nhưng… họ cần những tên lửa có thể phóng thường xuyên hơn, có thể phóng nhiều vệ tinh cùng một lúc và họ thực sự cần các tầng một [của vệ tinh] có thể tái sử dụng để tiết kiệm hơn”, nhà vật lý thiên văn McDowell cho biết.

Blaine Curcio của Orbital Gateway Consulting, một chuyên gia về truyền thông vệ tinh Trung Quốc, cho biết Trung Quốc có thể mở rộng quy mô nhanh chóng một khi nới lỏng được nút thắt trong việc phóng. Họ đang phát triển các tên lửa để làm điều đó.

Gần đây, ông Curcio đã cảnh báo một ủy ban quốc hội Mỹ rằng Trung Quốc có nhiều startup và kỹ sư phát triển công nghệ vệ tinh mới nhất hơn Mỹ.

Nhưng không phải hệ thống nào cũng sẽ được đánh giá dựa trên thành công thương mại. Tính cách, những can thiệp gây tranh cãi vào chính trị quốc tế, và sự gần gũi với chính quyền Trump của ông Musk khiến một số chính phủ cảnh giác với sự thống trị của công ty ông.
 
Một tên lửa SpaceX Falcon 9 để lại vệt hơi trên San Clemente, bang California. Chi phí thấp và tần suất phóng tên lửa thường xuyên là hai trong những yếu tố dẫn đến thành công của công ty. Ảnh: Getty Images/FT.

Một tên lửa SpaceX Falcon 9 để lại vệt hơi trên San Clemente, bang California. Chi phí thấp và tần suất phóng tên lửa thường xuyên là hai trong những yếu tố dẫn đến thành công của công ty. Ảnh: Getty Images/FT.
Việc ông từ chối cấp cho quân đội Ukraine quyền truy cập vệ tinh Starlink trên Crimea cũng là một dấu hiệu đáng ngờ. “Quyền tiếp cận không gian của quốc gia đang trở nên quan trọng”, theo Lluc Palerm Serra, giám đốc nghiên cứu tại công ty tư vấn không gian Analysys Mason.

Những lo ngại này đang thúc đẩy một số chính phủ phát triển các giải pháp riêng của họ.

“Có một làn sóng công nghệ đáng kinh ngạc”, bà Cooper thuộc Constellation cho biết, ám chỉ đến sự trỗi dậy của các cụm vệ tinh LEO. “Nhưng nó cũng chủ yếu là sự thể hiện quyền lực của Mỹ đang tạo ra những cân nhắc địa chính trị ở châu Âu, Trung Quốc và những nơi khác”.

Năm ngoái, EU đã cam kết 6 tỷ euro cho dự án IRIS² trị giá 10 tỷ euro. Đây là dịch vụ băng thông rộng đa quỹ đạo nhắm vào các chính phủ và tổ chức công, dự kiến sẽ ra mắt vào khoảng năm 2030. Nhưng thời điểm này muộn hơn Kuiper 5 năm và Starlink hơn một thập kỷ.

Đài Loan, lo ngại về quan hệ của ông Musk với Trung Quốc, cũng đang lên kế hoạch cho hệ thống LEO của riêng mình. Đức và Ý cũng đang tìm hiểu về hệ thống vệ tinh quốc gia ngoài IRIS².

Những hệ thống như vậy sẽ phụ thuộc vào sự hậu thuẫn của chính phủ, cùng với những khó khăn riêng của nó. Những người chỉ trích IRIS² cho rằng dự án này đã quá phức tạp, bị đè nén bởi sự ganh đua giữa các quốc gia và bộ máy quan liêu của châu Âu. Rủi ro không chỉ là chậm trễ mà còn có thể là không có năng lực cạnh tranh về mặt thương mại.

Nhưng ở một số nơi, năng lực quốc gia đáng để trả giá. Joanna Darlington, thành viên ủy ban điều hành Eutelsat, cho biết: “Các nước châu Âu đang nhận ra rằng họ cần những giải pháp trong nước cho các vấn đề quốc gia nếu họ không muốn phụ thuộc vào Mỹ hoặc Trung Quốc”.

Các hệ thống của Trung Quốc

Riêng Trung Quốc coi sự mở rộng thần tốc của Starlink là mối đe dọa đối với cả an ninh quốc gia và kinh tế.

“Trước năm 2020, đã có một vài cụm giống OneWeb được phát triển, nhưng không quá cấp thiết”, theo ông Curcio của Orbital. “Nhưng sau khi Starlink tăng tốc từ năm 2020, chính phủ Trung Quốc đã ưu tiên internet vệ tinh là cơ sở hạ tầng cần thiết”.

Trong năm nay, viện nghiên cứu Rand của Mỹ đã công bố một nghiên cứu cho thấy cả Đảng ******** và Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc “coi Starlink là một công cụ sức mạnh quân sự”, tạo thêm động lực cho chiến lược của chính phủ. Vai trò của Starlink cung cấp khả năng kết nối cho quân đội Ukraine đang chiến đấu chống lại cuộc xâm lược của Nga đã “xác thực quan điểm [của họ]”.
Một tên lửa mang vệ tinh quỹ đạo Trái đất thấp phóng đi từ một địa điểm ở Văn Xương, tỉnh Hải Nam. Đối với Trung Quốc và các chính phủ khác, khả năng cung cấp kết nối vệ tinh là một công cụ hữu ích để gây ảnh hưởng. Ảnh: Luo Yunfei/China News Service/VCG/Reuters Connect/FT.

Một tên lửa mang vệ tinh quỹ đạo Trái đất thấp phóng đi từ một địa điểm ở Văn Xương, tỉnh Hải Nam. Đối với Trung Quốc và các chính phủ khác, khả năng cung cấp kết nối vệ tinh là một công cụ hữu ích để gây ảnh hưởng. Ảnh: Luo Yunfei/China News Service/VCG/Reuters Connect/FT.
Đối với Trung Quốc, cũng như Mỹ, khả năng cung cấp kết nối LEO là một công cụ hữu ích để gây ảnh hưởng. Theo ông Curcio, SpaceSail dường như là phương tiện cho cái gọi là con đường tơ lụa kỹ thuật số – bổ sung vào Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, một chương trình cơ sở hạ tầng trị giá hàng nghìn tỷ USD. Ngược lại, Guowang có thể sẽ tập trung vào thị trường trong nước.

Trong những tháng gần đây, SpaceSail đã đạt được các thỏa thuận tại những nước tham gia Vành đai và Con đường như Malaysia, nơi nhà khai thác vệ tinh trong nước MeaSat là một trong những đối tác phân phối đầu tiên của Starlink.

Thỏa thuận của MeaSat cho thấy lợi thế mà các hệ thống Trung Quốc có thể có so với Starlink. Thỏa thuận giữa họ với công ty Trung Quốc còn đi xa hơn quan hệ với Starlink, bao gồm đồng tiếp thị, nghiên cứu và phát triển, hợp tác ở các thị trường mới và nghiên cứu về các tần số tiên tiến có thể được dùng trong tương lai để truyền nhiều dữ liệu hơn.

Ông Curcio cho biết cách tiếp cận như vậy sẽ “có lợi cho Trung Quốc ở một số quốc gia vì họ đang chơi trò chơi dài hơi hơn”. Châu Phi nói riêng có thể mở cửa cho các giao dịch như vậy, theo một số chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, các nhà cung cấp Trung Quốc có thể tập trung chào giá thấp hơn ở những thị trường mới nổi, nơi thiết bị thu của Starlink vẫn có thể tương đối đắt.

“Mục tiêu của họ không nhất thiết là vì lợi nhuận”, theo Larry Wortzel, thành viên cấp cao về an ninh châu Á tại một viên nghiên cứu chính sách đối ngoại ở Mỹ. “Chúng nhằm tạo ra các mạng lưới phụ thuộc cho vốn, tiêu chuẩn và thiết bị trong cơ sở hạ tầng”.

Chiến lược của Trung Quốc đã khiến nhiều người ở Mỹ lo ngại. “Mối nguy trong tương lai là sự kết hợp giữa Sáng kiến Vành đai và Con đường với hệ thống vệ tinh LEO tốc độ cao”, ông Carr của FCC cho biết. “Điều đó có những tác động địa chính trị rất nghiêm trọng. Đó là lý do tại sao bắt buộc phải phá bỏ mọi rào cản làm chậm công nghệ vệ tinh phương Tây”.

Phá bỏ rào cản

Chưa đầy 6 tháng sau khi nhậm chức, ông Carr đã bắt đầu phá bỏ một số rào cản đó bằng cách nới lỏng những quy định.

Vào ngày Kuiper được phóng, FCC thông báo ý định nới lỏng các giới hạn công suất đối với đường truyền LEO ở Mỹ. Các giới hạn này nhằm tránh nhiễu với các vệ tinh quỹ đạo địa tĩnh. Việc nâng giới hạn sẽ giúp tất cả các nhà khai thác LEO tăng tốc độ và xử lý nhiều kết nối hơn.

Nhưng hệ thống bị hạn chế nhiều nhất bởi các giới hạn này là Starlink, theo Tim Farrar thuộc công ty tư vấn TMF Associates. “Việc nới lỏng các giới hạn sẽ cho phép Starlink tiến xa hơn nữa và giúp giảm chi phí nhờ quy mô hơn nữa”.
Một hệ thống internet vệ tinh Starlink trong bao bì tại hạt Santa Fe, bang New Mexico. Tính cách và sự can thiệp của ông Musk vào chính trị khiến một số chính phủ cảnh giác với sự thống trị của công ty ông. Ảnh: Bloomberg/FT.

Một hệ thống internet vệ tinh Starlink trong bao bì tại hạt Santa Fe, bang New Mexico. Tính cách và sự can thiệp của ông Musk vào chính trị khiến một số chính phủ cảnh giác với sự thống trị của công ty ông. Ảnh: Bloomberg/FT.
Tuy nhiên, hầu hết những người mới tham gia không cố gắng bắt kịp quy mô của Starlink. Thay vào đó, họ nhắm vào các thị trường chính phủ hoặc doanh nghiệp có biên lợi nhuận cao.

“Tôi không nghĩ về việc bắt kịp hay vượt họ”, ông Goldberg của Telesat cho biết. “Họ bỏ xa những người khác. Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng vẫn còn chỗ cho những người khác thành công”, ông nói thêm, lưu ý một thỏa thuận gần đây với công ty truyền thông Mỹ Viasat để cung cấp kết nối Lightspeed cho khách hàng hàng không.

Một cổ đông của Eutelsat tin rằng OneWeb có thể thành công dù chỉ bán một phần nhỏ so với công suất của Starlink cho những người muốn đa dạng hóa dịch vụ. “Mọi người sẽ vẫn cần một phần nhỏ công suất để có dự phòng”, cổ đông yêu cầu được giấu tên này nói. “Có một thị trường cho nhu cầu đó – với mức giá cao hơn nhiều”.

Tuy nhiên, Starlink đang và Kuiper cũng sẽ nhắm đến các thị trường doanh nghiệp và chính phủ này, với những bộ thu rẻ hơn.

Kuiper dự định cung cấp một dịch vụ giới hạn trong năm nay. Các chuyên gia trong ngành kỳ vọng Kuiper sẽ cung cấp dịch vụ trên toàn cầu vào năm 2029.

Chưa có nhiều thông tin về mô hình kinh doanh dự định của họ. Nhưng một cựu giám đốc Amazon nói với Financial Times rằng mục tiêu là “chất lượng tốt hơn và giá thấp hơn SpaceX”.

Công ty cũng có thể tận dụng Amazon Web Services – dịch vụ điện toán đám mây và lưu trữ lớn nhất thế giới – để cung cấp trọn gói lưu trữ và kết nối.

Nhưng lợi thế lớn nhất của Amazon có thể là mạng lưới bán lẻ toàn cầu của họ, theo các nhà quan sát. “[Bezos] có thể gửi cho tất cả những người đăng ký Amazon Prime một laptop tự động kết nối với vệ tinh của ông ấy và chỉ sau một đêm, sẽ có 200 triệu cá nhân đăng ký”, theo Ruth Pritchard-Kelly, chuyên gia tại công ty tư vấn RPK Advisors và một cựu giám đốc tại OneWeb. “Đó là con át chủ bài trong tay áo của ông ấy”.

Nhưng Kuiper vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Không giống như SpaceX, một công ty sở hữu nội bộ, Amazon là doanh nghiệp niêm yết công khai nên sẽ phải cho thấy lợi nhuận từ khoản đầu tư vào Kuiper.

Một người phụ nữ đi qua một tấm biển quảng cáo WiFi Starlink ở Myanmar. Công ty cung cấp kết nối băng thông rộng cho hơn 5 triệu khách hàng ở 125 quốc gia. Ảnh: LightRocket/Getty Images/FT.

Một người phụ nữ đi qua một tấm biển quảng cáo WiFi Starlink ở Myanmar. Công ty cung cấp kết nối băng thông rộng cho hơn 5 triệu khách hàng ở 125 quốc gia. Ảnh: LightRocket/Getty Images/FT.
Amazon cũng bị trì hoãn sản xuất, cản trở việc triển khai Kuiper, theo một người quen thuộc với vấn đề. Nhưng công ty khẳng định đang đi đúng hướng và đã lên lịch hơn 80 lần phóng vệ tinh Kuiper trong 5 năm. Tuy nhiên, một số lần phóng được thực hiện bằng tên lửa mới, vẫn phải chứng minh rằng chúng có khả năng phóng thường xuyên và đáng tin cậy.

Các thách thức đã khiến Amazon chậm tiến độ ban đầu. Gần như chắc chắn công ty sẽ phải yêu cầu FCC gia hạn thời hạn tháng 7/2026 để phóng một nửa số vệ tinh của họ. Trong khi đó, SpaceX đang đưa vệ tinh vào quỹ đạo hàng tuần.

Một số người trong ngành tin rằng Starlink có thể có 18 tháng đến 2 năm trước khi Amazon hoàn thiện các dịch vụ của mình. Nhưng một khi có mặt trên thị trường, Amazon sẽ tiến nhanh, theo các nhà quan sát ngành.

“Amazon biết cách tạo ra các sản phẩm tiêu dùng. Họ có văn hóa dịch vụ khách hàng mà SpaceX không có”, một cựu nhân viên khác của SpaceX cho biết.

Caleb Henry, giám đốc nghiên cứu tại Quilty, tin rằng Amazon sẽ trở thành đối thủ đáng gờm. “Amazon có tài chính và công nghệ”, ông nói. “Kuiper dự định sản xuất hàng chục triệu thiết bị thu. Khi bạn đạt đủ số lượng, đó là lúc bạn giảm giá thiết bị thu xuống mức phải chăng cho người tiêu dùng. Khi bạn đạt được mức giá phù hợp cho người tiêu dùng, thị trường của bạn sẽ bùng nổ”.

Mặc dù cuộc chiến trực diện giữa Amazon và Starlink có thể đem đến lợi ích cho người tiêu dùng, nó có thể gây căng thẳng lên ngành truyền thông vệ tinh LEO nói chung, ông Farrar của TMF cảnh báo.

“Sẽ có một cuộc chiến giá”, ông nói. “Elon Musk chưa bao giờ thực sự quan tâm đến lợi nhuận kinh tế. Nếu bạn có một đối thủ có lý trí kinh tế như Amazon, cạnh tranh với một đối thủ phi lý kinh tế như Starlink, thì bạn biết điều gì sẽ xảy ra. Sẽ có phá sản”.

Theo:

https://www.ft.com/content/b635423f-e721-454c-b75c-98d0ad8fedf1
 

Có thể bạn quan tâm

Top