Don Jong Un
Thôi vậy thì bỏ

Hệ thống vệ tinh của Elon Musk thống trị cuộc chiến giành tương lai của kết nối mạng toàn cầu. Amazon và các đối thủ Trung Quốc đang nỗ lực đuổi theo.
Sau nhiều năm nỗ lực và vài lần trì hoãn thất vọng, giấc mơ của Amazon cung cấp internet tốc độ cao đến những nơi xa xôi nhất trên Trái đất đã được “phóng lên” vào tháng trước.Vào một buổi tối tháng 4, tên lửa Atlas V của United Launch Alliance đã rời bệ phóng tại Cape Canaveral, bang Florida, mang theo những vệ tinh vận hành đầu tiên thuộc Dự án Kuiper, mạng băng thông rộng mới của Amazon.
Chỉ trong vài phút, tên lửa đã đạt tốc độ hơn 6.400 km/giờ, đưa 27 vệ tinh Kuiper lên độ cao 450 km trên mặt đất. Từ đó, chúng sẽ bay lên quỹ đạo cuối cùng ở độ cao 630 km.
Việc triển khai thành công Kuiper không chỉ là sự ra đời của một nhà cung cấp dịch vụ internet mới. Nó cũng là phát súng mở màn cho cuộc chiến giành tương lai của kết nối mạng toàn cầu – giữa nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos và Elon Musk, người điều hành công ty SpaceX sở hữu hệ thống Starlink.
Nhưng hai ông lớn công nghệ này cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các cường quốc toàn cầu như Trung Quốc và EU, trong cuộc đua giành quyền kiểm soát cơ sở hạ tầng trên không gian sẽ ảnh hưởng đến sức mạnh kinh tế, quân sự và kỹ thuật số. Cuộc cạnh tranh này có thể xác định sự phân chia trong tương lai giữa một số quốc gia theo hệ thống phương Tây và một số khác theo mạng lưới của Trung Quốc bị kiểm soát chặt chẽ.

Một tên lửa Atlas V của United Launch Alliance phóng từ Florida vào tháng trước với các vệ tinh thuộc Dự án Kuiper. Các doanh nghiệp, chính phủ và quân đội đang chạy đua để khai thác tiềm năng của không gian. Ảnh: Reuters/FT.
“Chúng ta đang ở trong cuộc chạy đua không gian toàn cầu sẽ có những hậu quả rất đáng kể về mặt cơ hội kinh tế, khả năng kết nối… và an ninh quốc gia”, theo Brendan Carr, chủ tịch Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC).
Cuộc cạnh tranh đang diễn ra ở quỹ đạo Trái đất thấp (LEO), một trong những khu vực không gian cạnh tranh gay gắt nhất, trên mặt đất tối đa 2.000 km.
10 năm trước, đây là khu vực dành riêng cho các vệ tinh quan sát Trái đất, khoa học và quân sự, các nhà cung cấp điện thoại vệ tinh, với khoảng 1.300 thiết bị vũ trụ hoạt động trên quỹ đạo. Bây giờ, nhờ các tên lửa Falcon có thể tái sử dụng của SpaceX, có hơn 11.000 vệ tinh hoạt động, hỗ trợ mọi thứ từ theo dõi thời tiết đến kết nối băng thông rộng.
Các chuyên gia dự đoán rằng số vệ tinh trong LEO sẽ tăng lên tới 100.000 trong thập kỷ tới, khi các công ty, chính phủ và quân đội chạy đua khai thác tiềm năng của không gian vũ trụ mới.
Nhưng nhu cầu kết nối mãnh liệt của thế giới mới chính là lý do thúc đẩy sự bùng nổ của thị trường LEO.
Do gần Trái đất hơn, các hệ thống LEO có độ trễ (thời gian tín hiệu truyền từ Trái đất đến vệ tinh và ngược lại) thấp hơn so với vệ tinh địa tĩnh. Loại vệ tinh này thường được dùng để phát sóng, có quỹ đạo cao hơn nhiều ở độ cao khoảng 36.000 km.
Dự án Kuiper chỉ là một trong số nhiều đối thủ đang cạnh tranh để giành thị phần trong lĩnh vực kinh doanh đang bùng nổ này. 8 công ty hàng đầu được cấp phép hơn 50.000 vệ tinh. Riêng Starlink đã được cho phép vận hành 12.000 vệ tinh, theo công ty tư vấn không gian Analysys Mason.
Những công ty khác bao gồm OneWeb của Eutelsat, mạng LEO lớn thứ hai thế giới, đang tìm cách phục vụ thị trường chính phủ và doanh nghiệp với cụm 648 vệ tinh.
Telesat của Canada đang phát triển Lightspeed, sẽ có khoảng 200 thiết bị, cũng tập trung vào thị trường chính phủ và doanh nghiệp có biên lợi nhuận cao hơn. Những người chơi khác đang đề xuất các cụm vệ tinh chuyên kết nối điện thoại di động ở những khu vực mà các tháp sóng di động không thể tiếp cận được.
Ít nhất hai hệ thống đang được Trung Quốc phát triển – Guowang và SpaceSail – đề xuất phóng tổng cộng khoảng 26.000 vệ tinh.
Nhưng tất cả các hệ thống này sẽ phải cạnh tranh với Starlink của ông Musk, thế lực thống trị cho đến nay.
Kể từ năm 2019, ông Musk đã phóng hơn 8.417 vệ tinh – chiếm 39% tổng số vệ tinh được phóng trong lịch sử loài người. Starlink có khoảng 7.300 vệ tinh đang hoạt động, chiếm gần 2/3 tổng số phương tiện vũ trụ đang hoạt động, theo Jonathan McDowell, nhà vật lý thiên văn và sử gia về bay vũ trụ.
Thành công của Starlink bắt nguồn từ những năng lực chỉ SpaceX có: phóng Falcon 9 thường xuyên với chi phí thấp, một cơ sở sản xuất được hơn 8 vệ tinh mỗi ngày, theo công ty tư vấn Quilty Space; văn hóa đổi mới sáng tạo thần tốc; và nguồn tài chính dồi dào từ ông chủ tỷ phú.
Dự án cũng ưu tiên khả năng sử dụng và giá cả, nhắm vào thị trường tiêu dùng số lượng lớn với các ăng-ten nhỏ nhưng cực kỳ phức tạp, có giá vài trăm USD.
Những ăng-ten phẳng, to bằng máy tính xách tay này có thể tự động căn chỉnh với các vệ tinh bay nhanh trên bầu trời. Ban đầu, chúng được ước tính có giá thành khoảng 2.000 USD và SpaceX phải bán dưới giá thành để thu hút người dùng. Nhưng tốc độ sao chép và mở rộng siêu nhanh, với khoảng 2 lần phóng mỗi tuần, đã tạo ra quy mô đủ để giảm chi phí.
“Starlink linh hoạt hơn vì họ có thể thêm những thứ mới vào cụm ban đầu mà chỉ cần điều chỉnh tương đối nhỏ”, theo Patricia Cooper, người sáng lập Constellation Advisory và cựu phó chủ tịch phụ trách các vấn đề pháp lý tại SpaceX. “Họ có cả dây chuyền sản xuất và máy phóng. Đó là siêu năng lực của họ”.
Sự thống trị của Starlink
Tốc độ và khả năng đổi mới của Starlink tạo ra một hệ thống mà ngay cả các đối thủ cạnh tranh cũng khó tìm ra lỗi.
“Đây là một mạng lưới tốt và sẽ ngày càng tốt hơn theo thời gian”, Tổng giám đốc của Telesat, Dan Goldberg, nhận xét.
Hiện nay, Starlink đang cung cấp kết nối băng thông rộng độ trễ thấp cho hơn 5 triệu khách hàng ở 125 quốc gia và dự kiến sẽ tạo ra 12 tỷ USD doanh thu và 2 tỷ USD dòng tiền tự do trong năm nay, theo Quilty. Cuối cùng, công ty đặt mục tiêu đưa hơn 40.000 vệ tinh lên quỹ đạo.

Nguồn: Quilty Space. 2024 và 2025 là ước tính. Biểu đồ: FT.
Với khoảng cách như vậy, thách thức đối với các đối thủ cạnh tranh là rất lớn. Đầu tiên, các cụm LEO rất đắt. Theo ước tính của Quilty, Amazon sẽ cần chi từ 16 tỷ đến 20 tỷ USD để xây dựng Kuiper.
Vệ tinh cũng cần phải thay thế sau mỗi 5-7 năm, làm tăng thêm chi phí. Eutelsat phải đối mặt với hóa đơn 2 tỷ euro để nâng cấp OneWeb, nguồn tiền có thể phải dựa vào cổ đông nhà nước Pháp. Phải nhờ đến khoản vay 2,14 tỷ dollar Canada từ chính phủ Canada, Telesat mới có thể trả cho khoản đầu tư Lightspeed.
Tài chính không phải là vấn đề đối với các hệ thống Trung Quốc. Ví dụ, SpaceSail được chính quyền thành phố Thượng Hải và Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc hỗ trợ mạnh mẽ, đã huy động được gần 1 tỷ USD vào năm 2023. Guowang thuộc sở hữu của China Satellite Networks thuộc chính phủ – có sứ mệnh phát triển một Starlink của Trung Quốc. Theo nhóm nghiên cứu Ifri, nó được thành lập với số vốn 10 tỷ nhân dân tệ.
Cả hai cụm vệ tinh đều chưa hoạt động. Nhưng SpaceSail đã phóng 90 vệ tinh và có vẻ đang tiến hành nhanh hơn Guowang. Dù một số vệ tinh đầu tiên của SpaceSail có vẻ thất bại, nhưng công ty này có ý định đưa hàng trăm vệ tinh vào quỹ đạo đến cuối năm nay.
Đối với Trung Quốc, hạn chế lớn nhất có vẻ là việc đưa vệ tinh vào quỹ đạo. “Họ có dây chuyền sản xuất vệ tinh đang hoạt động nhưng… họ cần những tên lửa có thể phóng thường xuyên hơn, có thể phóng nhiều vệ tinh cùng một lúc và họ thực sự cần các tầng một [của vệ tinh] có thể tái sử dụng để tiết kiệm hơn”, nhà vật lý thiên văn McDowell cho biết.
Blaine Curcio của Orbital Gateway Consulting, một chuyên gia về truyền thông vệ tinh Trung Quốc, cho biết Trung Quốc có thể mở rộng quy mô nhanh chóng một khi nới lỏng được nút thắt trong việc phóng. Họ đang phát triển các tên lửa để làm điều đó.
Gần đây, ông Curcio đã cảnh báo một ủy ban quốc hội Mỹ rằng Trung Quốc có nhiều startup và kỹ sư phát triển công nghệ vệ tinh mới nhất hơn Mỹ.
Nhưng không phải hệ thống nào cũng sẽ được đánh giá dựa trên thành công thương mại. Tính cách, những can thiệp gây tranh cãi vào chính trị quốc tế, và sự gần gũi với chính quyền Trump của ông Musk khiến một số chính phủ cảnh giác với sự thống trị của công ty ông.