Chuoito011
Chúa tể đa cấp
Ngày 28/4/1975, từ sân bay Thành Sơn (Phan Rang), Phi đội Quyết Thắng của quân giải phóng đã sử dụng 5 chiếc máy bay ném bom A-37 - chiến lợi phẩm thu được của quân đội Việt Nam cộng hòa (VNCH) tại hai sân bay Đà Nẵng, Phù Cát bay thẳng vào Sài Gòn tấn công cứ điểm sân bay Tân Sơn Nhất - mục tiêu quân sự quan trọng và bẻ gãy hoàn toàn ý đồ “tử thủ” của một số tướng lĩnh chính quyền Sài Gòn.
Dùng máy bay địch đánh địch
Đầu tháng 4, chúng tôi có mặt trên công trường xây dựng Nhà ga T3 Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Bất chấp tiết trời nắng nóng như đổ lửa, nhiều kỹ sư, công nhân vẫn hối hả làm việc nhằm đảm bảo tiến độ khánh thành nhà ga vào dịp lễ 30/4 tới.
Đại diện Ban điều hành dự án nhà ga T3 cho biết, hiện tại, các hạng mục quan trọng như kết cấu kiến trúc, mái nhôm, vách kính đã hoàn thành 100%. Các công đoạn còn lại như lát sàn, hệ thống điện, điều hòa, phòng cháy chữa cháy, băng chuyền, cầu dẫn, cầu ống đã được lắp đặt hoàn chỉnh và đang trong quá trình kiểm định vận hành. Các đơn vị đang “chạy nước rút”, dự kiến vào ngày 17/4, những chuyến bay thử đầu tiên sẽ được thực hiện và đến ngày 24/4, nhà ga T3 sẽ khai thác những chuyến bay chính thức.
Sân bay Tân Sơn Nhất từng là cứ điểm quan trọng của chính quyền Sài Gòn, tập trung nhiều máy bay quân sự, vũ khí hiện đại và cũng là nơi xuất phát của nhiều chuyến bay ném bom miền Bắc. Vì vậy, sân bay Tân Sơn Nhất luôn là mục tiêu tấn công của quân giải phóng trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là trong giai đoạn cuối chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử nhằm bẻ gãy sức kháng cự của địch, hỗ trợ các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Từ Đễ (nguyên Phó cục trưởng Cục Quân huấn Bộ Quốc phòng) là một trong những phi công đã tham gia trận đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất cuối tháng 4/1975. Ông cho biết: cuối tháng 3/1975, quân ta giải phóng TP Đà Nẵng, chiếm sân bay và thu được 17 máy bay tiêm kích A-37 do Mỹ chế tạo. Bộ Tổng tư lệnh và Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân đã chỉ đạo sửa chữa những chiếc máy bay này để thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt là tấn công địch bằng chính vũ khí thu được của họ”.
Ông Từ Đễ và một số phi công được lệnh vào Đà Nẵng để tham gia huấn luyện lái tiêm kích A-37. Cuối tháng 4/1975, khi chiến dịch Hồ Chí Minh bước vào giai đoạn quyết định, Bộ Tổng tư lệnh đã đưa ra quyết định dùng máy bay thu được của địch để ném bom phá hủy các máy bay chiến đấu và kho đạn trong sân bay Tân Sơn Nhất .
16 giờ 25 phút ngày 28/4/1975, Phi đội Quyết Thắng gồm các phi công Nguyễn Văn Lục, Nguyễn Thành Trung, Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng và Trần Văn On được lệnh xuất kích từ Phan Rang. Để giữ bí mật, các phi công được lệnh bay ở độ cao khoảng 400 mét, chỉ được dùng ám hiệu, không sử dụng vô tuyến điện. Nhiệm vụ bí mật đến mức khi Phi đội Quyết Thắng bay qua khu vực Phan Thiết, nhiều đơn vị quân giải phóng tưởng máy bay địch kéo đến nên nổ súng bắn vào đội hình.




Hôm ấy trời nhiều mây mù nhưng may mắn là khi vừa bay qua sông Sài Gòn thì trời quang mây. Cả phi đội Quyết Thắng dễ dàng đánh trúng các mục tiêu và rút lui an toàn. Cuộc tấn công vào sân bay Tân Sơn Nhất với 18 quả bom được ném xuống đã phá hủy 24 máy bay các loại khiến cầu hàng không di tản tại sân bay bị tê liệt, gây chấn động chính giới Mỹ và Sài Gòn, đè bẹp ý đồ “tử thủ” của một số tướng lĩnh ngoan cố, góp phần tạo ra bước ngoặt quan trọng trong giai đoạn cuối của Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Sân bay Tân Sơn Nhất trước 1975. Ảnh tư liệu.
Chỉ một ngày sau thời khắc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh, một chiếc trực thăng Mi-6 mang phù hiệu Không quân nhân dân Việt Nam đã hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất, đánh dấu sự chuyển mình từ một cứ điểm quân sự trở thành sân bay dân dụng sau ngày đất nước thống nhất.
Cánh chim đầu đàn
Đại tá Phan Tương (nguyên Giám đốc sân bay Tân Sơn Nhất) từng nói rằng trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng đã thành lập Bộ Tư lệnh tiếp quản với nhiệm vụ tiếp quản các căn cứ không quân, sân bay sau khi các quân đoàn, sư đoàn chủ lực đánh chiếm.
Ngày 1/5/1975, tại sân bay Biên Hoà, ông Tương đã được tướng Lê Trọng Tấn giao nhiệm vụ tổ chức quản lý và phục hồi hoạt động Tân Sơn Nhất. Khi đến Tân Sơn Nhất, ông Tương nhận thấy cơ sở vật chất của sân bay còn tương đối nguyên vẹn, từ đường băng, đài chỉ huy, kho xăng dầu, xưởng sửa chữa máy bay… Tuy nhiên trong sân bay hoàn toàn không hoạt động vì không có người, chỉ có những chiến sĩ tiếp quản đang làm nhiệm vụ bảo vệ. Ban quân quản quyết định kêu gọi những cán bộ, công nhân phục vụ sân bay của chính quyền VNCH trở lại làm việc.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng gặp mặt đồng chí Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Thọ tại sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 15/5/1975. Ảnh tư liệu.

Sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay.
Ngày 2/5, ông Tương đã đến Đài phát thanh Sài Gòn, kêu gọi những người đã làm việc ở sân bay Tân Sơn Nhất hãy đến ghi danh tại nhà ga quốc nội. Ngày 3/5, chiếc máy bay vận tải llyushin thuộc Lữ đoàn 919 đã chở đoàn cán bộ và phương tiện kỹ thuật hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất, tăng cường công tác đảm bảo kỹ thuật phục vụ các chuyến bay thường lệ đi và đến Tân Sơn Nhất.
Bằng sự nỗ lực, chỉ 12 ngày sau, 4 chiếc máy bay vận tải dân dụng vừa mới tiếp quản đã chính thức đi vào hoạt động với đường bay kết nối Sài Gòn - Hà Nội. Một số đường bay khác như Đà Nẵng, Buôn Mê Thuột, Nha Trang, Đà Lạt, Cần Thơ… cũng bắt đầu hoạt động trở lại. Cùng ngày hôm đó, Tân Sơn Nhất đã vinh dự đón chiếc máy bay llyushin chở Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Sài Gòn để dự lễ mừng chiến thắng.
Tân Sơn Nhất nhanh chóng được chuyển đổi mục đích sử dụng, trở thành sân bay quốc tế chính của khu vực phía Nam. Những năm đầu đổi mới, khi nền kinh tế mở cửa và hội nhập, nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không tăng nhanh khiến sân bay ngày càng quá tải. Để đáp ứng yêu cầu, nhiều hạng mục đã được đầu tư nâng cấp và xây mới.
Từ một cứ điểm quân sự, Tân Sơn Nhất hôm nay đã chuyển mình, trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam và nằm trong danh sách nhóm 50 sân bay có lượng khách nhiều nhất thế giới.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành hàng không và TPHCM, Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch mở rộng và tăng cường giải pháp nâng cao năng lực khai thác của sân bay Tân Sơn Nhất nhằm đáp ứng mục tiêu đến năm 2030, sân bay có thể phục vụ 50 triệu hành khách mỗi năm. Các giải pháp bao gồm đầu tư xây dựng nhà ga T3, sân đỗ mới, nâng cấp hạ tầng giao thông, ứng dụng công nghệ... Ông Nguyễn Tiến Việt - Phó Tổng giám đốc phụ trách ACV, cho biết nhà ga T3 là một trong hai công trình do ACV triển khai, có công suất 20 triệu hành khách/năm áp dụng công nghệ, trang thiết bị mới, hiện đại bậc nhất trong các sân bay tại Việt Nam.
(Còn nữa)