

Nguồn hình ảnh,Getty Images/BBC
Chụp lại hình ảnh,Nếu chính quyền tiếp tục cho rằng người dân đã "nhờn luật", đặc biệt là với lý do phạt quá nhẹ, việc tiếp tục gia tăng tiền phạt là hoàn toàn có thể
một giờ trước
"Tôi thấy mức phạt tiền tối đa hiện hành, kể cả Nghị định 168 của Chính phủ là chưa đủ sức răn đe. Cần phải điều chỉnh tăng mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực liên quan an ninh, trật tự".
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân, đoàn Đắk Lắk, hiện là Thiếu tướng, phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, cho rằng bất cập lớn nhất hiện nay liên quan đến mức xử phạt tiền, theo lời phát biểu của bà tại tổ thảo luận Quốc hội chiều 16/5 về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Bà Xuân cho rằng nếu mức tiền phạt nhỏ, thì người tham gia sẽ sẵn sàng vi phạm.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực giao thông đường bộ, mức phạt tiền tối đa theo luật hiện hành đang là 75 triệu đồng, tuy nhiên, theo bà Xuân, tình trạng người tham gia giao thông "nhờn" luật, cố tình vi phạm luật vẫn diễn ra phổ biến.
Vì vậy, với lĩnh vực giao thông, đường sắt, đường thủy nội địa, bà Xuân đề nghị nâng mức phạt tối đa từ 75 triệu đồng hiện nay lên 200 triệu đồng.
Cũng tại buổi thảo luận này, đại biểu Trần Thị Vân, đoàn Bắc Ninh, cho rằng tiền phạt hiện tại "đã cao và đủ sức răn đe" và ý thức của người dân đã được tăng cao.
Theo bà Vân, khi người dân đã "thấm nhuần rồi, nhận thức được nâng cao rồi" thì cần điều chỉnh mức phạt để phù hợp với thu nhập cũng như giá trị tài sản mà người dân sử dụng khi gây ra vi phạm.
Đã có nhiều trường hợp bỏ luôn phương tiện sau khi vi phạm do mức phạt còn cao hơn giá trị phương tiện.
Tuy nhiên, theo hai video quay cảnh hai đại biểu Quốc hội này đưa ra ý kiến được đăng trên Thanh Niên, bà Xuân và bà Vân đều không đưa ra con số hay thống kê nào để chứng minh luận điểm của mình, dù là việc "chưa đủ răn đe" hay việc "ý thức người dân đã nâng cao".
Tuy nhiên, theo quan sát của BBC News Tiếng Việt, trên các trang mạng xã hội, tỷ lệ chỉ trích ý kiến của bà Xuân cao hơn nhiều tỷ lệ chỉ trích ý kiến của bà Vân.
Đại biểu kiêm nhiệm như bà Xuân, vừa là đại biểu vừa thuộc ngành công an, có thể bị đánh giá là có xung đột lợi ích khi đưa ra những đề xuất có lợi cho ngành của bà.

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,"Để răn đe" hoặc "chữa bệnh nhờn luật" là những cụm từ chính quyền Việt Nam thường xuyên sử dụng khi nói tới những hình phạt và tình trạng vi phạm pháp luật trong nước
Trước đó, liên quan tới vấn đề này, Chính phủ đã rút đề xuất tăng mức phạt giao thông tối đa từ 75 triệu lên 150 triệu khỏi dự thảo luật trình Quốc hội vào ngày 15/5.
Thay vào đó, đề xuất chỉ cho phép Hà Nội và khu vực nội thành các thành phố trực thuộc Trung ương được tăng mức phạt lên gấp đôi, trong đó có lĩnh vực giao thông đường bộ.
"Để răn đe" hoặc "chữa bệnh nhờn luật" là những cụm từ chính quyền Việt Nam thường xuyên sử dụng khi nói tới những hình phạt và tình trạng vi phạm pháp luật trong nước.
Nói với BBC News Tiếng Việt vào ngày 20/5 từ Hà Nội, Luật sư Trần Đại Lâm nhận định rằng việc cho rằng người dân đã "nhờn luật" và cần gia tăng mức xử phạt là tư duy làm luật thiên về hướng truy xét, phát hiện và xử phạt.
"Trong khi đó tư duy pháp lý, quản trị hiện đại nên tập trung theo hướng chủ động để phòng ngừa vi phạm ngay từ ban đầu," ông nêu.
Do dân và vì dân?
Theo định nghĩa của một bài viết đăng trên Bạc Liêu Online – thuộc quản lý của Tỉnh ủy Bạc Liêu – "nhờn luật" là khi có quy định của pháp luật nhưng lại không được áp dụng hoặc áp dụng không nghiêm, dẫn đến việc người dân không sợ, cơ quan thực thi pháp luật cũng lơ là, không làm hết trách nhiệm.Cụm từ "nhờn luật" không phải chỉ được dùng trong lĩnh vực giao thông.
Những lĩnh vực khác như quảng cáo sai sự thật, đánh bắt thủy hải sản các loại ngư cụ tận diệt, hút thuốc lá nơi công cộng, xây cao ốc sai phép, khu du lịch không phép mở cửa… cũng được cho là có tình trạng "nhờn luật" hoặc là những biểu hiện của tình trạng ấy.
Liên quan đến việc vi phạm giao thông, đầu tháng 4/2025, Cục cảnh sát Giao thông thông báo rằng sau ba tháng thực thi Nghị định 168, số vi phạm đã giảm 31,9% so với cùng kỳ, nhưng cũng đồng thời cảnh báo có tình trạng "nhờn luật".
"Một bộ phận nhỏ người tham gia giao thông có dấu hiệu không chấp hành quy định, dù đã biết các chế tài xử phạt đã được tăng nặng theo nghị định 168", đại diện đơn vị này giải thích tại sao lại nói có tình trạng "nhờn luật", theo Tuổi Trẻ Online.
Không rõ cách định nghĩa và đo lường hiện tượng "nhờn luật" ra sao, đặc biệt là khi đại diện Cục cảnh sát Giao thông cho rằng chỉ "một bộ phận nhỏ" có dấu hiệu không chấp hành quy định.
Năm 2024, mục Góc nhìn của VOV Giao thông có bài viết "Đừng để 'nhờn' luật vì không bị phạt", trong đó đề cập đến việc xử lý vi phạm mô tô, xe gắn máy đi vào đường cấm, vào cao tốc. Bài viết này khẳng định rằng nếu người tham gia giao thông nhận thấy vi phạm là bị phạt thì "tự khắc ý thức của họ sẽ được nâng lên" và tránh được tình trạng "nhờn luật".
Phạt nguội xe máy cũng được coi là một biện pháp hạn chế "nhờn luật", theo VOV vào tháng 2/2025.
Năm 2022, Báo Thời nay, một ấn phẩm Báo Nhân Dân, cũng có bài viết đề cập tới một số vi phạm giao thông, rồi kết luận nếu không xử lý sớm thì sẽ dẫn tới tình trạng "nhờn luật".
"Theo quan điểm của tôi, việc đánh giá dân chúng chưa tuân thủ pháp luật phải dựa trên các yếu tố bao gồm:
- Mức độ tái phạm hành vi sau khi đã bị xử phạt
- Thái độ hợp tác hay chống đối khi bị kiểm tra, xử lý hành chính
- Ý thức tuân thủ tự nguyện, chứ không chỉ vì sợ bị phạt.
Và nếu chính quyền tiếp tục cho rằng người dân đã "nhờn luật", đặc biệt là với lý do phạt quá nhẹ, việc tiếp tục gia tăng tiền phạt là hoàn toàn có thể.
Chưa đủ răn đe hay do chính quyền?
Từ khi Nghị định 168 có hiệu lực vào 1/1/2025, chính quyền chưa công bố báo cáo chi tiết nào để đánh giá đầy đủ tác động của Nghị định 168 – một ví dụ điển hình cho việc tăng nặng xử lý vi phạm khi mức xử phạt được cho là quá cao so với thu nhập bình quân của lao động người Việt (7,7 triệu đồng/tháng, theo công bố của Tổng cục Thống kê Quý 4/2024).Xét tới việc mức phạt cao như vậy mà vẫn chưa đủ răn đe, người dân chưa sợ, như đánh giá của Đại biểu Nguyễn Thị Xuân thì "mức tiền phạt có tăng tới 1-2 tỉ đồng nhưng không kèm cơ chế, giám sát, thực thi thì vẫn xảy ra tình trạng người dân không tuân thủ luật do cơ chế chưa bịt được lỗ hổng 'mãi lộ' để bỏ qua vi phạm," theo Luật sư Lâm.
Ông cho rằng đây là một "vấn đề nan giải" và sẽ không giải quyết được nếu không có cơ chế giám sát, phản biện và phương thức để người dân tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Ở Việt Nam, hiện tượng "đút lót", hay còn gọi là "mãi lộ", cho cảnh sát giao thông đã tồn tại nhiều năm qua. Do đó, ngay cả khi mức phạt vi phạm gia tăng, không thể loại trừ trường hợp người dân chọn cách "đút lót" để tránh bị phạt tiền hoặc bị thu giữ phương tiện giao thông, hoặc cả hai, theo quy định pháp luật.
Liên quan tới vấn đề này, vào tháng 10/2024, Bộ Công an đã bãi bỏ quy định về việc người dân giám sát cảnh sát giao thông bằng thiết bị ghi âm, ghi hình, đồng thời giảm bớt nội dung lực lượng công an phải công khai khi thực hiện nhiệm vụ.
Việc này được đánh giá sẽ gây khó khăn cho quy trình giám sát của người dân, đặc biệt là không còn "bằng chứng" nếu có sai phạm xảy ra trong quá trình làm việc.
"Trong khi đó những vấn đề tồn tại dai dẳng chưa được giải quyết rốt ráo như biển báo rối rắm, cơ sở hạ tầng xuống cấp, lực lượng thực thi công vụ chưa gương mẫu, tham nhũng thì rất dễ dẫn tới tư duy đổ lỗi cho người dân," Luật sư Lâm nói thêm.
Hôm 19/5, VOV Giao thông đăng tải bài viết có nhan đề "Việc khó bỏ… cho dân", trong đó công nhận có hiện tượng "nhờn luật" sau khi Nghị định 168 được áp dụng, nhưng đồng thời cho rằng vấn đề không hoàn toàn do ý thức hay văn hóa tham gia giao thông của người dân.
"Đó là phụ thuộc vào lực lượng chức năng. Những đơn vị được giao nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông cho người dân: Cảnh sát giao thông, công an phường, trật tự viên…
[…]
"Thế nên, đừng thấy việc khó mà lại đổ hết cho người dân. Lỗi không hoàn toàn nằm ở phía họ...," bài viết nêu.

Nguồn hình ảnh,Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Chụp lại hình ảnh,Vào tháng 11/2024, Quốc hội đã thông qua một nghị quyết phân bổ 85% nguồn thu xử phạt giao thông trong năm 2023 cho ngân sách năm 2025, tương ứng 5.307 tỷ đồng, cho Bộ Công an.
Bên cạnh đó, vẫn còn hàng loạt vấn đề trong tay của chính quyền chưa được giải quyết.
Vào ngày 18/5, một bài viết trên mục Bạn đọc trên Tuổi Trẻ Online dẫn ý kiến của một người "đề nghị các đơn vị chức năng hãy tập trung vào cải thiện hạ tầng, biển báo, tuyên truyền giáo dục hành vi hơn là chỉ tăng mức xử phạt bằng tiền".
"Những vấn đề tồn tại dai dẳng chưa được giải quyết rốt ráo như biển báo rối rắm, cơ sở hạ tầng xuống cấp, lực lượng thực thi công vụ chưa gương mẫu, tham nhũng thì rất dễ dẫn tới tư duy đổ lỗi cho người dân," ông đánh giá.
Theo ông Lâm, đây là một dấu hiệu của việc cán bộ xa cách người dân.
Đó là cách giải quyết vấn đề từ gốc rễ, chứ không phải biện pháp chữa cháy, giải quyết phần ngọn, theo luật sư này.
Ví dụ trong trường của bà Nguyễn Thị Xuân, BBC ghi nhận có nhiều ý kiến chỉ trích rằng việc một đại biểu Quốc hội nhưng đề xuất không nhất quán với tiếng nói của người dân.
Những đề xuất tăng tiền phạt nói trên diễn ra trong bối cảnh 85% nguồn thu xử phạt hành chính trật tự an toàn giao thông đường bộ được giao cho Bộ Công an.
Vào tháng 11/2024, Quốc hội đã thông qua một nghị quyết phân bổ 85% nguồn thu xử phạt giao thông trong năm 2023 cho ngân sách năm 2025, tương ứng 5.307 tỷ đồng, cho Bộ Công an.
Tương tự, vào tháng 11/2023, Quốc hội cũng đã thông qua một nghị quyết đồng ý bố trí dự toán chi ngân sách cho Bộ Công an tương ứng 85% số thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông ngân sách trung ương được hưởng năm 2022.
Riêng khoản kinh phí cho nhiệm vụ hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện của lực lượng cảnh sát giao thông thực hiện theo một nghị quyết khác.
Việc này làm dấy lên câu hỏi liệu công an có "động lực" để gia tăng mức phạt vi phạm và gia tăng xử phạt hay không.
Vào tháng 1/2025, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Thế giới Luật pháp tại TP HCM, đã nhận định với BBC News Tiếng Việt rằng chính quyền cần minh bạch hơn trong việc sử dụng nguồn thu từ xử phạt.
"Nguồn thu này nên được đầu tư trở lại cho hạ tầng giao thông, tuyên truyền và giáo dục ý thức. Điều này sẽ tạo niềm tin cho người dân," ông nêu.
Nếu thiếu đi tính minh bạch, việc tăng số tiền và tần suất xử phạt sẽ khiến nhiều người liên tưởng về việc chính quyền tăng mức phạt để nộp vào ngân sách, Luật sư Lâm đánh giá với BBC.