sami88
Con chim biết nói
Dự kiến Quốc hội khóa mới có 500 đại biểu, 30% tái cử

Hoài Thu
Thứ tư, 16/04/2025 - 10:12
00:00/04:25
Nam miền Bắc
(Dân trí) - Ông Trần Thanh Mẫn cho biết số lượng đại biểu Quốc hội khóa XVI dự kiến là 500 người, trong đó ít nhất 40% đại biểu Quốc hội chuyên trách, 30% đại biểu tái cử và khoảng 10% đại biểu trẻ.
Chuyên đề "Về sửa đổi Hiến pháp và pháp luật; Phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031" được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày tại Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, sáng 16/4.Tập trung sửa đổi 2 nội dung lớn trong Hiến pháp
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này tập trung vào 2 nhóm nội dung.
Một là, các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, nhằm đáp ứng yêu cầu sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Hai là, các quy định tại chương 9 của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chuyên đề "Về sửa đổi Hiến pháp và pháp luật; Phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031" (Ảnh: Phạm Thắng).
"Do định hướng phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này mang tính giới hạn, dự kiến chỉ liên quan đến khoảng 8/120 điều của Hiến pháp năm 2013 nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội hình thức văn bản là Nghị quyết của Quốc hội", ông Mẫn nói.
Ông cho biết việc lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp được thực hiện từ ngày 6/5 đến ngày 5/6.
Theo báo cáo của Chính phủ, có khoảng 19.220 văn bản ở Trung ương và địa phương ban hành có nội dung chịu tác động, ảnh hưởng trực tiếp của việc thực hiện chủ trương tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Chủ tịch Quốc hội cho biết Quốc hội sẽ sửa những nội dung liên quan trong các luật như: Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Luật Tổ chức TAND, Luật Tổ chức VKSND, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Cán bộ, công chức…
Khi tiến hành sửa đổi, bổ sung, theo Chủ tịch Quốc hội, sẽ đặc biệt lưu ý đến việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; phân định rành mạch thẩm quyền giữa Trung ương với địa phương, giữa cấp tỉnh với cấp xã.
Trong kỳ họp thứ 9 khóa XV sắp tới, ông Mẫn cho biết tính đến ngày 14/4, Quốc hội dự kiến cho ý kiến, thông qua 31 dự án luật, 12 nghị quyết; cho ý kiến với 10 dự án luật, chưa kể các nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã sẽ xem xét, quyết định trong thời gian diễn ra kỳ họp.
"Đây là một khối lượng công việc lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử các kỳ họp Quốc hội", theo lời ông Mẫn.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết khóa mới dự kiến có 500 đại biểu Quốc hội (Ảnh: Phạm Thắng).
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc sửa đổi Hiến pháp và các luật, nghị quyết có liên quan phải được hoàn thành trước ngày 30/6 và có hiệu lực thi hành từ 1/7.
Trong đó, ông Mẫn lưu ý quy định điều khoản chuyển tiếp để hoàn thành việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy và các đơn vị hành chính cấp xã chính thức đi vào hoạt động chậm nhất là trước ngày 15/8, các đơn vị hành chính cấp tỉnh chính thức đi vào hoạt động chậm nhất là trước ngày 15/9.
Dự kiến bầu cử sớm, số lượng đại biểu Quốc hội khóa mới không thay đổi
Về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031, Chủ tịch Quốc hội nêu dự kiến sẽ bầu cử sớm hơn so với kỳ bầu cử trước, nhằm tạo sự đồng bộ với cấp ủy các cấp, kịp thời triển khai nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIV.
Dự kiến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 là Chủ nhật ngày 15/3/2026 và ngày 6/4/2026 họp phiên họp thứ nhất của Quốc hội.
Ông Mẫn cho biết thêm số lượng đại biểu Quốc hội khóa XVI dự kiến là 500 đại biểu, trong đó ít nhất 40% đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Các thành viên Chính phủ dự Hội nghị (Ảnh: Phạm Thắng).
Cơ cấu định hướng gồm: Đại biểu Quốc hội trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) khoảng 10%; đại biểu tái cử khoảng 30%; đại biểu nữ tỷ lệ ít nhất 35%, đại biểu là người dân tộc thiểu số ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội.
Số lượng đại biểu HĐND sẽ căn cứ vào quy mô dân số từng đơn vị hành chính, theo lời Chủ tịch Quốc hội.
Ở cấp xã (gồm xã, phường, đặc khu), cơ cấu đại biểu chuyên trách ở HĐND dự kiến là 1 phó chủ tịch và 2 phó trưởng ban.
Về tiêu chuẩn đại biểu, Chủ tịch Quốc hội nêu điểm mới là ưu tiên người có trình độ về khoa học công nghệ; người được đào tạo cơ bản về pháp luật.
Tính đến tháng 3/2026 phải đủ tuổi trọn một nhiệm kỳ, nam (tháng 3/1969), nữ (tháng 9/1972) trở lại đây. Tái cử phải còn ít nhất 36 tháng, nam (tháng 3/1967), nữ (tháng 5/1971) trở lại đây.
Đặc biệt, theo ông Mẫn, việc lựa chọn nhân sự sẽ lấy tiêu chuẩn cao nhất là vì công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác, theo đúng yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm.