
Kosmos 482, tàu vũ trụ được Liên Xô phóng lên không gian vào năm 1972 đã rơi tự do xuống vùng biển thuộc Đông Nam Á sau 53 năm bị mất kiểm soát và trôi lơ lửng trên quỹ đạo.
Khoang đổ bộ của tàu vũ trụ Kosmos 482 đã rơi không kiểm soát xuống Trái Đất vào ngày 10/5. Quá trình rơi của những mảnh vỡ này đã được theo dõi bởi Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roskosmos) và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA).Các nhà khoa học Nga cho biết Kosmos 482 đã rơi xuống Ấn Độ Dương, phía tây Jakarta, Indonesia, thuộc vùng biển của khu vực Đông Nam Á.
Không có thiệt hại hoặc thương tích nào được ghi nhận.
Trước đó, các nhà khoa học cho biết nguy cơ con người bị các mảnh vỡ tàu vũ trụ văng trúng là cực kỳ thấp, nhưng không phải là không thể xảy ra.

Một phần mảnh vỡ còn sót lại của tàu Kosmos 482 bị rơi xuống New Zealand vào ngày 3/4/1972 (Ảnh: privat).
Hiện vẫn chưa rõ bao nhiêu phần của con tàu Kosmos 482 vẫn còn nguyên vẹn khi rơi xuống Trái Đất. Kosmos 482 là tàu vũ trụ được thiết kế để tiếp cận Sao Kim, hành tinh có nhiệt độ cao nhất trong hệ Mặt Trời, do vậy nó đủ bền để không bị thiêu rụi khi lao qua khí quyển Trái Đất.
Kosmos 482 (tên gọi ban đầu V71 số 671) là tàu vũ trụ được chế tạo và phóng lên không gian bởi Liên Xô vào năm 1972. Con tàu này là một phần của chương trình Venera nhằm thu thập dữ liệu từ bề mặt Sao Kim.
Theo kế hoạch ban đầu, Kosmos 482 sẽ tiếp cận Sao Kim, truyền dữ liệu thu thập được từ bề mặt ngôi sao này trong vòng 50 phút trước khi bị thiêu rụi hoàn toàn bởi bầu khí quyển nóng bỏng của hành tinh này.
Tuy nhiên, do sự cố của tên lửa đẩy, Kosmos 482 đã không thể vượt qua được quỹ đạo Trái Đất thấp (độ cao khoảng 800km so với mực nước biển). Sau khi phóng thất bại, Kosmos 482 bị vỡ thành hai mảnh bao gồm thân chính và khoang đổ bộ.
Mảnh đầu tiên đã đi vào khí quyển và rơi trở lại mặt đất 3 ngày sau vụ phóng thất bại. Nhiều phần khác của con tàu cũng đã rơi rải rác xuống Trái Đất suốt một thập kỷ sau đó. Tuy nhiên, khoang đổ bộ, nặng 495kg và dài 1m, đã lơ lửng trên quỹ đạo suốt 53 năm qua cho đến khi rơi trở lại Trái Đất hôm 10/5 vừa qua.
Theo một hiệp ước của Liên Hợp Quốc, bất kỳ một con tàu hoặc vệ tinh nào từng được Liên Xô phóng lên vũ trụ trước đây đều sẽ thuộc quyền quản lý của Nga.