tradaduongphen
Xàm 0 Lít

16 quận huyện và TP Thủ Đức đã có đề xuất phương án sắp xếp số lượng và tên gọi các đơn vị hành chính cấp cơ sở mới.

UBND TP Thủ Đức đề xuất gọi các đơn vị cơ sở thành tên gọi từ Thủ Đức 1 đến Thủ Đức 9 - Ảnh: TỰ TRUNG
Đến ngày 26-3, 16 quận huyện và TP Thủ Đức đã có đề xuất lên UBND TP.HCM phương án sắp xếp số lượng và tên gọi các đơn vị hành chính cấp cơ sở mới theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Ngoài số lượng các đơn vị cơ sở mới, thông tin tên gọi từng cơ sở mới được đề xuất được đông đảo người dân quan tâm bàn luận, góp ý kiến.
Việc đặt tên phường nên ưu tiên những địa danh thân thuộc với người dân, không nhất thiết phải mang tính hoài cổ. Theo quan điểm này, bên cạnh việc giữ gìn bản sắc truyền thống, cũng cần lưu giữ những đặc trưng hiện tại của từng địa phương.
Bạn đọc Rosi
Những tên gọi nhắc nhớ lịch sử từng vùng đất
Điểm chung các phương án tên gọi hầu hết các quận huyện và TP Thủ Đức đều đề xuất tên chữ - kể cả các quận huyện hiện đang dùng tên phường bằng số. Mỗi tên gọi đều được cân nhắc khi xem xét yếu tố lịch sử, văn hóa gắn với quá khứ hình thành vùng đất, đặc điểm nhận diện khu vực (đơn vị cơ sở mới được đề xuất) và sự thuận tiện giao dịch của người dân sau này.Nhiều lời khen "tên hay", "tên có ý nghĩa"... được người dân gửi về phương án tên gọi do UBND các quận 5, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận... đề xuất.
Quận Bình Thạnh đề xuất đặt tên bốn phường mới (theo phương án sắp xếp quận này đề xuất) là Gia Định, Bình Hòa, Thạnh Mỹ Tây, Bình Quới.
Phó chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Thái Thị Hồng Nga chia sẻ bên cạnh hai tên Gia Định, Bình Quới quen thuộc với người dân Bình Thạnh, hai tên gọi khác là Thạnh Mỹ Tây và Bình Hòa được quận cân nhắc đề xuất "tái lập" bởi nguồn gốc gắn với lịch sử phát triển vùng đất Bình Thạnh. Tên gọi Bình Thạnh ngày nay là dựa trên sự sáp nhập của hai quận Bình Hòa và Thạnh Mỹ Tây vào tháng 6-1976. Trước đó, cả hai quận (hai xã trước đây) này đều là một phần của tỉnh Gia Định.
Trong khi quận Gò Vấp đề xuất tổ chức lại 12 phường hiện nay thành ba đơn vị hành chính cấp cơ sở mới đặt tên là Gò Vấp, Thông Tây Hội, An Nhơn.
Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng cho hay sau năm 1975 Gò Vấp là một quận của TP Sài Gòn - Gia Định. Đến tháng 7-1976, sau khi Quốc hội đổi tên TP Sài Gòn thành TP.HCM, quận Gò Vấp còn lại phần đất của ba xã Hạnh Thông, An Nhơn và Thông Tây Hội.
"Việc đề xuất tên gọi mới các đơn vị cấp cơ sở là Gò Vấp, Thông Tây Hội, An Nhơn nhằm bảo tồn giá trị truyền thống. Nếu không một, hai thế hệ nữa sẽ quên, không còn nhớ hay biết cái tên Gò Vấp là gì, gốc gác từ đâu mà có", ông Dũng cho hay.
Hai tên phường mới Đức Nhuận, Phú Nhuận thì được quận Phú Nhuận đề xuất cho hai phường mới. Một vị đại diện UBND quận Phú Nhuận cho hay tên gọi quận Phú Nhuận gắn với lịch sử Sài Gòn 300 năm và là một mỹ danh trích từ câu "Phú nhuận ốc, đức nhuận thân" (tạm hiểu là "giàu có làm đẹp nhà cửa, đức độ làm đẹp bản thân"). Việc đề xuất hai tên gọi đơn vị cơ sở mới này với mong muốn giữ gìn nét đẹp và truyền thống lâu đời của mảnh đất Phú Nhuận nghĩa tình.
Trong khi quận 5 đang đề xuất ba tên gọi cho hai phường mới, trong đó tên An Đông được chốt, phường còn lại cân nhắc lựa chọn giữa tên Đồng Khánh hoặc Bến Hàm Tử.
Lãnh đạo quận này chia sẻ An Đông và Đồng Khánh là tên phường trước đây của quận, tuy nhiên cần đánh giá thêm về các yếu tố văn hóa - lịch sử. Trong khi đó lịch sử hình thành đô thị Chợ Lớn, người dân buôn bán, vận chuyển hàng hóa theo đường thủy nên hình thành các bến bãi để tập kết hàng đưa vào chợ. Quận 5 hiện có Bến Hàm Tử đi theo kênh Hàng Bàng vào Chợ Lớn.
Gọi cùng tên thêm số hay tên gọi gắn với tiềm thức người dân?
Trong các phương án đề xuất lại có những quận huyện và cả TP Thủ Đức đề xuất tên gọi đơn giản hơn thống nhất một tên thêm số cho từng đơn vị cơ sở. UBND TP Thủ Đức đề xuất hai phương án tổ chức đơn vị cơ sở theo mô hình chính quyền hai cấp gồm mô hình chính quyền TP Thủ Đức là cấp cơ sở trực thuộc TP.HCM và mô hình chia thành chín đơn vị hành chính cấp cơ sở. Trong đó nếu theo phương án chia thành chín đơn vị, Thủ Đức đề xuất gọi các đơn vị cơ sở thành tên gọi từ Thủ Đức 1 đến Thủ Đức 9.Lãnh đạo UBND TP Thủ Đức cho hay việc đặt tên các phường theo cách đánh số thứ tự từ 1 đến 9, kèm theo tên "Thủ Đức", không chỉ phù hợp với khuyến nghị của Bộ Nội vụ mà còn giúp tạo sự gắn kết giữa các phường. Nếu tổ chức theo mô hình chín phường, các đơn vị này vẫn sẽ có nét chung nhất định.
Mặt khác việc giữ chữ "Thủ Đức" trong tên gọi sẽ giúp tạo sự thống nhất trong tư duy và hành động của chín đảng bộ phường. Đồng thời đây cũng là cách thể hiện và phản ánh đặc trưng chung của vùng đất này trong suốt 300 năm qua.

Tên phường mới: Gợi nhớ lịch sử hay số thứ tự?
16 quận huyện và TP Thủ Đức đã có đề xuất phương án sắp xếp số lượng và tên gọi các đơn vị hành chính cấp cơ sở mới.