
Điểm du lịch nổi tiếng bậc nhất Italy phải đếm ngược đến ngày bị sụp nếu chính phủ không có biện pháp 'nâng Venice' trước khi mực nước biển nhấn chìm thành phố.

Phương tiện di chuyển chủ yếu tại Venice là thuyền. Ảnh: Manuel Silvestri /Reuters.
Venice, nơi được mệnh danh là thành phố nổi với hơn 150 kênh đào phổ khắp địa phương, đối mặt với nguy cơ chìm xuống biển trong vòng khoảng hơn 100 năm.
Theo CNN, thủ phủ vùng Veneto đã bị lún khoảng 25 cm, được cho là sụt 2 cm mỗi năm. Trong khi đó, mực nước biển trung bình đang tăng lên gần 30 cm kể từ năm 1900.
Điều này cho thấy Venice không chỉ đối diện với lũ lụt triền miên mà còn chứng kiến các tòa nhà, công trình sụt dần.
Tuy nhiên, tình trạng bấp bênh lại là một điểm kéo khách đến thành phố bởi tâm lý cần phải ghé thăm biểu tượng trước khi quá muộn, biểu tượng của nhân loại không thể chiến thắng trước sức mạnh của thiên nhiên.
Còn đối với người dân Venice, vị trí đảo mang lại sự an toàn, chống lại sự xâm lược từ bên ngoài trong nhiều thế kỷ, đổi lại là những thách thức khác như thủy triều ngày càng cao và thường xuyên hơn khi khủng hoảng khí hậu gia tăng.

Bộ rào chắn MOSE của Venice. Ảnh: Designboom.
Trước tình trạng tương đối nguy cấp trên, Pietro Teatini, phó giáo sư thủy văn và kỹ thuật thủy lực tại Đại học Padua, đã đề xuất ý tưởng nâng Venice lên bằng cách bơm nước vào sâu trong lòng đất bên dưới thành phố để có thể nâng đáy biển. Vị này cho rằng đây là "chìa khóa" để cứu thành phố nổi.
Ông nói thêm kế hoạch trên sẽ đảm bảo an toàn trong 50 năm cho người dân trong thành phố khi kết hợp với đê chắn lũ giá trị hàng triệu euro của chính phủ Italy.
Tuy nhiên, thời gian trôi, thế giới đang đếm ngược đến ngày Venice chìm bởi hệ thống ngăn nước 6 tỷ euro - MOSE - vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, dù đợt ra mắt đầu tiên vào năm 2020.
Nhân viên phụ trách sẽ nâng bộ rào này lên nhằm ngăn đầm phá khỏi Biển Adriatic trong những đợt thủy triều cao bất thường. Vào giai đoạn đầu tiên, các kỹ sư dự đoán hệ thống MOSE sẽ được nâng khoảng 5 lần/năm.
Nhưng với tình trạng biến đổi khí hậu như hiện nay, thủy triều ở các đầm phá đã vượt qua 110 cm trong vòng 20 năm. Đây là mức có thể gây ra thảm họa.
Chưa kể, khi rào MOSE được nâng lên, đầm phá sẽ đóng lại, gây ảnh hưởng giao thông tại Venice, nơi vốn chủ yếu đi lại bằng thuyền.