Thế giới không có mô hình đại học trong đại học như Việt Nam?

Mới đây, trong một cuộc tọa đàm do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức nhằm tham vấn chính sách xây dựng Luật Giáo dục Đại học, có ý kiến cho rằng "không biết giải thích thế nào" với thế giới về mô hình đại học trong đại học của Việt Nam đối với đối tác quốc tế. Nếu ý kiến này được nêu cách đây khoảng 15-20 năm thì có thể lý giải được. Còn hiện nay, với giới nghiên cứu và quản lý giáo dục đại học tại Việt Nam, đây là một câu hỏi rất cũ.

Câu trả lời đã có từ hơn chục năm nay (từ khi Luật Giáo dục đại học được xem xét ban hành lần đầu năm 2012 và sửa đổi năm 2019) và hầu như những ai tham gia đủ sâu đều biết cả. Câu trả lời là: Có!

Đại học trong đại học (university under university) không phải là quá phổ biến nhưng không phải là không có trên thế giới. Những ví dụ tiêu biểu có thể kể đến University of London (Anh) là đại học (mẹ), có đến 17 trường đại học (con) mà tiêu biểu có thể kể đến Queen Mary University of London, University College London, Brunel University of London.

Tương tự là trường hợp National University of Ireland, có các trường đại học thành viên như University College Dublin, University College Cork.

Thế giới không có mô hình đại học trong đại học như Việt Nam? - 1

Sinh viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: VNU)

Tại Pháp, từ năm 2013, cùng với Luật Giáo dục đại học và Nghiên cứu mới, Chính phủ nước này đã tái cấu trúc hệ thống cơ sở giáo dục đại học thành các Communautés d'Universités et Établissements (Tạm dịch: Cộng đồng các đại học và viện nghiên cứu), theo đó, nhiều trường đại học đã được sáp nhập với nhau để trở thành một đại học lớn hơn. Ví dụ có thể kể đến: Université Paris Lumières (đại học mẹ) có các trường đại học con là Paris Nanterre University và University of Paris 8 Vincennes-Saint-Denis.

Tất nhiên, các mô hình đại học trong đại học này cũng không hoàn toàn giống nhau, mỗi nước một khác. Ví dụ, tại Việt Nam, phần lớn các trường đại học thuộc đại học quốc gia và đại học vùng đều là các trường đại học đơn ngành/lĩnh vực (khoa học tự nhiên, công nghệ, kinh tế …), còn tại các nước khác như Anh, Pháp, Ireland, các trường đại học thành viên (trong đại học) có thể là các đại học đa ngành, đa lĩnh vực.

Nhưng, vấn đề là tại sao mô hình đại học của nước ta cứ phải giống một ai đó trong khi hệ thống giáo dục đại học mỗi nước lại có những đặc tính riêng, dựa trên lịch sử, văn hóa, thể chế khác biệt. Mô hình đại học trong đại học ở nước ta thực tế đã có từ năm 1993 (cùng với sự ra đời của Đại học Quốc gia Hà Nội) và qua nhiều lần luật/nghị định/quy định liên quan thay đổi song vẫn tồn tại, phát triển cho đến ngày nay.

Vị thế của các đại học (2 Đại học quốc gia, 3 Đại học vùng) thực tế cũng đã được thể hiện rõ ràng thông qua thứ hạng của các đại học này trên các bảng xếp hạng đại học khu vực và quốc tế trong những năm qua (luôn ở trong nhóm số ít cơ sở giáo dục đại học Việt Nam được xếp hạng), và nhiều kết quả thành tích khác.

Gần đây, trong quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm được Thủ tướng ban hành kèm theo Quyết định số 452 ngày 27/2, các đại học quốc gia và đại học vùng cũng đã được nhấn mạnh tầm quan trọng, thể hiện qua một loạt các nội dung, xin trích một số thông tin cụ thể:

"…Phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á; phát triển Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng thành đại học quốc gia….

…Nâng cấp, mở rộng không gian phát triển của Đại học Thái Nguyên trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc; nâng cấp, phát triển thêm các đại học vùng tại Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long với nòng cốt là Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Nha Trang, Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Đại học Cần Thơ và một số trường đại học khác tại mỗi vùng; chuẩn bị điều kiện để phát triển Trường Đại học Tây Bắc thành đại học vùng ở giai đoạn sau năm 2030".


Ngoài lý do là bản thân thế giới cũng có mô hình đại học trong đại học như đã phân tích ở trên, thì thực tế trong những năm qua, giới nghiên cứu giáo dục đại học của Việt Nam và quốc tế (nhưng quan tâm đến giáo dục đại học Việt Nam) cũng đã có nhiều nỗ lực giới thiệu, phổ biến với thế giới một số công trình nghiên cứu về hệ thống giáo dục đại học ở nước ta, trong đó có mô hình đại học trong đại học, đăng ở các tạp chí khoa học uy tín trên thế giới.

Một số tác giả tiêu biểu có thể kể đến như GS Lâm Quang Thiệp (Trường Đại học Thăng Long), TS Đào Văn Khanh (Trường Đại học Cần Thơ), TS Phạm Thanh Nghị (Viện Hàn Lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam), GS Martin Hayden (Đại học Southern Cross, Australia).

Bản thân người viết bài này cũng mới công bố chung một chương sách với GS Martin Hayden cuối năm ngoái về giáo dục đại học Việt Nam (tiêu đề: Higher Education in Vietnam: The Need for a New Roadmap - tạm dịch: Giáo dục đại học Việt Nam: Cần có một lộ trình mới), trong đó tất nhiên là không thể không nhắc đến mô hình đại học trong đại học.

Với những cơ sở trên, theo người viết bài này, tại thời điểm 2025, chúng ta có thể tự tin trao đổi, hợp tác bình thường với các cơ sở giáo dục đại học quốc tế mà không phải lo sợ họ không hiểu mình. Bởi vì nếu họ không hiểu mình thì bởi họ không chịu tìm hiểu và không chịu cởi mở khi hợp tác với mình, hoặc không chịu chấp nhận sự khác biệt của mình với họ chứ không phải mô hình tương tự trên thế giới không có hoặc không có đủ thông tin để giải thích cho họ hiểu mình là ai.

Mặc dù vậy, người viết bài này cũng hoàn toàn đồng ý với nhận định của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn về việc chúng ta cần tập trung "…bàn về việc quản trị bên trong chứ không phải vấn đề bỏ đại học quốc gia và vùng. Chúng ta phải xem cải tiến mô hình đó thế nào" để hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn, nhằm thực hiện được sứ mệnh mà Đảng và Nhà nước giao phó cho các đại học quốc gia, đại học vùng.

Thực ra thì, nhìn một cách tổng thể, trong thời đại VUCA (Biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ) như hiện nay, chả cứ các đại học quốc gia, đại học vùng, mà bất kỳ cơ sở giáo dục đại học nào, dù ở Việt Nam hay trên toàn thế giới, cũng đều phải vận động, thay đổi không ngừng, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau, nếu không muốn không phát triển bền vững.

Chính vì vậy, trong việc sửa Luật Giáo dục đại học lần này, cá nhân tôi kỳ vọng các cơ quan có trách nhiệm hãy mạnh dạn để các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước, trong đó bao gồm cả các đại học quốc gia và đại học vùng, có được nhiều quyền tự chủ hơn về cơ cấu tổ chức nội bộ của mình (ví dụ như đại học trong đại học hay trường/khoa/viện trong đại học), để họ có thể tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của mình với Đảng, với Nhà nước và với nhân dân.

Tác giả: TS Phạm Hiệp là nhà nghiên cứu giáo dục đại học và chính sách khoa học. Năm 2022, ông nhận giải thưởng thường niên dành cho nhà khoa học xuất sắc của Hiệp hội Giáo dục so sánh và quốc tế - Mạng lưới Du học và Sinh viên Quốc tế (Comparative and International Education Society - The Study Abroad and International Student).
 

Có thể bạn quan tâm

Top