

Thủ tướng đề nghị World Bank hỗ trợ vốn để Việt Nam triển khai đường sắt cao tốc Bắc-Nam 67 tỷ USD
Hoan nghênh WB đã đề xuất dành cho Việt Nam khoản vay hơn 11 tỷ USD trong vòng 5 năm tới, Thủ tướng đề nghị tập trung nguồn vốn này cho các dự án mang tính chất "thay đổi trạng thái, xoay chuyển tình thế".
Tại cuộc gặp, Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam luôn coi WB là đối tác quan trọng, thân thiết, tin cậy, cảm ơn WB đã có nhiều hỗ trợ, đóng góp tích cực, hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, nhất là trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và đề nghị WB tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình "làm giàu" sắp tới.
Thủ tướng cũng đề nghị WB tiếp tục phát huy vai trò là đối tác phát triển hàng đầu, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế quý báu, tư vấn chính sách, tăng cường hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu chiến lược, thực hiện "bộ tứ chiến lược", duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc bên ngoài.
Hoan nghênh WB đã đề xuất dành cho Việt Nam khoản vay hơn 11 tỷ USD trong vòng 5 năm tới, Thủ tướng đề nghị tập trung nguồn vốn này cho các dự án mang tính chất "thay đổi trạng thái, xoay chuyển tình thế", đồng thời các bên cùng thay đổi cách thức triển khai theo hướng nhanh chóng, cắt giảm thủ tục.
Thủ tướng cũng đề nghị WB dành hỗ trợ, nguồn vốn cho cả khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân; với lãi suất ưu đãi, cạnh tranh hơn, các mô hình quản lý vốn linh hoạt, hiệu quả hơn; tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, gồm: Cơ sở hạ tầng, nhất là các dự án giao thông quy mô lớn; chuyển dịch năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo; các dự án nông nghiệp có tác động tích cực đến môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, như mô hình trồng lúa phát thải thấp mà hai bên đã hợp tác triển khai; các dự án tại ĐBSCL như giao thông thủy nội địa…
Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị WB hỗ trợ vốn để Việt Nam triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc-Nam dự kiến khởi công vào năm 2026 với tổng số vốn khoảng 67 tỷ USD.
Nhấn mạnh yêu cầu lựa chọn đúng dự án, triển khai bảo đảm hiệu quả và khả năng trả nợ, Thủ tướng đề nghị Văn phòng WB khu vực phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cắt giảm, đơn giản hóa quy trình, thủ tục và các quy định, qua đó rút ngắn thời gian chuẩn bị, trình thẩm quyền phê duyệt, sớm xử lý, hoàn thiện thủ tục với các dự án đang trong quá trình đàm phán.
Hiện nay, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã và đang quyết liệt nỗ lực tháo gỡ các rào cản, vướng mắc về thể chế, chính sách, đặc biệt là nhằm xử lý những khác biệt giữa quy định trong nước và yêu cầu của các nhà tài trợ, trong đó có sửa đổi Nghị định số 114/2021/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, theo hướng phân cấp, phân quyền tối đa cho các địa phương, hoàn thành chậm nhất trong tháng 6/2025.
Cùng với đó, Việt Nam đang triển khai cuộc cách mạng về tổ chức, bộ máy, sắp xếp địa giới hành chính, đẩy mạnh phân cấp, cắt giảm thủ tục, chuyển đổi mạnh mẽ từ trạng thái thụ động sang chủ động phục vụ người dân và doanh nghiệp; thúc đẩy "bộ tứ chiến lược" về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, xây dựng và thi hành pháp luật, phát triển kinh tế tư nhân, hội nhập quốc tế; phát triển trung tâm tài chính quốc tế…
Bà Mariam J. Sherman đánh giá cao chiến lược phát triển đất nước thời kỳ mới của Việt Nam với khát vọng phát triển mạnh mẽ; Việt Nam đang trên lộ trình trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 và hiện đang tiến hành cuộc cách mạng dũng cảm, táo bạo về cải cách thể chế, tinh gọn bộ máy.
WB sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình này, đưa thêm các chuyên gia giàu kinh nghiệm tới Việt Nam tham gia tư vấn chính sách, thúc đẩy hợp tác và triển khai các dự án nhanh chóng và đạt hiệu quả cao nhất.