

Nguồn hình ảnh,Getty Images
4 tháng 4 2025
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc sẽ thăm Mỹ từ 6-14/4 để đàm phán lại mức thuế 46% mà chính quyền tổng thống Donald Trump vừa giáng lên nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Ông Phớc có thể làm được những gì khi chỉ chưa đầy một tuần nữa, mức thuế này chính thức có hiệu lực vào 9/4.
Chuyến đi của ông Phớc diễn ra trong khuôn khổ chương trình Đối thoại chính sách cấp cao tại Đại học Columbia, New York, theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Trước chuyến đi của ông Phớc, Bộ Công Thương cho rằng, giữa Việt Nam và Mỹ "vẫn còn không gian để trao đổi, đàm phán, để đi tới một kết quả hai bên cùng có lợi".
Cụ thể, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài của bộ này, nói trên Báo Chính phủ rằng hàng Việt chủ yếu cạnh tranh với các nước thứ ba chứ không cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Hoa Kỳ trên thị trường này.
Không những thế, hàng Việt xuất sang Mỹ còn "tạo điều kiện để người tiêu dùng của Hoa Kỳ được sử dụng hàng hóa giá rẻ".
Ông Linh cũng nhắc lại việc Việt Nam đã ban hành Nghị định hạ thuế MFN (thuế dành cho các nước có quan hệ thương mại bình thường giữa các nước trong WTO), có hiệu lực ngày 31/3, cho 13 nhóm hàng của Hoa Kỳ như với nhiều mặt hàng có lợi cho phía Hoa Kỳ như ô tô, LNG, Ethanol, sản phẩm gỗ cùng nhiều mặt hàng nông sản khác như đùi gà đông lạnh, hạnh nhân và hạt dẻ.
Nhiều dự án của nước này tại Việt Nam cũng đã được tháo gỡ vướng mắc về thuế.
Tuy nhiên, đó vẫn là thông điệp nhắc lại những điều mà Bộ Công Thương đã gửi cho phía Mỹ trước chuyến đi đàm phán thuế của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên hôm 13/3.
Chuyến công tác đến Mỹ của Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa chính thức công bố áp thuế đối ứng lên nhiều quốc gia.
Việt Nam, với mức thuế 46%, nằm trong số các quốc gia bị đánh thuế cao nhất.
Nhiều chuyên gia nhận định mức thuế này là "khủng khiếp", có thể "chặn cửa" nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.
Bên cạnh đó, sức cạnh tranh của hàng Việt Nam tại Mỹ cũng có nguy cơ giảm so với các đối thủ chính chịu mức thuế nhẹ hơn, như Thái Lan chịu mức thuế 36%, Ấn Độ 26%, Indonesia 32%, Malaysia 24%, Bangladesh 37%, Philippines 17%, Pakistan 29%...
Hiện chưa có mức thuế cụ thể cho từng ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, nhưng các chuyên gia dự báo các ngành hàng máy tính, điện tử, điện thoại, phụ tùng linh kiện và dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản, hạt điều... sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề.
Hy vọng đàm phán thuế về 10%
Cộng đồng doanh nghiệp đã họp khẩn hôm 3/4, ngay sau khi mức thuế mới được công bố.Các doanh nghiệp, trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam phản ứng tiêu cực, và thị trường chứng khoán châu Á đỏ rực, bày tỏ lo lắng rằng chính phủ, và đặc biệt là chuyến đi của ông Phớc, sẽ giúp hai bên đạt được "một thoả thuận cân bằng hơn" giảm bớt thiệt hại cho doanh nghiệp.
Trong báo cáo báo công bố hôm 4/4, ông Đồng Thanh Tuấn của Công ty Cổ phần Chứng khoán Mirae Asset cho hay các chuyên gia "duy trì sự lạc quan nhất định rằng việc áp thuế đối ứng ở thời điểm hiện tại tiếp tục đóng vai trò là đòn bẩy" cho các đàm phán thương mại trước thời điểm 9/4.
Ông Tuấn cũng bày tỏ kỳ vọng trong chuyến đi Mỹ, ông Phớc sẽ đàm phán thành công, giúp hạ mức thuế đối ứng về mức tối thiểu (10%) "với các động thái chủ động nhượng bộ như giảm thuế suất nhập khẩu MFN cho hàng hoá xuất khẩu Mỹ; tăng nhập khẩu khí hoá lỏng LNG của Mỹ và tăng mua máy bay do Mỹ sản xuất để thu hẹp thâm hụt thương mại.

Chụp lại video,Hàng Việt bị đánh thuế 46%, bít cửa vào Mỹ?
Theo ông Tuấn, phần lớn tỉ trọng hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ đến từ các doanh nghiệp FDI với các mặt hàng như máy vi tính và sản phẩm điện tử; máy móc & thiết bị; điện thoại.
"Do đó việc áp thuế đối ứng hiện tại sẽ là thách thức lớn đối với mặt bằng giá tiêu dùng của các thiết bị điện tử tại Mỹ cũng như khả năng sinh lời của các doanh nghiệp trong nước trong khi việc chuyển dịch nhà máy không thể xảy ra nhanh chóng và cần phải bù đắp bằng chi phí nhân công, mặt bằng cao hơn đáng kể so với các quốc gia tại Châu Á," ông Tuấn nêu trong báo cáo.
Cũng theo phân tích này, việc áp thuế đối với các mặt hàng trọng yếu của các doanh nghiệp nội địa của Việt Nam như dệt may và giày dép "sẽ là rủi ro cần phải theo dõi dù mức độ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP và ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán là không đáng kể khi so sánh về tỉ trọng vốn hóa so với các ngành trọng điểm như ngân hàng và bất động sản".
Chính phủ Việt Nam cũng đã có những phản ứng để đối phó với mức thuế mới.
Trong sáng 4/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng tuyên bố rằng "Việt Nam lấy làm tiếc trước việc Mỹ công bố quyết định áp mức thuế đối ứng lên các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ".
Theo bà Hằng, quyết định này "chưa phù hợp với thực tế hợp tác kinh tế - thương mại cùng có lợi giữa hai nước, không phản ánh đúng tinh thần quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển; tác động tiêu cực đến quan hệ kinh tế - thương mại song phương và lợi ích của người dân, doanh nghiệp hai nước nếu được áp dụng".
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng mới có công hàm đề nghị phía Hoa Kỳ tạm hoãn quyết định áp thuế để dành thời gian trao đổi, tìm giải pháp hợp lý cho cả hai bên.
Trước đó, hôm 3/4, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp thuế đối ứng 46% lên hàng hoá Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã họp với các bộ, ngàn.
Một tổ phản ứng nhanh về vấn đề này do Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đứng đầu, đã được thành lập.
Ông Chính nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên là "không thay đổi".

Nguồn hình ảnh,Reuters
Mỹ là thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam đạt quy mô trăm tỷ đô la vào năm 2022.
Theo số liệu thống kê của Tổng Cục hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Mỹ trong hai tháng đầu năm 2025 đạt hơn 19,5 tỷ USD, tăng 16,3%, tương đương tăng 2,77 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Con số này chiếm 30,43% xuất khẩu của Việt Nam.
Mỹ cũng là thị trường lớn nhất hầu hết hàng hóa chủ lực của Việt Nam, đặc biệt là các nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, sử dụng nhiều lao động nhất như máy vi tính, điện thoại, máy móc, dệt may, giày dép…
Hiện nay, hơn một nửa giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ là các sản phẩm công nghệ cao (hàng điện tử tiêu dùng, điện thoại thông minh), các sản phẩm may mặc và giày dép, còn lại là các sản phẩm khác như nội thất và nông sản.
Bộ trưởng Công Thương đàm phán gì với Mỹ trước đó?

Nguồn hình ảnh,Website Bộ Công thương Việt Nam
Chụp lại hình ảnh,Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ về việc cung cấp dài hạn khí hóa lỏng LNG giữa PVGas và Tập đoàn Conoco Phillips hôm 13/3/2025 tại Mỹ
Trước chuyến đi của ông Phớc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã sang Mỹ hôm 13/3 để đàm phán nhằm tránh mức thuế mới.
Ông Diên đã làm việc với Trưởng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jamieson L. Greer và nhiều quan chức cấp cao của Hoa Kỳ trong lĩnh vực thương mại và năng lượng.
Cụ thể, ông Diên đã làm việc với Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ Chris Wright, ngỏ ý sẽ tăng cường nhập khẩu máy móc, trang thiết bị, nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu từ Hoa Kỳ.
Ông Diên cũng gặp Thượng nghị sỹ Dan Sullivan, trao đổi về tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa Việt Nam và bang Alaska; đề xuất ký kết thỏa thuận mua bán khí hóa lỏng trong dài hạn với giá cả và phương thức phù hợp, cho 13 nhà máy điện khí với tổng công suất 26.000 MW của Việt Nam.
Ông cũng chứng kiến buổi lễ ký kết và công bố các thỏa thuận hợp tác, hợp đồng mua sắm máy móc, trang thiết bị, nguyên nhiên vật liệu và dịch vụ, hàng hóa giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ, tổng giá trị 4,15 tỷ USD.
Các thoả thuận này gồm mua bán khí hoá lỏng, hợp đồng tư vấn nghiên cứu tiền khả thi nhiên liệu hàng không bền vững, mua sắm thiết bị và dịch vụ điện khí, mua Ethanol, nhập khẩu nhiên liệu sinh học.
Theo đó, tổng giá trị các thỏa thuận kinh tế, thương mại ký kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ trong chuyến đi của ông Diên, dự kiến sẽ triển khai trong giai đoạn từ năm 2025, là khoảng 90,3 tỷ USD, "tạo ra hàng trăm ngàn việc làm cho người lao động hai nước," theo Báo Chính phủ.
Tuy nhiên, những điều đó vẫn chưa đủ.
"Việt Nam: những nhà đàm phán tuyệt vời, những con người tuyệt vời, họ thích tôi. Tôi thích họ. Vấn đề là họ tính chúng tôi 90%. Chúng tôi sẽ tính họ mức thuế 46%," ông Trump nói khi công bố mức thuế đối với Việt Nam vào rạng sáng 3/4 giờ Việt Nam.
