Nhiều nước trên thế giới cũng đang áp dụng mọi công cụ đối phó như trợ cấp để giúp các hộ gia đình nghèo, tài trợ cho việc cải tạo nhằm giảm sử dụng năng lượng hoặc hỗ trợ thuế năng lượng cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương.
Tháng 3.2022, Đức phát thêm tiền mặt cho người lao động và gia đình, cùng với giảm giá xăng, giá vé các phương tiện giao thông công cộng. Pháp cũng cam kết hạn chế mức tăng giá điện theo quy định ở mức 4%, đồng thời triển khai gói hỗ trợ trị giá gần 27 tỉ USD nhằm giúp các công ty về chi phí khí đốt và điện. Từ đầu tháng 4.2022, Pháp áp dụng việc trợ giá 0,16 USD/lít xăng, dầu diesel cho người dân trong 4 tháng, dự kiến tiêu tốn khoảng 2,15 tỉ USD.
Tại Philippines, giới chuyên môn góp ý cho chính phủ về giảm tác động từ xăng dầu, trong đó tập trung vào: Giảm thuế, trợ giá và làm việc từ xa. Theo đó, thuế xăng dầu ở quốc gia Đông Nam Á sẽ giảm theo tỉ lệ phần trăm nhất định nếu giá xăng dầu thế giới đạt các mốc 85-90-100 USD/thùng.
Tại Thái Lan, vào cuối tháng 3, loạt biện pháp nhằm hỗ trợ người tiêu dùng bị ảnh hưởng nặng nề do giá năng lượng tăng cao như duy trì giá bán lẻ dầu diesel ở mức 30 baht/lít (20.400 đồng) cho đến cuối tháng 4 đã được chính phủ nước này triển khai nhờ quỹ bình ổn xăng dầu.
Thái Lan cũng trợ giá 50% cho mức tăng giá nhiên liệu. Bên cạnh đó, Thủ tướng Thái Lan cũng cam kết tăng cường dự trữ dầu và cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu. Người dân Thái Lan cũng được tăng trợ cấp tiền mặt từ mức 45 baht/tháng lên 100 baht/tháng và hỗ trợ tiền mặt 100 baht/tháng khi mua gas nấu ăn...
Nguồn: báo lao động