Một số điểm chính
Cuộc chiến ở Ukraine đang ở một bước ngoặt quan trọng, khi Tổng thống Trump tìm cách hòa giải với nhà lãnh đạo Nga, Vladimir V. Putin, và thúc đẩy chấm dứt giao tranh.
Nhưng trong gần ba năm trước khi ông Trump quay lại nắm quyền, Mỹ và Ukraine đã tham gia vào một quan hệ đối tác đặc biệt về tình báo, chiến lược, lập kế hoạch và công nghệ, mà chỉ một nhóm nhỏ quan chức Mỹ và đồng minh biết đến.
Với sự minh bạch đáng chú ý, Lầu Năm Góc đã công bố chi tiết khoản viện trợ vũ khí trị giá 66,5 tỷ USD cho Ukraine. Tuy nhiên, một cuộc điều tra của
The New York Times tiết lộ rằng sự can dự của Mỹ vào cuộc chiến này sâu sắc hơn nhiều so với những gì đã được hiểu trước đây. Quan hệ đối tác bí mật này không chỉ định hướng chiến lược chiến trường tổng thể mà còn cung cấp thông tin nhắm mục tiêu chính xác cho binh sĩ Ukraine trên thực địa.
Dưới đây là năm điểm chính rút ra từ cuộc điều tra.
1. Căn cứ Mỹ ở Wiesbaden, Đức, cung cấp tọa độ của quân Nga cho Ukraine
Ý tưởng đằng sau mối quan hệ hợp tác này là sự phối hợp chặt chẽ của Mỹ với Ukraine sẽ bù đắp lợi thế áp đảo của Nga về nhân lực và vũ khí. Để hỗ trợ Ukraine triển khai các loại vũ khí ngày càng tiên tiến, Mỹ đã thành lập một chiến dịch có tên
Lực lượng Đặc nhiệm Rồng (
Task Force Dragon).
Trung tâm bí mật của quan hệ đối tác này nằm tại căn cứ quân sự Mỹ ở Wiesbaden, Đức. Mỗi buổi sáng, các sĩ quan quân đội Mỹ và Ukraine cùng xác định mục tiêu ưu tiên – đó có thể là các đơn vị quân đội, trang thiết bị hoặc cơ sở hạ tầng của Nga. Các sĩ quan tình báo Mỹ và đồng minh sử dụng ảnh vệ tinh, dữ liệu thu phát sóng vô tuyến và thông tin liên lạc bị chặn để xác định vị trí quân Nga.
Lực lượng Đặc nhiệm Rồng sau đó sẽ cung cấp tọa độ để Ukraine tiến hành tấn công.
Giới chức quân sự Mỹ lo ngại rằng việc gọi các mục tiêu là
"mục tiêu" có thể mang tính khiêu khích quá mức, nên họ thay thế bằng thuật ngữ
"điểm quan tâm" (
points of interest).
2. Tình báo và pháo binh Mỹ giúp Ukraine nhanh chóng đảo ngược tình thế
Vào mùa xuân năm 2022, chính quyền Biden đồng ý gửi
Hệ thống Pháo phản lực Cơ động Cao (HIMARS), loại vũ khí sử dụng tên lửa dẫn đường bằng vệ tinh với tầm bắn lên đến 80 km.
Trong năm đầu tiên của cuộc chiến, Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào tình báo Mỹ, và
Lực lượng Đặc nhiệm Rồng đã kiểm duyệt và giám sát hầu hết các cuộc tấn công bằng HIMARS.
Những đợt tấn công này khiến tỷ lệ thương vong của quân Nga tăng vọt, giúp Ukraine tổ chức một cuộc phản công thành công vào năm 2022. Đến tháng 12, Ukraine giành được lợi thế đáng kinh ngạc trong cuộc chiến, tựa như David đối đầu Goliath.
3. Chính quyền Biden liên tục điều chỉnh "lằn ranh đỏ"
Ngay từ đầu, các quan chức Mỹ đã đặt ra
lằn ranh đỏ: Mỹ không trực tiếp tham chiến với Nga mà chỉ hỗ trợ Ukraine. Tuy nhiên, họ lo ngại rằng những bước đi nhằm đạt được mục tiêu này có thể khiêu khích ông Putin, dẫn đến đòn trả đũa vào các mục tiêu thuộc NATO hoặc thậm chí là vũ khí hạt nhân.
Mặc dù Mỹ ngày càng chấp nhận rủi ro hơn để giúp Ukraine đối phó với những mối đe dọa mới, nhiều hành động mang tính khiêu khích nhất lại được thực hiện một cách bí mật:
- Mỹ nới lỏng lệnh cấm về việc đặt binh sĩ trên lãnh thổ Ukraine, cho phép khoảng một tá cố vấn quân sự Mỹ có mặt tại Kyiv. Ban đầu, họ được gọi là "chuyên gia kỹ thuật" để tránh sự chú ý. Sau đó, con số này tăng lên khoảng 36 người, và họ được phép di chuyển đến các sở chỉ huy quân sự gần tiền tuyến hơn.
- Hải quân Mỹ được phép chia sẻ thông tin nhắm mục tiêu cho các cuộc tấn công bằng drone của Ukraine nhằm vào tàu chiến Nga gần vùng biển Crimea bị Nga sáp nhập.
- CIA bí mật hỗ trợ các cuộc tấn công drone của Ukraine vào cảng Sevastopol, nơi đồn trú của Hạm đội Biển Đen Nga.
- Chiến dịch "Mưa Sao Băng" (Operation Lunar Hail) vào tháng 1/2024, do Mỹ và Ukraine phối hợp lên kế hoạch, đã tấn công khoảng 100 mục tiêu quân sự Nga ở Crimea, buộc Nga phải rút nhiều thiết bị và binh sĩ về lãnh thổ Nga.
4. Quân đội và CIA Mỹ cuối cùng cũng hỗ trợ tấn công vào lãnh thổ Nga
Lằn ranh đỏ quan trọng nhất là
biên giới Nga. Nhưng vào mùa xuân năm 2024, để bảo vệ thành phố Kharkiv trước một cuộc tấn công của Nga, Mỹ đã cho phép thiết lập một
"hộp tác chiến" (
ops box) – một vùng lãnh thổ Nga mà các sĩ quan Mỹ ở Wiesbaden có thể cung cấp tọa độ chính xác cho Ukraine tấn công.
Ban đầu, vùng này giới hạn ở biên giới phía bắc Ukraine. Nhưng sau đó, nó được mở rộng khi
Triều Tiên gửi quân đến hỗ trợ Nga trong chiến dịch tại khu vực Kursk. Quân đội Mỹ cũng được phép hỗ trợ các cuộc tấn công bằng tên lửa vào một khu vực ở miền nam Nga, nơi Nga tập kết lực lượng và thiết bị cho cuộc tấn công ở miền đông Ukraine.
Theo chính sách lâu nay, CIA bị cấm cung cấp thông tin tình báo về các mục tiêu trên đất Nga. Nhưng họ có thể yêu cầu
"ngoại lệ" (
variances) cho từng nhiệm vụ cụ thể. Một trong số đó là cuộc tấn công ngày 18/9/2024 vào
kho đạn khổng lồ ở Toropets, cách biên giới Ukraine 290 dặm về phía bắc. Một loạt drone đã phá hủy kho đạn, gây ra vụ nổ mạnh ngang một trận động đất nhỏ. Sau đó, CIA tiếp tục hỗ trợ các cuộc tấn công drone của Ukraine vào miền nam Nga để làm chậm bước tiến của quân Nga ở miền đông Ukraine.
5. Mâu thuẫn chính trị ở Ukraine góp phần làm cuộc phản công năm 2023 thất bại
Cuộc phản công năm 2023 được kỳ vọng sẽ duy trì đà thắng lợi từ năm trước. Nhưng sau khi Mỹ và Ukraine tổ chức các trò chơi chiến tranh ở Wiesbaden và thống nhất kế hoạch, nó đã vấp phải những bất đồng nội bộ tại Kyiv.
Tổng tư lệnh quân đội Ukraine,
Tướng Valery Zaluzhny, ủng hộ kế hoạch chính: tấn công về hướng
Melitopol nhằm cắt đứt tuyến tiếp tế của Nga. Nhưng
Đại tướng Oleksandr Syrsky, cấp dưới nhưng là đối thủ của ông, lại muốn tập trung tấn công vào thành phố
Bakhmut ở miền đông.
Tổng thống Ukraine
Volodymyr Zelensky đứng về phía Syrsky, chia nhỏ nguồn lực cho cả hai mặt trận thay vì tập trung vào một hướng duy nhất. Kết quả, Ukraine không chiếm lại được Bakhmut, và chỉ trong vài tháng, cuộc phản công sụp đổ.
Nga hiện đang chiếm thế thượng phong.