
Một vụ rơi trực thăng khiến ông Agustín Escobar, Giám đốc một công ty thuộc tập đoàn Siemens, gia đình ông và phi công thiệt mạng.
Chuyến dạo chơi biến thành thảm kịch

Hiện trường vụ tai nạn trực thăng trên sông Hudson vào ngày 10/4. Ảnh: WABC
Theo kênh CNN ngày 11/4, chiếc trực thăng tham quan chở gia đình ông Escobar đã lao xuống sông Hudson vào ngày 10/4 (giờ Mỹ), biến chuyến dạo chơi của gia đình trên bầu trời đầy sương mù của Manhattan thành thảm kịch.
Chiếc trực thăng chở sáu người, trong đó có ba trẻ em và Giám đốc của một công ty thuộc Siemens - tập đoàn công nghệ đa quốc gia có trụ sở tại Đức. Trực thăng cất cánh từ một bãi đáp ở Manhattan và bay theo tuyến tham quan quen thuộc: vòng quanh Tượng Nữ thần Tự do, bay ngược lên phía Bắc theo sông Hudson đến cầu George Washington rồi quay đầu về phía Nam. Khoảng 16 phút sau khi cất cánh, chiếc trực thăng đã rơi xuống sông.
Nhân chứng mô tả chiếc trực thăng bị lật và xoáy tròn trước khi rơi xuống gần bờ sông New Jersey trong tư thế lật ngửa, các mảnh vỡ văng tung tóe trên mặt sông.
Bà Sarah Jane Raymond Ryer, người chứng kiến vụ tai nạn, kể lại: “Chiếc trực thăng hơi chúi đầu xuống, tôi thấy cánh quạt tách ra khỏi thân trực thăng. Nó tiếp tục quay lơ lửng trong không trung, không còn gắn với bất cứ thứ gì nữa”. Một video cho thấy cánh quạt đã rời khỏi thân trực thăng và bay tự do giữa không trung.
Một cư dân thành phố Jersey, bà Jenn Lynk, nhớ lại âm thanh đáng sợ: “Nghe như thể một động cơ rớt ra. Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ thì thấy một vài người chạy về phía sông, nhưng một số người khác vẫn tỏ ra bình thường nên tôi nghĩ có thể chẳng có gì nghiêm trọng. Rồi tôi bắt đầu nghe thấy tiếng còi hú vang lên khắp nơi”.

Ông Agustín Escobar. Ảnh: Siemens
Người phát ngôn của Siemens Mobility phát biểu với CNN: “Chúng tôi vô cùng đau buồn trước vụ rơi trực thăng thảm khốc khiến ông Agustin Escobar và gia đình ông thiệt mạng. Chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến tất cả những người thân yêu của họ”.
Ông Escobar là Giám đốc điều hành phụ trách Hạ tầng Đường sắt tại Siemens Mobility - bộ phận chuyên cung cấp giải pháp giao thông của Siemens.
Thị trưởng thành phố New York, ông Eric Adams, cho biết gia đình ông Escobar đến từ Tây Ban Nha.
Thị trưởng Adams nói trong một cuộc họp báo: “Chúng tôi xin gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân”. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez cũng bày tỏ lời chia buồn và gọi đây là một thảm kịch không thể tưởng tượng nổi.
Phi công cũng đã thiệt mạng, song giới chức chưa công bố danh tính người này.
Diễn biến tai nạn
Nguyên nhân vụ rơi trực thăng vẫn chưa được xác định, nhưng chứng kiến cảnh trực thăng rơi tự do bất ngờ khiến các nhân chứng bàng hoàng.
Ủy viên Sở Cảnh sát thành phố New York, bà Jessica Tisch, cho biết trực thăng cất cánh lúc 14 giờ 59 từ bãi đáp trực thăng phía Nam Manhattan.
Thời điểm xảy ra vụ việc, tầm nhìn đạt 16 km, song khu vực có mây và gió thổi ở mức 16 đến 24 km/h, có lúc giật tới 40 km/h. Một hệ thống thời tiết dự kiến sẽ mang đến mưa nhẹ vào cuối chiều.
Vào lúc 15 giờ 17, nhiều cuộc gọi khẩn tới số 911 thông báo có một vụ rơi trực thăng gần công viên Pier A ở Hoboken, New Jersey. Các nhân chứng nói rằng trực thăng dường như đã dừng giữa không trung trước khi các bộ phận rời ra, phù hợp với các báo cáo sơ bộ.
Một cư dân thành phố Jersey, bà Ipsitaa Banigrhi, mô tả âm thanh: “Một tiếng động lớn đến nỗi cảm giác như tiếng sấm sét. Tôi thấy những hạt đen bay tung tóe. Ban đầu tôi nghĩ là bụi hay chim, rồi chúng tôi nghe thấy xe cấp cứu và tiếng còi khắp nơi. Lúc đó mới nhận ra: 'Chuyện gì đang xảy ra vậy?'”.
Lực lượng khẩn cấp của Sở Cảnh sát New York và Sở Cứu hỏa thành phố đã vớt sáu người từ dưới nước lên. Bốn nạn nhân tử vong tại chỗ, hai người còn lại qua đời không lâu sau đó vì vết thương. Thị trưởng Jersey, ông Steven Fulop, cho biết trên mạng xã hội X rằng hai trẻ em được chuyển tới Trung tâm Y tế thành phố Jersey nhưng sau đó cũng được xác nhận đã tử vong.
Phần thân chính của trực thăng được trục vớt khỏi sông vào tối 9/4, nhưng lực lượng lặn vẫn tiếp tục làm việc trong ngày 10/4.
Những sự cố an toàn trước đó
Công ty vận hành chiếc trực thăng từng liên quan đến hai sự cố an toàn bị cơ quan hàng không liên bang điều tra.
Năm 2015, một phi công của công ty New York Helicopter Charter đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống New Jersey sau khi bay lơ lửng ở độ cao khoảng 6 mét trong thời gian ngắn. Theo một thanh tra của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), một cuộc kiểm tra ban đầu cho thấy có thể đã có hiện tượng ăn mòn ở một số bộ phận của trực thăng và một số linh kiện bị biến dạng đến mức bị coi là không đủ điều kiện bay. Chiếc trực thăng này trước đó từng gặp tai nạn ở Chile vào năm 2010.
Năm 2013, một phi công của công ty này cũng buộc phải hạ cánh một chiếc trực thăng chở bốn hành khách xuống mặt nước gần Manhattan sau khi nghe thấy một tiếng nổ và sau đó là còi cảnh báo động cơ ngừng hoạt động. Phi công đã kích hoạt phao nổi của trực thăng và đưa hành khách lên một con tàu đang đến gần.
Ông Michael Roth, Giám đốc điều hành của công ty vận hành chuyến bay trên, nói với CNN về vụ tai nạn mới nhất: “Điều duy nhất tôi có thể nói là chúng tôi vô cùng đau buồn”.
Khi được hỏi về tình trạng bảo dưỡng trực thăng, ông nói: “Đó là việc giám đốc bộ phận bảo trì phụ trách”.
Hồ sơ bảo dưỡng không được công khai và Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (NTSB) hạn chế các công ty tiết lộ thông tin trong thời gian điều tra.
Thông tin về trực thăng: Mẫu máy bay thường gặp rắc rối
Chiếc trực thăng là loại Bell 206L-4 LongRanger IV, sản xuất năm 2004 và có chứng chỉ đủ điều kiện bay được cấp năm 2016, còn hiệu lực đến năm 2029.
Trong cuộc điều tra nguyên nhân vụ tai nạn, các cơ quan chức năng sẽ xem xét toàn bộ hồ sơ bảo dưỡng của máy bay, bao gồm việc tuân thủ hai chỉ thị mới nhất về đủ điều kiện bay do FAA ban hành.
Một chỉ thị vào tháng 5/2023 yêu cầu kiểm tra và có thể thay thế trục truyền động của cánh quạt đuôi đối với tám mẫu trực thăng Bell 206L, bao gồm cả 206L-4. Chỉ thị này được đưa ra sau một vụ việc mà trực thăng Bell 206L bị mất truyền động cánh quạt đuôi do hỏng khớp nối.
FAA cũng ban hành một chỉ thị vào tháng 12/2022 yêu cầu kiểm tra và có thể thay thế cánh quạt chính của một số mẫu 206L do hiện tượng tách lớp - lớp vật liệu bên trong cánh quạt bị bong ra do mỏi vật liệu, va đập (ví dụ do chim đâm phải) hoặc lỗi sản xuất, có thể khiến cánh quạt hỏng.
Hiện chưa rõ các vấn đề này có góp phần gây ra vụ tai nạn ngày 10/4 không.
Cả FAA và NTSB đều đang điều tra vụ tai nạn. NTSB cho biết đã cử một “đội phản ứng nhanh” đến hiện trường để kiểm tra xác trực thăng và xem xét hồ sơ bảo dưỡng.