Trạch quốc giang sơn nhập chiến hào Sinh dân hà kế lạc tiều tô

an-loc-son-su-that-vu-loan-an-su-va-chuyen-tinh-voi-duong-quy-phi2-1632372789734-16323727929721230137117.jpg

Tào Tùng 曹松 người An Huy nhà Đường.
Bài thơ Kỷ Hợi Tuế của ông như sau :




Kỷ Hợi tuế nghĩa là năm Kỷ Hợi

Trạch quốc giang sơn nhập chiến hào
Sinh dân hà kế lạc tiều tô.
Bằng quân mạc thoại phong hầu sự,
Nhất tướng công thành vạn cốt khô

Kỷ Hợi tuế nghĩa là năm Kỷ Hợi. Năm Kỷ Hợi nói trong bài thơ của Tào Tùng là năm dương lịch 879, thời vua Hy Tông nhà Đường. Lúc nầy nhà Đường bên Tàu xảy ra loạn Hoàng Sào. Còn ở Việt Nam, theo Việt Sử Tiêu Án của Ngô Thời Sỹ thì đây cũng là thời điểm mà Hào trưởng vùng Chu Diên (Hải Dương bây giờ) là Khúc Thừa Dụ, ông đã cùng dân chúng nổi dậy, chiếm giữ thành Đại La, thủ phủ của Tỉnh Hải Quận (tên gọi đất Việt thời Đường Hy Tông). Năm 880 Khúc Thừa Dụ tự xưng làm Tiết độ sứ Tỉnh Hải Quận, đặt nền móng cho việc kết thúc ngàn năm Bắc thuộc, thoát khỏi ách đô hộ của Trung Hoa.


Bài thơ đã nói lên mơ ước sống yên lành, nhỏ nhoi của người dân trong xã hội vốn đã cơ cực. Nhưng người dân cũng đã nhận chân ra khi lâm cảnh binh đao, họ là người trước tiên đứng trước đầu đạn mũi tên. Chiến đấu cho thế lực nào, đứng về phía triều đình, hay đứng về phía quân nổi dậy, họ cũng chỉ là người phải đụt pháo, xông tên. Đã từng quen với loạn lạc, binh đao, họ rõ rằng thế lực nào khi kết thúc cuộc chiến đều cũng chăm chăm những việc lo cho tư lợi, quyền lực của họ. “Bằng quân mạc thoại phong hầu sự”. Đã hiểu được thân phận của dân đen, của những kẻ khốn cùng, đã thấu hiểu sự đời, xin đừng nói là chiến đấu, lăn xả trước hàng quân để hòng được thăng quan tiến chức, nhận tước phong hầu.



Nếu được phong quan phong tướng, thì trước những khốc liệt của binh đao, ngồn ngộn mối cảm xúc trước hình ảnh những đồng đội phải nằm xuống, với cái nhìn nhân bản về cuộc sống… phải rõ rằng chức quan, hàm tướng nầy có được, chỉ một kẻ được nên danh, trong khi đó ngoài chiến trường hàng vạn ngàn xương trắng phơi khô. “Nhất tướng công thành vạn cốt khô” là tiếng kêu thảng thốt của người Giang Nam vào năm Kỷ Hợi 879 trước loạn Hoàng Sào.



Cũng những tháng năm nầy, Khúc Thừa Dụ ở Giao Châu ta cũng làm cuộc binh biến giành quyền tự chủ cho đất nước. Văn thơ, sách sử của ta truyền lại không cho thấy tâm tình của dân tộc trước sự kiện đặt nền móng giành độc lập đó. Năm nhà Minh đánh chiếm Việt Nam, đền đài, sách vở… của người Việt đều bị phá hủy, đốt sạch, hoặc thu mang về Tàu, đã làm phai mờ dấu tích văn hóa của Việt Nam..
Bây giờ chỉ còn biết dựa vào chi tiết năm 906, vua nhà Đường phải chính thức công nhận, phong cho Khúc Thừa Dụ làm Tỉnh Hải Quận Tiết độ sứ. Điều nầy cho phép ta hình dung ra được nỗi vui mừng của người dân trước sự kiện người Việt ta làm chủ lấy ta. Và cũng hình dung ra được với tâm tình vốn cùng tộc Bách Việt với người Giang Nam, người Việt cũng có thể đã có chung cái nhìn “Nhất tướng công thành vạn cốt khô” trong bài thơ Năm Kỷ Hợi của Tào Tùng. Cái nhìn nhân bản đối với sinh linh trước khói lửa binh đao.
 

Có thể bạn quan tâm

Top