Trái phiếu Mỹ và chính sách của Trump -

Putoang

Xàm 0 Lít
source: https://www.facebook.com/nguyenvhaitrieu
-
Hai bài trước mình cố gắng tóm tắt một góc nhìn khác về chính sách thuế quan của Trump. Luận điểm chính đại khái là vấn đề mà chính quyền Trump muốn giải quyết không phải là một vấn đề thuần túy thương mại, mà có gốc rễ là sự bất ổn của hệ thống tài chính thế giới. Bài này sẽ nói kĩ hơn điểm trên.
Tất cả đều quy về đầu mối là trái phiếu chính phủ Mỹ. Khi các quốc gia đa dạng hóa đầu tư, họ luôn có nhu cầu cao cho các loại tài sản an toàn. Điều này dẫn tới việc cần phải có một bên cung cấp loại tài sản này. Có nhiều yếu tố để một quốc gia trở thành bên cung tài sản, tuy nhiên việc quốc gia này là Mỹ phần lớn là vì độ khỏe của nền kinh tế, độ tin cậy của hệ thống chính trị, và mức độ phát triển của hệ thống tài chính. Tài sản an toàn được Mỹ bán cho thế giới là trái phiếu chính phủ. Nhu cầu cho trái phiếu Mỹ về bản chất là không co giãn (price inelastic), nên các quốc gia khác khi mua trái phiếu Mỹ thường mua vô điều kiện. Tuy vậy, ngoài trái phiếu Mỹ ra thì hệ thống tài chính dường như không còn một tài sản an toàn nào khác, dẫn đến tình trạng thiếu hụt (shortage).
Trong tình huống cầu cao, cung thấp, thì về lí thuyết có hai cách để thị trường tự cân bằng. Thứ nhất, giá trái phiếu có thể tăng. Dù vậy, ở đây thì giá trị của đồng dollar sẽ tăng theo, dẫn đến tình trạng nhập siêu như hiện nay. Ở đây, có thể thấy việc các ngành sản xuất chạy ra nước ngoài dưới ảnh hưởng của một đồng dollar mạnh *không* phải là hậu quả của lợi thế so sánh, mà là sự thiếu hụt tài sản tài chính toàn cầu. Nên để bác lại chính sách kinh tế của Trump mà lại dùng lợi thế so sánh để nói là trật lất.
Cách thứ hai, là đường cung của trái phiếu Mỹ phải tăng. Ở đây phải nhớ là khi chính phủ Mỹ bán ra trái phiếu, họ lại dùng tiền để mua các tài sản khác về bản chất là rủi ro hơn. Ta có kết quả cơ bản trong tài chính là một portfolio phải được đa dạng hóa, tuy nhiên trong trường hợp của Mỹ thì số lượng tài sản rủi ro lại tăng cao hơn vì đó là điều kiện để Mỹ ăn được chênh lệch từ việc bán tài sản an toàn là trái phiếu. Xa hơn, việc giá trái phiếu tăng cao như đã nói ở trên, mà lãi suất thực lại chạy ngược chiều với giá trái phiếu, kết quả là lãi suất thực giảm. Lãi giảm cũng đồng thời kéo theo việc sử dụng các đòn bẩy tài chính nhiều hơn. Nói tóm lại, việc tăng cung trái phiếu Mỹ đi kèm với các hệ lụy: vay quá rẻ khiến nợ xấu tăng, số lượng tài sản rủi ro tăng, và các bất ổn từ việc lạm dụng đòn bẩy. Các khung lí thuyết giải thích vì sao lãi thấp dẫn đến các chu kì kinh tế đã có quá nhiều và điều này không cần phải nói lại.
Quan trọng nhất, các vấn đề trên nằm dưới giả định là thị trường trái phiếu Mỹ tự cân bằng (self-equilibrating). Nhưng về bản chất, trong một thị trường mang tính chính trị thì sẽ luôn có các tư lợi chính trị (public choice problem), dẫn tới việc thị trường trái phiếu chưa chắc đã cân bằng. Khi các giả định về cân bằng không được thỏa mãn, các hệ lụy từ thị trường bị méo mó còn nặng nề hơn.
Vậy, vì sao lại dùng thuế quan? Vì về bản chất việc dùng thuế quan là tương đương với việc phá giá đồng dollar, và hơn nữa, vì nó tiện và tránh được rào cản Quốc hội. Chính quyền Trump cực kì căn cơ khi chọn thuế quan là công cụ, vì các áp lực chính trị từ phía đối lập gần như bị vô hiệu hóa.
Nhưng, dùng thuế quan có giải quyết được vấn đề không? Chưa chắc. Mức thuế quan nào là hợp lý? Tùy. Có phải là mức thuế quan Trump đặt ra không? Không, ngoại trừ việc đặt baseline là 10%.
Các luận điểm này chỉ để tóm tắt lí thuyết đằng sau các hành động của chính quyền Trump. Lí thuyết này chưa chắc đã đúng, mà nếu có đúng thì việc từ ý tưởng tới hành động là một chuyện khác nữa. Dù vậy, việc ra chính sách của Trump có vấn đề không có nghĩa là các mục tiêu nó nhắm đến là sai, và không có nghĩa là lí thuyết đằng sau các chính sách đó là sai.
Mình viết các bài về Trump không phải là để lí trí hóa hành động của lão. Thực ra lão già làm gì mình cũng mặc mẹ, đếch quan tâm, vì mình đã qua giai đoạn quan tâm đến chính trị và lăn tăn liệu một thằng cha nào đấy có phải là tai họa cho nền dân chủ thế giới không. Nhưng qua đây cũng có thể thấy, khi mà những tư tưởng chính trị ba lăng nhăng đã hoàn toàn thất bại khi cố gắng giải thích hành động của Trump, thì việc quay lại với các thứ cơ bản như đường cung hay đường cầu là một công cụ mạnh mà không phải ai cũng nghĩ tới.
 
Top