Trần Thị Oanh: từ thuyền nhân đến ủy viên Ủy ban Công bằng Lao động của Úc

Bà Trần Thị Oanh, ủy viên Ủy ban Công bằng Lao động của Úc (ảnh bên trái), và khi mới đặt chân đến Úc ở tuổi lên ba (ảnh bên phải)

Nguồn hình ảnh,Oanh Tran
Chụp lại hình ảnh,Bà Trần Thị Oanh, Ủy viên Ủy ban Công bằng Lao động của Úc (trái), và khi mới đặt chân đến Úc ở tuổi lên ba (phải).
2 tháng 5 2025
Là người phụ nữ gốc tị nạn đầu tiên ngồi vào ghế Ủy ban Công bằng Lao động của Úc, Trần Thị Oanh kể về chuyện cuộc đời bà đã "bắt đầu lại" trên con thuyền vượt biển cùng cha mẹ sau chiến tranh.
Theo số liệu từ Liên Hợp Quốc, đến khi chương trình tị nạn Việt Nam chính thức kết thúc vào năm 1995, tổng cộng đã có 2.164.000 người rời bỏ quê hương, với đỉnh điểm là từ năm 1980 - 1989, có tới 450.000 người vượt biên.
Gia đình của Oanh cũng ra đi trong khoảng thời gian này. Là con út trong gia đình có tám anh chị em, việc tổ chức cho cả gia đình ra đi vào cùng lúc là điều khó khăn. Cha bà còn lo ngại rằng người Tây sẽ không tin một gia đình có đông con đến như vậy nên ba anh chị của bà được gửi đi trước cùng họ hàng.
"Anh Hai tôi đi cùng đợt với bà ngoại và cậu. Do anh bị bệnh tim nên cha tôi muốn anh đi trước để được tiếp cận nền y tế của phương Tây, còn cha mẹ tôi lúc đó vẫn chưa quyết định rời đi vì họ vẫn muốn ở lại gắn bó với mảnh đất tổ tiên.
"Nhưng cuộc sống ngày càng khó khăn. Gia đình bên nội tôi sở hữu đất đai và thuyền đánh cá nhưng một phần đã bị chính quyền ******** trưng thu, khiến việc kiếm sống trở nên khó khăn. Dì dượng tôi bên nội bị đưa vào trại cải tạo nên cha tôi không muốn bản thân mình hay con cái phải chịu cảnh tương tự. Mẹ tôi thì muốn đoàn tụ với ngoại và anh chị tôi. Vậy nên cả nhà đã quyết định rời đi vào năm 1982."
"Chúng tôi vượt biên vào thời điểm bị kiểm soát rất gắt gao, khó đi trót lọt," bà Oanh kể lại với BBC News Tiếng Việt.

'Cha tôi là thuyền trưởng con tàu'​

Là một ngư dân lành nghề, cha của Oanh đã tự tổ chức chuyến vượt biên cho gia đình năm người và một số quen trên chiếc tàu đánh cá dài độ 15 mét.
"Khi đó tôi chỉ mới hai tuổi nên không nhớ được nhiều, cha mẹ kể rằng gia đình mình khá may mắn, suôn sẻ và an toàn. Chúng tôi cuối cùng đã đến được nơi cha tôi muốn là Malaysia, chứ không nhắm đến thẳng Úc hay Mỹ vì ông nói đó không phải đường đi an toàn," bà thuật lại.
Cha của bà sau đó đã sắp xếp một con tàu đợi sẵn trong đêm, ông phủ một tấm bạt lên chiếc đèn xanh làm tín hiệu. Bên cạnh đó, ông cũng đã chuẩn bị sẵn những gậy gỗ được sơn vẽ trông giống như súng để giả làm cướp biển nếu bị hải tặc chặn đường cướp bóc.
Vì đông anh em nên cha mẹ bà đã phải vật lộn để đưa được năm anh chị em bà ra đến chỗ thuyền đậu. Oanh được cho uống thuốc ngủ trước chuyến đi nhưng bà sau đó đã thức giấc vì sóng vỗ vào người.
"Cha đã ẵm tôi và người anh kế tôi từ bờ ra con thuyền trong khi mẹ thì bồng bế, dắt díu ba người chị của tôi. Nhưng một trong số các chị đã khóc lóc đòi quay về vì có vẻ việc lội ra biển khi sóng vỗ mạnh là quá sức với đứa bé sáu tuổi như chị.
"Vậy là cha tôi vội vã chạy đi giải quyết cô con gái đang quay trở lại bờ và cả tôi, đứa vừa tỉnh dậy và không muốn bị vác trên vai. Cuối cùng, ông đã dẹp yên được đám chúng tôi và bế cả ba ra thuyền. Đó rõ ràng không phải chuyện dễ dàng với ông, nhất là khi phải nhanh chóng nhổ neo rời đi để tránh bị phát hiện," bà Oanh kể lại.
Trên đường đi, thuyền của bà đã đụng độ cướp biển như trong tính toán của cha bà. Nhưng nhờ sự nhanh trí của ông, thuyền của gia đình bà đã dọa được họ đi.
"Cha tôi đã lùa đàn bà và trẻ nhỏ nằm xuống trốn còn những người đàn ông thì đứng quanh tàu, tay lăm le và giương giương những khẩu súng giả. Đó là mánh khóe và thật may chúng tôi đã đuổi hải tặc thành công.
"Tôi nghĩ cha mẹ tôi đã cố gắng làm cho chuyến vượt biên đó nhẹ nhàng nhất có thể trong ký ức chúng tôi. Nhưng bây giờ khi nghĩ lại, tôi tự hỏi làm sao cha mẹ tôi không cảm thấy kinh hoàng và sợ hãi cho được, nhất là cha tôi phải gánh vác bao nhiêu sinh mạng.
"Vậy mà khi kể lại mọi chuyện, cha tôi đã cười đùa rằng ông vừa phải chỉ đạo mọi người, vừa cân não theo dõi hành động của bọn cướp biển trong khi ngồi lên người tôi để ngăn không cho tôi chồm dậy vì tôi quá loi nhoi. Có lẽ cha mẹ muốn chúng tôi chỉ nhớ những ký ức tốt đẹp, không bị ám ảnh hay sợ hãi," bà Oanh nhớ lại.
Cuối cùng, gia đình bà cũng cập bến Malaysia và có thời gian ở trại tị nạn Sungai Besi của UNHCR trong khoảng một năm trước khi được định cư tại Úc vào năm 1983.
Bà Trần Thị Oanh, lúc đó 2 tuổi, mặc váy hồng, cùng gia đình và người quen tại trại tị nạn do UNHCR quản lý ở Malaysia vào năm 1982

Nguồn hình ảnh,Oanh Tran
Chụp lại hình ảnh,Trần Thị Oanh, lúc đó 2 tuổi, mặc váy hồng, cùng gia đình và người quen tại trại tị nạn do UNHCR quản lý ở Malaysia vào năm 1982.

Đơn hàng lúc nửa đêm​

Khi đến Úc, ban đầu gia đình bà sống trong những ngôi nhà di động ở Wacol, một khu ngoại ô của thành phố Brisbane, bang Queensland, nằm dọc theo bờ biển phía đông nước Úc. Các anh chị em và những người lớn bắt đầu học tiếng và được cung cấp thực phẩm hằng ngày trong quá trình tìm kiếm nơi ở ổn định.
Với sự giúp đỡ từ chính phủ Úc, cuối cùng gia đình bà Oanh đã chuyển đến sống lâu dài ở West End, một vùng ngoại ô khác ở thành phố Brisbane. Nhưng đời sống vẫn còn rất khó khăn, cha bà ngư dân và cũng biết làm nông nhưng không có đất để trồng trọt.
"Ông cũng thử đi biển một thời gian nhưng việc đánh bắt cá ở Úc rất khác ở Việt Nam, nhất là ông đi biền biệt vài tháng trời, để lại một mình mẹ tôi chăm nom chúng tôi. Sau một thời gian, cha tôi không thể tiếp tục bám biển vì ông bị viêm phổi do khí hậu ở Queensland dù trong vùng nhiệt đới nhưng vẫn rất lạnh so với Việt Nam.
"Mẹ tôi sau đó thử đi làm ở các nhà máy và một số nơi nhưng cũng không thể trụ được lâu dài vì xí nghiệp khá xa nhà, trong khi mấy đứa tôi còn quá nhỏ không ai trông nom. Cuối cùng, bà đành nhận hàng về may và dần dà, nhà tôi trở thành một xưởng may," bà Oanh nhớ lại.
Là út trong gia đình, Oanh hay được mẹ nhờ xỏ chỉ vào máy may vì có ngón tay nhỏ và đôi mắt sáng. Bà cũng làm những công đoạn đóng gói hàng, như lộn áo đúng mặt, xếp từng lô 20 chiếc.
Bà Oanh vẫn nhớ gia đình bà thường nhận đơn hàng vào nửa đêm, có khi lên đến cả trăm chiếc và buộc phải may xong trong một hoặc hai ngày. Oanh không thể ngủ đủ giấc để đi học và sau khi tan lớp, bà phải về ngay nhà để giúp mẹ.
Cũng từ công việc tiếp xúc với bụi vải, làm ngày làm đêm mà bệnh viêm phổi của cha bà nặng thêm, còn mẹ bà mắc hen suyễn nên sau đó gia đình ngưng hẳn công việc này.
Gia đình bà Oanh phải nhận những đơn hàng lúc nửa đêm và thức trắng để hoàn tất theo đúng hạn. Việc này kéo dài nhiều năm khiến sức khỏe của cha mẹ bà ngày càng bị ảnh hưởng

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Gia đình bà Oanh phải nhận những đơn hàng lúc nửa đêm và thức trắng để hoàn tất theo đúng hạn. Việc này kéo dài nhiều năm khiến sức khỏe của cha mẹ bà ngày càng bị ảnh hưởng (Ảnh minh họa).
Dù khi ấy mới chỉ tám tuổi, bà vẫn cảm nhận được rằng công việc gia đình bà đang làm khiến mọi người kiệt sức và việc nhận đơn hàng vào nửa đêm là điều sai trái, bất công. Nhưng vào thời điểm đó, với những người tị nạn như gia đình bà, nỗi sợ bị đuổi đi, mất đi đơn hàng và không còn nguồn sống luôn ám ảnh họ nên đã không lên tiếng.
Vào năm 1988, nhân dịp kỷ niệm 200 năm người Anh phát hiện ra lục địa Úc, đánh dấu sự khởi đầu của công cuộc thuộc địa hóa, chính phủ đã thực hiện một đợt ân xá đối với các đơn xin nhập quốc tịch. Vì vậy, việc trở thành công dân Úc vào năm 1988 dễ dàng hơn rất nhiều so với thời gian trước và so với hiện tại.
"Tôi cố làm mọi thứ để đảm bảo rằng gia đình mình nộp đơn xin quốc tịch vào thời điểm đó và cũng động viên cô chú dì dượng làm tương tự. Tôi nghĩ tôi có được nhận thức như vậy nhờ vào việc xem báo đài, tôi luôn cảm thấy có trách nhiệm với gia đình, giúp họ hướng ra thế giới bên ngoài để hòa nhập vào xã hội Úc," bà Oanh nhớ lại.
Chuyện có được quốc tịch không chỉ để gia đình bà được hưởng chế độ an sinh xã hội, được bảo vệ quyền lợi của một người lao động như những công dân khác, mà sâu xa, đó là tấm "thẻ bài an toàn" để gia đình bà có thể trở về thăm quê hương.
"Một số cô chú, cậu dì trong gia đình bà rất muốn trở về quê nhà khi Việt Nam mở cửa vào năm 1986. Tuy nhiên, để đảm bảo việc trở về an toàn và có thể quay lại Úc, việc nhập quốc tịch trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
"Tôi nhớ lúc đó bà nội tôi đang bệnh nặng nên cha tôi muốn về thăm, nhưng ông có lẽ đã lo sợ nên đã không trở về vào thời điểm đó. Tới tận 10 năm sau ông mới quay lại quê hương. Lúc bấy giờ bà đã mất rồi," bà Oanh kể.

Lấy lại danh xưng 'thuyền nhân'​

Fair Work Commission nơi bà Oanh trở thành ủy viên đầu tiên xuất thân từ gia đình tị nạn là tòa án giải quyết tranh chấp trong quan hệ lao động, tòa này giúp nhân viên và chủ lao động giải quyết các vấn đề tại nơi làm việc

Nguồn hình ảnh,Oanh Tran
Chụp lại hình ảnh,Ủy ban Công bằng Lao động (Fair Work Commission) nơi bà Oanh trở thành ủy viên đầu tiên xuất thân từ gia đình tị nạn là tòa án giải quyết tranh chấp trong quan hệ lao động, tòa này giúp nhân viên và chủ lao động giải quyết các vấn đề tại nơi làm việc.
Bà Trần Thị Oanh đã trở thành người gốc tị nạn đầu tiên ngồi vào ghế của Ủy ban Công bằng Lao động (Fair Work Commisson) vào năm 2023 và theo bà, đó là "đỉnh cao trong sự nghiệp" với tư cách là một luật sư, nhất là về vấn đề quan hệ trong lao động.
Nơi bà Oanh làm việc là tòa án giải quyết tranh chấp quan hệ lao động, giúp nhân viên và chủ lao động giải quyết các vấn đề tại nơi làm việc.
"Tôi rất may mắn trong suốt sự nghiệp của mình khi tìm được công việc mà tôi trân trọng và có những người dẫn dắt giỏi luôn động viên, hỗ trợ mình. Tôi có niềm đam mê trong vấn đề công lý xã hội, đảm bảo sự coi trọng đối với tất cả công nhân cũng như muốn giúp đỡ những người lao động."
Dù không phải định rõ hướng đi sau tốt nghiệp trung học nhưng Oanh đã chọn theo ngành luật vì mẹ bà nói "con có tài tranh biện rất giỏi".
"Tôi quan tâm nhân quyền và tôi vẫn nhớ cha mẹ mình đã không được trả công xứng đáng trong những năm tháng nhận hàng về may. Không có một thời điểm cụ thể nào khiến tôi nghĩ: đây là những gì tôi muốn làm trong đời mình.
"Tôi chỉ hiểu rõ một điều giản đơn: người lao động cần được đánh giá công sức đúng, được đảm bảo phúc lợi và an toàn, đó là những gì ảnh hưởng đến tôi và điều tôi quan tâm. Tôi làm những điều mà tôi giỏi và tôi thực sự quan tâm đến giá trị lao động và sự công bằng," bà Oanh chia sẻ.
Trong một khoảng thời gian dài, Oanh đã không gọi mình là "thuyền nhân" hay "người tị nạn" mà chọn dùng cụm từ "người nhập cư". Bà giải thích với BBC rằng, người tị nạn, ngay cả ở Úc hay ở Anh, không phải lúc nào cũng được chào đón.
Mọi chuyện dễ dàng hơn khi bà nói mình là người di cư sang Úc và người ta có thể nghĩ bà là người Nhật, Hàn hay Trung Quốc, vì người nhập cư về lý do kinh tế sẽ được đón nhận tốt hơn là từ Chiến tranh Việt Nam.
"Tâm lý chung về thuyền nhân hồi ấy vẫn chưa tích được tích cực. Nhưng tôi rất may mắn khi đã chạm đến đỉnh cao sự nghiệp, có vị trí xã hội ổn định. Đó là lý do vì sao tôi có thể nhận mình là thuyền nhân, là người tị nạn và thoải mái hơn trong việc kể cho mọi người nghe câu chuyện của gia đình tôi và có thể tự hào nói: đây là cách tôi cố gắng và đóng góp cho nước Úc.
"Vì vậy, không có lý do gì chúng ta không giang tay chào đón những người tìm kiếm nơi chốn an toàn trên đất Úc. Nói vậy không có nghĩa bạn cần phải trở thành gương mặt tiêu biểu, nổi danh thì mới có thể đóng góp cho xã hội mà có thể xây dựng xã hội từ những việc bình thường," bà Oanh nêu ý kiến.
Lúc bà Oanh làm ủy viên của Ủy ban Công bằng Lao động thì cha mẹ bà đã qua đời nhưng bà nói với BBC rằng, vốn dĩ cha mẹ bà đã "cực kì tự hào" về bà cũng như các anh chị.
"Dù cha mẹ đã ra đi và không chứng kiến được khoảnh khắc tôi được bổ nhiệm làm ủy viên, tôi tin hai người luôn tự hào về con cái. Không phải vì chúng tôi đạt được điều gì lớn lao trong sự nghiệp mà hơn vậy, chúng tôi xây dựng được cuộc đời, gia đình cho riêng mình.
"Chúng tôi không thường xuyên nhắc lại chuyện cũ, nhưng tôi biết cha mẹ đã hy sinh rất nhiều cho chúng tôi, với mong muốn giản đơn là để chúng tôi được an toàn, được sống bên nhau và có cơ hội để phát triển.
"Mẹ tôi đã rất hạnh phúc và tự hào khi tôi sinh bé đầu lòng vì với bà, điều đó có nghĩa là tôi đã yên bề gia thất, có cuộc sống riêng vững vàng tại Úc," bà Oanh nghẹn ngào nhớ lại.
 

Có thể bạn quan tâm

Top