

5 giờ trước
Ông Donald Trump trở lại nắm quyền thành công hồi đầu năm nay là nhờ vào sự ủng hộ của một nhóm cử tri đa dạng – tài xế xe tải, cựu chiến binh, chủ doanh nghiệp…
Lý lịch đa dạng của họ phần nào giúp giải thích sức hút bền bỉ của ông Trump. Nhưng sau 100 ngày nhiệm kỳ Trump, những người ủng hộ trung thành của ông giờ cảm thấy thế nào?
BBC quay lại phỏng vấn năm người trong số họ. Dưới đây là chia sẻ của họ về những lời hứa mà ông Trump đã giữ, những cam kết ông chưa thực hiện, và kỳ vọng của họ trong thời gian tới.
'Nếu không ăn thua, tôi sẽ nói đó là sai lầm'
Luiz Oliveira nói rằng ông "không thể theo kịp" tốc độ thay đổi chính sách chóng mặt của ông Trump trong 100 ngày đầu tiên.Về vấn đề nhập cư, ông đánh giá cao loạt biện pháp mới nhằm siết chặt biên giới và việc đẩy mạnh hoạt động trục xuất, bao gồm cả việc đưa người bị trục xuất đến một nhà tù khét tiếng ở El Salvador.
Số vụ chạm trán giữa người di cư và lực lượng biên phòng Mỹ tại biên giới Mỹ-Mexico hiện đang ở mức thấp nhất trong bốn năm qua.
Vấn đề này rất quan trọng đối với Luiz, một người Brazil đến Mỹ hợp pháp từ thập niên 80 và hiện đang sinh sống tại Nevada. Lặp lại cách nói của ông Trump, ông mô tả dòng người di cư trong những năm gần đây là một cuộc "xâm lược".
Ông Luiz, 65 tuổi, nói rằng ông Trump đang gửi thông điệp tới những người nhập cư không giấy tờ: "Đây là nhà của tôi, sân của tôi, và các người sẽ không được ở lại đây."
Tuy nhiên, ở những lĩnh vực khác, ông lại tỏ ra lo ngại về cách tiếp cận của ông Trump.
Là chủ một quán cà phê, ông Luiz ủng hộ nỗ lực của ông Trump nhằm buộc các quốc gia khác phải "chịu phần chi phí công bằng" thông qua việc áp thuế. Nhưng ông cũng lo lắng về những tác động kinh tế ngắn hạn cũng như khoảng thời gian Mỹ cần để thực sự được lợi.
"Quá trình này sẽ đau đớn [và] tôi không nghĩ mọi thứ sẽ nhanh như ông ấy nói.
"Tôi vẫn ủng hộ, nhưng cuối cùng, nếu chuyện này không thành, tôi sẽ thừa nhận việc đó là một sai lầm – rằng ông ấy đã hành động quá vội, làm thị trường hoảng sợ, làm kinh tế chao đảo."
Ông ấy 'quá đỉnh' và đang khôi phục 'xã hội dựa trên thực tài'

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Quân nhân Mỹ đang lắp đặt dây thép gai trên đỉnh tường dọc biên giới Mỹ-Mexico giữa San Diego và Tijuana gần Cảng nhập cảnh San Ysidro ở San Diego, California, ảnh chụp ngày 23/4/2025
Amanda Sue Mathis đã ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử vừa rồi vì tin rằng ông là ứng cử viên phù hợp nhất để giải quyết những vấn đề cấp bách của nước Mỹ – và sau 100 ngày đầu tiên, bà cho rằng ông đã đạt được nhiều tiến bộ rõ rệt.
"Có rất nhiều người quan tâm đến những cuộc chiến ở Trung Đông và Ukraine, nhưng tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta cần tập trung vào đất nước của mình, sắp xếp cho tốt đã rồi mới đi lo về vấn đề của các nước khác," cựu binh hải quân 34 tuổi chia sẻ.
Bà Mathis muốn sống trong một "xã hội dựa trên thực tài " và ca ngợi việc ông Trump bãi bỏ các chính sách Đa dạng, Công bằng và Hòa nhập (DEI) – nhóm chính sách nhằm thúc đẩy sự hiện diện các nhóm thiểu số và chống phân biệt đối xử.
Những người chỉ trích cho rằng DEI vốn cũng mang tính phân biệt đối xử – và bà Mathis tin rằng DEI đã bị đẩy đi quá xa trong những năm gần đây.
Bà cũng ủng hộ các sắc lệnh hành pháp của ông Trump về việc hạn chế quyền lợi y tế chuyển giới đối với công dân Mỹ dưới 19 tuổi và cấm người chuyển giới nữ tham gia các môn thể thao dành cho phụ nữ.
Nhìn chung, bà Mathis cho rằng tổng thống "quá đỉnh" và 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ đã khiến bà thấy "hài lòng hơn với lá phiếu của mình".
Tuy nhiên, bà Mathis cũng sẵn sàng thay đổi quan điểm nếu cần.
"Tôi không phải kiểu người lúc nào cũng ủng hộ ông Trump," bà nói. "Nếu ông làm sai, tôi sẽ là người đầu tiên lên tiếng."
Nhờ thuế quan, 'ông Trump đã giành lại được sự tôn trọng'
Lời hứa áp thuế và đưa việc làm trong ngành sản xuất trở lại Mỹ là lý do chính khiến Ben Maurer, một tài xế xe tải 39 tuổi đến từ Pennsylvania, quyết định bỏ phiếu cho Tổng thống Trump."Lúc ấy, nhiều người cho rằng ông ấy chỉ đang nói phét," ông nói.
Vì vậy, ông Maurer rất hài lòng khi ông Trump lập tức hành động, áp thuế lên hàng hóa từ nhiều quốc gia - từ các đồng minh như Canada và Mexico cho đến các đối thủ như Trung Quốc.
Tuy nhiên, mọi chuyện không hề suôn sẻ. Trong một loạt thông báo đầy biến động, chính quyền Trump đã nâng, hạ, hoãn và rút lại một số mức thuế để phản ứng với các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra và những biến động trên thị trường chứng khoán.
Hiện tại, Mỹ đang áp mức thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu — riêng Trung Quốc phải chịu mức thuế 145% cho hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ.
Bất chấp lo ngại của các nhà kinh tế về nguy cơ giá cả tăng cao, ông Maurer tin rằng các doanh nghiệp đang nhận hàng từ ông sẽ hưởng lợi về lâu dài.
"Ông Trump đã giành lại được sự tôn trọng [cho nước Mỹ]," ông nhận xét về chính sách thuế quan của tổng thống.
"Chúng ta vẫn là một thế lực không thể xem thường."
Nhìn chung, ông Maurer cảm thấy ông Trump đã làm việc hiệu quả hơn trong những ngày đầu nhiệm kỳ hai. Theo ông, tổng thống đã chuẩn bị kỹ lưỡng — và điều đó đang được thể hiện rõ.

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Ông Trump đã công bố nhiều khoản thuế quan nặng nề vào ngày 2/4
'Tôi chịu không hiểu nổi Musk'
Quan điểm của June Carey về ông Donald Trump không thay đổi. Tuy nhiên, những tháng đầu nhiệm kỳ hai của ông lại không giống như những gì bà từng hình dung."Ông ấy quyết liệt hơn và cũng thất thường hơn tôi tưởng," nữ họa sĩ 70 tuổi sống tại California cho biết.
Tuy vậy, bà Carey không nhìn những bất ngờ qua lăng kính tiêu cực. Bà cảm thấy "bàng hoàng" trước sự "lãng phí" mà cái gọi là Bộ Chính phủ Hiệu quả (Doge) – do tỷ phú Elon Musk, một đồng minh thân cận của ông Trump, lãnh đạo – tuyên bố đã phát hiện ra.
Các nhà phê bình cho rằng những tuyên bố về khoản tiết kiệm này có vẻ đã bị phóng đại, và ông Musk đã phải đối mặt với nhiều phản ứng dữ dội sau những đợt cắt giảm mạnh ở các cơ quan chính phủ, trong đó có những vụ sa thải nhân viên liên bang chủ chốt mà sau đó phải rút lại.
Về phần mình, bà Carey cho biết bà vẫn chưa hiểu rõ con người ông Musk.
"Musk là một người mà tôi chưa thể hiểu nổi," bà nói. "Nhưng tôi nghĩ rằng nếu ông Trump tin tưởng ông ấy đến vậy, thì chắc ông ấy cũng là người có ý tưởng và mục tiêu đúng đắn."
Trước đây, bà Carey từng chia sẻ với BBC rằng bà lo ngại về chi tiêu phúc lợi và hy vọng ông Trump sẽ khuyến khích người Mỹ sống tự lập hơn.
Dù hài lòng với những khoản cắt giảm mà chính quyền đã thực hiện, bà Carey cũng bày tỏ mong muốn rằng chính phủ không động đến các chương trình an sinh xã hội – nguồn trợ cấp hàng tháng mà bà và khoảng 67 triệu người Mỹ nghỉ hưu hoặc khuyết tật đang phụ thuộc vào.
Đảng Dân chủ cảnh báo rằng chương trình an sinh xã hội có thể bị ảnh hưởng trong tương lai, nhưng bà đặt câu hỏi: "Tại sao họ lại phải cắt [an sinh xã hội] trong khi họ đã cắt rất nhiều thứ khác và tiết kiệm được hàng triệu đô la rồi?"
Tin vào Trump, chịu 'nỗi đau tạm thời' từ thuế quan
Jeremy Stevens đã ủng hộ ông Trump nhiều năm qua."[Ông Trump] đang rất quyết liệt thực hiện những cam kết đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử," ông nói.
Tại xưởng sửa chữa ô tô kiêm cửa hàng bán xe cũ của mình ở bang Maine, ông Stevens thỉnh thoảng gặp những khách hàng có quan điểm khác về những nỗ lực kinh tế của Trump.
Tuy nhiên, người đàn ông 45 tuổi cho rằng nỗi lo, đặc biệt về thuế quan, chủ yếu bắt nguồn từ "sự thiếu hiểu biết".
Theo ông, thuế quan là một phần trong tầm nhìn dài hạn của chính quyền Trump — một tầm nhìn mà ông tin rằng sẽ mang lại hiệu quả nếu những người chỉ trích đủ kiên nhẫn để chờ đợi.
"Hiện tại có rất nhiều đánh giá thiển cận về tác động của các chính sách này," ông nhận định.
Các nhà kinh tế thì cho rằng việc ông Trump liên tục thay đổi chính sách thuế quan đã gây tổn thất lớn, như việc thị trường toàn cầu lao dốc.
Do tình trạng bất ổn, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu của mình, trong đó Mỹ bị ảnh hưởng nặng nhất. IMF cũng cảnh báo rằng nguy cơ Mỹ rơi vào suy thoái lên tới 40%.
Nhưng ông Stevens tin rằng thời gian sẽ chứng minh ông Trump đúng.
"Đây chỉ là nỗi đau tạm thời," anh nói. "Rồi nó sẽ qua thôi."