"Tù chung thân không giảm án chưa chắc nhân văn hơn tử hình"

Nhiều ĐBQH đề nghị cân nhắc quy định tù chung thân không xét giảm án thay tử hình, bởi quy định này vừa giao Nhà nước trách nhiệm nuôi sống phạm nhân suốt đời, vừa xóa đi hy vọng hoàn lương của họ.​

Sáng 26/5, Quốc hội thảo luận về dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự với nội dung nhận được nhiều ý kiến nhất là đề xuất bỏ hình phạt tử hình với 8 tội và thay bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) đề nghị cân nhắc việc áp dụng hình phạt chung thân không xét giảm án vì theo bà hình phạt này "chưa chắc nhân văn hơn tử hình".

Tù chung thân không giảm án chưa chắc nhân văn hơn tử hình - 1

Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung (Ảnh: Hồng Phong).

Nữ đại biểu phân tích người chấp hành án tử hình có thể được giảm án chung thân khi được Chủ tịch nước xét ân xá, đặc xá, còn tù chung thân không xét giảm án thì xác định ở trong tù suốt đời, làm mất đi động lực và ý nghĩa cải tạo của phạm nhân, khiến phạm nhân dễ phát sinh tâm lý không muốn chấp hành án. Chưa kể, quy định này còn có thể tạo gánh nặng cho Nhà nước nói chung và công tác giam giữ nói riêng.

Về án tử hình, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) phủ nhận quan điểm "hình phạt tử hình không có tác dụng răn đe". Ông khẳng định "tử hình rõ ràng có tác dụng răn đe với nhiều tội phạm", bởi nhiều người phạm tội vì sợ tử hình nên không dám gây án ở mức cao nhất.

Theo ông Nghĩa, việc bỏ hình phạt tử hình với một số tội danh phải phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Trong khi đó, hình phạt chung thân không xét giảm án có thể có tác động tiêu cực khi xóa đi hy vọng hoàn lương của phạm nhân.

"Nhiều quốc gia trên thế giới cũng bỏ hình phạt tử hình từ lâu. Và tôi cũng mơ ước nước mình ngày nào đó cũng được như vậy", ông Nghĩa nói.

Tù chung thân không giảm án chưa chắc nhân văn hơn tử hình - 2

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Ảnh: Hồng Phong).

Thừa nhận đất nước đang hội nhập nên vừa phải sống theo pháp luật quốc tế vừa phải sống theo pháp luật quốc gia, tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng, vấn đề là cần phải tìm được điểm hợp lý trong công tác lập pháp, lập quy trong hội nhập.

Thể hiện quan điểm, ông Nghĩa cho rằng việc thay án tù chung thân không giảm án cho hình phạt tử hình là "không cần thiết".

Bởi lẽ hình phạt chung thân hiện tại đã có ý nghĩa "suốt đời" nếu như phạm nhân không cải tạo tốt, không lập công lớn, nhưng nó lại có tác dụng giáo dục bao hàm khả năng giảm án, được hoàn lương, được gặp người thân, làm lại cuộc đời nếu như cải tạo tốt, hay lập công lớn.

Còn hình phạt chung thân không giảm án lại xóa đi hy vọng giảm án, hoàn lương, vốn là quan niệm nhân văn trong văn hóa Việt Nam "đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại".

Hơn nữa, vị đại biểu cho rằng quy định chung thân không giảm án vừa giao Nhà nước trách nhiệm nuôi sống và bảo vệ phạm nhân suốt đời, vừa xóa đi hy vọng hoàn lương của phạm nhân và gia đình họ. Do đó, sẽ không có tác dụng tích cực với phạm nhân bị áp dụng hình phạt này.

Có một góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) ghi nhận việc bỏ án tử hình là nhân văn và phù hợp xu hướng quốc tế.

Tù chung thân không giảm án chưa chắc nhân văn hơn tử hình - 3

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Ảnh: Hồng Phong).

"Việc bỏ hình phạt tử hình trong một số tội danh không có nghĩa là khoan dung với tội phạm mà là sự điều chỉnh phù hợp với bối cảnh pháp lý, nhận thức nhân quyền và thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay", bà Nga nói và nhấn mạnh, việc bỏ hình phạt tử hình với tội danh nào cần được xem xét kỹ lưỡng trên cơ sở thực tiễn áp dụng để không làm giảm tính răn đe.

Đại biểu Hải Dương cũng bày tỏ tán thành với quy định bổ sung hình phạt chung thân không xét giảm án. Theo đại biểu, việc bổ sung hình phạt này là rất cần thiết trong bối cảnh đang từng bước thu hẹp hình phạt tử hình.

"Tù chung thân không xét giảm án sẽ là hình phạt thay thế hợp lý cho tử hình đối với những tội danh đặc biệt nghiêm trọng nhưng có thể xét đến yếu tố nhân đạo, cải tạo lâu dài", bà Nga nêu quan điểm.
 

Có thể bạn quan tâm

Top