
Theo cập nhật từ Forbes, tỷ phú Phạm Nhật Vượng hiện có khối tài sản lên đến 10,2 tỷ USD, đứng thứ 277 thế giới và vẫn là người giàu nhất Việt Nam.
Tiếp đà hưng phấn, cổ phiếu Vingroup (mã VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng bật tăng kịch trần phiên thứ 2 liên tiếp lên mức 91.500 đồng/cp, cao nhất trong vòng 40 tháng, kể từ cuối tháng 1/2022. Các cổ phiếu “họ” Vingroup khác như Vinhomes (VHM), Vinpearl (VPL), Vincom Retail (VRE), VEFAC (VEF) cũng đồng loạt tăng mạnh phiên 20/5.

Diễn biến cổ phiếu "họ" Vingroup tại thời điểm 10h15p ngày 20/5
Tính từ đầu năm 2025, cổ phiếu VIC đã tăng hơn 125% qua đó đẩy giá trị vốn hóa thị trường của Vingroup lên xấp xỉ 350.000 tỷ đồng (13,7 tỷ USD). Con số này giúp tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vững vàng ở vị trí doanh nghiệp tư nhân lớn nhất sàn chứng khoán. Vốn hóa của Vingroup hiện chỉ thấp hơn duy nhất Vietcombank (VCB).
Cổ phiếu VIC tăng vọt đẩy tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng chóng mặt. Ước tính khối tài sản của Chủ tịch Vingroup trên sàn chứng khoán Việt Nam (bao gồm sở hữu trực tiếp và gián tiếp) hiện vào khoảng 180.000 tỷ đồng, tăng khoảng 100.000 tỷ từ đầu năm. Con số này bỏ xa phần còn lại trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Còn theo cập nhật từ Forbes, tỷ phú Phạm Nhật Vượng hiện có khối tài sản lên đến 10,2 tỷ USD, đứng thứ 277 thế giới và là người giàu nhất Việt Nam. Theo tính toán của Forbes, tài sản của Chủ tịch Vingroup đã tăng hơn 6 tỷ USD từ đầu năm qua đó đưa tỷ phú này nhảy hơn 400 bậc trên danh sách những người giàu nhất thế giới.

Cần lưu ý rằng, rất khó để tính toán chính xác tài sản của các tỷ phú và con số của Forbes đưa ra chỉ mang tính chất tham khảo. Ngoài các cổ phiếu trên sàn chứng khoán Việt Nam, một phần không nhỏ tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng còn nằm tại VinFast – doanh nghiệp niêm yết trên Nasdaq. VinFast hiện là hãng xe bán chạy nhất Việt Nam và đang nằm trong top 10 hãng xe điện giá trị nhất thế giới, với vốn hóa hơn 8 tỷ USD (theo companiesmarketcap).
Trong một diễn biến liên quan, sáng 19/5/2025, UBND TP Hà Nội đã tổ chức khởi công dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa. Nhà thầu thi công là liên danh Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc), Vingroup và một số đối tác khác.
Dự án cầu Tứ Liên sẽ gồm nhiều hạng mục, gồm cầu Tứ Liên vượt sông Hồng với chiều dài 1km, rộng 43m; cầu vượt sông Đuống dài 0,3km, rộng 44m; cầu dẫn phía quận Tây Hồ dài 1,4km, rộng từ 27,5 - 44m; cầu dẫn phía huyện Đông Anh dài khoảng 0,4km, rộng 35m. Tổng mức đầu tư cả cầu và đường là 20.171 tỷ đồng.
Trước đó, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã công bố kế hoạch phát triển một khu đô thị quy mô lớn với tổng mức đầu tư lên tới hơn 41.000 tỷ đồng. Cụ thể, UBND tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị mới phía Tây Bắc TP. Bắc Ninh (Khu 1), với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 41.270 tỷ đồng.
Dự án được triển khai tại phường Hòa Long, TP. Bắc Ninh. Với quy mô sử dụng đất khoảng 277 ha, dự án được quy hoạch đồng bộ với các hạng mục như đất nhà ở 60,5 ha, công trình hạ tầng xã hội 98,9 ha, cây xanh 11,5 ha và đất giao thông 69,7 ha. Tổng diện tích sàn xây dựng tối đa dự kiến lên đến hơn 2,6 triệu m2, phục vụ quy mô dân số khoảng 33.000 người.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2025, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đặt mục tiêu doanh thu thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 300.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thu nhập dự kiến 10.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 56% và 90% so với thực hiện năm 2024. Trong quý đầu năm, Vingroup đã thực hiện 28% kế hoạch doanh thu và 22% mục tiêu lợi nhuận sau quý đầu năm.

Cụ thể, Vingroup ghi nhận tổng doanh thu thuần quý 1 đạt 84.053 tỷ đồng, tăng trưởng 287% so với cùng kỳ năm 2024 nhờ ghi nhận tăng trưởng tích cực từ các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và phát triển và kinh doanh bất động sản. Đây là mức doanh thu kỷ lục mà Vingroup từng đạt được trong một quý. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.243 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ 2024.