Vì sao giới lãnh đạo quân sự lại khiến Stalin khiếp sợ vào năm 1950

Don Jong Un

Địt xong chạy
Vatican-City
Năm 1950, trong các tầng hầm xử bắn của Moscow vang rền những loạt súng như sấm sét. Mặc dù án tử hình đã bị bãi bỏ tại Liên Xô vào tháng 5.1947, nhưng ngày 12.1.1950, như thường lệ, “đáp lại nguyện vọng của đông đảo nhân dân lao động”, Chủ tịch đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô đã quyết định cho phép áp dụng án tử hình “cho những kẻ phản bội Tổ quốc, bọn gián điệp, những kẻ khủng bố phá hoại”.

Ngày 24.8.1950, bị xử bắn là Anh hùng Liên Xô Nguyên soái Liên Xô Grigory Kulik (Kulik đã bị tước các danh hiệu này vào năm 1942, nhưng năm 1957 ông được phục hồi sau khi đã chết) và Anh hùng Liên Xô Thượng tướng Vasily Gordov.

Bị xử bắn vào hôm sau, ngày 25.8, là các Thiếu tướng Filip Rybalchenko, Nikolai Kirillov và Pavel Ponedelin.

Ngày 26.8.1950, đến lượt cỗ xe tam mã tướng lĩnh nhận những viên đạn của cơ quan an ninh, đó là Thiếu tướng Không quân Mikhail Beleshev, Thiếu tướng Mikhail Belyanchik và Tư lệnh bậc Lữ đoàn Nikolai Lazutin.

Ngày 28.8, bị đưa xuống tầng hầm hành quyết là Thiếu tướng Ivan Krupennikov, Maksim Sivaev và Vladimir Kirpichnikov.

Một quân nhân cấp cao khác, bác sĩ quân y trưởng Ivan Naumov (tương đương hàm , Tư lệnh bậc Lữ đoàn), đã không kịp nhận viên đạn của cơ quan mật vụ – ông chết ngày 23 tháng 8 năm 1950 do bị tra tấn tại nhà tù Butyrka.

Tổng cộng, theo Vyacheslav Zvyagintsev – người đã làm việc với các tài liệu của Hội đồng Quân sự Tòa án Tối cao Liên Xô – chỉ từ 18 đến 30.8.1950, đã có 20 tướng lĩnh và một Nguyên soái bị kết án xử bắn.

Tuy nhiên, việc thanh trừng giới tướng lĩnh đã không bắt đầu vào tháng 8, cũng không phải chỉ trong tháng 8 (và thậm chí trong năm 1950). Ví dụ, ngày 10.6.1950, Thiếu tướng Pavel Artemenko bị bắn, còn ngày 28.10.1950 tại nhà tù Sukhanovka của MGB (Bộ An ninh Quốc gia Liên Xô), Phó chính ủy Hạm đội Biển Đen – Chuẩn Đô đốc Piotr Bondarenko nhận một viên đạn vào gáy. Cùng ngày và cùng tại nhà tù Sukhanovka, Trung tướng xe tăng Vladimir Tamruchi – người đã bị bắt giữ từ năm 1943 – đã bị các nhân viên an ninh đánh chết.

“Người mở màn” để áp dụng sắc lệnh ngày 12.1.1950 là Nguyên soái Không quân Sergey Khudyakov, vốn bị bắt từ tháng 12.1945: bị xử bắn ngày 18.4.1950, theo lệ thường, ông này bị buộc tội phản quốc.

Tử hình dần dần theo kỳ hạn

Cũng theo sắc lệnh này, ít nhất sáu nhà chỉ huy quân sự nữa đã bị xử bắn: hai Tư lệnh bậc Lữ đoàn Ivan Bessonov và Mikhail Bogdanov và bốn Thiếu tướng – Aleksander Budykho, Andrei Naumov, Pavel Bogdanov và Evgeny Yegorov.

Nhưng ở đây, câu chuyện khá đặc biệt: sáu người trên, nếu bạn tin vào các tài liệu, đã phải trả giá cho sự hợp tác của họ với người Đức trong thời gian bị bắt làm tù binh.

Chẳng hạn, Tư lệnh bậc Lữ đoàn Bessonov – một sĩ quan an ninh chuyên nghiệp, vào đêm trước chiến tranh, do một trường hợp mất uy tín mà bị hạ cấp và bị chuyển sang phục vụ Hồng quân công nông (RKKA) – từng là trưởng phòng huấn luyện chiến đấu của Tổng cục chỉ huy Bộ đội Biên phòng Bộ Nội vụ (NKVD) Liên Xô và sau đó là Tư lệnh Quân khu Biên phòng Zabaikal, rồi trở thành Tham mưu trưởng sư đoàn bộ binh 102. Vào cuối tháng 8.1941, Tư lệnh bậc Lữ đoàn Bessonov bị bắt làm tù binh. Gần như ngay lập tức, ông ta bắt đầu hợp tác với người Đức, và ông đã tận tình phục vụ quân Đức trong việc tạo ra các đơn vị trừng phạt, các đội du kích giả mạo để làm mất uy tín các chiến sĩ du kích chân chính trong con mắt dân chúng.

Chắc chắn, ở đây vấn đề có liên quan đến trường đào tạo của ngành an ninh và kinh nghiệm thực tiễn phong phú của Bessonov: Ông ta từng tham gia một chiến dịch đặc biệt của OGPU (Cục Chính trị Đặc biệt thuộc Hội đồng Dân ủy Liên Xô, tức cơ quan an ninh Liên Xô giai đoạn 1923-1934) những năm 1933-1934 tại tỉnh Tân Cương (nay là Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ – chú thích của biên tập viên). Khi đó, một số lữ đoàn và trung đoàn của OGPU cải trang trong quân phục Bạch vệ và quân phục Trung Quốc chiến đấu chống lại “người Hồi giáo Trung Quốc” và quân đội của Tưởng Giới Thạch.

Nhưng điều thú vị nhất: Bessonov đề xuất với người Đức ném quân đổ bộ tuyển từ các cựu tù binh vào khu vực các trại cải tạo của NKVD – đề nghị ném đến 50 nghìn quân dù có nhiệm vụ phải tiêu diệt được đội bảo vệ trại và phát động các tù nhân GULAG nổi dậy ở hậu phương Liên Xô. Tay nhân viên an ninh năng động này đã kịp làm việc theo đúng chuyên môn – đóng vai một con “chim mồi” trong buồng giam của Yakov Dzhugashvili (con trai Stalin)…

Thiếu tướng Pavel Bogdanov – Tư lệnh sư đoàn bộ binh 48, thực sự đã đầu hàng một cách tự nguyện, và nếu tin theo các tài liệu, ông đã chỉ điểm cho người Đức các cán bộ chính trị của mình (trong số tù binh), đồng thời tích cực tham gia cuộc chiến chống Hồng quân. Năm 1942, ông gia nhập “đoàn SS Nga”, tham gia các chiến dịch trừng phạt. Vào năm 1943, ông đứng đầu ban phản gián “Lữ đoàn SS Quốc gia Nga thứ nhất” của Gil-Rodionov, nhưng cuối cùng… bị giao nộp cho lực lượng du kích.

Thiếu tướng Aleksandr Budykho, nguyên Tư lệnh sư đoàn bộ binh 171, bị bắt vào mùa Thu năm 1941, đã hợp tác với người Đức – gia nhập ROA (Quân đội Giải phóng Nga – chú thích của biên tập viên), thành lập “các tiểu đoàn miền Đông”.

Tư lệnh sư đoàn bộ binh 13 – Thiếu tướng Andrei Naumov, cũng bị bắt làm tù binh vào mùa Thu năm 1941. Ông đã đồng ý làm việc cho người Đức, tuyển dụng tù nhân chiến tranh vào các “tiểu đoàn miền Đông” và, theo hồ sơ ghi chép, đã viết thư tố giác các tướng lĩnh bị bắt làm tù binh đang cầm đầu việc kích động chống người Đức – các tướng Tkhor và Shepetov… Người Đức đã xử bắn các vị tướng này theo lời tố giác đó.

Tư lệnh quân đoàn 4 thuộc Tập đoàn quân 3 Phương diện quân (PDQ) Miền Tây – Thiếu tướng Yevgeny Yegorov – bị bắt làm tù binh từ cuối tháng 6.1941: các tài liệu của MGB khẳng định rằng ông đã tiến hành “tuyên truyền ủng hộ phát xít” trong giới tù binh. Thật khó để xác minh, tuy nhiên, ông đã không được phục hồi sau khi chết.

Tư lệnh bậc Lữ đoàn Mikhail Bogdanov bị bắt làm tù binh tháng 8.1941, là Chủ nhiệm Pháo binh Quân đoàn bộ binh số 8 thuộc Tập đoàn quân 26 Phương diên quân Tây Nam. Ông ta làm việc trong tổ chức Todt, gia nhập ROA, phục vụ ở đó đến chức vụ Chủ nhiệm Pháo binh.

Dường như, nhất là với những nhà chỉ huy quân sự này, mọi thứ đều rõ ràng: các anh đã phản bội – hãy trả giá. Nhưng còn rất nhiều điều bí ẩn. Ví dụ, điều gì ngăn cản việc xét xử họ sớm hơn? Tại sao giữ họ “trong kho lưu trữ” quá lâu, để rồi đưa họ ra vào đúng năm 1950?

“Ông ta biết quá nhiều…”

Còn các tướng lĩnh như Artiemenko, Kirillov, Ponedelin, Beleshev, Krupennikov, Sivaev, Kirpichnikov và Tư lệnh bậc Lữ đoàn Lazutin thì hoàn toàn không phù hợp với nhóm kia. Mặc dù họ từng bị bắt làm tù binh, nhưng không hợp tác với kẻ thù. Tuy nhiên, Tư lệnh bậc Lữ đoàn không quân Mikhail Beleshev đối với Stalin dường như đã bị coi là có tội chỉ vì từng là Tư lệnh Không quân của Tập đoàn quân xung kích số 2 — chính là đơn vị do Vlasov chỉ huy. Mặc dù không có tài liệu nào cho thấy ông hợp tác với người Đức.

Thiếu tướng Pavel Artiemenko, Phó Tư lệnh hậu cần của Tập đoàn quân số 37, bị bắt trong “cái chảo Kiev”. Khi được quân Mỹ giải thoát, ông gần như chết vì suy kiệt. Ông đã vượt qua cuộc kiểm tra đặc biệt của cơ quan an ninh Liên Xô một cách thành công: ngay từ năm 1945, Artiemenko đã được phục hồi trong lực lượng vũ trang Liên Xô với cấp bậc Thiếu tướng. Hơn nữa, bên cạnh Huân chương Cờ Đỏ đã có từ năm 1938, ông còn được trao thêm hai huân chương nữa vào năm 1946: một Huân chương Cờ Đỏ vì 20 năm phục vụ không tì vết, và một Huân chương Lenin vì 25 năm phục vụ. Nếu các nhân viên an ninh có chút nghi ngờ nào về hành vi của Artiemenko trong thời gian bị giam, thì việc khen thưởng như vậy là không thể xảy ra! Tuy nhiên, có lẽ chính những lời nói của ông mới là vấn đề — chẳng hạn như các phát biểu về nguyên nhân thất bại năm 1941…

Tư lệnh bậc Lữ đoàn Nikolai Lazutin, Chủ nhiệm pháo binh của Quân đoàn bộ binh số 61 thuộc Tập đoàn quân 13 ở Mặt trận Tây, bị bắt vào tháng 7 năm 1941. Nếu thực sự có tài liệu buộc tội Lazutin, thì ông đã không được phục hồi danh dự vào năm 1956.

Thiếu tướng Maksim Sivaev, Trưởng ban liên lạc quân sự của Tập đoàn quân số 24 ở Mặt trận Dự bị, bị bắt sau khi quân đội bị bao vây gần Vyazma vào tháng 10 năm 1941. Cơ quan an ninh buộc tội ông phản quốc dưới hình thức đầu hàng tự nguyện và cung cấp bí mật về vận tải quân sự cho người Đức, nhưng không có bằng chứng nào được tìm thấy để chứng minh điều đó, như đã được xác nhận bởi việc phục hồi danh dự sau khi chết của ông vào năm 1957.

Thiếu tướng Ivan Krupennikov, Tham mưu trưởng của Tập đoàn quân cận vệ số 3 ở Mặt trận Tây Nam, bị bắt vào cuối trận Stalingrad vào tháng 12 năm 1942: các đơn vị Đức đang cố gắng phá vây ở trung lưu sông Đông đã bắt được sở chỉ huy của Tập đoàn quân cận vệ số 3. Tuy nhiên, vị tướng bị bắt này đã không hợp tác với người Đức.

Cũng tương tự, Thiếu tướng Vladimir Kirpichnikov, Tư lệnh Sư đoàn bộ binh số 43, khi bị bắt bởi người Phần Lan, cũng không hợp tác với họ. Là một chỉ huy chiến đấu từng được trao Huân chương Sao Đỏ vì chiến đấu ở Tây Ban Nha và Huân chương Cờ Đỏ vì cuộc chiến Phần Lan, ông chỉ “sai lầm” ở một điểm: trong khi bị người Phần Lan thẩm vấn, ông đã nói quá tốt về quân đội Phần Lan. Như Abakumov đã viết trong một bản báo cáo gửi Stalin, ông “vu khống chính quyền Xô viết, Hồng quân, bộ chỉ huy tối cao và ca ngợi hành động của quân đội Phần Lan”. Với một “chẩn đoán” như vậy, thì sống sót là điều không tưởng.

Còn với các tướng Ponedelin, nguyên tư lệnh Tập đoàn quân số 12 bị tiêu diệt ở Uman, và Kirillov, tư lệnh Quân đoàn bộ binh số 13 thuộc cùng tập đoàn quân đó, tình hình còn phức tạp hơn – vì đích thân đồng chí Stalin có thù oán với họ.

Ngay từ ngày 16 tháng 8 năm 1941, đã có mệnh lệnh nổi tiếng khét tiếng số 270 của Bộ Tổng Tư lệnh Tối cao mang chữ ký của Stalin, trong đó tuyên bố: các tướng Ponedelin và Kirillov là kẻ phản bội, phản quốc và đào ngũ, đã tự nguyện đầu hàng và vi phạm lời thề quân sự. Theo quan điểm của Stalin (người mà nếu không tự viết thì cũng trực tiếp ra lệnh hoặc đọc cho người khác viết phần chính của mệnh lệnh này), thì Ponedelin được cho là “hoàn toàn có khả năng xuyên phá để quay về với quân mình, như phần lớn các đơn vị trong quân đội của ông đã làm. Nhưng Ponedelin đã không thể hiện sự kiên trì và ý chí chiến thắng cần thiết, hoảng loạn, hèn nhát và đầu hàng kẻ thù, đào ngũ sang phía địch, qua đó phạm tội phản quốc và vi phạm lời thề quân đội.”

Ở đây, vị lãnh tụ đã nói dối một cách trắng trợn và táo bạo: “phần lớn” thực chất đã bị tiêu diệt trong “nồi hầm Uman”, bị bắt làm tù binh, nên trong trường hợp này, vị tư lệnh quân đội – người chia sẻ số phận với binh lính của mình – đã bị bắt khi đang cố gắng phá vòng vây. Thiếu tướng Kirillov cũng vậy.

Trong mệnh lệnh của Stalin còn khẳng định rằng Kirillov “thay vì thực hiện nghĩa vụ trước Tổ quốc, tổ chức các đơn vị được giao để chống trả kiên cường quân địch và phá vòng vây, đã đào ngũ khỏi chiến trường và đầu hàng kẻ thù. Hậu quả là các đơn vị của Quân đoàn bộ binh số 13 đã bị tiêu diệt, một số đơn vị khác thì đầu hàng mà không kháng cự đáng kể”.

Trong mệnh lệnh cũng nhắc đến Thượng tướng Vladimir Kachalov, tư lệnh Tập đoàn quân số 28, với cáo buộc rằng “bộ tham mưu của ông đã phá được vòng vây”, nhưng bản thân ông ta thì “tỏ ra hèn nhát và đầu hàng quân phát xít Đức… chọn đầu hàng, chọn đào ngũ sang phía địch”.

Trên thực tế, Thượng tướng Kachalov đã hy sinh gần hai tuần trước khi mệnh lệnh đó được ban hành – tại Roslavl, khi một quả đạn pháo bắn trúng chiếc xe tăng mà ông đang ngồi chỉ huy phần còn lại của quân đội để mở đường phá vây. Nhưng như người ta vẫn biết, thực tế chỉ được Stalin quan tâm khi nó phù hợp với ý muốn của ông ta.

Do đó, vị tướng anh dũng hy sinh không những bị vu khống bởi chính Tổng tư lệnh tối cao, mà còn bị kết án tử hình vắng mặt (và sau khi đã chết!) vào ngày 26 tháng 9 năm 1941, và gia đình ông cũng bị đàn áp. Đến ngày 13 tháng 10 năm 1941, Ponedelin và Kirillov cũng bị kết án tử hình vắng mặt, và gia đình họ cũng chịu chung số phận bị đàn áp.

Tất cả đều hoàn toàn phù hợp với mệnh lệnh số 270 của Stalin, trong đó quy định rằng gia đình của các vị tướng đó “phải bị bắt giữ như là gia đình của những kẻ vi phạm lời thề và phản bội Tổ quốc, đào ngũ”.

Mệnh lệnh đó trên thực tế tuyên bố rằng: tất cả những ai bị bắt làm tù binh đều là kẻ phản bội. Và vì vậy, mọi người đều có nghĩa vụ “tiêu diệt họ bằng mọi phương tiện – cả trên bộ lẫn trên không, còn gia đình các Hồng quân bị bắt làm tù binh thì phải tước mọi trợ cấp và sự hỗ trợ từ nhà nước”.

Và dù tài liệu dã man này khi đó không được công bố chính thức, thì nó vẫn chứa những dòng sau:“Mệnh lệnh này phải được đọc cho tất cả các đại đội, đội kỵ binh, đại đội pháo binh, phi đội không quân, các đơn vị và sở chỉ huy.”

Kể từ năm 1941, toàn bộ quân đội đang chiến đấu (và cả không còn chiến đấu) đều biết rằng: Ponedelin và Kirillov là kẻ phản bội và phản quốc, đã bị tuyên án tử hình vắng mặt.

generali.jpg
 
Dầu còn đổ thêm vào lửa khi quân Đức cố hết sức khai thác việc bắt giữ các tướng này, cho chụp ảnh Ponedelin và Kirillov bên cạnh các sĩ quan Đức, rồi thả tờ rơi có in ảnh đó xuống khu vực đóng quân của Hồng quân.

Sau Chiến thắng, bỗng nhiên người ta phát hiện ra rằng mọi chuyện hoàn toàn không như vậy – các vị tướng đã cư xử đầy dũng cảm trong cảnh bị bắt, từ chối mọi hình thức hợp tác với người Đức và với Vlasov, dù họ biết rất rõ rằng mình đã bị gán cho là hèn nhát, phản bội, phản quốc và đã bị tuyên án tử hình vắng mặt.

Nhưng liệu đồng chí Stalin – người không bao giờ sai lầm – có thể thừa nhận rằng ông ta đã phạm một sai lầm nghiêm trọng đến vậy khi gọi họ là kẻ phản bội? Liệu ông ta có thể “tha thứ” cho họ, qua đó thừa nhận rằng chính bản thân ông ta phải chịu phần lớn trách nhiệm cho thảm kịch kinh hoàng năm 1941 hay không?

Dọn sạch trước trận chiến

Nhưng có vẻ như, thì những người bị xử bắn năm 1950 như Khudyakov, Kulik, Gordov, Rybalchenko, Belyanchik, Bondarenko hay, chẳng hạn, Tamruchi – thì liên quan gì? Không ai trong số họ từng bị bắt làm tù binh, nhưng tất cả đều bị tiêu diệt với cáo buộc phản quốc “tưởng tượng”, vu khống chống Xô-viết, âm mưu khủng bố chống lại ban lãnh đạo Liên Xô – và đủ mọi loại tội danh vô lý khác.

Tìm kiếm logic hình thức ở đây là vô ích: Stalin, ngay cả sau chiến tranh, vẫn tiếp tục tiêu diệt các chỉ huy quân sự của mình vì những lý do giống hệt như ông ta đã làm trước và trong chiến tranh. Các cuộc xử bắn vào năm 1950 là sự phát triển tất yếu của cuộc thanh trừng nhóm các nguyên soái và tướng lĩnh mà Stalin khởi xướng ngay sau khi Chiến thắng, nằm trong chuỗi vụ án quy mô lớn mà ông ta phát động.

Stalin cần phải dằn mặt giới tướng lĩnh, những kẻ không chỉ dám tự coi mình là “những người chiến thắng” (trong khi người chiến thắng duy nhất, dĩ nhiên, chỉ có thể là đồng chí Stalin!), mà còn dám tán gẫu trong nội bộ về những chuyện “trời ơi đất hỡi”.

Bài học đầu tiên cho kẻ cứng đầu là vụ bắt giữ nguyên soái không quân Khudyakov vào tháng 12 năm 1945. Đến năm 1946, một vụ án “ngành hàng không” chính thức được khởi tố, khiến hàng loạt nguyên soái và tướng lĩnh không quân mất chức và mất tự do.

Mùa hè năm 1946, Stalin phát động “vụ chiến lợi phẩm” – nhắm vào nguyên soái Zhukov. Ngoài ra, ông này còn bị buộc tội “chủ nghĩa Bonaparte” và thổi phồng công lao trong chiến thắng trước Đức Quốc xã, bị cách chức Tổng tư lệnh Lục quân và đày đến Quân khu Odessa – một nhiệm vụ ít danh giá và xa trung tâm quyền lực.

Tiếp đó là “vụ các đô đốc”, và ngay cả vị Tổng tư lệnh huyền thoại của Hải quân Liên Xô – Đô đốc Kuznetsov – cũng bị thất sủng.

Tuy nhiên, Stalin cho rằng việc xử bắn nguyên soái Zhukov là quá sớm: ông ta (cũng như một số chỉ huy khác) vẫn còn cần thiết đối với nhà lãnh đạo, vì Stalin đang lên kế hoạch cho một cuộc chiến với Hoa Kỳ.

Năm 1950, công tác chuẩn bị cho cuộc chiến đó đang ở thời kỳ cao trào, và như có thể giả định, đồng chí Stalin cần một lần nữa cho giới lãnh đạo quân sự đang có phần “mềm yếu” thấy rằng bàn tay ông vẫn vững chắc – như hồi năm 1937 không thể nào quên. Vì vậy, ông bắt đầu không thương tiếc xử bắn những “kẻ ba hoa” lọt vào tầm tay – như Kulik và Gordov, những người mà trong các bản ghi âm cuộc trò chuyện đã chửi thề mạt sát cả đồng chí Stalin!

Bằng các vụ xử bắn tháng 8 đó, và nói chung là trong suốt năm 1950, Stalin như thể phát đi một thông điệp đến quân đội: đây là cuộc “dọn sạch” truyền thống trước ngưỡng một cuộc đại chiến mới. Và trong cuộc chiến này, sẽ không có khoan nhượng – dù là với những kẻ ba hoa nghi ngờ sự sáng suốt của lãnh tụ, hay những người nuôi ý định “trốn tránh trong tù binh”, hoặc như Vlasov, hy vọng có cơ hội vươn tay chạm vào điều thiêng liêng – tức là chính quyền Xô-viết (nói đúng ra là nền độc tài cá nhân của Stalin) – bằng cách đứng về phía “phe dân chủ”.

Không phải ngẫu nhiên mà trong bản án tử hình của thiếu tướng Filipp Rybalchenko, người bị xét xử cùng vụ với Kulik và Gordov, có nêu rằng ông ta “là kẻ ủng hộ việc khôi phục chủ nghĩa tư bản ở Liên Xô, từng tuyên bố cần thiết phải lật đổ chính quyền Xô-viết”, và hơn nữa, “vì mục đích thù địch, ông ta đã tìm cách xóa bỏ bộ máy chính trị trong Hồng quân”.

Và trên một khía cạnh nào đó, không thể phủ nhận tính logic trong tư duy của đồng chí Stalin: ông hiểu rất rõ rằng chỉ có quân đội mới là mối đe dọa thực sự đối với quyền lực của ông. Do đó, ông thường xuyên phá vỡ sự đoàn kết nội bộ trong giới chỉ huy quân sự.

Năm 1950, Stalin cho rằng nếu xảy ra chiến tranh với Mỹ, ông sẽ không thể đối phó được với một phiên bản Vlasov thứ hai. Ông không nghi ngờ gì rằng các tù binh trong cuộc chiến mới đó (vì đã là chiến tranh thì không thể không có tù binh) sẽ trở thành nòng cốt của một đội quân chống Stalin, được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân vốn đã kiệt quệ, và thậm chí là một phần không nhỏ trong giới chỉ huy quân đội.

Vì vậy, ông đã “phòng ngừa” theo cách mà ông biết và làm giỏi nhất – bằng cách bắn vỡ sau gáy các tướng lĩnh bằng đạn của cơ quan mật vụ vào tháng 8 năm 1950.
 

Có thể bạn quan tâm

Top