Vì sao tân giáo hoàng lại lựa chọn tên mới?

Giống những nghi lễ truyền thống trong quá trình bầu ra tân giáo hoàng, cái tên mới của người đứng đầu Giáo hội Công giáo La Mã sẽ thấm nhuần lịch sử và được chuyên gia phân tích ý nghĩa.​


 Các giáo sĩ tại lễ an táng của Giáo hoàng Francis tại Quảng trường St.Peter hôm 26/4. Ảnh: Reuters.

Các giáo sĩ tại lễ an táng của Giáo hoàng Francis tại Quảng trường St.Peter hôm 26/4. Ảnh: Reuters.

Đổi tên là một trong những hành động đầu tiên của tân giáo hoàng với tư cách là người đứng đầu Giáo hội Công giáo La Mã, đồng thời đóng vai trò biểu tượng định hình khoảng thời gian ông lãnh đạo.

Đổi tên là tiền lệ được thiết lập từ đầu thời Trung cổ. Theo CNN, mặc dù không có giáo lý nào đằng sau, đổi tên dần trở thành một phần trong quá trình bầu giáo hoàng mới.

Nguồn gốc của truyền thống đổi tên

St. Peter - giáo hoàng đầu tiên và là một trong 12 tông đồ - được Chúa Jesus đổi tên từ tên khai sinh Simon. Tuy nhiên, chuyện này xảy ra trước khi Giáo hoàng St. Peter đứng đầu nhà thờ.

Tới 500 năm sau, Giáo hoàng John II - người đứng đầu nhà thờ từ năm 533-535 - bắt đầu truyền thống khi ông bỏ tên Mercurius. Vị giáo hoàng cho rằng Mercurius nghe giống vị thần Mercury.

Giáo hoàng tiếp theo đổi tên là Peter Canepanova vào thế kỷ X. Ông chuyển thành John XIV để tránh bị gọi là Peter II, Liam Temple - Phó giáo sư về lịch sử Công giáo tại Trung tâm Nghiên cứu Công giáo thuộc Đại học Durham - cho biết.

Sau thế kỷ X, việc nghĩ một cái tên khác trở thành thông lệ phổ biến với các tân giáo hoàng. Các giáo hoàng từ những quốc gia như Pháp và Đức chọn tên nghe giống tiếng Italy để theo bước người tiền nhiệm.

Dần dần, đổi tên trở thành phong tục. Chỉ một số ít giáo hoàng giữ tên rửa tội, trong đó có Marcellus II và Adrian VI từ thế kỷ XVI.

Vì sao tân giáo hoàng lại chọn cái tên đó?

Mỗi tên đều thấm đẫm lịch sử và có ý nghĩa riêng, gắn liền với những thành tựu hoặc thất bại của các giáo hoàng và thánh nhân.

"Gắn cái tên với những giáo hoàng trước đó giúp vượt qua khủng hoảng, truyền cảm hứng cho cải cách hoặc cực kỳ nổi tiếng thường đóng vai trò quan trọng trong quá trình chọn tên", ông Temple nói.

 Giáo hoàng Francis chọn tên nhằm tôn vinh Thánh Francis of Assisi. Ảnh: Reuters.

Giáo hoàng Francis chọn tên nhằm tôn vinh Thánh Francis of Assisi. Ảnh: Reuters.

Ví dụ, Giáo hoàng Francis chọn tên nhằm tôn vinh Thánh Francis of Assisi vì tình yêu của ngài dành cho hòa bình, thiên nhiên và người nghèo, cũng như chú trọng hợp tác các giáo phái khác nhau. Đây cũng là những lĩnh vực Giáo hoàng Francis quan tâm trong thời gian đứng đầu nhà thờ.

Trong khi đó, Giáo hoàng Benedict XVI chọn tên thể hiện cam kết với hòa bình và hòa giải thông qua tôn vinh Thánh Benedict và Giáo hoàng Benedict XV cầm quyền trong Thế chiến I.

Những tên nào bị cấm?

Giáo hoàng mới chắc chắn sẽ không chọn tên Peter vì tôn trọng Giáo hoàng đầu tiên St. Peter. Tuy nhiên, họ cũng có thể né tránh tên Peter vì lời tiên tri Peter II sẽ là giáo hoàng cuối cùng từ nhiều thế kỷ trước.

Theo ông Temple, có những cái tên không bị cấm nhưng ít khả năng được chọn vì có liên quan tới những người tiền nhiệm gần đây.

Vị chuyên gia xác định Urban là "ứng viên" không phù hợp với giáo hoàng mới vì "gợi nhớ đến Urban VIII, người bắt đầu phiên tòa xét xử nhà thiên văn học Galileo Galilei và không phù hợp với tranh luận thời hiện đại về khoa học, đức tin và tôn giáo".

Tương tự, Pius sẽ gợi lại ký ức về Pius XII, người bị chỉ trích vì vai trò trong Thế chiến II, ông Temple nói thêm.

Những cái tên tiềm năng

Nếu tân giáo hoàng muốn tiếp tục con đường cải cách, ông Temple cho biết những tên như Leo hoặc Innocent sẽ hợp lý. Leo liên quan tới Giáo hoàng Leo XIII, người cống hiến cho công lý xã hội, mức lương công bằng và điều kiện làm việc an toàn; còn Innocent gợi nhắc tới Giáo hoàng Innocent XIII tìm cách xóa bỏ nạn tham nhũng.

 Những cái tên được các tân giáo hoàng lựa chọn nhiều nhất, trên 5 lần. Đồ họa: CNN.

Những cái tên được các tân giáo hoàng lựa chọn nhiều nhất, trên 5 lần. Đồ họa: CNN.

Trong khi đó, tân giáo hoàng đến từ Nam bán cầu, như Giáo hoàng Francis, có thể chọn tên giống những giáo hoàng đầu tiên không xuất thân từ Italy và đến từ lục địa châu Phi như Gelasius, Miltiades hoặc Victor, ông Temple nói.

Trong nhiều thế kỷ, có 44 tên được sử dụng một lần, trong đó có tên Francis. Ông Temple cho biết quyết định chọn tên độc của Giáo hoàng Francis đã có "những tác động lịch sử to lớn" vì đã khoảng 1.100 năm kể từ khi vị giáo hoàng cuối cùng có tên độc Lando, lãnh đạo chưa đầy một năm vào thế kỷ X.

John là tên phổ biến nhất, với 21 vị giáo hoàng. Người cuối cùng lấy tên này là Giáo hoàng John XXIII.

Gregory và Benedict cũng là tên phổ biến, với lần lượt 16 và 15 lần sử dụng, trong khi Innocent và Leo theo sát phía sau với 13 lần.

Tên mới sẽ được công bố thế nào?

Sau khi khói trắng bốc lên từ ống khói của Nhà nguyện Sistine và tiếng chuông của Nhà thờ St.Peter vang lên, tên của tân giáo hoàng sẽ được thông báo tới toàn thế giới thông qua tuyên bố bằng tiếng Latin.

Hồng y phó tế cao cấp sẽ bước lên ban công trung tâm của Vương cung thánh đường St. Peter, cùng với hai linh mục, và đưa ra thông báo mang tính biểu tượng: “Habemus Papam” (Chúng ta có giáo hoàng).

Tên của tân giáo hoàng, cùng tên rửa tội, sẽ được dịch sang tiếng Latin nhưng họ vẫn giữ nguyên tiếng mẹ đẻ.

Ví dụ, khi Giáo hoàng Francis được bầu vào năm 2013, tên riêng “Jorge Mario” được chuyển thành “Giorgio Marium”, họ “Bergoglio” giữ nguyên, trong khi tên giáo hoàng được công bố là “Franciscum”.
 

Có thể bạn quan tâm

Top