honda67
Xamer mới lớn
Đã có những nhà đầu tư cắt lỗ tại giá sàn, nhưng ngược lại cũng có những nhà đầu tư vẫn nắm giữ cổ phiếu, tin tưởng thị trường sẽ sớm hồi phục.

Cách đây 2 năm, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Tập đoàn Vingroup, tỷ phú Phạm Nhật Vượng từng nhận được một câu hỏi của cổ đông về việc giá cổ phiếu VIC khi đó liên tục giảm.
Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT khẳng định: "Giá trị của VIC rất thấp so với giá trị thật. Anh chỉ mất khi anh bán, chưa bán thì chưa mất gì cả, theo thời gian, thị giá VIC sẽ trở lại".
Ông Vượng cũng nói thêm: "Có thể do tin đồn, thị trường chung khó khăn làm nhà đầu tư cảm thấy không vui và tháo chạy còn tôi không thấy lý do để bán cổ phiếu".
2 năm sau, câu nói của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lại được nhà đầu tư chia sẻ trở lại. Nguyên nhân là do thị trường chứng khoán Việt Nam và cả thế giới đều đang giảm sâu sau khi Mỹ công bố chính sách thuế mới rạng sáng 3/4 vừa qua, trong đó Việt Nam dự kiến chịu mức thuế lên tới 46%.
Ngay sau thông tin "gây sốc" này, VN-Index giảm ngay 88 điểm phiên giao dịch 3/4 (mất 6,68%, mức chưa từng có trong lịch sử).
Sang phiên 4/4, thị trường tiếp tục giảm sâu đầu phiên nhưng "gượng dậy" được vào cuối phiên, đóng cửa chỉ còn giảm 19 điểm (-1,56%).
Và sang tới phiên hôm nay (8/4), VN-Index lại tiếp tục bị bán tháo, nhưng không còn lực đỡ nào hỗ trợ và kết phiên giảm gần 78 điểm (-6,43%).
Như vậy, chỉ trong 3 phiên giao dịch, VN-Index đã mất tổng cộng 185 điểm, tương đương giảm 14,04% và lập tức xóa sạch thành quả suốt 1 năm qua.

Chứng kiến cổ phiếu trong tài khoản "trắng bên mua", anh Nam, một nhà đầu tư lâu năm cho biết đã đặt các lệnh MP để bảo toàn tài sản. Tuy nhiên các lệnh bán của anh mới chỉ khớp được một nửa, và sẽ phải chờ bán tiếp trong các phiên giao dịch sắp tới.
Trong khi đó, chị Thảo, một nhà đầu tư ở Hà Nội cho biết chị không dùng margin nên sẽ quyết tâm nắm giữ chờ cổ phiếu hồi phục. "Đằng nào đặt bán cũng không khớp được lệnh", chị Thảo buồn bã nói.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán SSI trong báo cáo chiến lược tháng 4/2025 vừa được công bố, SSI cho rằng tin xấu thực tế có thể trở thành cơ hội tốt. Dù không thể tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn, nhưng những lợi ích dài hạn cho Việt Nam sẽ đến từ mô hình tăng trưởng kinh tế cân bằng do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại và đây vẫn là kịch bản cơ sở.
SSI còn đưa ra 1 thống kê rằng Trong 10 năm qua, VN-Index đã điều chỉnh hơn 4% trong 24 lần. Mặc dù thị trường có thể còn động lực điều chỉnh trong ngắn hạn, tỷ lệ thị trường hồi phục sau giai đoạn 1-3 tháng và 12 tháng tương đối cao ở mức 70% và 75%, với tỷ suất sinh lời trung bình sau 12 tháng là 16%.
Trong khi đó, chứng khoán MBS nhận định trong báo cáo chuyên đề về thuế quan rằng, trong ngắn hạn, thị trường sẽ khó có nhịp phục hồi nhanh chóng. Ngoài dư âm của thuế đối ứng, MBS nhận thấy một số yếu tố rủi ro tác động đến thị trường trong ngắn hạn.
Cụ thể, ở bối cảnh thế giới, TTCK Mỹ đang bước vào giai đoạn điều chỉnh khi đà bán tháo các cổ phiếu công nghệ vẫn chưa chấm dứt. Với tác động kém tích cực từ chính sách thuế quan, TTCK Mỹ vẫn được dự báo sẽ duy trì xu hướng giảm trong 2 tháng tới. Về yếu tố mùa vụ, tháng 4 – tháng 5 cũng đồng thời là thời điểm "vùng trống thông tin", không có thông tin tích cực hỗ trợ, vì vậy diễn biến thị trường thế giới sẽ tác động đến chỉ số VNindex lớn hơn.
Thứ hai, ở bối cảnh trong nước, tỷ giá vẫn là rủi ro lớn nhất, gây áp lực lên thị trường trong suốt nửa đầu năm. Sau thông tin thuế đối ứng tỷ giá USD/VND liên ngân hàng bật tăng lên mức gần 25.800 (tăng +1.3% so với đầu năm, tỷ giá tự do cũng áp sát ngưỡng 26.000, cao nhất từ đầu năm đến nay.
MBS hạ dự báo mục tiêu VN-Index xuống mức 1.350 – 1.380 trong năm 2025, từ mức 1,400 – 1,420 trước đây. MBS cho rằng nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, chính sách hỗ trợ tích cực, các nút thắt pháp lý được tháo gỡ, môi trường lãi suất thấp kết hợp với tăng trưởng lợi nhuận hoạt động của các DN niêm yết trên nền thấp của cùng kỳ năm ngoái vẫn là các yếu tố đảm bảo cho sự tăng trưởng của chỉ số VNindex trong năm 2025.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang tiến gần hơn đến cơ hội được tham gia vào nhóm các TTCK mới nổi của FTSE trong năm 2025 cũng như MSCI trong năm 2026.