

- Tác giả,Mỹ Hằng
- Vai trò,BBC News Tiếng Việt
- 9 tháng 5 2025
Diễn biến này đảo ngược kết quả mà cả lực lượng điều tra Công an huyện Trà Ôn, Công an tỉnh Vĩnh Long, cùng hai viện kiểm sát nhân dân Trà Ôn và Vĩnh Long từng công bố.
Vụ án được khởi tố để điều tra về hành vi "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ". Đây là nỗ lực lật lại sự việc khi cơ quan điều tra và công tố trước đó không khởi tố sau khi nạn nhân được xác định là có lỗi, và khép lại hồ sơ với các lý do "không có sự việc phạm tội", và "người có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội đã chết".
"Người có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội" đó chính là cô bé Nguyễn Ngọc Bảo Trân, nữ sinh lớp 9, bị tài xế xe tải tên Nguyễn Văn Bảo Trung gây tai nạn, tử vong vào ngày 4/9/2024.
Người cha của nạn nhân, ông Nguyễn Vĩnh Phúc, đã nhiều lần khiếu nại đến các cơ quan công quyền, nhưng sự việc vẫn không được giải quyết.
Ngày 28/4, ông Phúc đã dùng súng tự chế, tìm tài xế Trung và bắn anh này, sau đó tự sát.
Ông Phúc chết sau đó, còn tài xế Trung được cứu sống.
'Cuộc đua một mất một còn'

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Sau thảm kịch, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (KSND), trước sự bất bình của dư luận, đã vào cuộc khi cử các điều tra viên làm việc với người nhà và luật sư của nạn nhân, đồng thời tuyên bố tiếp nhận hồ sơ vụ việc hôm 1/5.
Một ngày sau, hôm 2/5, Bộ Công an tuyên bố rút hồ sơ để điều tra, đồng thời đề nghị cơ quan tố tụng tại Vĩnh Long hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự liên quan đến vụ tai nạn này.
Viện trưởng Viện KSND Tối cao, ngoài việc hủy quyết định không khởi tố hình sự, cũng đã hủy bỏ hai quyết định về giải quyết khiếu nại của Viện Kiểm sát tỉnh Vĩnh Long và Viện Kiểm sát huyện Trà Ôn.
Bộ Công an, sau khi nghiên cứu hồ sơ, cho biết có căn cứ xác định hành vi của tài xế xe tải có dấu hiệu phạm tội.
Hôm 6/5, tại hiện trường, Viện KSND Tối cao tiếp tục cử cán bộ tới đến điều tra và làm việc với các nhân chứng cùng người nhà nạn nhân.
Cũng ngày hôm đó, trong cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Người phát ngôn Bộ Công an, thừa nhận quá trình điều tra đã phát hiện "có thiếu sót".
"Quan điểm của Bộ Công an là sẽ khẩn trương điều tra làm rõ và nếu có vi phạm sẽ cương quyết xử lý nghiêm đối với cán bộ, chiến sĩ công an theo đúng quy định của pháp luật, quy định ngành công an", ông Tuyên nói.
Sau đó một ngày, hôm 7/5, Công an tỉnh Vĩnh Long đã khởi tố hình sự vụ án lái xe gây tai nạn chết người.
Những diễn biến dồn dập của hai cơ quan điều tra, một thuộc ngành công an, một thuộc ngành kiểm sát, được báo chí và mạng xã hội trong nước theo sát.
Nhưng các thông tin bề mặt đó dường như kích hoạt một cuộc đua ngầm giữa hai cơ quan tố tụng là điều tra và công tố không chỉ trong việc đi tìm công lý mà còn là "một mất một còn".
Bộ Công an muốn bỏ Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát

Chụp lại hình ảnh,Trụ sở Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao
Những diễn biến của việc lật lại vụ án xảy ra trong bối cảnh Bộ Công an đề xuất bỏ cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao trong Dự thảo sửa đổi Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
Theo đó, chức năng điều tra của Viện KSND Tối cao sẽ do Bộ Công an tiếp nhận, đảm nhiệm.
Lý do mà Bộ Công an đưa ra là Hiến pháp (điều 107), quy định "Viện KSND Tối cao thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp", mà không đề cập đến chức năng điều tra.
Do vậy, Bộ Công an cho rằng giao cho Viện KSND Tối cao thực hiện chức năng điều tra là "chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp".
Chính phủ đã nhất trí với đề xuất này của Bộ Công an trong khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phản đối.

Viện Kiểm sát nhấn mạnh họ là một hệ thống cơ quan độc lập, và có vai trò quan trọng trong kiểm soát quyền lực nhà nước, trong đó có kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực tư pháp, và yêu cầu giữ nguyên quy định về Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao.
Nhiệm vụ của Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao là điều tra các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, các tội phạm về tham nhũng chức vụ trong hoạt động tư pháp, nhằm bảo vệ nền tư pháp, bảo vệ công lý, và phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp.
Đang có hai luồng ý kiến về đề xuất của Bộ Công an, một ủng hộ nên bỏ, và một ủng hộ cần giữ lại cơ quan điều tra Viện Kiểm sát.
Nếu theo phương án của Bộ Công an (đã được Chính phủ nhất trí), Bộ này sẽ tiếp nhận chức năng điều tra tố tụng từ cơ quan công tố.
Điều này đặt ra câu hỏi cơ quan nào sẽ thay Viện KSND Tối cao đóng vai trò đối trọng, giám sát và minh bạch trong quá trình điều tra tố tụng.
Đặc biệt, với vụ án liên quan đến tai nạn giao thông đang được bàn luận tại Vĩnh Long, nếu Viện KSND Tối cao không vào cuộc, liệu ngành công an có nhanh chóng lật lại hồ sơ vụ án?
Và khi bỏ đi một cơ quan điều tra, người dân sẽ gõ cánh cửa nào trên hành trình đi tìm công lý khi họ cho rằng có các sai phạm trong tố tụng, và phải dùng tới biện pháp cực đoan như người cha nạn nhân ở huyện Trà Ôn?