Miennaonuoithantoi3
Thanh niên Ngõ chợ
Xuất khẩu gạo VN trong năm 2025 sẽ lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua Thái Lan để đứng ở vị trí thứ 2 thế giới.
Đây là dự báo mới nhất từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và cũng là lo lắng của chính lãnh đạo Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA).Người Thái lo lắng về gạo Việt
Việc Thái Lan bị Mỹ áp thuế đối ứng 36% khiến trong thời gian qua, giá gạo xuất khẩu biến động mạnh. Mỹ là thị trường tiêu thụ gạo lớn thứ 3 của Thái Lan với 80% là gạo thơm chất lượng cao, chủ yếu là giống Jasmine. Ngay khi Mỹ hoãn áp thuế 90 ngày, giá gạo Thái Lan tăng mạnh do các doanh nghiệp tranh thủ đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ. Theo lãnh đạo TREA, trong thời gian qua, hơn 200.000 tấn gạo thơm được xuất khẩu thành công vào Mỹ. Điều này khiến giá gạo đạt đỉnh trong tuần đầu của tháng 5, cụ thể như gạo Hom Mali có giá lên đến 1.257 USD/tấn, còn Jasmine là 706 USD/tấn. Tuy nhiên, ngay tuần tiếp theo, giá gạo đã giảm 25 USD, còn 1.232 USD/tấn với gạo Hom Mali còn gạo Jasmine giảm 13 USD còn 693 USD/tấn. Các loại gạo khác cũng giảm tương ứng, cụ thể như gạo trắng từ 436 USD/tấn giảm 8 USD còn 428 USD/tấn.
Giá gạo VN đang tăng nhờ nhu cầu cao từ các thị trường truyền thống
Báo chí Thái Lan dẫn lời ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự của TREA, cho biết nếu Mỹ áp thuế 25%, giá xuất khẩu gạo thơm Jasmine có thể tăng vọt lên 1.250 USD/tấn và liệu người tiêu dùng Mỹ có chấp nhận mức giá này hay không vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Trong khi đó, nguy cơ Thái Lan mất thị phần vào tay Ấn Độ với nguồn cung dồi dào và giá cạnh tranh hơn là rất lớn. Chưa kể tại thị trường quan trọng nhất năm 2024 là Indonesia cũng đang bị nguồn cung từ Ấn Độ cạnh tranh quyết liệt. Điều này khiến sản lượng xuất khẩu trong quý 1 vừa qua của Thái Lan giảm đến 30%, chỉ còn 2,1 triệu tấn. Những yếu tố này làm ảnh hưởng đến mục tiêu xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo của Thái Lan trong năm nay và nhiều người lo lắng "vị thế nước xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới thời gian qua sẽ rơi vào tay VN".
Nhìn lại quý 1, dù gặp nhiều khó khăn nhưng VN vẫn xuất khẩu trên 2,3 triệu tấn gạo, tăng gần 6% về lượng dù kim ngạch giảm 15,5%, tương đương 1,2 tỉ USD. Trong tháng 4, VN xuất thêm 1,1 triệu tấn gạo để nâng tổng sản lượng lên 3,4 triệu tấn và kim ngạch 4 tháng là 1,75 tỉ USD.
Trước những diễn biến trên, trong báo cáo cập nhật về thị trường ngũ cốc tháng 5 USDA dự báo: Trong năm 2025, VN sẽ vượt qua Thái Lan trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Ấn Độ. Ước tính, VN sẽ đạt số lượng 7,9 triệu tấn so với 24,5 triệu tấn của Ấn Độ và 7,2 triệu tấn của Thái Lan. Xuất khẩu gạo của VN duy trì được sản lượng cao nhờ nhu cầu từ các thị trường truyền thống Philippines, Trung Quốc và các nước châu Phi. Đáng chú ý, Philippines tiếp tục là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới với số lượng cao kỷ lục là 5,4 triệu tấn. Những khách hàng truyền thống với gạo VN tại châu Phi như Bờ Biển Ngà nhập đến 1,9 triệu tấn còn Nigeria là 2,8 triệu tấn… trong khi Trung Quốc nhập khoảng 2,3 triệu tấn.
Vào thời điểm này, một vài nơi ở ĐBSCL xuống giống sớm đã bắt đầu thu hoạch vụ hè thu, sản lượng chưa nhiều nên thị trường khá trầm lắng. Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phước Thành IV (Vĩnh Long), cho biết: Hiện nay không có nguồn cung và vụ hè thu cũng mới chuẩn bị bắt đầu nên các doanh nghiệp ưu tiên hoàn thành các hợp đồng đã ký trước đó đi các thị trường truyền thống là Philippines và châu Phi. Các thị trường cao cấp như Mỹ cũng có sự tăng trưởng, đặc biệt là gạo ST25tiếp tục khan hiếm do vùng trồng hạn chế, sản lượng ít. Giá vốn tại kho và chưa bao bì đã là 25.000 - 27.000 đồng/kg. Hàng xuất đi Trung Quốc và các nước Trung Đông khoảng trên 1.200 USD/tấn.
Phía bên kia sông Hậu, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), cũng thông tin: Giá gạo đang nhích lên vì sản lượng gạo đông xuân giảm dần còn hè thu vẫn chưa tới. Gạo thơm chất lượng cao vẫn tiêu thụ tốt ở nhiều phân khúc thị trường như EU, Trung Đông, Trung Quốc, Úc, Mỹ…
Tại vựa gạo Tiền Giang, ông Nguyễn Vĩnh Trọng, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, dẫn chứng: So với đầu tháng này, hiện nhiều mặt hàng đang tăng giá. Đáng chú ý là gạo OM5451 tăng từ 10 - 15 USD lên 515 USD/tấn, còn ĐT8 tăng 15 USD lên 525 - 530 USD/tấn. Các mặt hàng này đang được xuất rất nhiều sang Philippines và châu Phi. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ gạo giống Nhật cũng cao, giá tăng 20 - 25 USD lên 690 - 695 USD/tấn. Trước đó, Trung Quốc tăng mua nếp để chuẩn bị phục vụ nhu cầu trong dịp tết Đoan Ngọ, nên giá cũng tăng. Nay đã cận ngày, lượng hàng chuẩn bị đã đủ nên thị trường nếp đã bình ổn trở lại. "Xu hướng thị trường hiện nay báo hiệu vụ hè thu giá lúa nội địa tương đối khả quan với bà con nông dân", ông Trọng lạc quan.
Indonesia giảm nhập có đáng lo?
Năm 2024, Indonesia là nước nhập khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới với 3,6 triệu tấn. Đầu năm nay, nước này tuyên bố có thể tự chủ về gạo nên ngưng nhập và thậm chí là lên kế hoạch xuất khẩu sang cả Malaysia. Theo ông Nguyễn Vĩnh Trọng, những năm qua, VN đã chủ động chuyển đổi sản xuất sang sản phẩm gạo thơm, chất lượng cao, nguồn hàng gạo trắng thông dụng không có nên nếu thật sự Indonesia không nhập thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất của VN. Ông Nguyễn Văn Thành cũng đồng tình VN không còn sản xuất phân khúc gạo thông dụng 390 - 400 USD/tấn nên về cơ bản chúng ta không bị ảnh hưởng. Phân khúc này chủ yếu là gạo trắng của Ấn Độ.Bà Phan Mai Hương, đồng sáng lập chuyên trang thông tin thị trường lúa gạo SS Rice News, đặt nghi vấn rằng thông tin do Indonesia đưa ra có tính khả thi không cao và cần theo dõi thêm.
Gạo Việt vào Nhật Bản tăng vọt
Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long - một trong những doanh nghiệp thành công xuất khẩu gạo vào thị trường Nhật Bản, cho biết: "Trong năm 2024, công ty đã xuất thành công vào thị trường Nhật Bản 5.000 tấn gạo với mức giá 1.000 USD/tấn. Do nhu cầu của Nhật Bản tăng vọt trong thời gian qua nên chỉ trong 4 tháng đầu năm nay công ty đã xuất tới 6.000 tấn và mục tiêu cả năm nay là 30.000 tấn". Tương tự, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), thông báo trong tháng 5 này sẽ đưa lô hàng "gạo phát thải thấp - low carbon" vào thị trường Nhật Bản.Hơn 1 năm qua, Nhật Bản lên cơn sốt gạo khiến giá tăng gấp đôi và chính phủ phải nhiều lần mở kho dự trữ quốc gia. Hiện tại, nước này đang nới lỏng chính sách nhập khẩu để bổ sung nguồn cung. Do vậy, việc xuất khẩu gạo mang thương hiệu "phát thải thấp - low carbon" là một bước thành công quan trọng của đề án "1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp".