Xây nhà to rồi khóa cửa, nhiều lao động tính đi làm nước ngoài cả đời

Gần 20 năm qua, hàng xóm của anh Phan Huy Thịnh, 53 tuổi, trú tại Thanh Hóa, chỉ biết anh đang đi nước ngoài làm việc, không nhớ cụ thể anh đã qua những nước nào, giờ ở nước nào.​

Cả đời "đi cày" xứ người

Một buổi tối giữa tháng 5, gia đình anh Thịnh đang chuẩn bị ăn tối thì nhận được cuộc gọi từ một người đồng nghiệp của chồng đang ở Singapore.

"Người ta báo anh Thịnh đi rồi. Lúc đang làm việc, một miếng kim loại văng vào người anh, mất máu nhiều quá nên không qua khỏi", vợ anh kể lại trong nước mắt.

Sau nhiều năm ở quê làm đủ nghề, từ thợ xây, thợ khai thác đá, làm ruộng, thợ đi rừng,... anh Thịnh được người quen giới thiệu về một đơn hàng hái cà chua ở Nga. Năm 2008, anh bắt đầu hành trình của một lao động xa xứ.

Ba năm sau khi làm việc ở Nga, anh tiếp tục tìm kiếm các đơn hàng đi làm việc ở nhiều nước khác nhau, từ Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, sang Nhật Bản, Angola, Hàn Quốc,... Thỉnh thoảng, hàng xóm sẽ thấy anh xuất hiện ở nhà một vài tháng, rồi lại nghe anh chào tạm biệt để "đi nước ngoài".

"Nếu không vì kinh tế thì chồng tôi cũng không cố sức mà đi nhiều như vậy. Ở nhà, mỗi ngày giỏi lắm cũng chỉ kiếm được vài trăm ngàn. Trong khi ba đứa con đang tuổi ăn tuổi học thì lấy đâu ra?", vợ anh than thở.

Xây nhà to rồi khóa cửa, nhiều lao động tính đi làm nước ngoài cả đời - 1

Nhiều người chọn ra nước ngoài làm việc cả đời (Ảnh minh họa: Nguyễn Sơn).

Những người dành cả cuộc đời để đi nước ngoài làm việc như anh Thịnh không hiếm.

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh Thái Bá Đức, 35 tuổi, ở Nghệ An làm nghề lái xe tải từ Bắc vào Nam. Thấy công việc vất vả, nguy hiểm, gia đình khuyên anh kiếm một đơn hàng nào đó để đi nước ngoài.

"Năm 2014, tôi bắt đầu đi Đài Loan. Ban đầu cứ nghĩ đi 3 năm là về. Nhưng khi có gia đình, con cái rồi, tôi lại muốn cố gắng thêm. Đến nay đã được hơn 10 năm bôn tẩu. Năm 2019 tôi lấy vợ, sau đó cả hai vợ chồng cùng sang Đài làm ăn, cuộc sống nhìn chung dư dả, thuận lợi hơn so với khi sống ở Việt Nam", anh Đức bộc bạch.

Năm 2023, vợ chồng anh Đức mua một mảnh đất rồi xây nhà ở thị trấn. Mọi công việc từ đi khảo sát, lên phương án xây nhà, theo dõi, giám sát quá trình thi công, đều do bố mẹ lo giúp. Đến khi ngôi nhà hoàn thành được một năm, anh mới lần đầu tiên đặt chân vào ngôi nhà 3 tầng khang trang đó.

"Xây nhà to vậy, tôi cũng không biết bao giờ mới có thể về đó ở hẳn. Bởi vì dù là công việc chân tay, làm ở nước ngoài vẫn gấp 3-4 lần khi làm ở Việt Nam. Trong khi đó, môi trường làm việc đề cao an toàn, không khí trong lành, đi lại thuận tiện, ra đường không có một tiếng còi xe.

Giờ Đài Loan còn cho phép lao động xin visa (thị thực) vĩnh viễn nữa, cơ hội được ở lại lâu dài rất cao", anh Đức nói.

Xây nhà to rồi khóa cửa, nhiều lao động tính đi làm nước ngoài cả đời - 2

Những cơ ngơi khang trang chủ yếu được xây dựng từ lượng kiều hối gửi về hàng năm (Ảnh: Nguyễn Tú).

Mức sống cao, cơ hội nghề nghiệp ổn định

Dù cuộc sống thuận tiện hơn, văn minh hơn và đồng lương cao gấp nhiều lần so với làm việc trong nước, nhiều lao động xa xứ vẫn chia sẻ mong muốn được trở về quê hương khi "cảm thấy đủ".

Nhưng định mức về sự đủ của mỗi người lại khác nhau, khiến cho thời gian kết thúc hợp đồng lao động của mỗi người dường như khó dừng lại trong vài ba năm. Mỗi 3 năm, anh Đức lại gia hạn thêm hợp đồng một lần, như một cách để gom cho sự đủ đầy trong cuộc sống của mình trọn vẹn hơn.

Đài Loan là một trong những thị trường hấp dẫn cho lao động Việt Nam, đặc biệt đây cũng được đánh giá là thị trường khá dễ tính. Trong năm 2024, Đài Loan tiếp nhận 62.282 lao động Việt Nam, đứng thứ hai sau Nhật Bản với 71.518 lao động. Đặc biệt, từ đầu năm nay, Đài Loan đã điều chỉnh mức lương cơ bản theo tháng tăng lên mức 28.590 Đài tệ một tháng, tương đương khoảng gần 25 triệu đồng, chưa tính các khoản làm thêm giờ.

Xây nhà to rồi khóa cửa, nhiều lao động tính đi làm nước ngoài cả đời - 3

Thu nhập cao, điều kiện sống tốt khiến nhiều người chùn chân trước quyết định trở về (Ảnh minh họa: Nguyễn Sơn).

Mức lương tăng lên, nhu cầu lao động vẫn luôn cao, kèm theo môi trường sống thoải mái, các chính sách để được gia hạn hợp đồng lao động không khó, khiến cho lao động chần chừ khi đứng trước lựa chọn trở về quê.

Điều tương tự cũng xảy ra ở Nhật Bản. Khi nước này vẫn luôn khát nguồn nhân lực ở nhiều ngành công nghiệp, nhiều lao động chọn ổn định cuộc sống lâu dài tại đây nếu có điều kiện.

Anh Phạm Quý, 32 tuổi, là một trong số hàng trăm nghìn lao động Việt Nam đang gắn bó với "giấc mơ" làm việc nước ngoài. Với 13 năm làm đầu bếp tại Nhật Bản, anh ví von cuộc sống xa xứ là "tiền nào của nấy".

Năm 2012, theo lời "rủ rê" của bạn bè, anh Quý quyết định sang Nhật.

"Thời điểm đó đồng yên cao, lương bên này gấp 10 lần ở Việt Nam. Làm đầu bếp ở Sài Gòn lương 5 triệu/tháng, qua Nhật thu về đều đặn 50 triệu", anh nhớ lại.

Anh Quý thừa nhận cuộc sống ở Nhật có nhiều ưu điểm mà Việt Nam không có.

"Mọi thứ, từ sinh hoạt, văn hóa, cách ứng xử đều tốt hơn Việt Nam gấp nhiều lần. Đường sá sạch sẽ, đồ ăn sạch sẽ", anh nói.

Sau 10 năm gắn bó với công việc cũ, anh Quý đang ấp ủ kế hoạch mở nhà hàng riêng trong năm nay. Anh cũng vừa làm hộ chiếu thời hạn 10 năm, với dự định sẽ làm việc, tích lũy vốn cho đến khi hết hạn hộ chiếu sẽ về quê an hưởng tuổi già.

Hiện nay, có gần 700.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Nội vụ), trong năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 158.588 người, đạt 126,9% kế hoạch năm.

Nhật Bản vẫn là thị trường hàng đầu tiếp nhận lao động Việt Nam, với 71.518 lao động. Tiếp đó là Đài Loan: 62.282 lao động, Hàn Quốc: 13.649 lao động, Trung Quốc: 2.335 lao động.

Việt Nam luôn nằm trong top các quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới. Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), lượng kiều hối về Việt Nam năm 2023 ước đạt 14 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2022. Một phần lớn trong số này đến từ người lao động đang làm việc ở nước ngoài.
 

Có thể bạn quan tâm

Top