NHÌN LẠI CUỘC XUNG ĐỘT
GIỮA VIỆT MINH VÀ PHẬT GIÁO HOÀ HẢO
Đỗ Kim Thêm

Lể tưởng niệm ngày Đức Thầy thọ nạn được tổ chức tại
tư gia của một tín đồ trong năm 2021.
Ảnh: GHPGHH Thuần túy.
Ngày 27/3/2022 các tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo (PGHH) trong nước lại âm thầm tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ thọ nạn tại Đốc Vàng (25/2/1947 Đinh Hợi - 25/2/2022 Nhâm Dần) để tưởng nhớ đến công lao dựng Đạo cứu Đời của Đức Thầy và cầu nguyện cho Đức Thầy “sớm trở lại để cứu độ chúng sinh”.
Lịch sử đấu tranh cách mạng của Việt Nam bằng bạo lực đã sang trang từ lâu, nhưng cho đến nay, mọi chủ trương hoà giải dân tộc và xoá bỏ hận thù của chính quyền đối với PGHH là thất bại mà lệnh cấm tổ chức lễ kỷ niệm ngày Đức Thầy “vắng mặt” là một thí dụ điển hình.
Hiện nay, hầu hết các tín đồ đều mang tấm lòng giữ Đạo chờ Thầy vẫn còn son sắt, nhưng cũng mong muốn sống yên lành và đóng góp tích cực cho đất nước thống nhất được ngày thêm phát triển.
Trái ngược với các ước vọng chân thành của tín đồ, sinh hoạt tín ngưỡng của Giáo hội, nhìn chung, còn bị nhiểu cấm đoán.
Cụ thể là sau ngày 30/4/1975, chính quyền cách mạng đã thành lập một Ban Đại diện PGHH mới với chương trình đạo sự mang nội dung hủy bỏ toàn diện: các cơ sở điều hành Giáo hội, các Ban Trị sự trung ương cho đến địa phương bị cấm hoạt động, đạo kỳ, danh xưng Tổ Đình và Thánh Địa bị cấm sử dụng, các tài sản của Giáo hội như đại học và bệnh viện bị tịch thu và một số nội dung Sấm Giảng được thay đổi.
Quan trọng nhất là hiện nay chính quyền không cho phép các tín đồ làm lễ tưởng niệm ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ bị ám hại tại Đốc Vàng và
Ban Tôn giáo chính phủ vẫn chưa bao giờ làm sáng tỏ sự việc, mà chỉ thông báo một cách né tránh là:
“Bối cảnh xã hội phức tạp của không khí chiến tranh thế giới lần thứ hai đã ảnh hưởng đến cá nhân ông Huỳnh Phú Sổ và ảnh hưởng đến sự phát triển của PGHH.”
Sự thật khác hẳn.
Trong bối cảnh này, nhu cầu tìm hiểu của những người hậu thế về những xung đột trong quá khứ là cần thiết hơn bao giờ hết, vì khi nhìn lại lịch sử đẩm máu này, không phải chỉ nhằm khơi động hận thù, mà chủ yếu là có thể học hỏi để tránh cảnh tái diễn những sai lầm trong quá khứ và tạo điều kiện khả thi cho việc hoà giải trong tương lai.
Trong chiều hướng này, bài viết sau đây không đem lại những khám phá mới lạ, mà đúc kết các diễn tiến của hai giai đoạn khác nhau, một là cuộc xung đột giữa Việt Minh và PGHH trong thời kỳ đấu tranh chống thực dân Pháp và hai là thảo luận về các hợp tác hiện nay giữa chính quyền và Giáo hội để hy vọng tìm ra một triển vọng mới.
Bối cảnh xung đột giữa Việt Minh và PGHH
Việt Minh và Hồ Chí Minh
Sau một thời gian dài mất tích đầy bí ẩn, Hồ Chí Minh từ Trung Hoa về Việt Nam vào ngày 28/1/1941 để lãnh đạo Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội (Việt Minh), một tổ chức quy tụ được hầu hết các người Việt đấu tranh mang chung khẩu hiệu là „Phản Pháp - Kháng Nhật - Liên Hoa - Độc Lập“. Lúc đó, không có dấu hiệu nào chứng tỏ Việt Minh là một tổ chức ngoại vi của Đảng ******** Đông Dương, sự thật này là một phát hiện dần dà về sau.
Dù Hồ Chí Minh là một tên tuổi vẫn còn xa lạ trong giới đấu tranh đương thời, nhưng tất cả đều có một nhận định chung, ông Hồ là một nhân vật có tầm vóc cho công cuộc cách mạng.
Bằng ngôn ngữ bình dị và cử chỉ thân thiện, ông Hồ gây thu hút dân chúng dễ dàng khi giải thích về khát vọng giành độc lập. Ông thể hiện tài năng lãnh đạo qua uy tín cá nhân, thu phục nhân tâm và huy động tài nguyên vật lực.
Thuận lợi cơ bản này giúp cho Việt Minh kết hợp được dễ dàng các trào lưu chống thực dân Pháp đang đô hộ Việt Nam cực kỳ tàn bạo. Một thực tế không gây tranh cải là, tại miền Bắc, ít nhất là trong giai đoạn đầu, Việt Minh không có đối thủ và ông Hồ chiếm được ưu thế lãnh đạo.
Nhưng tại miền Nam, tình hình ngược lại. Việt Minh, ngay từ đầu và cho đến cả về sau, không gây được thiện cảm trong quần chúng.
Nguyên nhân chính cho trở lực này là hai giáo phái Cao Đài và Hoà Hảo đang nắm ưu thế địa phương trong các sinh hoạt tự trị, có hằng triệu tín đồ trong hai trọng điểm kinh tế trù phú và biến thành hai tổ chức đấu tranh vũ trang tự vệ.
Đó là lý do tại sao Việt Minh không thể hoạt động tại miền Tây Nam Bộ, nơi có Huỳnh Phú Sổ đang lãnh đạo PGHH.
Phật Giáo Hoà Hảo và Hùynh Phú Sổ
Huỳnh Phú Sổ là tên của vị giáo chủ khai sáng đạo PGHH, sinh ngày 25 tháng 11 năm Kỷ Mùi, nhằm ngày 15 tháng Giêng năm 1920, tại làng Hoà Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc (nay là thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang). Sở dĩ có tên là PGHH vì đạo phát sinh tại làng Hoà Hảo, nơi ông ra đời.
Sau khi học xong chương trình tiểu học, ông phải nghĩ vì lý do sức khoẻ. Đến năm 18 tuổi, bỗng nhiên ông hết bệnh và thay đổi toàn diện từ thể xác và tinh thần. Ông trở nên khôi ngô tuấn tú và có một kiến thức uyên bác về Phật học và Hán học, hai tài năng nổi bật là xuất khẩu thành thơ và chữa bịnh.
Đến năm 19 tuổi, ông nổi danh khi trị được nhiều bệnh nan y với các phương thức trị liệu dân tộc thật đơn giản. Bằng những lời thơ đầy chân tình và dể hiểu như:
“Quyết dạy trần nên nói lời thường
Cho sanh chúng đời nay dễ biết”
hoặc
“Thuyền Bát Nhã ta cầm tay lái
Quyết đưa người khỏi bến sông mê”
ông khuyên mọi người nên học Phật và tu nhân.
Nhờ hai cách này mà ông thu hút được hằng triệu nông dân làm tín đồ và thanh thế ngày càng lan rộng khắp miền Tây.
Đến ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão nhằm ngày 4 tháng 7 năm 1939, ông thành lập đạo PGHH khi tuyên bố:
“Ta thừa vâng sắc lệnh Thế Tôn
Khắp hạ giới truyền khai đạo pháp”
Kể từ ngày này, với lòng tôn kính thiêng liêng, tất cả tín đồ gọi ông là Đức Thầy hay Đức Huỳnh Giáo chủ.
Về nội dung giáo lý, Đức Thầy khuyến khích dân chúng tu theo đạo Phật với các nội dung Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Thập Nhị Nhân Duyên và Tứ ân. Với việc đơn giản hoá giáo pháp cao siêu cho phù hợp với trình độ nông dân, Đức Thầy đã biến Phật giáo có được một nền tảng thuần tuý dân tộc Việt Nam, làm thành một cuộc cách mạng tôn giáo, văn hoá và xã hội.
Đức Thầy sáng tác được sáu tác phẩm bằng 3602 câu thơ, trên 200 bài thơ đối đáp và một số bài văn xuôi. Bằng các thi kệ bình dân, dễ học và dễ nhớ, Đức Thầy đã đưa ra nội dung chính là khuyên người đời tu niệm, kêu gọi lòng ái quốc, đấu tranh cách mạng và cải tạo xã hội.