Tình cờ có 2 thằng còm 2 vấn đề tưởng như không liên quan mà thật ra tao lại thấy liên quan.
Cái việc đọc sách biết nhiều và việc áp dụng được hay không là 2 câu chuyện khác nhau.
Thế nào là "chỉ cần biết những thứ cho bọn mày"? Thế nào là dở ông dở thằng? Thế không đọc sách thì ông nguyên con hay thằng nguyên con?
Nói vậy để thấy đọc sách là cần thiết, cần đến mức nào thì do người ta tự xác định, chứ đừng thấy người ta đọc mấy quyển triết học hay khoa học xã hội thì bỉ bôi, bảo "lắm chữ" mà không biết kiếm tiền. Ít chữ đi cũng chưa chắc đã kiếm được nhiều tiền hơn mà.
Nhu cầu cuộc sống rất đa dạng, có người thích món ăn ngon, có người thích mặc đẹp, có người thích du lịch, có người ham thể thao, có ông thích chơi chim, có bà mê đi chùa,... Chỉ có người hẹp hòi, gia trưởng mới luôn cho rằng mình đúng và muốn áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác.
Tao chưa kiếm được nhiều tiền, gọi là đủ ăn đủ mặc, thỉnh thoảng cả nhà đi chơi giải trí, nhưng tao cũng có những nhu cầu riêng mình, có những câu hỏi cho riêng mình.
Tao hay tự hỏi mình sống để làm gì, sống như thế nào, điều gì làm đúng, điều gì là nên làm, xã hội này nó vận hành như thế nào, giá trị nào tạo nên một xã hội bền vững,...
Và tự nhiên tao nhớ lại quyển tao đã đọc cách đây mười mấy năm, trong đó có đoạn nổi tiếng mà tao nghĩ rất nhiều thằng biết, nó giúp tao trả lời được câu hỏi nên sống như thế nào
"Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”
Với cá nhân thì tao chưa nghĩ đến sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài, nó vượt quá tầm của tao, nhưng tao thay đổi một chút, tao thấy nó đúng đến từng câu từng chữ, và tao cũng dạy con tao luôn điều này:
Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã cố gắng để luôn làm việc mà ta cho là đúng. Tao dạy con tao vậy đấy, sống thế nào để ngày mai mình thấy hôm qua mình không lãng phí thời gian, để không xấu hổ về việc mình đã làm là được.
Còn thế nào là đúng, thì xin mời đọc tiếp triết học, đạo đức học, khoa học xã hội,... dấn thân trải nghiệm thực tế nhiều vào. (đọc quyển Phải trái đúng sai của Sandel cũng rất hay đó).
Còn nếu không có nhu cầu đặt và trả lời những câu hỏi đó, không sao cả, kiếm tiền, chơi thể thao và đi du lịch, OK. (Tiện đây flex chút, tao cũng chơi cầu lông, chạy bộ (chạy một mình và chạy cùng cả nhà), và 1-2 tháng 1 lần phượt cùng gia đình, gần thôi, trong vòng bán kính vài trăm km).
Tao xem phim Âu, Mẽo cũng nhiều, và đôi lúc nó tình cờ giúp tao trả lời được 1 phần câu hỏi - tại sao xã hội nó văn minh, bền vững vậy, điều gì làm nên cốt lõi giá trị một con người? Và khi xem bộ phim dựa trên câu chuyện có thật Người hùng không súng, tao lại có được câu trả lời của mình: Đó là sự trung thực, mà trước hết là trung thực với chính mình. Và tao cũng luôn dạy 2 thằng con tao như vậy. Bác ái, yêu thương, chăm chỉ, khiêm tốn,... đều là đức tính tốt, nhưng đều không cần quá, điều quan trọng là luôn luôn phải trung thực, mà đầu tiên là trung thực với chính mình. Giả dối không bao giờ làm ta tốt lên, không bao giờ làm ta tiến bộ, không bao giờ giải quyết được vấn đề,...
Tại sao thằng Mẽo nó phát triển, một phần vì dân nó được giáo dục phải trái đúng sai từ nhỏ, tự nhận thức vấn đề và luôn tin tưởng vào điều mà mình cho là đúng. Luôn tin tưởng điều mình cho là đúng! Với cá nhân tao, câu nói của thằng diễn viên là cả một vấn đề triết học lớn. Đôi khi tao tự dằn vặt vì mình đã không dám sống với điều mà tao cho là đúng, tao đành bào chữa do mình không đủ tài nên phải sống theo xã hội vậy.
Mỗi người một suy nghĩ, một sở thích, nhưng tao nghĩ rằng đừng áp đặt - hãy để cho người ta sống hạnh phúc theo cách của họ, hơn là hạnh phúc theo cách của những người xung quanh - đó là tư tưởng trong cuốn Bàn về tự do của Stuart Mill.
Với cá nhân tao, nếu con người không đặt ra và trả lời câu hỏi sống là gì và sống như thế nào, thì sẽ có lúc có rất nhiều tiền, có rất nhiều sức khỏe, có địa vị con người vẫn sẽ chơi vơi.
Tao cảm thấy nể thằng thớt, thật sự có những quyển trong đây tao chưa đọc, và có những quyển đọc rồi mà tao mất quá nhiều thời gian, công sức vẫn không hiểu hết, như Bàn về tự do, Tinh thần pháp luật.
À, tao giới thiệu thêm cuốn sách của tác giả Việt nhé
@tusianman214 , cuốn Đức tự chủ của Hoàng Xuân Việt, rất mỏng, rất dễ hiểu, rất dễ thực hành, cuốn đó hồi trẻ đã giúp tao thay đổi rất nhiều. (Nếu ai thích ông này thì thêm cuốn Thuật nói chuyện hàng ngày nhé, cùng về giao tiếp nhưng nó khác hẳn cuốn Đắc nhân tâm, cuốn Đắc nhân tâm là cách ứng xử với người, còn cuốn của Hoàng Xuân Việt là cách sửa chính mình, tao cũng đánh giá cao cuốn này, nó cũng thay đổi tao khá nhiều).