Chị Tuyết Mai (quận Phú Nhuận, TP.HCM), có chuyến bay Vietjet VJ1380 khởi hành đi Quy Nhơn lúc 6h sáng 23-4, cho biết khi thấy tràn ngập hình ảnh người bị delay cả 8 - 10 tiếng ở sân bay khiến chị thấp thỏm cả đêm trước chuyến đi. May mắn là chuyến của chị không bị delay quá lâu.
Không phải ai cũng có được may mắn như chị Mai. Hành khách Thanh Hằng phản ảnh mình bị delay từ 16h đến 23h trên chuyến bay Vietjet, trong suốt thời gian đó không hề nhận được thông báo chính thức nào từ hãng.
Cứ mỗi hai tiếng, hãng lại báo hoãn thêm khiến hành khách liên tục chờ đợi trong mòn mỏi. Đến lúc lên được máy bay, lại tiếp tục trễ gần một tiếng do phải tìm và dỡ hành lý của những người bỏ bay.
Sau khi hạ cánh tại Tân Sơn Nhất lúc 1h30 sáng, hành khách tiếp tục chờ đợi gần một tiếng để nhận hành lý vì đồ bị chia thành nhiều đợt trên băng tải, mỗi đợt cách nhau... 30 phút.
"Tôi về đến nhà lúc gần 4h sáng, gần 12 tiếng sau giờ dự kiến. Mệt mỏi vô cùng nhưng tôi vẫn thấy mình còn may mắn vì nhiều người khác còn không được bay, bị hủy luôn chuyến" - chị Hằng bức xúc.
Việc hàng loạt chuyến bay đi và đến sân bay Tân Sơn Nhất bị delay, hủy chuyến bất thường đã lan ra như hiệu ứng domino trên toàn hệ thống hàng không nội địa. Tại nhiều sân bay khác, tình trạng trễ chuyến dây chuyền xảy ra, khi máy bay chưa quay đầu kịp.
Đặc biệt hành khách quốc tế nối chuyến cũng bị ảnh hưởng lịch trình, gây thiệt hại đáng kể về thời gian và chi phí cơ hội.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, một trong những nguyên nhân sự cố lần này là quy trình cung cấp dịch vụ mặt đất của Vietjet tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Từ ngày 19-4, Vietjet ngưng hợp tác với Công ty CP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) và chính thức tự vận hành toàn bộ hệ thống dịch vụ mặt đất tại Tân Sơn Nhất - bao gồm check-in, bốc xếp hành lý, vận chuyển hành khách... từ rạng sáng 20-4.