

Có thể tuyên dương sinh viên nhường chỗ ngồi cho cựu chiến binh thay vì tặng bằng khen
Theo chuyên gia, việc các sinh viên nhường chỗ ngồi cho các cựu chiến binh trong đại lễ 30-4 rất xứng đáng được tuyên dương với nhiều hình thức khác, thay vì tặng bằng khen của giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM.
Khen thưởng quá mức làm nhạt đi giá trị phần thưởng
Trong khi đó, theo TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo), việc Đại học Quốc gia TP.HCM trao bằng khen cho 6 sinh viên vì nhường chỗ ngồi cho cựu chiến binh trong dịp 30-4 đã khơi lên tranh luận về cách ghi nhận hành vi đạo đức.
Dù xuất phát từ thiện chí, việc này vô tình biến một hành động vốn được xem là chuẩn mực cơ bản thành điều "khác thường", khiến nhiều người băn khoăn: Liệu bằng khen - thường dành cho thành tích xuất sắc - có phải là cách khen phù hợp?
Trong bối cảnh xã hội, việc tử tế rất đáng trân trọng nhưng nếu được nâng tầm quá mức, vô hình trung phản ánh một thực tế đáng suy ngẫm: khi lòng tốt trở nên hiếm hoi, người ta dễ dùng khen thưởng để "bù đắp" thay vì khuyến khích sự tử tế là bản chất tự nhiên của con người.
Cách làm này có thể khiến sinh viên - những người được khen - có thể ngỡ ngàng vì khi nhường chỗ với các em là phản xạ tự nhiên của đa số sinh viên.
"Khi khen thưởng 6 em này, chắc hẳn Đại học Quốc gia TP.HCM muốn cho thấy bức tranh tương phản với vài sinh viên ứng xử không hay với hai cựu chiến binh.
Nhưng thay vì trao bằng khen, nhà trường có thể lựa chọn hình thức tuyên dương nhẹ nhàng (như cộng điểm rèn luyện) để vừa ghi nhận, vừa giữ nguyên ý nghĩa của lòng tốt.
Việc này cho thấy đôi khi khen thưởng quá mức không chỉ làm nhạt đi giá trị phần thưởng mà còn khiến việc làm tử tế bị hiểu lầm là "khác biệt", trong khi nó nên là điều bình thường trong một xã hội văn minh", ông Vinh nhận định.
----------------------
Nhà báo Phạm Hồng Phước - nguyên phó tổng biên tập tạp chí eChip - cho rằng với hành động "tốt đẹp nhưng bình thường" của 6 sinh viên, chỉ cần biểu dương trong trường lớp và ghi điểm đạo đức tốt là đẹp rồi.
"Các bạn sinh viên rõ ràng đã làm việc tốt, còn chuyện được khen thưởng như thế nào đâu phải là lỗi của các bạn ấy. Có khi nhà trường 'làm quá' lại khiến các bạn ấy 'mắc nghẹn'. Mà có khi bây giờ có bạn không dám ngó tới tấm bằng khen đó nữa.
Tôi nghĩ có thể nhà trường có ý muốn tạo một 'điểm nhấn đối trọng' với 'hành động xấu xí' của mấy bạn sinh viên khác khi bị che khuất tầm nhìn cũng trong sự kiện diễu binh, diễu hành. Nhưng hình như đang có sự lẫn lộn giữa việc khen thưởng với cách khen thưởng các sinh viên có nghĩa cử tốt đẹp đáng làm gương cho cộng đồng.
Nhà trường đã làm đúng, làm đúng tất nhiên là đáng khen, việc kịp thời biểu dương, khen thưởng sinh viên làm tốt. Vấn đề mà người ta đang lăn tăn chỉ là ở cách khen thưởng mà thôi", ông Phước nhận định.
Hiện nay, đang có nhiều ý kiến "đề nghị các sinh viên nên chủ động trả lại bằng khen" nhưng theo ông Phước, các sinh viên có nghĩa cử tốt đó rất đáng được khen thưởng. Vậy nên không thể có chuyện "quay xe" việc khen thưởng.
Cho dù phần thưởng có "bất thường" (so với bình thường) âu thì nó cũng là "bình thường" giữa lúc có những cái "bất thường" bị làm cho thành "bình thường".