Nêu thực tế hàng giả, hàng nhái bán tràn lan trên thị trường, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề về vai trò quản lý Nhà nước khi cả chợ Ninh Hiệp ở Gia Lâm bán hàng giả, hàng nhái.
Những thực trạng nhức nhối về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập trong phiên thảo luận tổ sáng 23/5 về kinh tế - xã hội.
Đủ ban chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương, tại sao vẫn có hàng giả?
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) cho biết gần đây dư luận rất quan tâm vấn đề gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Ảnh: Phạm Thắng).
Đại biểu ghi nhận Chính phủ đã quyết liệt, nhanh chóng mở đợt cao điểm tấn công hàng giả, song bà chia sẻ lo lắng khi xu hướng hàng giả ngày càng gia tăng và len lỏi khắp nơi, từ chợ truyền thống, sàn thương mại điện tử đến các nền tảng mạng xã hội.
"Chúng ta đã có Ban Chỉ đạo 389 được thành lập từ Trung ương đến địa phương với cơ cấu bộ ngành đầy đủ để phòng chống hàng giả, nhưng tình trạng này vẫn xảy ra, diễn biến phức tạp", bà Nguyệt nói và nhắc đến nhiều vụ hàng giả quy mô khủng gây tổn hại đến người tiêu dùng vừa bị cơ quan chức năng triệt phá.
Một điều khiến bà Nguyệt băn khoăn nữa, đó là việc không rõ trách nhiệm của các bộ, ngành nên không rõ ai là người phải chịu trách nhiệm trong vấn đề này, trong khi người dân vẫn phải chịu thiệt thòi vì không thể phân biệt đâu là hàng giả, hàng kém chất lượng.