bangtrucgioihien
Già trâu

Nagasaki ngày nay. Năm 1945, Mỹ đã thả một quả bom nguyên tử xuống thành phố này.
1. Nền kinh tế của Nhật Bản sau khi thua trận
Sau khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt, người Nhật và người Mỹ đã làm gì khiến cho nền kinh tế của Nhật Bản đã được phục hồi một cách nhanh chóng, các yếu tố nào đã ảnh hưởng tới sự xây dựng lại đất nước và các phạm vi nào đã đạt được những thành quả to lớn và vì sao?
Việc chiếm đóng của người Mỹ tại Nhật Bản nhất định là một yếu tố quan trọng trong việc xác định các chiều hướng cải tổ chính trị, kinh tế, xã hội… của Nhật Bản và ấn định tốc độ đổi thay. Các chương trình phục hưng của người Mỹ ngay từ lúc đầu đã có ý định biến nước Nhật thành một quốc gia theo tư bản và các chương trình đó thành công là do các khả năng và ý muốn của chính dân tộc Nhật Bản đối với các mục tiêu đó.
Bản chất của xã hội Nhật Bản, các nền móng dân chủ và tự do mà người dân Nhật đã cố gắng thiết lập từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 cũng đã là các yếu tố quan trọng đóng góp vào sự thành công. Người dân Nhật rất chuyên cần, ham tiết kiệm tối đa, có trình độ học vấn từ lâu được coi như ngang bằng với các dân tộc phương Tây, họ lại có các kỹ năng về tổ chức, đã học hỏi được từ cuối thế kỷ 19 các kiến thức kỹ thuật và có đủ kinh nghiệm về kinh doanh, sản xuất, thương mại, về tổ chức chính quyền cũng như về các định chế dân chủ. Hơn nữa, xã hội Nhật Bản còn có các truyền thống tốt đẹp về hợp tác giữa thương mại và chính quyền, giữa giới quản trị và giới lao động.
Sau khi thua trận năm 1945, người dân Nhật Bản đã bị kiệt quệ về vật chất và tinh thần, họ trở thành ngỡ ngàng, chấp nhận mọi nghịch cảnh và cùng quyết tâm xây dựng lại đất nước bằng tất cả công việc khó nhọc, gian khổ. Đây là xứ sở của các trận hỏa hoạn, cuồng phong và động đất xẩy ra thường xuyên, người dân Nhật đã quen với việc xây dựng lại sau các thiên tai đó.
Khi tiếng bom ngừng nổ, các thành phố tại Nhật Bản phần lớn chỉ gồm các tòa nhà đổ nát, cháy đen, các nhà máy, cơ xưởng bị phá hủy nặng nề. Người dân Nhật Bản đã dùng ngay những nguyên liệu vương vãi này để chắp nối lại, họ đã xử dụng những gì còn dùng được.
Người dân thành phố là những người phải chịu đựng nhiều đau khổ nhất. Khẩu phần của họ xuống tới mức độ 1,500 calori. Họ phải đi về nông thôn, dùng số tài sản còn sót lại để đổi thực phẩm cho gia đình. Tất cả các mảnh đất trống trong thành phố, bên lề đường, trên nền nhà đổ nát… đã được khai thác hết mức để trồng rau xanh hay những gì ăn được. Mọi người Nhật đều cố gắng chịu đựng để sống còn. Người Mỹ tuy đã vận chuyển tới đất Nhật các thực phẩm trợ giúp, nhưng các thứ đồ ăn này không hợp với khẩu vị của người dân Nhật, không thể thay thế cho gạo là thức ăn chính của họ. Đồng thời, nạn lạm phát cũng ảnh hưởng nặng nề tới những người có đồng lương cố định.
Bên ngoài xã hội là nạn chợ đen và tung hoành trên phạm vi này là các kẻ lưu manh, đầu cơ và rất đông người Triều Tiên. Sắc dân này đã bị cưỡng bách tới Nhật Bản để làm lao động tại các hầm mỏ, các nhà máy vì thanh niên Nhật Bản thời đó đã bị gọi nhập ngũ ra khỏi nước. Sau chiến tranh, 600 ngàn người Triều Tiên đã tình nguyện ở lại Nhật Bản, họ đã được chính quyền chiếm đóng Hoa Kỳ cho họ một thứ địa vị xã hội của những kẻ coi như “chiến thắng một nửa”. Nhiều người Triều Tiên đã rất căm thù người Nhật nên chính vào lúc này, họ đã coi thường luật pháp của đất nước Nhật.
Sự nghèo đói, sự dơ bẩn do chiến tranh mang lại và các tệ nạn xã hội do quân đội chiếm đóng Hoa Kỳ gây nên đã làm tổn thương tâm lý của người Nhật Bản, vì họ là một dân tộc tôn trọng luật pháp, đúng giờ và rất sạch sẽ. Vào thời gian này, người dân Nhật nào cũng phải sống nhờ vào chợ đen để có đủ thực phẩm sinh tồn. Họ rất đau khổ khi thấy các giá trị cổ truyền bị đảo lộn, khi thấy đất nước bị phá sản, không còn đủ sức lực để tự túc và còn bị căm hờn bởi các quốc gia trong vùng.
Người dân Nhật Bản vào thời gian này đã nhận chân được rằng các nhà quân sự Nhật đã nhầm lẫn một cách tai hại khiến cho Nhật Bản là nước đầu tiên bị tấn công bằng võ khí nguyên tử. Vì thế họ đã chống đối kịch liệt thứ võ khí này dù cho võ khí nguyên tử được dùng để bảo vệ Nhật Bản và họ cũng phản đối sự phát triển và thử nghiệm nguyên tử tại các quốc gia khác.
Sự thua trận cũng khiến cho người dân Nhật lúc ban đầu mất đi niềm tin tưởng vào đất nước. Lá cờ Mặt Trời ít khi được dùng tới cũng như bản quốc ca Nhật không được nghe thấy thường xuyên. Người dân Nhật cho rằng cần phải tránh xa một chế độ chuyên chế trong khi nền dân chủ và nền kinh tế thị trường phải là lý tưởng để đoàn kết dân tộc, xây dựng lại xứ sở.
Sự phục hưng kinh tế của nước Nhật cũng do nhiều yếu tố bên trong và bên ngoài. Khi chiếm đóng Nhật Bản, chính quyền quân sự Hoa Kỳ đã từng chủ trương xây dựng nước Nhật trở thành một quốc gia tự túc, tự cường và yêu chuộng hòa bình. Vì thế gánh nặng quân sự và vấn đề quốc phòng đã do quân đội Mỹ đảm trách. Đội Tự Vệ của Nhật Bản chỉ cần tới ngân khoản một phần trăm tổng sản lượng quốc gia, trong khi đối với các nước khác, tỉ lệ đó từ 3 tới 5 phần trăm hoặc 10 tới 20 phần trăm tại một số quốc gia đang võ trang.
Nhật Bản tuy bị tàn phá nặng nề nhưng vẫn là một quốc gia đã kỹ nghệ hóa, khác hẳn các nước đang phát triển và đang ở vào giai đoạn đầu của tiến trình kỹ nghệ hóa. Hiện tượng này cũng giống như nước Đức sau Thế Chiến Thứ Hai và người Nhật Bản vì thế chỉ cần tiếp tục nốt các bước tiến đã có sẵn và đã bị chiến tranh làm ngừng lại.
Mặt khác, Hoa Kỳ vào thời gian này sẵn lòng chia xẻ với Nhật Bản các kỹ thuật và nguồn tư bản để vực dậy quốc gia này. Các xưởng máy của Nhật Bản được trang bị các loại máy móc tối tân nhất và các kỹ thuật Tây phương phát triển vào lúc chiến tranh đã được du nhập vào Nhật Bản. Hàng ngàn bằng phát minh, bằng sáng chế được Hoa Kỳ cũng như các nước phương Tây cung cấp cho Nhật Bản với giá rẻ mạt, họ đâu có ngờ rằng người Nhật sau này sẽ lại trở nên những kẻ cạnh tranh ráo riết trên thị trường quốc tế.
Nhật Bản như vậy đã tiết kiệm được rất nhiều trong việc nghiên cứu và phương pháp khuếch trương, họ lại khéo léo bổ túc thêm vào đó các sáng kiến và óc mỹ thuật của riêng họ khiến cho các sản phẩm của họ vừa rẻ hơn, vừa hấp dẫn hơn những sản phẩm vay mượn ban đầu. Đồng thời, Hoa Kỳ lại mở rộng thị trường cho hàng hóa Nhật Bản tràn vào và còn khuyến khích các nước đồng minh cũng làm như vậy. Trong khi đó, người Nhật cũng nhận được các khoản tiền vay ngân hàng từ Hoa Kỳ để củng cố các ngành kỹ nghệ còn non trẻ của họ.
Một điều may mắn khác tới với Nhật Bản vào cuối thời kỳ đó là nguồn dầu lửa giá rất rẻ của Trung Đông. Nhờ các tầu dầu thật to lớn, dầu thô được chở tới Nhật Bản đã lấn át than đá và nguồn điện lực dựa vào than. Các nhà máy mới của Nhật Bản được đặt sát ngay tại bờ biển để khai thác tối đa nguồn dầu Trung Đông, lại làm giảm được phí tổn chuyên chở các sản phẩm nhập cảng cũng như xuất cảng. Những nhà máy mới này đã là những cơ sở sản xuất cạnh tranh rất có ưu thế so với các cơ xưởng cũ, đặt sâu trong đất liền của các nước phương Tây.

Tướng MacArthur và Nhật Hoàng Hirohito.
Việc tổ chức và điều hành bộ máy quân sự của Tướng MacArthur tại Nhật Bản cũng là một gương mẫu của một thứ chính quyền tập trung, vừa hữu hiệu, vừa độc tôn mà người Nhật Bản được chứng kiến lần đầu. Đây là một khuôn mẫu dùng cho việc hoạch định kinh tế trung ương nhờ đó người Nhật Bản có thể hướng dẫn nền kỹ nghệ và thương mại của họ bằng một sức mạnh rất lớn lao mà chính các quốc gia được gọi là có nền kinh tế chỉ huy cũng không làm nổi một cách hiệu quả như thế.
Chính phủ Nhật Bản đối với nền kinh tế của thời gian này đã hành động khôn ngoan qua nhiều biện pháp, như về thuế vụ, việc phân phối tín chỉ (credits) một cách hợp lý, kiểm soát nhập cảng các kỹ thuật cũng như nghiên cứu các thị trường nước ngoài. Nhờ các chính sách kinh tế khôn ngoan và sáng suốt, chính phủ Nhật Bản đã lèo lái nền kỹ nghệ và thương mại Nhật vào những phạm vi đang phát triển và lánh xa được các phạm vi đang suy thoái. Trong thập niên 1950, các phạm vi phát triển bao gồm các kỹ nghệ sắt thép, điện tử, đóng tầu, hóa chất và điện năng.
Cơ quan điều hành các chính sách kỹ nghệ và thương mại của Nhật Bản là Bộ Ngoại Thương và Kỹ Nghệ (the Ministry of International Trade and Industry = MITY) được thành lập năm 1949. Chính Bộ này và một số cơ quan khác đã điều hành và làm phát triển nền kinh tế một cách hữu hiệu nhờ biết cách kiểm soát số tư bản hiện có, đối phó với các rắc rối giấy tờ (red tape) trong cũng như ngoài nước, nghiên cứu các kỹ thuật tân tiến nhất của các nước ngoài để tìm cách khai thác một cách có lợi tại Nhật Bản, điều hành các cơ sở sản xuất chỉ có hai hay ba nguồn cạnh tranh khiến cho có đủ tính hữu hiệu cần thiết.
Người Nhật như vậy đã biết dùng các lợi ích của nền kinh tế chỉ huy từ chính phủ, của nền kinh tế vĩ mô (macroeconomy) trong khi vẫn khai thác triệt để nền kinh tế vi mô (microeconomy). Họ đã khéo léo phối hợp được sự tự do kinh doanh của chủ nghĩa tư bản cổ điển lẫn nền kinh tế chỉ huy của các nước Cộm Sản, đồng thời ở bên trong lại có các đặc thù về tổ chức, sản xuất, bảo vệ… khiến cho các người phương Tây cũng không thể hiểu nổi và chỉ có thể gọi nền kinh tế bí ẩn này bằng một danh từ chung là “Xí Nghiệp Nhật Bản” (Japan, Inc.), một thứ đại công ty bao la, dồn toàn lực vào việc khai thác triệt để hai nền kỹ thuật và thương mại.